Giọng trữ tình ấm áp

Một phần của tài liệu LUAN VAN_6 (Trang 76 - 82)

5. Cấu trúc luận văn

3.1. Người kể chuyện trong Quê nội và Tảng sáng

3.1.3.2. Giọng trữ tình ấm áp

Không chỉ sử dụng chất giọng hài hước hóm hỉnh để lôi cuốn các em, Võ Quảng còn sử dụng chất giọng thủ thỉ, trữ tình ấm áp để vỗ về, ôm ấp tâm hồn mỗi độc giả. Ông cứ nhẩn nha, bình thản mà kể và tả với nhịp điệu chậm rãi, thong thả.

75

Những trang miêu tả của Võ Quảng luôn khiến độc giả cảm thấy thích thú. Nó là điểm nhấn tạo nên chất giọng trữ tình trong truyện của ông. Miêu tả về bức tranh sinh hoạt nơi vạn chài Hòa Phước ta thấy nét gần gũi với quê hương của mỗi chúng ta. “Cả vạn có khoảng mười chiếc thuyền buồm. Mỗi thuyền buồm thường kèm theo một vài xuồng con” gợi cảnh sung túc hứa hẹn những ngày tháng no đủ, hạnh phúc của con người. Miêu tả khung cảnh về thiên nhiên thanh bình trong mỗi sớm mai làm cho tâm hồn người đọc thấy thư thái. Bình minh chào đón ngày mới bằng cảnh “bóng tối đã bắt đầu rời khỏi cây sung đầu làng, sao Mai trên trời đã bạc thếch. Một con chèo bẻo đứng trên nóc miếu bà Tằm đập cánh kêu mấy tiếng choèn choẹt”. Hoàng hôn buông xuống là lúc “một làn sương phủ nhẹ trên mặt sông”. Khi ấy, “Núi Cà Tang và núi Chúa mờ mờ xa. Một mảnh trăng rời rợi móc vào cành tre đung đưa theo gió nồm từ phía biển thổi tới” [54, tr.98]. Chỉ một cơn gió thổi qua cũng làm chất trữ tình nồng đượm quyện lấy từng từ, từng câu: “Ngọn gió từ phía sông ập vào vườn, rung những tàu lá chuối nghe lộp độp như mưa. Có tiếng gọi đò, tiếng vang xa như từ một thời xa xôi nào dội lại. Bên kia sông một ngọn lửa bật sáng” [54, tr. 106]. Buổi chiều thả trâu ăn ngoài bãi mới thật thư thái. Lũ trẻ con trong làng nằm ngửa nhìn lên trời. Khi ấy, nhiều chòm sao lưa thưa đã bắt đầu hiện ra, bọn trẻ kể cho nhau nghe sự tích các vì sao rồi thả hồn theo những vì tinh tú lấp lánh nơi xa xôi. Nhà văn đã vẽ ra cảnh một cuộc sống yên bình mà dù sống ở thời nào đi nữa, ai ai cũng khao khát. Những câu văn gợi tả, len lỏi thẳm sâu vào tâm hồn mỗi người. Hình ảnh con trâu Bĩnh thủng thẳng chở hai đứa trẻ về nhà làm bức tranh đời sống trong tác phẩm có phần nên thơ. Hình ảnh bình minh và hoàng hôn xuất hiện với tần suất khá nhiều trong truyện nhưng không hề tạo cảm giác nhàm chán cho người đọc vì cách miêu tả xuất sắc của nhà văn. Trang văn này tả cảnh chiều buông bằng những vì tinh tú lúc ẩn, lúc hiện chưa rõ như đêm về thì trang văn kia, cảnh

76

hoàng hôn lại là cảnh ráng chiều làm đỏ ối cả dòng Thu Bồn lại làm nao lòng bao lữ khách tha phương. Chiều bắt đầu xuống là khi “phía Tây của làng, cây sung như ngập trong lửa, bãi dâu dần sẫm lại và nhòa dần đi trong bóng tối”. Những câu văn ấm áp đưa chúng ta trở về quãng thời gian êm đẹp của tuổi thơ. Nó làm chính tôi nhớ đến những buổi tối muộn đi nhổ mạ ngoài đồng với mẹ. Những lần mẹ con tôi dậy sớm đi cắt lúa cho mát, những khi quê tôi vào vụ, những lần tôi cùng đám bạn lang thang thả diều dọc triền sông và đi bắt cào cào, châu chấu.

Thiên nhiên phổ rộng xuyên suốt trong hai tác phẩm. Miêu tả sự thất thường của tiết trời một ngày cuối hạ đầu thu hàng loạt những tính từ chỉ màu sắc và động từ chỉ hành động đã được nhà văn sử dụng: “Buổi sớm mù tan, nắng đã lóa nóng. Càng về trưa, nắng càng cô lại. Chim chích mệt mỏi núp trong ngàn lá lặng thing. Bọn chó Vện, chó Vàng thè lưỡi liếm nước nuốt ực ực. Trâu Bĩnh quay qua quay lại giục đi uống nước. Chị Ba đi làm về lấy nón xuống quạt, mặt đỏ gay” [54, tr. 149]. Những câu văn ngắn xen lẫn thủ pháp nhân hóa khiến cho người đọc cảm nhận được rất rõ thời tiết thật ngột ngạt, oi ả khiến cả người lẫn vật đều khó chịu. Khi lũ tràn về nhà văn đã sử dụng một loạt những cặp từ láy tượng hình xen lẫn tượng thanh khiến ta mường tượng sự dữ tợn của con lũ. Bắt đầu bằng hình ảnh da trời chợt “trở xám”, “mây chăng mù mịt”, thỉnh thoảng có lất phất vài hạt mưa. Kế đó, mưa nặng hạt dần rồi đổ “ào ào” như trút nước xuống mặt đất. Sông Thu Bồn bình thường nước xanh “leo lẻo” thì nay trở “đục ngầu”. Rác kết thành bè “trôi nhanh hơn ngựa tế”, nước lụt “chảy” vào hói, “trườn” lên các bãi dâu... Chỉ mới qua một hôm mà cả đất trời như đã đổi khác. Những hàng bã đậu đã “lút” đâu mất, ghe thuyền ngoài vạn “nhấp nhô” ngay cạnh miếu Bà Tằm. Nước bạc “trải mênh mông”, làng mạc nom “xa tít”, tiếng chèo đập nước cứ “bì bõm”, thuyền vớt củi từ ngoài sông trong khoang chất đầy củi mục, dân chài lưới kéo nhau đi

77

xúc cá. Thời tiết ấy ắt hẳn ai ai cũng đoán sẽ có bão to vì có cầu vồng mọc ở phía núi Cu Đê nhưng “không hiểu sao mưa lại tạnh dần” và đến chiều thì “trời hửng”. Lúc mặt trời lặn, đột ngột cỏ cây hoa lá nhuộm một màu vàng rực. Tất cả bật thành tiếng. Đàn chim sẻ chiêm chiếp, rộn lên. Bọn bồ chao kêu hót om sòm. Gà xôn xao nổi gáy. Vịt cạc cạc không biết mỏi miệng. Chỉ có nước là lặng im. Nước lặng im một lúc rồi lại róc rách để trút xuống. Kể về chuyện lên rừng đi xem gỗ, giọng điệu trữ tình lại một lần nữa đưa người đọc đến với khung cảnh thiên nhiên thắm sắc xanh của hoa lá và những tiếng huyên náo của chim muông nơi núi rừng. Đầu tiên là cảnh “một ngọn nước từ trên cao đổ xuống, bọt tung như hoa trắng”, tiếp đến là hình ảnh “một con chim lông màu đá, ngực vàng óng, nổi kêu: Rết ta ta! Rết ta ta!”. Một vài chim câu lưng màu xanh, cổ màu hồng, cất cánh nghe một tiếng “roặc”. Chợt có tiếng lao xao trên cành cây cao, một khuôn mặt tí tẹo với cặp mắt trong veo của một chú khỉ đang nhìn xuống” [54, tr. 204].

Ngoài những đoạn văn miêu tả thiên nhiên, làng xóm ở trên, chất trữ tình trong hai tác phẩm của Võ Quảng còn thể hiện ở những trang văn miêu tả niềm vui hân hoan của mọi người khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Suốt năm 1946 đều là mùa xuân. Mùa xuân này là mùa xuân của cách mạng. Mùa xuân của cuộc sống mới mà cách mạng đem đến cho nhân dân. Mùa bắt đầu cuộc đời mới thoát khỏi bao nhiêu năm nhân dân ta sống trong cảnh lầm than, cơ cực dưới ách thống trị thực dân phong kiến. Niềm vui của con người nhuốm màu lên vạn vật tới độ nhìn đâu cũng ra màu hạnh phúc. Năm ấy, mùa mía đường ngọt mà “chưa có năm nào mía ngọt bằng năm đó”; mùa tơ tằm cũng “chưa có năm nào mà sợi tơ mượt như vậy”; ngô nướng có một “vị ngọt khác thường”; “chưa năm nào sung chín lại ngọt đến thế!”. Những câu văn ngắn nhưng toát lên niềm vui hân hoan của lòng người. Ngay chính Cục đi dọc đường làng mà lòng cảm thấy xốn xang. Nghe tiếng chim hót cậu háo hức

78

cảm nhận. Nào là “tiếng bồ chao vang lừng, tiếng bồ các ấm áp”. Đặc biệt hơn là khi chiền chiện nổi hát, cậu tưởng như “có nghìn tiếng chuông ngân vang”. Lòng người vui đã vậy, cảnh vật cũng có sự “thay da đổi thịt”. Núi Cà Tang, núi Phước Tường “bỗng sáng quắc”. Sông Thu Bồn “hóa long lanh”. Bãi bói, bãi dâu “hóa xanh rì”. Cây sung đầu làng “càng óng mượt”. Cây cỏ dọc đường như “rung lên, reo vui, trò chuyện”. Con đường làng trước đây cứ mỗi ngày mỗi ngắn lại thì cho đến năm 1946 nó bỗng dưng “dài ra”, “thênh thang vô tận”. Một loạt các cụm tính từ, cụm động từ được nhà văn sử dụng để miêu tả sự đổi khác mạnh mẽ và toàn diện của cuộc sống. Cách mạng đã đem lại niềm vui to lớn, niềm hạnh phúc vô bờ, một cuộc đời tươi sáng cho nhân dân Hòa Phước nói riêng và cả dân tộc nói chung. Vì lẽ đó người kể chuyện xưng “tôi” coi “cả năm 1946 toàn là mùa xuân tươi đẹp” kể cũng phải.

Giọng văn trữ tình còn được Võ Quảng sử dụng mỗi khi viết về trâu Bĩnh nghĩa tình. Chú ta cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình Cục bao nhiêu năm và nuôi sống cả gia đình cậu. Cậu bé lớn lên như hôm nay là nhờ vú mẹ và “nhờ công lao khó nhọc” của nó. Cậu kể: “Nếu cộng những vết roi rớm máu quất vào sườn, vào chân nó thì con số có đến hàng chục vạn. Những lời mắng chửi, cho nó là con khỉ, con tinh, cần để đói cho xanh xương, có đến hàng triệu lời”, “cứ vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân trâu Bĩnh bị chửi mắng và đánh đập nhiều nhất”. Cũng may những lời chửi mắng tan ra rồi bay mất bởi “nếu đọng lại thì cả nước sông Thu Bồn cũng không rửa hết” [54, tr. 166]. Lời văn nhẹ nhàng mà đầy cảm động. Với gia đình Cục “Trâu Bĩnh có những đóng góp to lớn” nên từ lâu mọi người trong gia đình cậu xem nó như “một thành viên không thể tách ra được”. Khi thư cha viết về dặn bán trâu đi, Cục buồn lắm. Cục nhớ lại những ngày đầu khi trâu Bĩnh mới về nhà mình, chị Ba đã chăm sóc nó. “Nó với chị Ba cùng soi mình ở bến nước, cùng bước trên cát mịn, cùng hứng ngọn gió nồm, tình nghĩa sâu nặng lắm”, rồi “nó với

79

tôi cùng ngụp lặn trong nước sông. Nó bước trong trăng sao, tôi ngồi trên lưng hát véo von lúc chiều xuống”, “mẹ tôi yêu nó nhất nhà, chẳng ai muốn xa nó cả” [54, tr. 166-168]. Vì chiến tranh, vì nghèo đói rồi gia đình cậu cũng phải bán trâu đi nhưng là bán để người ta nuôi chứ không ngờ người ta lại đem ra “xẻ thịt”. Đây là những dòng hồi tưởng về một con vật đã từng gắn bó một thời với gia đình người kể chuyện. Mọi thứ đã qua, thế nhưng ta cảm nhận được trọn vẹn sự nuối tiếc, xót xa và thương cảm của nhân vật dành cho một con vật tình nghĩa.

Cùng với thiên nhiên, bức tranh sinh hoạt của con người cũng được tác giả chú ý miêu tả để tăng thêm chất trữ tình, đầm ấm trong những trang văn của mình. Ta bắt gặp cảnh sinh hoạt thường nhật nhưng rất đỗi yên bình nơi đây như cảnh chị Hai trở mình dậy sớm nhóm lửa, cảnh Hòa Phước bước vào vụ trồng dâu, nuôi tằm, cảnh “ông hàn nồi” trong một nhoắng đã biến những thỏi kim loại thành một chiếc nồi tròn trịa, mới coóng, đẹp mắt, cảnh người đưa đò tiễn khách qua sông. Đoạn văn miêu tả cảnh Cục tiễn Cù Lao ra Hội An “ăn học” bên bến Hòa Phước mới thực sự thấm chất trữ tình. Điệu hát chèo thuyền của chị Gái vang lên khắp mặt sông khi ấy “nghe như có cơn gió chiều thổi qua cánh đồng rồi vút bay cao”. Theo lời hát của chị Gái, hình ảnh một con sông giống như sông Thu Bồn từ ngang trời hiện lên. Đằng chân trời, có vô số cánh buồm như cánh bướm trắng chập chờn trong giấc mơ. Hai bên bờ trải rộng ngàn dâu xanh, lúc lấp lánh trong sương mai, lúc hắt hiu trong mưa thu gió thổi. Khi chị Gái vừa dứt câu hò thì “chợt một chiếc thuyền xuôi bên cạnh, vang lên giọng hò của một chị khác, réo rắt không kém”. Qua mỗi câu hò, điệu hát trong lao động như thế làm con người cảm thấy phấn chấn hơn, tinh thần được vực dậy sau những giờ phút lao động vất vả. Những lời văn thủ thỉ cuối cùng ở phần Quê nội khi Cục tiễn Cù Lao lên đường thật da diết. Cuộc chia ly trên bến sông này tuy là của hai đứa nhỏ “vô lo vô nghĩ” ấy

80

vậy mà gợi nỗi buồn man mác. Điệu hò đối đáp trên sông không biết có phải hữu duyên không mà nội dung thật hợp với những “lo lắng” của kẻ ở người đi giữa hai người bạn nhỏ. Câu hát bên thuyền bạn trách thuyền chị Gái sao vừa mới đến các phố phường đã nỡ quên bến cũ. Chị Gái thì trả lời là thuyền bạn chớ có lầm. Cảnh vật trên sông luôn luôn nhắc nhở. Khi thấy bãi dâu bạt ngàn của sáu châu Quảng Huế, khi thấy bãi ngô Giao Thủy trổ cờ, thấy khói của lò vôi Thanh Hà tỏa ra mù mịt, thấy lụa tơ của Thi Lai ống vàng phấp phới, khi nghe tiếng khung cửi Phú Bông rầm rập, nức mùi hương, về Hội An ăn bát cao lâu béo ngậy, tất cả đều nhắc nhở ta nhớ đến thuyền bạn. Ta đã hỏi ông trăng và ông trăng nói mối tình giữ thuyền bạn và thuyền ta chưa hề phai nhạt. Dẫu lòn bon ở nguồn sông Con hóa cay, khoai Trà Đỏa hóa đắng, cao lầu hóa cay, trầu cau hóa nhạt, cây mai vàng trổ bông tím, cây bầu, cây bí trổ hoa nâu núi Thạch Bích biến thành biển, cửa Đại Chiếm biến thành gò, bên tả bên hữu Hòn Quắp, Núi Chúa bị lấp xuống biến, dẫu tơ tằm bị đứt đoạn, lụa tơ bị đứt nát thì vẫn chẳng quên nhau. Nghe đến đây Cục thúc vào vai Cù Lao. Cậu bạn nhỏ đáp lời: “Nhất định không quên nhau đâu!” [54, tr. 436].

Chất giọng trữ tình ấm áp đã được Võ Quảng phát huy tối đa hiệu năng của nó trong truyện. Chất giọng ấy đã lột tả xuất sắc hiện thực cuộc sống diễn ra trên mảnh đất Hòa Phước những năm sau Cách mạng. Từ cảnh làng xóm thanh bình, cảnh sông nước Thu Bồn yên ả, cảnh rừng núi đại ngàn âm u mà oai linh bệ vệ, cảnh Cù Lao Chàm sóng nước mênh mông mà tình người nồng đượm đến cảnh sinh hoạt của những con người hiền hòa, tốt bụng và gan dạ nơi đây đều để lại những ấn tượng tốt đẹp cho độc giả mọi lứa tuổi.

Một phần của tài liệu LUAN VAN_6 (Trang 76 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)