Quản lý mục tiêu và nội dung hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động trải nghiệm cho học sinh cấp tiểu học tại trường phổ thông liên cấp hanoi adelaide school (h a s), phường kim liên, quận đống đa, thành phố hà nội (Trang 34 - 36)

1.4.1.1. Quản lý mục tiêu hoạt động trải nghiệm

Có thể nói mục tiêu chính là nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công của hoạt động trải nghiệm. Xác định được mục tiêu rõ ràng sẽ giúp người hiệu trưởng tìm ra được nội dung, phương pháp, cách thức để đạt được mục tiêu và đánh giá kết quả so với mục tiêu đã đề ra.

Người hiệu trưởng cần chỉ đạo đội ngũ giáo viên xây dựng chương trình bám sát mục tiêu của hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều

chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề. Để đạt được mục tiêu lớn này, người hiệu trưởng có thể chia nhỏ thành những mục tiêu nhỏ khác nhau, nhất quán với mục tiêu cuối cùng và có tác động trực tiếp tới mục tiêu cuối cùng. Mỗi mục tiêu nhỏ cần đảm bảo:

Chi tiết: mục tiêu phải rõ ràng, chỉ ra cụ thể và chính xác những việc phải làm.

Đo lường được: tránh mơ hồ và phải có số lượng, chỉ tiêu đánh giá cụ thể. Tính khả thi: mục tiêu cần dựa trên điều kiện thực tế của nhà trường (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị,..) và cộng đồng (tình hình kinh tế xã hội, văn hoá địa phương) và nằm trong khả năng đạt được.

Tính thống nhất: mỗi mục tiêu cần phải nhất quán và tiến tới đạt được mục tiêu cuối cùng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian: mỗi mục tiêu cần có mốc thời gian cụ thể cần hoàn thành.

1.4.1.2. Quản lý nội dung hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học

Văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ 4 mạch nội dung chính của hoạt động trải nghiệm và các nội dung cụ thể, yêu cầu cần đạt của các khối lớp. Hiệu trưởng cần thực hiện các nhóm việc sau để quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động trải nghiệm của nhà trường bám sát nội dung theo văn bản hướng dẫn.

Xác định các nhóm hoạt động cần thực hiện trong năm học phù hợp theo chủ đề từng tháng, làm căn cứ cho giáo viên xây dựng khung chương trình của từng khối lớp. Các hoạt động được hoạch định cụ thể, được phân loại theo phạm vi cấp trường/khối/lớp và hướng tới mục tiêu cụ thể.

Chỉ đạo tổ bộ môn xây dựng khung chương trình của hoạt động trải nghiệm cho 04 hoạt động: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Các hoạt động được phân bổ trải đều

từ đầu năm đến cuối năm học, trong phạm vi 105 tiết và gắn với 4 mạch nội dung chính của từng khối lớp theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành năm 2018.

Phân phối nguồn lực, kinh phí cho từng hoạt động.

Hiệu trưởng phê duyệt khung chương trình. Hoạt động trải nghiệm chỉ được triển khai khi khung chương trình đã được phê duyệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động trải nghiệm cho học sinh cấp tiểu học tại trường phổ thông liên cấp hanoi adelaide school (h a s), phường kim liên, quận đống đa, thành phố hà nội (Trang 34 - 36)