Diễn biến cốt truyện trong Quê nội và Tảng sáng

Một phần của tài liệu LUAN VAN_6 (Trang 39 - 43)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong Quê nội và Tảng sáng

2.1.2. Diễn biến cốt truyện trong Quê nội và Tảng sáng

Có cốt truyện chỉ là những diễn biến bình thường, thầm lặng của đời sống, lại có cốt truyện đi sâu vào khai thác những xung đột xã hội để tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện. Trong Quê nội Tảng sáng, Võ Quảng sử dụng loại cốt truyện sự kiện theo trật tự thời gian tuyến tính nên diễn biến của cốt truyện được nhà văn tổ chức theo mô hình vận động của một câu chuyện hoàn chỉnh. Tác giả dựa trên những sự kiện để khai thác, miêu tả diễn biến tâm lí, tình cảm của nhân vật. Với kiểu kết cấu này, cốt truyện trở thành cái khung để qua đó nhân vật được bộc lộ tính cách rõ nét hơn.

Diễn biến cốt truyện bắt đầu bằng dòng hồi tưởng của cậu bé Cục về những ngày tháng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trên quê hương ở Quê nội: “Khi thức giấc, tôi cứ tưởng mình như vừa chợp mắt, tai tôi còn nghe tiếng hô tập tự vệ của chú Năm Mùi. Tôi nằm nhớ lại từng động tác luyện tập của đội tự vệ” [54, tr. 39]. Từ những hồi tưởng đó, nhân vật “tôi” dẫn dắt người đọc vào câu chuyện một cách đầy tự nhiên và nhẹ nhàng. Đó là khung cảnh sớm mai trên quê hương gắn liền với tiếng gà gáy rộn ràng thôn xóm. Đó là bức tranh sinh hoạt gia đình với hình ảnh chị Ba lúi húi dưới bếp nhóm lửa đun ấm nước pha chè. Bóng tối cứ loãng dần ra, sao Mai trên trời dần bạc thếch nhường chỗ cho ánh sáng của ngày mới bắt đầu. Tiếng hô tập thể dục và tập võ của đội tự vệ do anh Bốn Linh làm đội trưởng

38

văng vẳng vọng về từ sân đình. “Tôi rướn người nhỏm dậy bước ra chuồng trâu, mở dây mũi đưa con Bĩnh đi gặm cỏ ngoài bờ sông…” [54, tr. 42]. Các sự kiện tuần tự chảy trôi bằng một lối viết đơn giản. Sự kiện trước làm tiền đề cho sự kiện sau phát triển. Võ Quảng đã cân nhắc cẩn thận từng câu, từng chữ trong khi sáng tác với lối hành văn trong sáng. Cách dẫn truyện như thế vừa gần gũi lại vừa dễ hiểu đối với các bạn đọc nhỏ tuổi. Ở Tảng sáng, phần mở đầu lại là phần giới thiệu rất tự nhiên của cậu bé về người bạn cùng “chiến đấu” với mình mà “trước đây, có lần tôi kể cho các bạn nghe chuyện thằng Cù Lao” [54, tr. 223]. Đây chính là một cách dẫn truyện khéo léo của nhà văn khi bắt đầu tập hai của câu chuyện. Bằng lối dẫn dắt này, ông đã tóm lược rất nhanh sự kiện cơ bản cũng như tuyến nhân vật chính đã xây dựng trong phần truyện trước của mình. Đó là chi tiết kể về Cù Lao sinh ra và lớn lên ngoài hải đảo, sau Cách mạng tháng Tám thì được cha đưa về làng cũ là thôn Hòa Phước. Sự lạ ở chỗ, nó không sống từ bé nơi đây nhưng biết tường tận nhiều chuyện làm mọi người phải ngạc nhiên, đặc biệt là bọn trẻ chăn trâu trong làng. Nó biết chuyện Hòa Phước đánh nhau với thôn nào để giành đất? Trên nóc miếu Bà Tằm có chạm con gì? Giữa mông của ông Bảy Hóa có bị một vết sẹo, nguyên do vì sao? Trước lúc về làng, nó biết ông Bảy Hóa là thầy chùa, không râu, bà Hiến ở trong xóm chưa già, anh Bốn Linh, chú Năm Mùi là bọn con nít. Nay nó thấy ông Bảy Hóa có râu, bà Hiến da đã nhăn, anh Bốn Linh, chú Năm Mùi đã là cán bộ chỉ huy đội tự vệ. Kế đó tác giả để cho chính nhân vật “tôi” giới thiệu về mối quan hệ họ hàng với Cù Lao lấy đó là lý do “làm hai đứa đã thân lại càng thân nhau hơn” và tóm tắt chuyện Cù Lao theo anh Sáu ra ngoài Đà Nẵng để học tập như ngầm “nhắc” bạn đọc nhớ lại phần kết thúc của Quê nội để bắt nhịp với Tảng sáng được tốt hơn.

Diễn biến cốt truyện giữa hai tác phẩm này được ghép mạch với nhau bằng sự kiện quân Pháp trở lại tấn công Đà Nẵng, Cù Lao được trở về Hòa

39

Phước ở với anh Bốn Linh cùng Cục tham gia kháng chiến với những tình tiết đầy ly kỳ. Sự kiện Pháp quay lại là sự kiện trung tâm. Từ sự kiện này mà những sự kiện nhỏ hơn, có liên quan được triển khai như: Vì sao phải thành lập đội tự vệ? Vì sao Cục và Cù Lao phải đi học? Vì sao phải vừa chiến đấu lại vừa tăng gia sản xuất? Vì sao phải tản cư? Với ý thức viết truyện cho thiếu nhi nên Võ Quảng không vội vàng khi diễn đạt. Có lẽ ông sợ độc giả nhỏ tuổi của mình không nắm bắt kịp các tình huống, sự kiện của câu chuyện nên đã chú ý chau chuốt đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Ông từng tâm sự: “Khi viết tôi thường sửa đi sửa lại nhiều lần. Tôi quan niệm một sáng tác văn học không bao giờ có một cái gì gọi là hoàn thành. Và ở đối tượng thiếu nhi, một cái gì tốt, cũng như một cái gì xấu sẽ còn ghi trong tâm hồn các em mãi mãi cho đến khi khôn lớn. Cho nên mỗi chữ, mỗi câu tôi phải viết rất cẩn thận. Cũng may, những cố gắng đó lại làm tôi thấy vui” [54, tr. 33]. Hóa ra, chính sự vất vả cực nhọc của nghề đã kết thành niềm vui cho nhà văn từ đó giúp ông tạo nên những trang văn hay khiến độc giả có thể đọc đi đọc lại nhiều lần và đọc suốt đời.

Diễn biến cốt truyện diễn ra âm thầm như một mùi hương gây mê, có sức hấp dẫn và quyến rũ lạ lùng. Một nông thôn miền Trung tại thôn Hòa Phước, bên con sông Thu Bồn vào những ngày rất mới mẻ - như một buổi tảng sáng - sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Các nhân vật là những người nông dân bình thường vừa tự xây dựng chính quyền cách mạng vừa chuẩn bị chống giặc giữ làng. Đây là một sự chuyển mình toàn bộ, thay đổi toàn diện của chế độ xã hội mới, ngấm ngầm vào từng gia đình và từng con người từ già đến trẻ. Nó làm thay đổi hẳn những nếp sống thường ngày từ trước. Thay đổi một nếp sống là hết sức phức tạp cho nên trong từng con người thường có những đột biến không thường. Họ làm việc hơi quá mình một chút. Suốt ngày họ lo đến công việc xã hội hơn là công việc nhà mình.

40

Nông thôn sôi động như một gia đình vừa thức giấc. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới đi luyện tập quân sự. Trong tác phẩm, những người như Cục, Cù Lao, bà Hiến, ông Hai Dĩ, thầy Lê Hảo, chị Ba, anh Bốn Linh… là những con người thật đáng yêu. Mỗi người đều mang một cá tính riêng nhưng lại giống nhau ở sự tích cực làm việc xã hội.

Diễn biến cốt truyện đôi khi còn được chêm xen những sự kiện mang màu sắc kỳ ảo, hoang đường để khơi gợi sự tò mò, muốn khám phá những “bí ẩn” của tâm lý trẻ thơ. Đó là tình tiết về sự hình thành của sông Thu Bồn, của làng Hòa Phước, của miếu Bà Tằm, của chòm Đa Lý. Theo đó, thuở khai thiên lập địa, trời đất còn hỗn mang và sông Thu Bồn chưa có, tất cả nguồn nước không chảy về phía đông mà cứ loanh quanh chảy về phía tây. Hồi đó có một vị thần trên non cao tên là Thượng Ngàn phải chẻ núi, vạch nguồn mới có được sông Thu Bồn như ngày nay. Dân cư trên sông Thu Bồn ngày một đông đúc, số người đẻ ra thì nhiều mà số người chết đi cũng không ít đã làm nảy sinh trận chiến sinh tử giữa Diêm Vương và thần Thượng Ngàn nhờ đó mà làng Hòa Phước được lập ra. Chòm Đa Lý chuyên để giam giữ ma quỷ cứng đầu cứng cổ, miếu Bà Tằm lập ra là để nhớ ơn bà Tây Lăng đã dạy cho nhân dân Hòa Phước nghề nuôi tằm dệt vải… Cái khéo của Võ Quảng trong quá trình tổ chức diễn biến cốt truyện chính là ông đã đan cài các sự kiện rất ăn khớp với nhau giúp độc giả đọc đến đâu hiểu đến đó. Các sự kiện được xây dựng không lắt léo, kịch tính tới mức căng thẳng như truyện của Nguyễn Công Hoan cũng không thâm trầm, giàu chất thơ như Thạch Lam, diễn biến cốt truyện trong hai tác phẩm này mang đến những khám phá sâu sắc, tỉ mỉ, sinh động, giàu hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt của con người Hòa Phước.

Nghệ thuật tổ chức diễn biến cốt truyện của Võ Quảng có sự linh hoạt, đan xen giữa truyền thống và hiện đại, có sự tiếp nối giữa giá trị cũ và lĩnh hội thêm nét mới trong nghệ thuật tự sự hiện đại tạo nên một sắc thái riêng trong

41

phong cách sáng tác của nhà văn. Có lẽ đó là một trong những lí do khiến sáng tác của Võ Quảng luôn đón nhận được những tình cảm đặc biệt từ đọc giả ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thiếu nhi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Một phần của tài liệu LUAN VAN_6 (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)