- Đặc điểm địa lý tự nhiên
3.2.2. Đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở
Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò rất quan trong trong việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối trực tiếp giữa dân với Đảng, với Nhà nước, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp, hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Lâm Đồng đã không ngừng được tăng cường, củng cố và hoàn thiện. Đến năm 2010 tỉnh Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố, 10 huyện) 148 đơn vị cấp xã, và 1271 thôn, buôn, khu phố. Các thôn, buôn ở Lâm Đồng có đặc điểm là sự cư trú đan xen giữa các dân tộc. Với những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hệ thống chính trị cơ sở là nhân tố chủ đạo mang lại những đổi thay căn bản trong nếp nghĩ, lối sống và cách làm ăn của một bộ phận đáng kể đồng bào DTTS ở Lâm Đồng (nhất là vùng ven đô thị, vùng có sự đan xen cư dân các thành phần dân tộc). Đặc biệt, hệ thống chính trị cơ sở được trẻ hóa và ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết, phần lớn được trưởng thành từ phong trào quần chúng, từ các tổ chức đoàn thể, bên cạnh những cán bộ, đảng viên đã kinh qua cuộc chiến trường kỳ của dân tộc (dù còn hay không còn giữ bất kỳ một trọng trách nào trong bộ máy cơ sở), nhưng luôn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với Đảng, nhà nước. Họ thực sự là lực lượng nòng cốt đang hàng ngày đi đầu trong việc xây dựng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Lâm Đồng nói chung và ở mỗi địa phương nói riêng ngày càng năng động, giàu đẹp.
Mặc dù công tác xây dựng hệ thống chính trị đã được quan tâm, những chưa thực đúng mức. Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể ở một số
nơi trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, điều hành còn có những yếu kém; còn nhiều lúng túng trong việc triển khai chủ trưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là tình trạng di cư tự do, truyền đạo, lập đạo trái pháp luật chưa được ngăn chặn triệt để. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể một số địa phương còn yếu; trong đó công tác vận động, tập hợp đội ngũ chức sắc, già làng, trưởng thôn, buôn để tranh thủ, phối hợp làm công tác vận động quần chúng chưa được tận dụng đúng mức. Nội dung, hình thức hoạt động còn lúng túng, chưa làm tốt việc phối, kết hợp trong quá trình vận động quần chúng tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước được triển khai trên cơ sở nhận thức đúng về truyền thống văn hóa và tính đặc thù của lâm Đồng, nhất là đối với đồng bào các tộc người bản địa đang có những chuyển biến tích cực. Song chưa tạo được chuyển biến về tâm lý và ý thức dân tộc trên lĩnh vực kinh tế, đời sống và chính trị nên đồng bào dễ bị bọn xấu, bọn phản động... kích động, lôi kéo, gây mâu thuẫn trong nhân dân, chia rẽ Đảng, nhà nước và nhân dân, làm mất ổn định chính trị - xã hội, trong lúc đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về trình độ, kiến thức cũng như năng lực quản lý.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18-3-2002 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”. Xây dựng và củng cố tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa IX về kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đối với các hoạt động trên địa bàn dân cư.
Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của của tổ chức cơ sở đảng và xác định rõ về chức năng, nhiệm vụ cho từng tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, coi
xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm là tập trung xây dựng, củng cố chi bộ, chú trọng công tác phát triển Đảng, tiến tới xóa bỏ tình trạng buôn làng trắng Đảng viên, trắng chi bộ. Đến năm 2010 tỉnh Lâm Đồng có 1.097 thôn, khu phố có tổ chức đảng, chiếm 86,3% tổng số thôn, khu phố, còn 191 thôn chưa có tổ chức đảng và 4 thôn chưa có đảng viên.
Hội đồng nhân dân làm tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội, quyết định những chủ trương như huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; Ủy ban nhân dân thực hiện tốt vai trò, chức năng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trên địa bàn, đồng thời tổ chức triển khai tốt các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội trong địa phương mình.
Các đoàn thể, tổ chức tốt công tác vận động từng hội viên, đoàn viên đoàn kết xây dựng thôn, buôn, ngày càng vững mạnh, văn minh, bảo đảm vai trò tự quản đủ sức đề kháng trước những tác động của kinh tế thị trường và chống các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào, tín đồ các tôn giáo về truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo từ trước đến nay; giáo dục lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền; tuyên truyền giáo dục việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không tin và nghe theo những luận điệu xấu, không tin và đi theo đạo do kẻ xấu truyền bá trái với pháp luật Việt Nam; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới”.
- Hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở phải tính đến sự tồn tại của các thiết chế chính trị, xã hội cổ truyền. Đặc biệt là coi trọng vai trò của buôn, thôn trong hệ thống chính quyền cơ sở và vai trò của giả làng, trưởng buôn /thôn. Bởi, thôn buôn là cấp trực tiếp với dân, còn già làng, trưởng buôn/thôn, là người có uy tín cao, là tấm gương sống mẫu mực, khuôn thước trong ứng xử, giao tiếp, hành xử với mọi thành viên trong buôn, làng. Họ là những người thực hiện những quy định của luật tục để giải quyết, phân xử những xích mích mâu thuẫn, giữ gìn và đảm bảo sự bền vững trong các mối quan hệ giữa các thành viên sinh sống ở buôn làng; là biểu tượng trong lòng các thành viên trong buôn làng, là chỗ dựa tinh thần bao trùm lòng nhân ái, vị tha nhưng vô cùng nghiêm khắc để giữ cho buôn làng yên vui, đầm ấm; họ là người vận động, giải thích và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Về công tác cán bộ, cần chú trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Đào tạo, bồi dưỡng, để không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, cũng như xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị cơ sở. Hiện nay, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng tuy đã tăng lên, nhưng nhìn chung vẫn đang thiếu và yếu. Toàn tỉnh có 1.578 cán bộ lãnh đạo khối Đảng, Nhà nước, đoàn thể (cấp tỉnh là 620, cấp huyện là 375, cấp xã là 583) trong đó DTTS 9,1%; trình độ chuyên môn trên đại học 57,1%; trung cấp, cao đẳng 18,6%; lý luận chính trị cao cấp 40%; trung cấp 46,9% [26, tr.80]. Số cán bộ là người DTTS bản địa ở Lâm Đồng chưa tương xứng với tỷ lệ dân cư, chưa đủ tầm và chưa phát huy được vai trò thủ lĩnh ở ngay trong dân tộc mình, thôn buôn mình. Cán bộ chưa phát huy được vai trò giáo dục, nêu gương trong đồng bào, thậm chí có những hoạt động không phù hợp với truyền thống dân tộc. Chính điều đó đưa đến một thực trạng là HTCT cơ sở chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo ở địa phương, chưa làm cho phần lớn đồng bào nhận thấy và tự hào về văn hóa dân tộc mình. Do vậy, cần cần có kế hoạch sớm đánh giá lại thực trạng đội ngũ cán bộ DTTS tại chỗ để sớm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ
cán bộ có đủ trình độ, tri thức khoa học cũng như bản lĩnh chính trị, đảm nhận quản lý điều hành ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển, ổn định và bền vững ở Lâm Đồng.
Trước mắt cần rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ ở các xã, phường, vùng đông bào dân tộc thiểu số. Bổ sung và thay đổi những cán bộ yếu kém một cách kịp thời. Trong thời gian tới có thể thực hiện bằng các hình thức đào tạo thích hợp như ngắn hạn, vừa học vừa làm để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ hiện hành. Về lâu dài cần hướng tới việc lựa chọn con em đồng bào các dân tộc thiểu số gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường đại học, dạy nghề nhằm tạo nguồn cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ lâu dài. Đối với nguồn cán bộ đã có, đang có và sẽ có cần sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực chuyên môn nhằm tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường của mình.
Đổi mới nhận thức về công tác cán bộ cơ sở vùng DTTS, để đảm bảo tính tộc người luôn được phản ánh trong mọi quyết định lãnh đạo - quản lý thì trong hệ thống chính trị phải đảm bảo đủ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Do vậy, một trong hai vị trí chủ chốt ở địa phương như phường, xã, thị trấn nên bố trí 1 người DTTS tại chỗ giữ vị trí lãnh đạo. Ở các sở ban ngành cần thiết phải cơ cấu cán bộ DTTS tại chỗ vào vị trí trưởng hoặc phó. Có chính sách phụ cấp thỏa đáng đối với trưởng phó các đoàn thể buôn làng.
Đội ngũ cán bộ tăng cường xuống cơ sở cần được lựa chọn theo tiêu chuẩn năng lực, có phẩm chất chính trị vững vàng, có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, thuyết phục đồng bào… Sớm khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ đông nhưng hiệu quả hoạt động thấp.
- Chính quyền địa phương cần quan tâm, nghiên cứu phát huy vai trò tích cực của văn hóa bản địa truyền thống bằng cách định hướng và tạo điều kiện cho chính chủ nhân của nền văn hóa bản địa làm chủ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện mới. Như khai thác tri thức bản địa trong phát triển các giống, cây con; khai thác tri thức tộc người trong quá trình chuyển giao công nghệ; phát huy vai trò của già làng trong việc giáo dục thế hệ trẻ bằng tri thức bản địa có giá trị, hay trong hòa giải ở cơ sở… Tuy nhiên, không nên cường điệu
hóa vai trò của già làng trong điều kiện đội ngũ này đã thoái lui nhiều chức năng truyền thống và bản thân già làng cũng chứa đựng không ít mặt lạc hậu, bảo thủ, trì trệ mà thế hệ trẻ thường muốn vượt qua.