5. Bố cục của luận văn
3.3.2. Điều kiện kinh tế, xã hội
Dân số, lực lượng lao động
Dân số trung bình năm 2015 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 1.238.785 người; đạt tỷ lệ tăng dân số 5,59% so với năm 2014. Dân số khu vực thành thị chiếm 34,11%, khu vực nông thôn chiếm 65.89% dân số. Trong đó có 8 dân tộc chủ yêu sinh sống đó là Kinh, Tày, Nùng, Sán dìu, H’ Mông, Sán Chay, Hoa và Dao.
Một trong những yếu tố xã hội quan trọng của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương là chất lượng nguồn nhân lực và giá cả sức lao động. Đây là một trong những yếu tố rất cần thiết để các nhà đầu tư lập kế hoạch kinh doanh. Một nhà đầu tư muốn mở một nhà máy thì trên phương diện nguồn nhân lực nhà đầu tư sẽ chọn khu vực có thể đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng của lao động, ngoài ra giá cả sức lao động là một trong những chỉ tiêu đánh giá của các nhà đầu tư. Chất lượng lao động là một lợi thế cạnh tranh đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao hay có sử dụng nhiều công nghệ hiện đại. Ngoài
ra, yếu tố văn hoá cũng ảnh hưởng tới yếu tố lao động như sự cần cù, tính kỷ luật, ý thức trong lao động… Vì vậy, yếu tố lao động là một trong những điều kiện tác động tới các nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành kinh doanh. Tuy nhiên, để có lực lượng lao động tốt thì lại phụ thuộc vào hệ thống giáo dục, đào tạo, chất lượng đào tạo nghề…
Thái Nguyên là một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, phần lớn là lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo. Vì vậy vấn đề đặt ra cho tỉnh là cần làm gì để nâng cao trình độ của người lao động. Chính vì vây, công tác đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao cần được chú trọng và hoàn thiện để đảm bảo cung cấp đủ nguồn lao động có kỹ năng, có tay nghề nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 10 Trường Đại học, 17 trường Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 3 trường công nhân kỹ thuật, 9 trung tâm dạy nghề, mỗi năm đào tạo được khoảng gần 100.000 lao động.
Hệ thống cơ sở hạ tầng
Chất lượng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trình độ công nghiệp hóa có ảnh hưởng rất quan trọng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào một nước hoặc một địa phương. Một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (bao gồm cả hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, mạng lưới cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông và các dịch vụ tiện ích khác), là điều mong muốn đối với mọi nhà đầu tư nước ngoài.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Thái Nguyên đã có những hoàn thiện nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư triển khai trên địa bàn tỉnh... Các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy đồng bộ và phân phối khá hợp lý trên địa bàn tỉnh đã hình thành lên mạng lưới giao thông vận tải rộng khắp nối liền các tỉnh, các địa phương trong cả nước.
Trong những năm qua, Thái nguyên đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống đường cao tốc quốc lộ 3 từ Nội Bài lên Thái Nguyên và tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn, dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế địa phương.
Nằm trong hệ thống lưới điện miền Bắc, Thái Nguyên là tỉnh có lưới điện tương đối hoàn chỉnh. Toàn bộ các huyện trong tỉnh đều có lưới điện quốc gia, trong đó thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, Thị xã Phổ Yên và các thị trấn, huyện có lưới điện hoàn chỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Mạng lưới viễn thông được trang bị hiện đại, hòa mạng với hệ thống viễn thông toàn cầu.Mạng lưới điện đã được nâng cấp đảm bảo nguồn cung cấp ổn định liên tục.
Về hệ thống nước sạch: Thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công hiện nay đã có nhà máy nước với công xuất 30.000 m3/ngày đêm, đảm bảo nhu cầu về khối lượng cũng như chất lượng nước cho toàn thành phố và thị xã.
Về tiềm lực tài chính, Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có tiềm năng và thực tế huy động các nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế- xã hội, bao gồm cả vốn trong nước và ngoài nước, vốn ngân sách và ngoài ngân sách, vốn tập trung và phi tập trung, vốn dài hạn và ngắn hạn,…
Vốn huy động trong nước và vốn từ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên trong những năm qua đều có mức tăng đáng kể. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, tổng vốn đầu tư trong tỉnh là 79.330 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cả năm 2014, trong đó nguồn vốn do Nhà nước quản lý trên địa bàn ước thực hiện 5.574 tỷ đồng, tăng 12%; vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (doanh nghiệp, cá thể và hộ dân cư) là 16.472 tỷ đồng, tăng 15,7%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả năm thực hiện 57.284 tỷ đồng, tăng 41% và chiếm 72% tổng vốn đầu tư cả năm 2015.
Năm 2015, GDP của tỉnh tăng khoảng 25,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, tổng thu ngân sách khoảng 6.800 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người của Thái Nguyên lên tới 46,4 triệu đồng/năm.
* Hệ thống chính trị, cơ chế chính sách:
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển không chỉ được quyết định bởi các yếu tố về kinh tế, mà còn chịu sự chi phối của các yếu tố chính trị. Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kết hợp với các ổn định về chính trị được xem là rất quan trọng.
Những năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp tích cực cải thiện môi trường pháp lý trên địa bàn. Điều đó thể hiện ở việc phổ biến, triển khai các quy định pháp luật và tổ chức bộ máy hành chính thực hiện đúng chuẩn mực pháp luật và thu được kết quả đáng ghi nhận, thể hiện qua tiêu chí “chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”(PCI).
Thủ tục hành chính là một yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của việc thu hút vốn FDI. Thủ tục hành chính càng đơn giản, gọn nhẹ, rõ ràng thì sức hút của môi trường đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài càng lớn. Thủ tục hành chính ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động đầu tư, nếu thủ tục hành chính không được quan tâm sát sao dễ tạo ra hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực từ đó làm tăng chi phí kinh doanh, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài quy trình thực hiện chung, cách thực hiện tục hành chính của mỗi địa phương là khác nhau, vì vậy có những nơi nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh…. Sự đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình đăng ký, triển khai thực hiện dự án đầu tư cũng như giảm các chi phí cả về vật chất và thời gian, tạo dựng được độ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài
Để ngày càng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về kinh tế- xã hội. Trong đó, quan tâm cải cách chế độ công vụ, công chức, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm quản lý, thực hiện nhiệm vụ công của bộ máy nhà nước, công chức, viên chức,… đồng thời huy động sự chung tay của cộng đồng các doanh nghiệp cùng đồng hành trong đổi mới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
* Môi trường kinh tế vĩ mô:
Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô như ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội là điều kiện hết sức quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất hạn chế khi tham gia đầu tư vào những nước có môi trường kinh tế vĩ mô kém ổn định vì khi đầu tư vào những nơi này sẽ tạo ra những rủi ro kinh doanh mà các nhà đầu tư không thể lường trước được. Khi có sự bất ổn về môi trường kinh tế vĩ mô, rủi ro tăng cao thì các dòng vốn FDI trên thế giới sẽ chững lại và vốn đầu tư sẽ di chuyển đến những nơi an toàn và có mức sinh lời cao hơn, ngay cả khi đã đầu tư rồi mà có sự bất ổn nhất là bất ổn về chính trị thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm mọi cách để rút lui vốn. Vì vậy, môi trường kinh tế vĩ mô có tác động trực tiếp tạo điều kiện hoặc cản trở việc thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và muốn thu hút được vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thì các nước phải ổn định được môi trường kinh tế vĩ mô trước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2015 là 25,2% (kế hoạch được giao là 15 %); GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 46,4 triệu đồng, vượt mục tiêu kế hoạch và tăng 24,4% so với năm 2014; Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 365.203 tỷ đồng, bằng 140 % kế hoạch đầu năm và bằng 204,5 % so với năm 2014; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 17.500 triệu USD, bằng 128,2% kế hoạch điều chỉnh; Tổng thu ngân sách cân đối trên địa bàn đạt 6.800 tỷ đồng, bằng 140,8% dự toán đầu năm; và tăng 38,3% so với năm 2014; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 10.340 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2014, bằng mục tiêu kế hoạch điều chỉnh; Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2015 đạt tốc độ tăng 2,7% so với năm 2014 và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra đầu năm.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội địa phương tương đối ổn định và phát triển theo hướng tích cực góp phần tăng hiệu quả hoạt động và thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Từ đó giảm bớt áp lực và khó khăn cho hoạt động quản lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp FDI.