Về chính sách liên quan đến FDI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh thái nguyên (Trang 91 - 96)

5. Bố cục của luận văn

4.3.1. Về chính sách liên quan đến FDI

4.3.1.1. Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, chuẩn bị sẵn quỹ đất để thu hút đầu tư hiệu quả, không làm nản lòng các nhà đầu tư

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, cần lập quy hoạch chi tiết cho đầu tư nước ngoài theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực phù hợp với định hướng phát triển của ngành đó, khu vực đó. Hơn nữa, công tác thu hút đầu tư có thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào công tác quy hoạch trước quỹ đất, chuẩn bị sẵn quỹ đất để khi các nhà đầu tư có ý định đầu tư, hoặc đã vào đầu tư thì sẽ không gặp trục trặc hay khó khăn ở khâu tìm kiếm quỹ đất. Việc khó khăn trong khâu tìm kiếm quỹ đất sẽ khiến các nhà đầu tư nản lòng, từ đó rút các dự án hoặc chuyển đổi hướng đầu tư vào các tỉnh, thành khác.

a. Xây dựng quy hoạch khoa học, hợp lý

Tỉnh cần sớm có kế hoạch tập trung xây dựng đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, xây dựng, sử dụng đất cũng như điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu để làm cơ sở trong việc xúc tiến và thu hút đầu tư. Chất lượng của một số đồ án quy hoạch phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Vì vậy, cần chọn lọc đội ngũ cán bộ quy hoạch giỏi, có tầm nhìn chiến lược. Nếu cần, có thể bố trí ngân sách mời hoặc

thuê các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm và trình độ trong ngành để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của công tác quy hoạch. Thông qua quy hoạch, nhà đầu tư sẽ có đầy đủ thông tin về tình hình KT - XH và chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh, là căn cứ để nhà đầu tư chủ động lựa chọn địa bàn và lĩnh vực đầu tư phù hợp với năng lực của mình.

Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH chung cho tỉnh cần chú ý những nội dung quan trọng sau:

Trên cơ sở Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên cần:

-Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 cho tất cả các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhân dân trong Tỉnh.

-Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng; Công bố rộng rãi các quy hoạch các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm chủ yếu,… đã được phê duyệt; công bố danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư thời kỳ 2011-2020 để các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.

-Lập các kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trọng điểm; nghiên cứu, xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

-Xây dựng kế hoạch và đề án tổng thể tái cấu trúc kinh tế của tỉnh với những nội dung mới trong chiến lược phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh, phát huy năng suất.

-Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án rà soát quy hoạch các ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, tỉnh, thị xã; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

b. Tổ chức thực hiện quy hoạch đồng bộ, thống nhất

Kết quả quy hoạch có đi vào cuộc sống được hay không phụ thuộc nhiều vào công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; trình độ hiểu biết nhất định về chuyên môn của các nhà điều hành quản lý; sự phối hợp của các ban ngành và sự đồng thuận của cộng đồng.

Nhiều kết quả quy hoạch tốt sẽ không thể triển khai được hoặc bị “biến dạng”, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững cũng chính do sự hạn chế của công đoạn này. Do đó, cần có sự đồng bộ và thống nhất trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch với các nội dung:

+ Cụ thể hoá các nội dung quy hoạch vào các chương trình nghị sự, chương trình làm việc của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở; trong các kế hoạch 5 năm, hàng năm.

+ Rà soát các quy hoạch có sử dụng đất đang bị coi là “treo” để có biện pháp xử lý kịp thời theo hướng: quy hoạch có thể thực hiện sớm thì đề nghị tập trung nguồn lực để thực hiện ngay, không để kéo dài; quy hoạch xét cần nhưng trước mắt chưa có khả năng thực hiện được thì điều chỉnh mốc thời gian thực hiện quy hoạch; quy hoạch không hợp lý về quy mô diện tích đất thì phải điều chỉnh quy mô; quy hoạch bất hợp lý, không có tính khả thi thì phải quyết định hủy bỏ ngay.

+ Phải có biện pháp thích hợp hoặc thu hồi nếu cần thiết đối với các trường hợp nhà đầu tư đăng ký và nhận đất nhưng không thực hiện hoặc không thể thực hiện dự án; các trường hợp nhà đầu tư tích trữ đất và hoạt động sai với mục đích ban đầu đã đăng ký…

+ Tiến hành xác định ranh giới quy hoạch du lịch trên địa bàn tỉnh. UBND các quận, huyện trong tỉnh cần quản lý chặt chẽ lãnh thổ được quy hoạch. Chấm dứt tình trạng chia ô trong đầu tư xây dựng và các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch.

+ Công bố rộng rãi quy hoạch đã được phê duyệt và điều chỉnh, phổ biến và vận động nhân dân tham gia thực hiện quy hoạch. Từ đó giảm thiểu tình trạng một số nhà đầu tư phải “hối lộ” các CBCC để nắm thông tin kế hoạch, quy hoạch cũng như tình trạng một số người nắm bắt được thông tin, biết rõ vị trí, địa điểm quy hoạch rồi đầu cơ tích trữ đất đai.

4.3.1.2. Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách theo hướng kích cầu đầu tư cởi mở, thông thoáng

Khi lựa chọn địa điểm đầu tư, các nhà đầu tư quan tâm tới rất nhiều các yếu tố khác nhau, tuy nhiên có thể phân làm 2 loại: 1) Cơ sở hạ tầng cứng - là những yếu tố có thể đo lường theo các giá trị và ít nhiều mang tính khách quan. Ví dụ đối với một địa phương, khoảng cách đến các trung tâm kinh tế lớn lân cận; cảng biển; kết cấu hạ tầng; trình độ dân trí; tay nghề người lao động …đây là những yếu tố cần phải có thời gian và nguồn tài chính để cải thiện. 2) Cơ sở hạ tầng mềm - Các yếu tố thuộc về “CSHT mềm” đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và thu hút vốn đầu tư của tỉnh vì nó liên quan chủ yếu đến vai trò tiên phong của lãnh đạo tỉnh và việc hoạch định các chính sách thu hút vốn đầu tư của tỉnh.

Ở Việt Nam, mọi chủ trương chính sách về nguyên tắc là thống nhất và xuyên suốt từ TW đến địa phương. Tuy nhiên trong thực tế, cùng một khuôn khổ pháp lý chung và chính sách như nhau nhưng kết quả lại tùy thuộc vào sự vận dụng của mỗi địa phương. Địa phương nào dựa vào đường lối chung để đưa ra các quy định có tính thực tiễn, sáng tạo, thân thiện với doanh nghiệp thì môi trường đầu tư kinh doanh và kinh tế ở địa phương ấy được nâng lên một cách rõ rệt. Ngược lại, nơi nào “rập khuôn” hoặc thấy thể chế, chính sách chưa phù hợp nhưng vẫn chấp hành mà không linh hoạt trong cách xử lý hoặc chờ đợi sự thay đổi từ trên xuống thì môi trường đầu tư kinh doanh và kinh tế ở nơi ấy sẽ kém phát triển.

Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện KT - XH khác. Tuy nhiên, nếu xét về tính tiên phong của lãnh đạo và mức độ thông thoáng, hợp lý của các thể chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tại địa phương thì Thái Nguyên vẫn còn hạn chế so với các địa phương khác (như: Bình Dương, tỉnh Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc...). Vì vậy, cần phải nhanh chóng khắc phục vấn đề này để tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao hơn. Để xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài tại địa phương Thái Nguyên cần:

+ Khi TW có chính sách mới, tỉnh cần nhanh chóng có kế hoạch triển khai, thực hiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể tại địa phương để đảm bảo cơ chế, chính sách rõ ràng, thông thoáng.

+ Khi những văn bản pháp luật của TW ban hành thiếu rõ ràng, nếu chính quyền địa phương cứ vì thế mà trì hoãn dự án đầu tư, buộc các doanh nghiệp phải chờ đợi đến khi có văn bản hướng dẫn thi hành của cấp trên hoặc phải chuyển hồ sơ cho nhiều cơ quan để xin ý kiến, rất nhiều khả năng là nhà đầu tư sẽ từ bỏ dự án. Do đó, chính quyền tỉnh phải linh hoạt, mềm dẻo trong việc xử lý vừa không “xé rào, vượt khung” vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại địa phương được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hiện hành của nhà nước cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

+ Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hơn nữa là làm cho các cuộc đối thoại sôi nổi, triển khai được nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm để các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp nắm bắt tình hình thực hiện các thể chế, chính sách trong thực tế cũng như lắng nghe

những ý kiến đề xuất. Từ đó, kịp thời có những bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi những quy định, thủ tục không phù hợp làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh thái nguyên (Trang 91 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)