- Đặc điểm địa lý tự nhiên
3.1.1. Xu hướng giao lưu và ảnh hưởng văn hóa
Giao lưu văn hoá là một quy luật góp phần hiểu biết giữa các dân tộc, các nền văn hoá, góp phần làm đẹp thêm các dòng chảy văn hoá dân tộc. Với nước ta giao lưa văn hóa không phải chưa từng diễn ra, tuy nhiên đối với Lâm Đồng một tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, nằm gọn trong lòng đất nước không có đường biên giới, thì đây là một trong những xu hướng lớn của thời gian tới, với quy mô, cường độ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ hơn trước nhiều. Điều này sẽ làm phá vỡ tính khép kín vốn tồn tại từ bao đời nay của văn hóa bản địa Lâm Đồng, đồng thời cũng tạo nên những áp lực không nhỏ.
Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất thúc đẩy sự bùng nổ của xu hướng này là sự tác động của kinh tế thị trường. Trước sự định hình và phát triển của kinh tế thị trường ở nước ta trong những năm gần đây đã đưa đến nhiều thay đổi cho quốc gia, dân tộc và cho nhân dân. Các nước biết đến Việt Nam nhiều hơn, người dân các nước trên thế giới không chỉ muốn biết đến đất nước, văn hóa và con người Việt Nam qua các phương tiện truyền thông mà phải bằng sự trải nghiệm thực tế. Kinh tế thị trường chính là tác nhân thúc đẩy xu hướng giao lưu và biến đổi văn hóa tạo nên động lực thúc đẩy sự năng động của dân tộc Việt Nam nói chung và các tộc người bản địa Lâm Đồng nói riêng trong xu thế hội
nhập hiện nay. Sự tác động của kinh tế thị trường, hoặc là các tộc người bản địa Lâm Đồng văn minh hơn, hòa nhập hơn, hoặc cũng có thể là không có khả năng biến đổi thích nghi.
Sự phân bố lại dân cư trên phạm vi cả nước (cả di dân có tổ chức và di cư tự do), sự phát triển của các phương tiện thông tin, truyền thông, sự cải thiện và mở rộng hạ tầng giao thông ở Lâm Đồng trong khu vực Tây Nguyên và với các vùng miền khác trong nước; sự thống nhất về thể chế chính trị, về giáo dục… cũng là những nhân tố làm cho xu hướng giao lưu và ảnh hưởng văn hóa tăng lên.
Xu hướng giao lưu và ảnh hưởng văn hóa không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình xích lại gần nhau và hiểu biết lẫn nhau giữa các tộc người, mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình biến đổi văn hóa truyền thống bản địa theo hướng học hỏi, tiếp thu những giá trị tinh hoa của các dân tộc khác. Điều đó đã đưa đến cho văn hóa bản địa Lâm Đồng một diện mạo mới như: chữ viết, tri thức khoa học, phương tiện sinh hoạt, phương thức canh tác, sinh hoạt văn hóa… và tạo điều kiện lan tỏa ảnh hưởng của văn hóa bản địa đối với văn hóa các dân tộc khác trong nước cũng như các nền văn hóa bên ngoài. Đúng như tiến sỹ Phạm Quang Nghị đã nói: “Càng tăng cường hội nhập và giao lưu, người ta càng phát hiện thấy nhiều giá trị đặc sắc phong phú, muôn hình, muôn vẻ trong nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Giao lưu hội nhập không chỉ không xoá mờ những giá trị khác biệt mà càng làm cho nó trở nên nổi bật, đặc sắc và phong phú hơn. Đó vừa là nhận thức mới, vừa là thực tiễn mới. Đối với văn hóa, không thể nói nền văn hóa này là ưu tú, nền văn hóa kia là không có giá trị. Văn hóa nhân loại giống như một bầu trời đầy sao, nếu chúng ta chăm chú ngắm nhìn thì vì sao nào cũng lấp lánh [58, tr.3].
Từ sau khi không gian văn hóa cồng chiềng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, càng thúc đẩy sự xích lại gần nhau và hiểu biết giữa các dân tộc. Giao lưu và ảnh hướng văn hóa đã đưa Lâm Đồng đến với mọi miền đất nước và đến với thế giới, làm cho thế giới không chỉ biết đến Lâm Đồng, Tây Nguyên với những giá trị văn hóa là một phần của nhân loại, mà còn có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn những di sản văn hóa
đó. Giao lưu và ảnh hưởng văn hóa không chỉ diễn ra một chiều, văn hóa bản địa Lâm Đồng có điều kiện để lan tỏa thì văn hóa ngoại sinh cũng không ngừng ảnh hưởng vào. Song xu hướng ảnh hưởng từ bên ngoài vào lại có tính vượt trội hơn so với ảnh hưởng của văn hóa bản địa ra bên ngoài, ra thế giới, đã tạo nên sự nhiễu loạn giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và hiện đại. Chủ nhân của nền văn hóa bản địa Lâm Đồng với những hạn chế về nhận thức đã không có đủ thời gian để chọn lọc, tiếp biến, nên cái cũ đã bị áp lực của cái mới, hậu quả là cái cũ, cái truyền thống, cái nội lực bị lấn át, áp đảo, thậm chí chủ nhân văn hóa bị ngộ nhận, chối bỏ, quay lưng lại với truyền thống, còn cái mới thì xô bồ, chưa được lựa chọn, ồ ạt chiếm lĩnh đời sống văn hóa các tộc người bản địa, tạo nên sự bất lợi trong giao lưu và là nguyên nhân dân đến sự bất bình đẳng.
Như vậy, để phát huy vai trò văn hóa bản địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở Lâm Đồng trong giai đoạn tới, việc nhận dạng, đo lường ảnh hưởng trong giao lưu văn hóa cả về tích cực và tiêu cực là cần thiết để đưa ra được các gải pháp phù hợp, nhằm phát huy được lợi thế và khắc phục được mặt bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa bản địa đủ khả năng chủ thể hóa có chọn lọc, tiếp biến, trên cơ sở phát huy bản sắc của minh.