Hiện nay, việc học tập của học sinh về môn Văn học mặc dù đã được HS đầu tư nhưng HS chủ yếu là học thuộc lòng.
Trong trường phổ thông nói chung và trường THCS nói riêng, môn Ngữ văn có vị trí đặc biệt. Bởi môn Ngữ văn góp phần hình thành và giúp học sinh cảm thụ tình cảm quê hương, đất nước, con người của dân tộc qua những áng văn thơ. Để đảm nhận được chức năng cũng như vai trò to lớn nói trên đòi hỏi môn văn phải được dạy đúng cách và được chú ý đúng mức. Dạy văn nhằm nhiều mục đích nhưng chúng ta phải thấy được mục đích cuối cùng là rèn cho học sinh (HS) kỹ năng tiếp nhận (đọc) và tạo lập (viết) các loại văn bản trong cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tế giảng dạy ở phổ thông hiện nay cho thấy, hai mục tiêu cuối cùng này chưa được chú trọng ngang nhau. Từ việc phân phối chương trình đến người dạy vẫn chú trọng dạy phần đọc văn, tức chú trọng dạy tiếp nhận văn bản chứ chưa chú ý đúng mức đến việc dạy HS tạo lập văn bản. Trong khi, việc tạo lập văn bản khó hơn rất nhiều so với việc tiếp nhận hay đọc một văn bản bởi vì đây là một quá trình xuất thông tin, quá trình vận dụng sáng tạo những tri thức của bản thân để tạo ra sản phẩm của riêng mình.
Quá trình này đòi hỏi ở HS những năng lực tư duy cấp cao. Vì thế, việc dạy viết cần phải được chú trọng hơn và cần phân phối thời gian hợp lý hơn. Chính vì chưa được chú trọng đúng mức nên mục tiêu thứ hai này của việc dạy học ngữ văn ở phổ thông hiện nay chưa đạt được. Bên cạnh đó, mục tiêu này chưa đạt được còn vì một lý do quan trọng nữa là do cách dạy làm văn ở nhà trường phổ thông hiện nay còn nhiều hạn chế. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những hạn chế trong cách dạy làm văn ở phổ thông hiện nay, nguyên nhân của những hạn chế, hệ quả tác động của những hạn chế ấy và đề xuất biện pháp khắc phục.