Đánh giá chung thực trạng vị thế của Việt Nam Đồng

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao vị thế của việt nam đồng (VND) trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 89 - 92)

- Chuyển đổi toàn phần

2.2.2. Đánh giá chung thực trạng vị thế của Việt Nam Đồng

Qua việc xem xét tình trạng đô la hóa và tính chuyển đổi của Việt Nam Đồng qua các thời kỳ có thể rút ra một số kết luận về vị thế của Việt Nam Đồng như sau:

- Thứ nhất là, vị thế của Việt Nam Đồng ngày càng được nâng cao, biểu hiện ở cả hai khía cạnh là vị thế đối nội và vị thế đối ngoại.

Tình trạng đô la hóa ngày càng được kiểm soát tốt hơn, dự trữ ngoại tệ đảm bảo mức 12 tuần nhập khẩu (năm 2007, năm 2008), tỷ lệ FDC/M2 trong mức dưới 30%, giai đoạn 2008-2010 tỷ lệ FCD/M2 chỉ còn khoảng 20%. Tuy nhiên một lượng ngoại tệ mặt đang được người dân nắm giữ (khoảng trên 8 tỷ USD) có tác động không nhỏ đến tâm lý ưa chuộng sử dụng ngoại tệ và góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế của Việt

Nam. Chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước đã dần thay đổi theo hướng lới lỏng có kiểm soát trước hết là các giao dịch vãng lai, sau đó là giao dịch vốn. Điều này chứng tỏ giá trị của Việt Nam Đồng ngày càng được khẳng định và tính chuyển đổi của Việt Nam Đồng đã dần được nâng cao.

- Thứ hai là, tuy vị thế đối nội của Việt Nam Đồng thể hiện qua mức độ đô la hóa dần được kiểm soát tốt hơn nhưng về tổng thể tình trạng này vẫn còn khá phức tạp, cụ thể:

+ Xét theo tiêu chí TGNT/M2 mức độ đô la hóa tiền gửi của Việt Nam đạt mức khá xét theo tiêu chuẩn của IMF (năm 1998, theo đánh giá của IMF có 19 quốc gia có mức độ đô la hóa tiền gửi ở mức cao trên 30%. Việt Nam được đánh giá ở mức đô la hóa vừa phải gồm 35 quốc gia có mức độ đô la hóa trên 16.4% và dưới 30%). Tỷ trọng TGNT/M2 của Việt Nam dao động phổ biến trong mức 20%-25% tổng phương tiện thanh toán, tuy nhiên có những giai đoạn mức độ đô la hóa tăng lên mức cao đạt trên 30% M2.

+ Xét theo tiêu chí TGNT/TTG năm 2003 thì Việt Nam cũng có thể xếp hạng vào nhóm các quốc gia có mức đô la hóa trung bình khá. Tuy nhiên, nếu xét riêng giai đoạn 1991 - 2004, tỷ trọng TGNT/TG của Việt Nam đạt 38.7% cao hơn mức bình quân khu vực châu Mỹ La Tinh năm 2003 là 37% (khu vực châu Mỹ La Tinh là khu vực được xem là có mức độ đô la hóa cao hàng đầu thế giới). Giai đoạn từ 2004 trở lại đây, tỷ trọng này của Việt Nam đã giảm mạnh xuống dưới 30%.

+ Tỷ trọng TGNT/M2 luôn đạt mức trên 20% ngay cả trong những năm có chênh lệch lợi tức của đồng nội tệ so với chênh lệch lợi tức đồng ngoại tệ khá cao và kéo dài (giai đoạn năm 1992 - 1994 và 2003 - 2004), điều này cho thấy lòng tin vào đồng nội tệ vẫn chưa thực sự cao mặc dù quá trình ổn định và tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn trên là khá ấn tượng.

+ Mức độ đô la hóa có khuynh hướng tăng mạnh trong những năm có biến động tỷ giá lớn, đặc biệt tỷ lệ này khá cao trong những năm có lợi tức USD cao hơn so với lợi tức Việt Nam Đồng hoặc trong những năm có dấu hiệu bất ổn vĩ mô. Điều này cho thấy mức độ đô la hóa sẵn sàng bùng phát khi có kỳ vọng nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn và tỷ giá tăng mạnh.

+ Mức độ đô la hóa có khả năng tăng cao và giữ ổn định ở mức cao nếu có sự chênh lệch lợi tức tiền gửi trong việc nắm giữ ngoại tệ cao hơn tiền gửi nội tệ dù là nhỏ như trường hợp năm 2000 và 2001.

+ Mức độ đô la hóa khá nhạy cảm với khuynh hướng tăng của chênh lệch lợi tức giữa đồng nội tệ và đô la. Cơ cấu chuyển dịch từ nội tệ sang ngoại tệ có khuynh hướng tăng mạnh sau những thay đổi đột biến về tỷ giá.

+ Khi có bất ổn kinh tế quá trình chuyển dịch từ nội tệ sang ngoại tệ có khuynh hướng nhanh và mạnh, khi nền kinh tế ổn định trở lại tốc độ giảm đô la hóa thường diễn ra chậm hơn quá trình tăng đô la hóa. Điều này cho thấy công tác phòng ngừa hiện tượng đô la hóa đóng vai trò quan trọng, việc kiềm chế đô la hóa ở Việt Nam khá khó khăn và tiến triển với tốc độ chậm.

Như vậy, nếu căn cứ theo phân loại của IMF, Việt Nam thuộc diện có hiện tượng đô la hóa không chính thức tương tự như Nga, một số nước Đông Âu khác và hầu hết các nước thuộc Mỹ Latinh, còn sắp xếp theo mức độ đô la hóa nền kinh tế, Việt Nam thuộc diện những nền kinh tế có hiện tượng đô la hóa vừa phải. Tuy nhiên ở các nước không phải là nền kinh tế tiền mặt thì mức độ đô la hóa thể hiện qua tỷ lệ FCD/M2 trên là khá chính xác. Còn ở Việt Nam, bên cạnh đô la hóa thay thế tài sản còn có đô la hóa phương tiện thanh toán và đô la hóa niêm yết, chưa kể đến một số lượng ngoại tệ dưới hình thức cất trữ trong dân chúng chưa đưa vào lưu thông, do đó theo nhận định của tác giả thì tình trạng đô la hóa ở Việt Nam vẫn còn khá trầm trọng.

- Thứ ba là, vị thế đối ngoại của VND tuy ngày được cải thiện nhưng nhìn chung chưa được đánh giá cao.

Mặc dù tính chuyển đổi của Việt Nam Đồng đã được cải thiện và có chiều hướng ngày càng tốt hơn nhưng mới có ý nghĩa trong phạm vi quốc gia, tuy nhiên ngay cả đối với phạm vi quốc gia thì tính chuyển đổi của VND cũng có nhiều hạn chế đặc biệt là khả năng cung ứng ngoại tệ trong nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối từ mức trên 12 tuần nhập khẩu nhưng đến năm 2010, dự trữ ngoại hối chỉ còn mức khoảng 9 tuần nhập khẩu. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện cam kết với IMF về việc tự do hóa tài khoản vẵng lãi, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với các nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp pháp, nhưng cho đến nay nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp pháp cũng rất khó mua ngoại tệ với giá niêm yết của ngân hàng. Đối với phạm vi quốc tế thì Việt Nam Đồng chưa được nhìn nhận như một đồng tiền có vị thế và có khả năng chuyển đổi, để thực hiện được mục tiêu này cần quá trình khá dài và theo đánh giá của tác giả thì trong tương lai khá dài với quá trình tăng trưởng kinh tế ổn định, thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng thì Việt Nam Đồng mới có thể trở thành một đồng tiền chuyển đổi trong phạm vi quốc tế và do đó vị thế đối ngoại của VND mới được nâng cao.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao vị thế của việt nam đồng (VND) trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(175 trang)
w