0
Tải bản đầy đủ (.doc) (145 trang)

Những yếu tố tác động đến vai trò của văn hóa bản địa các dân tộc thiểu số Lâm Đồng

Một phần của tài liệu PHÁT HUY VAI TRÒ VĂN HÓA BẢN ĐỊA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở TỈNH LÂM ĐỒNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 40 -45 )

tộc thiểu số Lâm Đồng

Công cuộc đổi mới đất nước được Đảng ta đề ra và lãnh xướng từ Đại hội VI (1986) đến nay một mặt đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng mặt khác đổi mới, mở cửa, hội nhập cũng ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có văn hóa. Là một bộ phận của văn hóa Việt, văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng cũng đang chịu sự tác động của nhiều yếu tố, biểu hiện:

+ Sự tác động của cơ chế thị trường.

Nếu như ngày xưa văn hóa ngoại sinh vào nước khác thường vào chậm, bởi phải qua nhiều chặng đường nó mới vào được đến người dân, thì ngày nay với cơ chế thị trường mở cửa, hội nhập sự thâm nhập của văn hóa ngoại sinh vào các nước diễn ra một cách ào ạt, vào là đến nhân dân ngay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: như ti vi, hàng hóa, văn hóa phẩm...

Một thực tế không thể phủ nhận được là: Kinh tế thị trường một mặt là nhân tố thúc đẩy tăng trường kinh tế, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, “con người ngày càng có ý thức tự chủ, trở nên năng động hơn, nhạy bén hơn trong cuộc sống” [13, tr.215], đồng thời đã tác động tích cực đến khuynh hướng phát triển đa dạng, phong phú trong hoạt động của văn hóa. Mặt khác kinh tế thị trường đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền động cơ và hiệu quả như là một chuẩn mực giá trị trong hoạt động của con người, nó buộc con người phải khắc phục lối tư duy cảm tính, đồng thời phải rèn luyện, nâng cao phương thức tư duy lý tính. Kinh tế thị trường còn đòi hỏi sự học tập, rèn luyện không ngừng của bản

thân mỗi người để nâng cao trình độ tri thức, tay nghề nhằm thích ứng và không bị đào thải.

Về đạo đức và lối sống, sự ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường là từng bước hình thành nhân cách tự chủ, tự lập trong con người, rèn luyện con người từ ý thức lao động, bản lĩnh, sự năng động, thích nghi và sáng tạo, ý thức cộng đồng.

Kinh tế thị trường đồng thời cũng hình thành trong xã hội những con người với lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền. Họ định giá trị của con người căn cứ vào của cải của người đó, từ đó tìm các quan hệ trong sự đem lại lợi ích gì cho mình, cho cá nhân mình. Điều đó đang dần làm cho các quan hệ tình cảm cao đẹp, ấm áp tình người trong cộng đồng của đồng bào các DTTS bản địa Lâm Đồng bị băng hoại. Một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc bản địa có khuynh hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, (cái gì có tiền mới làm, cái gì không có tiền, dù cần cũng không làm), thậm chí vì chạy theo đồng tiền có khi con người còn bất chấp đạo lý, những hủ tục mê tín có thể tăng nhanh, các bậc giá trị có thể bị nhận thức sai lệch... Lối sống "tiền trao cháo múc", lạnh lùng, tàn nhẫn cũng từng bước hình thành ở đồng bào bản địa những con người vốn chất phác, mộc mạc và sống đơn giản. Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn hành vi của không ít người, dẫn đến thực trạng, quan niệm và hành vi của đạo đức truyền thống đang bị biến động và suy giảm theo đồng tiền. Trước thực trạng đó Đảng ta đã khẳng định: “Văn hóa bị hủy hoại và suy thoái do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường. Mặt tích cực của nền kinh tế thị trường là nó khuyến khích các năng suất, tính hiệu quả, tính cơ động và đa dạng hóa sản phẩm, phát huy tính năng động cá nhân, phát động các lực lượng sản xuất, các tiềm năng sáng tạo.

Mặt trái của nó là, nó có xu hướng biến tất cả thành hàng hóa vì động cơ lợi nhuận: từ cổ vật, di tích lịch sử, tín ngưỡng nghệ thuật cho đến bản thân con người” [20, tr.140]. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp của văn hóa được Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX đề ra là: “Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam, đấu tranh chống sự xâm

nhập của các văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc”.

+ Tác động của những âm mưu lợi dụng tôn giáo để hủy hoại truyền thống tốt đẹp của nền văn hoá bản địa:

Đời sống tâm linh truyền thống bao đời nay của các DTTS bản địa Lâm Đồng là tín ngưỡng đa thần và thờ cúng thần linh, mộc mạc nhưng đặc sắc. Bởi gắn liền với hoạt động tín ngưỡng là các lễ hội mang tính cộng đồng, củng cố sự cố kết cộng đồng, duy trì đạo đức, truyền thống và trật tự xã hội… Tuy nhiên, cùng với thời gian và đặc biệt từ sau khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới cùng với những cơ hội, điều kiện trên thực tế cho sự giao lưu học hỏi, góp phần xây dựng nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì góp mặt của các tôn giáo ở trong và ngoài nước cũng đang có những tác động đến đời sống văn hóa của các tộc người bản địa. Theo thống kê của ban tôn giáo Lâm Đồng, số lượng người dân tộc bản địa thay đổi đức tin tăng nhanh, thiên chúa giáo có 121.385 tín đố, tin lành 76.000, đặc biệt những năm gần đây đồng bào còn đi theo đạo phật với 6000 phật tử (chủ yếu ở Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, ĐạHoai). Sự chuyển đổi đức tin trong một bộ phận đồng bào ít nhiều gây ra những mâu thuẫn, xung đột với các tôn giáo truyền thống do các nét văn hóa khác lạ của các tôn giáo ngoại nhập. Đặc biệt là tình trạng chuyển đổi đức tin từ tín ngưỡng đa thần sang tín ngưỡng độc thần không xuất phát từ nhu cầu của đồng bào mà do sự tác động từ bên ngoài bằng cách lôi kéo như đạo tin lành, đang tạo ra nguy cơ bất ổn cho xã hội khi hoạt động này bị lợi dụng cho mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, “làm thay đổi nhiều yếu tố văn hóa, xã hội của bộ phận tín đồ nói riêng và các DTTS tại chỗ…” [55, tr.59]. Thậm chí, “vai trò uy tín của già làng, trưởng thôn buôn, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể giảm dần trong những tín đồ theo đạo và cả những người không theo đạo. Trong khi đó vai trò, uy tín và ảnh hưởng của các chức sắc tôn giáo ngày càng tăng lên trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ, nhất là những buôn làng theo đạo” [54, tr.60]. Trong buôn làng, người theo đạo và không theo đạo nảy sinh mâu thuẫn, điều này phá vỡ tính cộng đồng vốn đã tồn tại bao đời của đồng bảo bản địa.

Sự thay đổi tín ngưỡng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền văn hóa bản địa Lâm Đồng. Trong xã hội cổ truyền các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đều diễn ra xung quanh các lễ hội, nhưng giờ đây nhiều nơi không còn tổ chức các lễ hội truyền thống mà được thay bằng những lễ nghi tôn giáo mới. Ở những địa phương đồng bào theo đạo, cồng chiêng không còn là vật thiêng của gia đình, dòng họ, nên họ có thể sử dụng vào bất cứ hoạt động nào mà họ muốn, thậm chí ở một số địa phương vùng ven thành phố, thị trấn, đồng bào còn đem ra bán đồng nát. Còn lứa tuổi thanh niên do chưa ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc của mình nên dễ tiếp thu văn hóa bên ngoài không có sự chọn lọc, có biểu hiện xu hướng vọng ngoại, quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa dân tộc.

Như vậy, sự hiện diện của các tôn giáo mới đang làm đảo lộn trật tự xã hội truyền thống, làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa Lâm Đồng.

+ Tác động của khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, Khoa học công nghệ phát triển đa dạng, phong phú và nhanh chóng đi vào cuộc sống đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Cũng như các yếu tố khác, văn hóa bản địa Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay cũng chịu sự tác động của khoa học - công nghệ. Thông qua các phương tiện truyền thông, như tivi, internet... người dân các tộc người bản địa cũng dần có sự thay đổi về nhận thức, trình độ ngày càng được nâng lên làm cho tri thức văn hóa bản địa đang dần có sự đan xen giữa tri thức cũ và mới, đó là sự kết hợp giữa tri thức truyền thống với tri thức khoa học trong sản xuất làm cho năng suất lao động dần được tăng lên.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của toàn cầu hóa kinh tế, các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, các giá trị truyền thống và các thiết chế xã hội… của các tộc người bản địa đang có những biến đổi sâu sắc. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng sự phát triển khoa học công nghệ bên mặt tích cực thì nó cũng có mặt tiêu cực, đó là sự lợi dụng khoa học công nghệ, hội nhập thông qua các phương tiện truyền thông với những ý đồ đen tối, của các thế lực phản động đã, đang chuyển tải những sản phẩm văn hóa độc hại vào mọi tầng lớp

nhân dân, nhất là người dân các tộc người bản địa ở Lâm Đồng, khi mà trình độ nhận thức của họ đang ở trình độ thấp. Sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện đó đến người dân đang diễn ra từng ngày từng giờ. Có thể nói, đó là một sức mạnh vô hình khổng lồ đang tác động vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, ứng xử, cảm thụ… của người dân.

Thông qua giao lưu văn hóa xã hội quốc tế, các nền văn hóa nói chung, văn hóa các DTTS bản địa Lâm Đồng nói riêng chắt lọc được những tinh tú văn hóa của nhau và ứng dụng vào nền văn hóa của mình để đạt được trình độ văn hóa ngày càng cao. Nhưng mặt khác văn hóa bản địa các DTTS ở Lâm Đồng đang rơi vào tình trạng, hoặc là sự nô dịch hóa văn hóa của văn hóa phương tây dẫn đến các tập tục cũ gần như bị xóa bỏ, tình trạng rời xa tin ngưỡng đa thần (tín ngưỡng truyền thống) đi theo các tôn giáo như: tin lành và thiên chúa giáo, hoặc có những buôn làng đồng bào không theo đạo, không chịu ảnh hưởng văn hóa phương tây thì tín ngưỡng, phong tục, lễ hội vẫn giữ nguyên, song các tập tục mang tính chất bảo thủ lạc hậu vẫn được duy trì, ví dụ, cúng ma… Tuy nhiên, hội nhập quốc tế là cơ hội tốt cho các nền văn hóa giao lưu và học hỏi lẫn nhau để đưa thế giới lên nền văn minh ngày càng cao. Do vậy hội nhập quốc tế là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia, dân tộc nhằm giúp họ thể hiện mình với quốc tế và học hỏi được từ các nước những điều cần thiết cho quốc gia, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi phải giải quyết.

Tóm lại: Hình thành trên nền tảng kinh tế là nền nông nghiệp nương rẫy, văn hóa bản địa các DTTS ở Lâm Đồng, thấm nhuần trong mỗi con người và cả cộng đồng, được lưu giữ, chắt lọc, kế thừa và phát triển, phát huy qua các thế hệ… trở thành nền tảng tinh thần của mỗi con người, của cộng đồng dân tộc và xã hội. Vai trò nền tảng tinh thần chính là sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc, được biểu hiện ở tính dân tộc, tình cảm, thể chế và thiết chế văn hoá, tập tục dân tộc hình thành trên cơ sở của những điều kiện địa lý nhất định và những quan hệ những kinh nghiệm chung của cộng đồng, là ý thức về bảo vệ lợi ích dân tộc với một phương thức sản xuất, phương thức tư duy phù hợp, là sự chấp nhận và thực hiện theo những quan điểm, nguyên tắc của cộng đồng, dân tộc được hình thành trong quá trình sinh tồn của các tộc người bản địa.

Chương 2

Một phần của tài liệu PHÁT HUY VAI TRÒ VĂN HÓA BẢN ĐỊA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở TỈNH LÂM ĐỒNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 40 -45 )

×