- Chính sách tuyển dụng đầu vào của các doanh nghiệp:
Chính sách tuyển dụng đầu vào của mọi tổ chức, doanh nghiệp đều quan trọng và yêu cầu ngân sách chi ra không hề nhỏ. Trải qua các quy trình tuyển dụng, doanh nghiệp bước đầu chọn lựa được những ứng viên có tiềm năng và phù hợp với công việc. Sau đó thông qua công tác đào tạo văn hóa công ty cùng với tính chất công việc và cơ chế làm việc thích đáng, nguồn nhân lực vừa đáp ứng được nguyện vọng tìm kiếm công việc của mình vừa cảm thấy thoải mái và muốn gắn bó lâu dài với công ty. Nếu thực hiện tốt được quá trình này, các tổ chức doanh nghiệp có thể coi như đã hoàn thành bước đầu tốt và đôi bên đều có lợi. Bên cạnh đó, nếu quá trình này diễn ra không như mong đợi thì sẽ dẫn đến những tổn thất lớn cho doanh nghiệp không những chỉ về mặt chi phí mà còn tổn hao sức lực của nhân sự các phòng ban. Ngoài ra, hình ảnh và uy tín của công ty cũng dễ bị ảnh hưởng một khi ngay khâu tuyển dụng đã thất bại.
Quá trình tuyển dụng được đánh giá qua hai công đoạn: tuyển mộ và tuyển chọn:
• Tuyển mộ: hay còn gọi là “chiêu mộ” ứng viên, đây là công đoạn thu hút và tập hợp lại những người có trình độ và đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Việc tuyển mộ những người đã có hay chưa có kinh nghiệm tùy thuộc vào yêu cầu của
từng tổ chức doanh nghiệp. Để gây được sự chú ý được đối với các ứng viên, ban tuyển dụng của công ty đều tận dụng mọi kênh quan hệ xã hội và khả năng sao cho thông tin tuyển mộ hấp dẫn và có hiệu quả. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến công đoạn sau của quá trình tuyển dụng mà còn liên quan đến công tác quản trị nhân lực của công ty và tiến độ công việc của các phòng ban liên quan. Thông qua đây, các cấp quản lý có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động công việc của bộ phận tuyển dụng, xem xét thi đua khen thưởng,...
• Tuyển chọn: sau khi phỏng vấn các ứng viên thì các nhà tuyển dụng bắt đầu lựa chọn ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc. Từ vòng tuyển mộ, nhà tuyển dụng đã có thể lọc ra những ứng viên tiềm năng tùy theo yêu cầu công ty nhưng vòng tuyển chọn là quá trình đánh giá kỹ hơn về ứng viên theo nhiều khía cạnh: phong cách, thái độ làm việc, tính cách, giọng nói,... Điển hình như tuyển chọn nhân viên Kinh doanh cần chú trọng đến giọng nói lưu loát và dễ nghe,. Thông qua khâu tuyển chọn này, nhà tuyển dụng có thể đưa ra quyết định đúng đắn và sáng suốt nhất bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và tiến hành chiến lược hoạt động kinh doanh của công ty. Tuyển chọn được những nhân lực có kỹ năng tốt hay có kinh nghiệm dày dặn sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong thời gian sắp tới. Hoàn thành khâu này thành công, không những công ty giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo đồng thời tạo bước đà tốt trong tương lai.
- Bố trí và phát triển nguồn nhân lực:
Sắp xếp nhân viên vào đúng vị trí công việc là việc cần thiết trong mỗi tổ chức doanh nghiệp bởi có vậy họ mới được khai thác triệt để khả năng để đạt kết quả tốt trong công việc. Ngày nay, có nhiều trường hợp các công ty thiếu nhân viên phòng ban này nhưng lại thừa nhân viên phòng ban kia. Lý giải cho vấn đề này có thể do nguồn lực không đáp ứng được nhu cầu của công việc ngày càng áp lực và từ công tác tuyển dụng đã có những sự phân bổ không hợp lý. Do đó, việc bố trí nhân sự này phải được chú trọng ngay từ bước đầu tiên như tuyển dụng đầu vào cho đến quá trình sa thải do nhân viên làm việc không hiệu quả và hao tổn chi phí của công ty. Các yếu tố này đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau nên việc sắp xếp lao động theo một số tiêu chí sau: Nhân lực đủ số lượng cho phép, chất lượng nhân lực đáp
ứng yêu cầu tuyển dụng của các phòng ban, nhân lực được tuyển chọn đúng công việc phù hợp, linh hoạt trong sử dụng nhân lực.
Song song với chính sách bố trí nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần có chiếc lược phát triển sao cho nguồn nhân lực phát huy hết khả năng. Chính sách này bao gồm tất cả các khía cạnh của chiến lược tuyển dụng như đào tạo và sử dụng nhân viên sau đào tạo, đánh giá tiến độ học hỏi và làm việc của nhân sự, xem xét khả năng thăn tiến cho nhân sự. Muốn đạt được những mục tiêu đó, chính sách phát triển cần được lên kế hoạch rõ ràng và cẩn trọng ngay từ đầu để tránh lãng phí thời gian và công sức.
- Chế độ khen thưởng và cơ chế kỷ luật:
Khi nhân sự đạt thành tích tốt trong công việc một diều không thể thiếu trong môi trường làm việc đó là khen thưởng. Sự tuyên dương và ghi nhân những cá nhân hay tập thể hoàn thành xuất sắc công việc là nguồn động lực vô cùng lớn giúp nhân viên càng thêm năng lượng làm việc và tinh thần phấn khởi tiếp tục công việc. Khen thưởng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, thưởng vật chất hay những giấy khen, giấy chứng nhận tùy theo mức độ công việc và chính sách của từng công ty khác nhau. Nguyên tắc cần có khi khen thưởng: sự công bằng, công khai và kịp thời. Công bằng là điều quan trọng nhất bởi không có công bằng, người làm ít được ưu ái hơn người góp nhiều công sức hơn sẽ nảy sinh mâu thuẫn nội bộ và nhiều hệ quả xấu khác. Đảm bảo được tính công khai và kịp thời giúp tâm lý nhân viên phấn chấn hơn rất nhiều. Thành tích đạt được mà thời gian xét duyệt khen thưởng quá lâu cũng ảnh hưởng lớn đến tinh thần làm việc của nguồn lao động. Tùy vào mức độ quan trọng của công việc mà công ty có thể khen thưởng ở nhiều bậc cao thấp khác nhau miễn sao chính xác.
Ngoài ra, các tổ chức doanh nghiệp cần có cơ chế kỷ luật đúng đắn để tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đó là những quy định quy tắc được đưa ra nhằm nâng cao ý thức tự giác của người lao động và để đảm bảo trật tự trong lao động. Mọi cá nhân đều phải tuân thủ và thực hiện một cách có trách nhiệm, có vậy việc hoạt động kinh doanh, sản xuất mới được phát triển tích cực. Bên cạnh đó, kỷ luật còn là để răn đe những đối tượng có hoặc có ý định làm những hành vi sai trái gay ảnh hưởng đến toàn bộ công ty.
- Văn hóa làm việc:
Văn hóa doanh nghiệp là “phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực.” (Theo Gold K.A)9. Văn hóa vốn được hiểu là giá trị vô hình mang tính sáng tạo của con người và được kết tinh hội tụ tại tinh thần và vật chất trong cuộc sống. Có rất nhiều các giải thích định nghĩa của khái niệm văn hóa tuy nhiên chúng ta đều ngầm hiểu rằng văn hóa luôn là một điều mà con người ta tôn trọng và tự nguyện hướng theo. Văn hóa doanh nghiệp cũng vậy, là gốc rễ của mọi giá trị văn hóa được xây dựng và phát triển trong doanh nghiệp. Đó là tổng thể các chuẩn mực về đạo đức và hành vi, văn hóa doanh nghiệp chi phối mọi mặt của doanh nghiệp từ ý thức, cách làm việc của nguồn lao động đến hoạt động kinh doanh. Dù doanh nghiệp có thất bại, có lụi tàn thì văn hóa doanh nghiệp vẫn còn đó và trở thành truyền thống khác biệt với những doanh nghiệp khác. Do lẽ đó, văn hóa đóng vai trò lớn trong công cuộc phát triển doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tiền đề xây dựng môi trường làm việc dân chủ cho nhân viên để họ thể hiện mình và có trách nhiệm với công việc; một văn hóa doanh nghiệp văn minh giúp doanh nghiệp đó nâng cao vị thế cạnh tranh và thúc đẩy khả năng kinh doanh vươn tầm quốc tế.