Quản lý chi phí sản xuất

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung Ương I (Trang 73 - 75)

Công ty cổ phần Dược phẩm Trung Ương I có hai loại hình sản xuất kinh doanh là sản xuất chính và sản xuất phụ. Các phân xưởng sản xuất chính trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm dược phẩm để tiêu thụ trên thị trường, còn phân xưởng sản xuất phụ (phân xưởng cơ điện) sản xuất ra các sản phẩm lao vụ cung cấp lẫn nhau và cung cấp trực tiếp cho các PX sản xuất chính mà không qua nhập kho. Sau khi đã cung cấp đủ cho nhu cầu của công ty, SP lao vụ của sản xuất phụ có thể được bán ra bên ngoài. Chính do đặc điểm sản xuất kinh doanh đó mà CPSX của công ty được phân loại như sau:

-Chi phí sản xuất chính: bao gồm chi phí NVL chính, NVL phụ, bao bì, chi phí về tiền lương và các khoản trích theo lương của công nhân sản xuất tại các phân xưởng sản xuất chính.

-Chi phí sản xuất phụ: bao gồm các chi phí về NVL, CCDC, chi phí về tiền lương và các khoản trích theo lương của công nhân sản xuất tại các phân xưởng sản xuất phụ, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác bằng tiền phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

-Chi phí sản xuất chung: bao gồm các chi phí về tiền lương và các khoản trích theo lương của CBCNV phục vụ tại các phân xưởng sản xuất chính, chi phí khấu hao TSCĐ, sửa chữa máy móc thiết bị ở các phân xưởng sản xuất chính, chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác phục vụ cho việc quản lý sản xuất ở các phân xưởng sản xuất chính.

Chi phí sản xuất tại Công ty bao gồm toàn bộ những hao phí vật chất phát sinh tại 5 phân xưởng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tính giá thành, đồng thời để thấy được tình hình quản lý chi phí theo khoản mục và theo địa điểm phát sinh chi phí khác nhau, CPSX tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung Ương I được phân loại theo nội dung kinh tế, gồm các yếu tố:

- Nguyên vật liệu: gồm các loại hóa chất, dược liệu như: amoxycillin, lactoza, bột vitamin B1, B6, bột sắn,…. sau quá trình chế biến sẽ cấu thành cơ sở vật chất chủ yếu của sản phẩm.

- Nhiên liệu, động lực: gồm nhiều loại khác nhau như: than đá, xăng, dầu,… được cung cấp cho các phân xưởng để sản xuất.

- Tiền lương, thưởng, phụ cấp: gồm lương chính, lương phụ, thưởng và các khoản phụ cấp có tính chất lương.

- Khấu hao TSCĐ: là biểu hiện bằng tiền phần giá trị hao mòn của TSCĐ của Công ty sử dụng cho mục đích sản xuất trong kỳ.

- Chi phí sản xuất phụ: gồm toàn bộ các chi phí phát sinh ở phân xưởng cơ điện nhằm phục vụ hoạt động sản xuất của các phân xưởng sản xuất chính.

- CP khác bằng tiền: bao gồm toàn bộ chi phí bằng tiền khác chưa được phản ánh ở các yếu tố trên như tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại…

Tương ứng với 6 loại chi phí sản xuất trên, để đáp ứng yêu cầu quản lý đồng thời phục vụ cho yêu cầu tập hợp và tính giá thành sản phẩm, CPSX tại các phân xưởng của Công ty được chia thành ba khoản mục tương ứng với các khoản mục trong GTSP như sau:

- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: bao gồm NVL chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, bao bì xuất dùng trực tiếp để sản xuất sản phẩm.

- Chi phí nhân công trực tiếp: là những khoản tiền phải trả cho nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm, bao gồm: tiền lương tính theo sản phẩm, lương cơ bản, các chế độ BHXH.

- Chi phí sản xuất chung: là toàn bộ những chi phí phát sinh tại phân xưởng, gồm chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí sản xuất phục vụ và các chi phí bằng tiền khác.

Tại phân xưởng phụ cơ điện, mọi chi phí đều được tập hợp vào các khoản mục chi phí sản xuất phụ. Sau đó, cuối mỗi tháng CPSX của hoạt động sản xuất phụ sẽ được phân bổ vào CPSX chung tại các phân xưởng sản xuất chính theo các tiêu thức phân bổ.

3.1.6. Tổ chức bộ máy kế toán và chính sách kế toán của Công ty cổ phầnDược phẩm Trung Ương I

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung Ương I (Trang 73 - 75)