Nội dung pháp luật về hợp đồng đại lý thương mạ

Một phần của tài liệu 846 pháp luật về hợp đồng đại lý ở việt nam (Trang 28 - 30)

1.2.2.1. Chủ thể tham gia hợp đồng đại lý thương mại

Chủ thể tham gia vào quan hệ đại lý thương mại bao gồm: bên giao đại lý và bên đại lý. Ngoài việc xác định các bên trong quan hệ này phải là chủ thể có đủ năng lực hành vi dân sự để tiến hành giao kết, pháp luật về hợp đồng đại lý thương mại còn có những yêu cầu cụ thể riêng biệt. Xuất phát từ những đặc trưng cơ bản của hoạt động đại lý, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định cả bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân, có tư cách pháp lý độc lập với nhau. Các nước theo truyền thống luật Châu Âu lục địa thừa nhận hoạt động đại lý thương mại là hoạt động thương mại do một chủ thể trung gian chuyên nghiệp thực hiện nên pháp luật của nhiều nước thuộc hệ thống này xác định bên trung gian thực hiện dịch vụ phải có đủ các điều kiện của thương nhân [22, tr.34].

1.2.2.2. Hình thức pháp lý của hợp đồng

Hình thức hợp đồng là cách thức thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên. Thông qua hình thức hợp đồng có thể xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các chủ thể đồng thời là căn cứ để xác định trách nhiệm của các bên khi có hành vi vi phạm. Để đảm bảo quyền tự do thiết lập quan hệ hợp đồng, đa số pháp luật của các nước không quy định hình thức của hợp đồng trong hoạt động thương mại cũng như nội dung chủ yếu của nó [23, tr.74]. Các bên giao kết hợp đồng có quyền lựa chọn hình thức giao dịch phụ thuộc vào ý chí của mình. Hợp đồng giữa bên thuê dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có thể giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Ví dụ luật hợp đồng Anh - Mỹ không yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện dưới bất

kỳ hình thức cố định nào, lời nói, văn bản, hành vi cụ thể, thậm chí ám chí sự ưng thuận cũng có giá trị pháp lý, miễn là chứng minh được có sự tồn tại thực tế của thỏa thuận hợp đồng hợp pháp [48].

1.2.2.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

Quyền và nghĩa vụ của các bên là nội dung quan trọng trong hợp đồng nói chung và hợp đồng đại lý thương mại nói riêng. Để tạo cơ sở pháp lý cho các bên thỏa thuận cũng như để đảm bảo quyền lợi của các bên nếu trong hợp đồng chưa có thỏa thuận rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của chủ thể, pháp luật các nước điều chỉnh hoạt động đại lý thương mại đều có những quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ và bên trung gian thực hiện dịch vụ. Hầu hết, pháp luật các nước quy định về nghĩa vụ của các bên trong quan hệ trung gian với tính chất song vụ, quyền và nghĩa vụ của bên này là nghĩa vụ và quyền của bên kia trong hợp đồng, đặc biệt đối với hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng ủy thác là những loại hợp đồng được pháp luật tập trung điều chỉnh [20, tr.27].

1.2.2.4. Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng

Trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà các bên không thể thực hiện được những thỏa thuận mà mình đã cam kết dẫn đến vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, pháp luật của hầu hết các quốc gia đều có những quy định về chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm. Với mỗi một chế tài pháp luật đều có quy định về căn cứ, điều kiện phát sinh, hậu quả pháp lý và trách nhiệm của các bên. Pháp luật của một số nước như: Nhật Bản, Thái Lan cho phép các bên được thỏa thuận lựa chọn áp dụng chế tài phụ thuộc vào mức độ của hành vi vi phạm nhưng có những quốc gia sẽ ấn định luôn chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm của chủ thể. Việc áp dụng chế tài chỉ được thực hiện khi chủ thể tham gia vào hợp đồng có hành vi vi phạm với mục đích hướng đến là răn đe, buộc bên vi phạm phải khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Những quy định về chế tài nhằm xác định trách nhiệm pháp lý của các bên là nội dung không thể thiếu trong pháp luật của các quốc gia tuy nhiên mỗi quốc gia lại có những cách tiếp cận khác nhau.

1.2.2.5. Chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại và hậu quả pháp lý của việc chấm

dứt hợp đồng

Chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa bên giao đại lý và bên đại lý có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong hoạt động đại lý thương mại. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, pháp luật về trung gian thương mại ghi nhận hai vấn đề: (i) các trường hợp chấm dứt hợp đồng trong đó đặc biệt nhấn mạnh trường hợp một trong các bên đơn phương đình chỉ hợp đồng; (ii) hậu quả pháp lý phát sinh khi chấm dứt quan hệ này. Theo một nghiên cứu, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc bên giao đại diện, bên giao đại lý hay bên ủy thác chấm dứt hợp đồng một cách đột ngột mà không cần thông báo trước là do bên ủy quyền đã hợp tác với bên đối thủ cạnh tranh của họ [10, 43]. Tòa án của Đức xử phạt rất nghiêm những trường hợp như vậy và hầu như sẽ luôn chấp nhận việc chấm dứt hợp đồng không cần báo trước của bên giao đại diện/bên giao đại lý/bên ủy thác nếu chứng minh được bên đại diện/bên đại lý/bên nhận ủy thác đã bán hàng cho đối tác cạnh tranh [27, tr.210]. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt không thông báo phụ thuộc bên chấm dứt hợp đồng do bên kia đã vi phạm hợp đồng với mình hay việc chấm dứt là do các nguyên nhân khác mà bên kia không hề có lỗi.

Một phần của tài liệu 846 pháp luật về hợp đồng đại lý ở việt nam (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(81 trang)
w