Khái quát chung về Tổng công ty

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kiểm soát nội bộ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Trang 44 - 46)

2.2.1.1. Khái niệm và vai trò của Tổng công ty

Lịch sử ra đời và phát triển của các tổng công ty gắn liền với quá trình phát triển của các doanh nghiệp đơn lẻ sáp nhập để tích tụ và cạnh tranh, từ đó có thể giảm chi phí và ổn định đầu vào. Các công ty tiến hành tổ chức các bộ phận dưới dạng chi nhánh hay công ty con, việc quản lý theo chuỗi kinh tế được hình thành. Mỗi một doanh nghiệp chỉ là một mắt xích trong toàn bộ hệ thống từ khâu đầu vào, sao cho chi phí giao dịch nội bộ là tối thiểu. Sự hình thành và phát triển của Tổng công ty dựa vào các tiền đề kinh tế nhất định và gắn liền với sự phát triển của các ràng buộc về tài chính, quyền sở hữu, nghĩa vụ. Mặt khác nó còn dựa vào nền tảng liên kết và chuyên môn hóa. Cho đến nay nhận diện về Tổng công ty hiện nay rất đa dạng. Tổng công ty ở nhiều nước khác nhau gắn với tên gọi khác nhau. Nhiều nước gọi là group hay business group; ở Ấn độ dùng thuật ngữ business house; ở Nhật bản trước chiến tranh thế giới thứ hai gọi là zaibatsu và sau chiến tranh thế giới thứ hai gọi là keiretsu; ở Trung quốc gọi là Tổng công ty...Tùy theo điều kiện thời gian và trình độ phát triển, mục tiêu quản lý của mỗi quốc gia, người ta có nhiều quan điểm khác nhau về Tổng công ty.

Theo cuốn Từ điển Longman Businness English xuất bản năm 2007 “Tổng công ty là một tổ hợp các công ty độc lập về mặt pháp lý nhưng tạo thành một Tổng công ty gồm một Tổng công ty và một hay nhiều công ty hay chi nhánh góp vốn cổ phần chịu sự kiểm soát của Tổng công ty”.

Ở Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp 2020: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.”

Từ các khái niệm trên đây, theo quan điểm của tác giả có thể đưa ra một khái niệm về Tổng công ty như sau: Tổng công ty là một tập hợp các chủ thể kinh tế trong đó có công ty mẹ, công ty con và các doanh nghiệp (đơn vị) thành viên có tư cách pháp nhân, có mối quan hệ sở hữu hoặc liên kết gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác và chiến lược kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hoá lợi ích.

Sự ra đời và phát triển của các Tổng công ty là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường, vai trò của các Tổng công ty là rất lớn được thể hiện:

- Tổng công ty cho phép huy động được các nguồn lực vật chất, lao động và vốn trong xã hội vào quá trình hoạt động kinh doanh, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau, phát huy được lợi thế của kinh tế có quy mô lớn, khai thác triệt để thương hiệu, hệ thống dịch vụ, tăng cường sức mạnh kinh tế và khả năng cạnh tranh của từng thành viên ra bên ngoài

- Khắc phục khả năng hạn chế vốn của công ty cá biệt, liên kết tập trung vốn vào những dự án có hiệu quả tạo ra sức mạnh quyết định cho phát triển Tổng công ty. Tăng tốc độ huy động vốn thông qua sự chuyển dịch vốn nhanh giữa Tổng công ty và các công ty thành viên, giữa các công ty thành viên với nhau. Sự chuyển dịch này hạn chế tình trạng thừa, thiếu vốn cục bộ, vốn của đơn vị thành viên luôn sử dụng ở những nơi hiệu quả nhất

- Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh, chuyển giao công nghệ với chi phí thấp nhất, hỗ trợ thông tin cho các công ty thành viên. Hoạt động này cần rất nhiều vốn, con người, cơ sở vật chất mà mỗi đơn vị thành viên riêng rẽ khó có khả năng huy động được

- Những thông tin và kinh nghiệm sẽ được truyền tải rộng rãi trong Tổng công ty, tạo cơ hội cho những thành viên học hỏi, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra, đây là thế mạnh khi liên kết thành Tổng công ty.

Ở Việt Nam, đã từ rất lâu vào những năm 70 và đầu những năm 80, ý tưởng thành lập Tổng công ty đã bắt đầu xuất hiện bằng việc thành lập các liên hiệp xí nghiệp, tổng công ty Nhà nước. Qua quá trình phát triển đã có những thành công và

cả những thất bại từ đó Nhà nước đã có được những bài học đáng quý. Để có được những Tổng công ty vững mạnh như mục tiêu kỳ vọng thì cần phải có sự phối hợp, chủ động giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện môi trường, điều kiện, tác động thúc đẩy quá trình hình thành. Về phía doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực nội tại, hoàn thiện cấu trúc để trở thành những tổ hợp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao và là trụ cột của nền kinh tế.

Từ những đặc điểm trên, Tổng công ty là một hình thức liên kết của nhiều công ty, hoạt động trong một ngành hay nhiều ngành khác nhau, trong một nước hay nhiều nước để tiến hành quá trình hoạt động kinh doanh thông qua sự điều hành chung. Đây là một tổ chức vừa có chức năng kinh doanh vừa có chức năng liên kết kinh tế nhằm tăng cường tích tụ, tập trung tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận. Tổng công ty không có tư cách pháp nhân mà chỉ có các thành viên trong Tổng công ty mới có tư cách pháp nhân (Điều 188, Luật Doanh nghiệp 2014).

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kiểm soát nội bộ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w