Tổng quan các nghiên cứu về kiểm soát nội bộ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kiểm soát nội bộ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Trang 28 - 31)

Cho đến nay, đã có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu kiểm soát nội bộ trên những khía cạnh và lĩnh vực khác nhau. Luận văn đã tổng quan các công trình nghiên cứu và rút ra kết luận.

Thứ nhất, trên thế giới, các lý luận về KSNB đã phát triển tập trung làm rõ các khái niệm về KSNB, vai trò của KSNB trong doanh nghiệp, các tiêu chí và công cụ để đánh giá KSNB, các bộ phận cấu thành của KSNB. Năm 1929, khái niệm về KSNB và công nhận vai trò của KSNB trong doanh nghiệp được đưa ra trong các văn bản hướng dẫn của các tổ chức nghề nghiệp và quản lý công bố của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Năm 1934, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ vận dụng khái niệm về KSNB để soạn thảo pháp luật về giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ, trong đó có nêu vai trò của kiểm soát nội bộ đối với việc bảo đảm các mục tiêu cơ bản như: quy định các tiêu chuẩn về cung cấp thông tin và mô hình các hành vi, qua đó tổ chức phát hành phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng, phản ánh hoạt động kinh doanh, rủi ro, lợi nhuận của dự án đầu tư mới hay các hoạt động đang diễn ra.

Năm 1977, lần đầu tiên khái niệm về KSNB xuất hiện trong một văn bản pháp luật của Hạ viện Hoa Kỳ, được đúc rút từ sau vụ bê bối với các khoản thanh toán bất hợp pháp cho chính phủ nước ngoài. Đến thập niên 80 (1980-1988), với sự sụp đổ hàng loạt các công ty cổ phần tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp buộc phải quan tâm đến KSNB và ban hành nhiều quy định hướng dẫn như: Quy định về các quy tắc đạo đức, kiểm soát và làm rõ chức năng của KSNB; Quy định về phòng chống gian lận báo cáo tài chính.

Như vậy, từ trước năm 1929 đến năm 1992, lý luận về KSNB không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên KSNB vẫn chỉ dừng lại là một phương tiện phục vụ cho các kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Nhiều quan điểm

không đồng nhất về KSNB, do đó dẫn đến yêu cầu phải hình thành một hệ thống lý luận có tính chuẩn mực về KSNB.

Đến năm 1992, các công ty ở Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, kèm theo đó là tình trạng gian lận, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Bởi vậy, nhiều uỷ ban ra đời để tìm cách khắc phục và ngăn chặn các gian lận, hỗ trợ phát triển kinh tế trong đó có Uỷ ban COSO (Committee Of Sponsoring Organizations) đã đưa ra khuôn mẫu lý thuyết chuẩn cho kiểm soát nội bộ. Điểm mới của báo cáo là đã đưa ra được các bộ phận cấu thành của KSNB (môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát), các tiêu chí cụ thể để đánh giá KSNB cho mục tiêu báo cáo thông tin tài chính, đưa ra được các công cụ đánh giá KSNB, KSNB không còn chỉ là một vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính mà còn mở rộng ra các lĩnh vực hoạt động và tuân thủ. Báo cáo COSO được đổi mới năm 2013 với nhiều lý thuyết nghiên cứu mới phù hợp với tình hình tài chính kinh tế giai đoạn gần đây.

Thứ hai, tại Việt Nam, Theo chuẩn mực VSA số 315 “Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị kiểm toán và môi trường của đơn vị” ban hành theo thông tư 214/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 thì KSNB được định nghĩa là quy trình do Ban quản trị, BGĐ và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo ra một sự đảm bảo hợp lý và khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan.

Thứ ba, nghiên cứu ứng dụng KSNB trong một đơn vị cụ thể ở các ngành, các lĩnh vực cũng được nhiều tác giả quan tâm ở các luận văn thạc sĩ. Kết quả nghiên cứu của các luận văn đều hệ thống hóa được các nguyên lý chung về hệ KSNB, tuy nhiên chưa có tác giả nào bổ sung cho lý luận mới về KSNB, đưa ra được tiêu chí để đo lường và đánh giá KSNB hoạt động đạt hiệu quả như mong muốn và phân tích được mối quan hệ giữa nhân tố tác động đến việc thiết kế và vận hành của KSNB. Điểm riêng của các nghiên cứu này là quá trình phân tích và đánh giá thực trạng KSNB của đơn vị cụ thể để đưa ra giải pháp hoàn thiện KSNB. Có thể kể đến

các luận văn thạc sĩ:

Về các doanh nghiệp có các tác giả nghiên cứu: Tác giả Nguyễn Thị Hoàng Oanh (2015) về “Hoàn thiện hệ thống KSNB tại Công ty Cổ phần dược phẩm EUVIPHARM”. Các công ty hoạt động dưới sự góp vốn của các thành viên, cổ đông nên sự xung đột về lợi ích là tất yếu. Do vậy cần phải thiết kế KSNB đủ mạnh và minh bạch để đảm bảo tổ chức hoạt động hiệu quả, sử dụng tối ưu các nguồn lực và đạt được mục tiêu đề ra. Các nghiên cứu này mới chỉ đánh giá được thực trạng KSNB của từng quá trình như tiêu thụ, chi phí sản xuất và tính giá thành hay hoạt động tài chính trong doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện mà chưa đánh giá và hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Một số luận văn nghiên cứu KSNB trong các công ty vừa và nhỏ nên việc hình thành KSNB còn chưa rõ nét.

Tác giả Nguyễn Thu Hoài (2015) về “Hoàn thiện hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam”, Điểm mới của đề tài này đã đề cập tới KSNB trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, đề tài cũng nêu ra được đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty xi măng, từ đó đánh giá được thực trạng và đưa ra giải pháp hoàn thiện (ứng dụng ERP, hệ thống đánh giá rủi ro, môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán, thủ tục kiểm soát). Đề tài chỉ nghiên cứu những vấn đề thuộc hệ thống KSNB của các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam. Khi đánh giá thực trạng mới chỉ ra được những hạn chế của kiểm soát trên quan điểm định tính, chưa đánh giá được KSNB trên quan điểm định lượng để đề xuất các biện pháp hoàn thiện.

Thứ tư, tổ chức hoạt động kinh doanh dưới mô hình Tổng công ty còn là vấn đề cần phân tích và hoàn thiện, trong quá trình hoạt động còn bộc lộ khá nhiều mặt hạn chế. Trong thời gian qua có các tác giả nghiên cứu về hoạt động kinh doanh mô hình hoạt động Tổng công ty nhưng trên những khía cạnh khác nhau.

Như vậy, theo hiểu biết của tôi chưa có một nghiên cứu nào về kiểm soát nội bộ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV. Vì lý do đó Luận văn tập trung vào nghiên cứu lý luận về KSNB trong các đơn vị hoạt động theo mô hình Tổng công ty, thực trạng KSNB bộ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV. Từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện KSNB cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kiểm soát nội bộ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w