- Đặc điểm địa lý tự nhiên
2.3.2. Bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa trước yêu cầu của đổi mới vì sự phát triển
vì sự phát triển
Động lực nổi bật, bao trùm nhất của phát triển đối với tất cả mọi quốc gia, dân tộc hiện nay chính là đổi mới. Đổi mới là tất yếu. Đổi mới là sự phủ định nhưng không phải là sự phủ định sạch trơn mà là phủ định biện chứng. nghĩa là không phủ nhận lịch sử mà có sự kế thừa những giá trị lịch sử, “Đổi mơi phải bắt nguồn, bắt rễ từ mảnh đất văn hóa; truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của thời đại…” [32, tr.5].
Từ mục tiêu của cách mạng XHCN, từ nhu cầu, lợi ích chính đáng trong đời sống thường nhật của nhân dân, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới trên tất cả các mặt, các lĩnh vực với những đường lối, chiến lược cũng như phương thức thực hiện phù hợp được đông đảo nhân dân hưởng ứng tạo nên sự đồng thuận trong tư tưởng giữa Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, sức mạnh tổng hợp, sâu xa, có sức sống bền bỉ của đổi mới lại bắt nguồn từ văn hóa, là những giá trị văn hóa đã được lưu truyền, phát triển qua các thế hệ. Giá trị văn hoá là đặc trưng sắc thái của nền văn hoá dân tộc đóng vai trò là động lực của sự
phát triển, như GS.TS Hoàng Chí Bảo đã viết: “Cái đích thực của văn hoá, làm nên giá trị của nó đòi hỏi năng lực sáng tạo, trải qua lao động bền bỉ chẳng những công phu khó nhọc mà còn tình thế nữa. Để sáng tạo, chủ thể văn hoá, dù là một cá nhân - cá thể hay một tổ chức - cộng đồng, rộng lớn hơn là cả dân tộc và nhân loại, hết thế hệ này sang thế hệ khác phải vượt qua những lối mòn, sự lặp lại chính mình để khám phá và sáng tạo cái mới” [4]. Văn hoá không bất biến đứng yên mà trái lại luôn năng động tiến triển, đổi mới liên tục, đó là quy luật khách quan nên nó hoàn toàn xa lạ với sự trì trệ, xơ cứng. Chính trong quá trình đó, những lạc hậu, yếu kém bị đào thải, những nhân tố hợp lý được tiếp nhận. Trường tồn với lịch sử dân tộc các yếu tố văn hóa luôn đóng vai trò động lực cho sự vận động, phát triển và không ngừng hoàn thiện của con người và xã hội.
Trước yêu cầu đổi mới vì sự phát triển của đất nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, văn hoá bản địa các DTTS Lâm Đồng với hệ giá trị của mình đã, đang phát huy vai trò đối với sự phát triển ở địa phương. Song những nền văn hóa bản địa đó đáng đứng trước ngay cơ “mai một” hoặc mang tính chất “lai căng” do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa trước yêu cầu đổi mới. Nghĩa là, đổi mới là vì sự phát triển, bởi “đổi mới là động lực của phát triển”, nhưng không vì thế mà thực hiện bằng mọi cách và đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Đổi mới là để phát triển trên nền tảng văn hóa của dân tộc, là phát huy những giá trị của văn hóa tạo thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS bản địa là bảo tồn những giá trị văn hóa có tác dụng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy sự phát triển như bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, những tri thức kinh nghiệm có ích trong cuộc sống, trong sản xuất trên cơ sở tiếp thu tri thức khoa học - kỹ thuật; là bảo tồn lối sống nhân văn, nhân đạo, thủy chung cần được phát huy trong nền kinh tế thị trường; là phát huy truyền thống đoàn kết cộng đồng trong các thiết chế - xã hội truyền thống để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là cơ sở củng cố ý thức tự tôn dân tộc, phát huy tính sáng
tạo của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế… Có như vậy, đồng bào các DTTS bản địa mới mang được các giá trị văn hóa của mình hòa nhập vào dòng chảy của dân tộc, nhân loại phát huy vai trò tích cực của văn hóa nhưng có lọc bỏ - bổ sung - phát triển một cách sáng tạo phù họp với xu thế của thời đại và khắc phục mặt tiêu cực, loại bỏ cái lạc hậu, lỗi thời “trong các phong tục, tập quán cũ”. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà mục tiêu phát triển đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, cần quán triệt nguyên tắc kế thừa trong nguyên lý về sự phát triển của chủ nghĩa Mác.
Như vậy, bảo tồn không chỉ đơn thuần là lưu giữ hay sử dụng tích cực những giá trị văn hóa được tích lũy qua bao đời nay, mà còn là sự thúc đẩy những gì đạt được trong quá khứ đối với sự hình thành văn hóa mới. Không phải ngẫu nhiên, GS. Trần Văn Khê lại cho rằng, “Văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc không nên bảo tồn bằng cách khép kín trong các định chế, mà phải mở cửa đón nhận các nền văn hóa khác. Một nền văn hóa ngoại quốc có thể đem lại các yếu tố mới làm giàu cho văn hóa của quốc gia. Tuy nhiên, nền văn hóa đó, không được thay thế nền văn hóa quốc gia. Bảo tồn không có nghĩa chỉ quan tâm đến quá khứ, quên đi hiện tại và tương lai. Bảo tồn không có nghĩa là giữ một thái độ bảo thủ, mà trái lại, phải tăng thêm sự vững chắc của các nền tảng của di sản nhằm phát triển các hình thức biểu hiện văn hóa mới” [47, tr.8].
Có thể nói, đổi mới là vì sự phát triển, tuy nhiên trong quá trình đó nếu chúng ta dựa trên cái nội sinh, phát huy nó và tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại của thế giới để bổ sung và làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc, sẽ tạo thành động lực cần thiết cho sự phát triển. Còn “chỉ dựa vào nhân tố nội sinh và đóng cửa không tiếp nhận gì từ bên ngoài, thì một con người dù lành mạnh, một dân tộc dù có truyền thống lâu đời cũng sẽ dần dần suy yếu đi và không còn sinh khí nữa. Ngược lại, chỉ chú ý đến nhân tố ngoại sinh không chuẩn bị đầy đủ những điều kiện nội sinh thì nhân tố ngoại sinh dù hay đến đâu cũng sẽ bị bật ra ngoài [46, tr.175-176].