- Chuyển đổi toàn phần
2.1.1. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có thể thấy qua các giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn trước Đại hội Đảng VI (năm 1986), nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nền kinh tế tự cung – tự cấp, chưa có chủ trương mở cửa hội nhập với các nước. Quan hệ kinh tế đối ngoại chủ yếu là quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam, Trung quốc và Liên xô cũ.
- Giai đoạn sau Đại hội Đảng VI (năm 1986), Việt Nam đã có hàng loạt các bước đi thực hiện chủ trương mở cửa hội nhập với quốc tế, cụ thể là:
+ Năm 1992, Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
+ Năm 1993, Việt Nam đã khai thông quan hệ với các tổ chức: Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) sau nhiều năm gián đoạn.
+ Năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đồng thời tham gia vào AFTA và Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT), bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và chính thức gửi đơn xin gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
+ Năm 1996, tham gia Diễn đàn Á - Âu (ASEM) với tư cách là thành viên sáng lập; và gửi đơn xin gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
+ Năm 1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
+ Năm 2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ.
+ Từ ngày 11 tháng 01 năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 171 quốc gia thuộc tất cả các châu lục (Châu Á - Thái Bình Dương: 33, Châu Âu: 46, Châu Mĩ: 28, Châu Phi: 47, Trung Đông: 16), bao gồm tất cả các nước và trung tâm chính trị lớn của thế giới. Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 165 nước và vùng lãnh thổ. Trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đóng vai trò là ủy viên ECOSOC, ủy viên Hội đồng chấp hành UNDP, UNFPA và UPU.
Đối với trong nước: Việt Nam đã thực hiện một số bước đi quan trọng để thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đó là: Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật, văn bản dưới luật tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hội nhập (Ví dụ: Luật Doanh nghiệp, Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài…); thực hiện sự chuyển đổi thể chế kinh tế, đổi mới chính sách và hệ thống kinh tế vĩ mô và cố gắng cải cách kinh tế, xây dựng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế; để thống nhất việc chỉ đạo quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 10/2/1998 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 31/1998-TTg thành lập Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế. Uỷ ban này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo và điều hành các Bộ, Ban, Ngành trong việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.