Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn vietgap của các hộ nông dân tại thành phố thái nguyên​ (Trang 29 - 34)

5. Bố cục của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.1. Kinh nghiệm một số quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên thế giới

1.2.1.1. GlobalGAP

Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP được xây dựng bởi một hiệp hội bình đẳng của các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, các tổ chức dịch vụ, các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các công ty tư vấn, các nhà sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các trường đại học...và các hiệp hội của họ.

Khởi đầu từ bộ tiêu chuẩn EUROGAP, đến ngày 02/07/2007 và được nâng tầm lên thành GlobalGAP (là viết tắt của từ Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đây là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. GlobalGap là tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch [17].

Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP là công cụ kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà sản xuất với người cung ứng nông sản thực phẩm, vì thế nó không hướng tới việc gắn nhãn trên sản phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng, mà quan tâm tới sản lượng và địa điểm sản xuất.

Mục tiêu trọng tâm của GlobalGAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nhưng bên cạnh đó nó cũng đề cập đến các vấn đề khác như an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường [17].

1.2.1.2. ASEAN GAP

ASEAN GAP là một tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình gieo trồng và thu hoạch và xử lý sau thu hoạch rau quả tươi trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Các biện pháp thực hành tốt trong ASEANGAP với mục tiêu ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ mối nguy hại tới an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội đối với người lao động và chất lượng rau quả [17]

trong khu vực ASEAN lại khác nhau, một số nước đã có hệ thống chứng nhận quốc gia còn một số nước khác đang trong chương trình nâng cao nhân thức cho nông dân [17].

Mục đích của ASEANGAP là tăng cường việc phát triển các chương trình GAP trong khu vực ASEAN . Điều này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên ASEAN và với thị trường toàn cầu, nhằm cải thiện cơ hội phát triển cho người nông dân và góp phần duy trì nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bảo tồn môi trường.

1.2.1.3. Phát triển hệ thống GAP của Nhật (JGAP)

Hệ thống JGAP bao hàm việc quản lý/kiểm soát các mối nguy trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, bền vững về môi trường và bảo vệ người lao động. JGAP sẽ mang đến các lợi ích sau: Người tiêu dùng sẽ được hưởng các sản phẩm nông nghiệp an toàn được bảo lãnh bởi các cơ quan thanh tra độc lập. Hệ thống JGAP sẽ kiểm soát được các sản phẩm nhập ngoại không đảm bảo chất lượng. Không phát sinh chi phí cho cả người bán và mua.

Đối với các nhà xuất khẩu, khi xuất hàng hóa có thể đối chiếu với các hệ tiêu chuẩn khác trên thế giới để khẳng định sự tương thích của hệ thống này với các hệ GAP của các nước.

Tuy nhiên, hàng năm Chính phủ Nhật Bản đều có rà soát lại các tiêu chuẩn để luôn cập nhật các điều khoản thương mại mới, vì thế mà JGAI (GAP mới) ra đời ( phiên bản cập nhật của JGAP). Phê chuẩn JGAP và hệ thống quản lý chuỗi cung cấp để có hệ thống truy vấn nguồn gốc sản phẩm là vấn đề mới và phải tuân thủ đối với các bên tham gia.

1.2.2. Kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ chè VietGAP ở một số địa phương của Việt Nam VietGAP ở một số địa phương của Việt Nam

1.2.2.1. Kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Tính đến nay, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã trồng hơn 2.000 ha chè, trong đó có gần 1.900 ha đã cho thu hoạch. Nhằm nâng cao giá trị của cây chè, người trồng chè đang chuyển hướng trồng và chế biến chè từ phương pháp truyền thống sang trồng và chế biến chè an toàn.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè VietGAP, huyện Hàm Yên đã áp dụng rất nhiều các biện pháp hỗ trợ cho người nông dân, đồng thời bản thân các hộ dân cũng rất tích cực trong việc nâng cao giá trị cây chè của địa phương mình.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh và UBND huyện Hàm Yên triển khai mô hình trồng chè an toàn từ đầu năm 2013. Dự án đã hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, thiết bị sao sấy, máy hút chân không cho một số hộ dân trong các tổ hợp tác để giúp họ chế biến và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Để đảm bảo sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ trong Tổ hợp tác chè an toàn phải ký cam kết thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” là: đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời gian. Hộ nào không thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật thì lô chè đó không được chứng nhận và buộc phải trả lại. Thành viên tổ hợp tác phải tuyệt đối tuân thủ quy định trồng, chăm sóc cũng như thu hái, chế biến sản phẩm, mới đảm bảo được chất lượng an toàn. Từ giống chè, vùng đất, nguồn nước tới chế độ chăm sóc, hộ dân hoàn toàn tuân thủ theo những quy định được phép dùng trên sản phẩm an toàn. Việc thu hái và cơ sở chế biến cũng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xác định cây chè là thế mạnh trong phát triển kinh tế, UBND huyện Hàm Yên đã đồng hành cùng người dân xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị của cây chè bằng các giống chè mới chất lượng cao và sản xuất chè theo hướng an toàn, sạch bệnh. Các xã có diện tích trồng chè lớn được đầu tư xây dựng những hố rác bằng bê tông để thu gom vỏ thuốc trừ sâu, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, không chứa tác nhân gây bệnh. Chính vì sự nỗ lực của cả chính quyền địa phương và người dân, mà nhiều hộ đã có thu nhập cao nhờ sản xuất chè VietGAP. Giá 1kg chè búp khô theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn từ 30- 50 nghìn đồng so với chè sản xuất thông thường. Tỷ lệ hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ 1 năm ngày càng gia tăng. Nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, làm thay đổi diện mạo quê hương.

Như vậy, việc áp dụng đúng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với nhận thức của người nông dân được nâng cao, và sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền địa phương tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã thực sự giúp người dân thay đổi hình thức canh tác lạc hậu,

mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất chè, là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững.

1.2.2.2. Kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Quang Bình là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giống chè Shan tuyết; những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình xác định là cây kinh tế mũi nhọn, không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực. Để nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng và chất lượng, xã Xuân Minh được chọn thực hiện trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình VietGAP, bước đầu đem lại kết quả tốt [11].

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Quang Bình có thể phát triển được các giống chè hiệu quả kinh tế cao như Shan tuyết. Người sản xuất kinh doanh chè không những thoát nghèo mà còn có thể làm giàu chính đáng bằng chính sức lao động của mình. Tiêu biểu cho phát triển sản xuất chè của huyện như: Xã Xuân Minh, Tiên Nguyên, Tân Bắc và Tân Trịnh, mỗi xã cung ứng nguyên liệu chè ra thị trường đạt hàng nghìn tấn mỗi năm, tạo cho nền sản xuất chè của huyện ngày càng phát triển[11]. Để vươn tới sản phẩm chè có chất lượng tốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm 2013 thực hiện kế hoạch của tỉnh về hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, chế biến chè, UBND huyện Quang Bình phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm thủy sản thực hiện Dự án trồng, chăm sóc chè theo quy trình VietGAP tại xã Xuân Minh với tổng diện tích là 200 ha, dự án thực hiện trong 2 năm 2013 và 2014. Năm 2013 có 68 hộ tham gia thực hiện mô hình trên diện tích là 100 ha [11].

Sau quá trình tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chế biến chè an toàn theo hướng VietGap, hầu hết các hộ dân tham gia đều nắm được quy trình và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Hiện nay, diện tích chè được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP đều phát triển tốt, nhất là năng suất và chất lượng chè vượt trội hơn so với cách làm đại trà trước đây.

Thực hiện dự án trồng, chăm sóc và chế biến theo quy trình VietGAP đã giúp các hộ dân nâng cao được nhận thức kỹ thuật trong sản xuất chè. Thực hiện quy trình VietGAP khi trồng chè trên đất có độ dốc, phải tạo thành các đường đồng mức, do

đó việc chăm sóc thuận lợi hơn, phân bón không bị rửa trôi, giữ được độ màu mỡ cho đất, cây chè phát triển và cho năng suất, chất lượng búp tốt hơn. Hơn nữa, ở diện tích chè trồng mới trong 2 năm đầu bà con có thể trồng xen các loại hoa màu khác vừa tạo bóng mát cho cây chè, lại vừa có thêm thu nhập.

Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã dần dần giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường và sức khỏe... Có thể nói sau một năm thực hiện dự án chè VietGAP đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của mỗi hộ dân, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng và chất lượng chè được nâng lên đáng kể, cùng với đó thu nhập của người dân cũng được cải thiện.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của cây chè, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đang tập trung triển khai có hiệu quả phát triển vùng chè sạch Xuân Minh, Tiên Nguyên với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, gắn với việc hỗ trợ, nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, các tổ hợp tác với nông dân trong sản xuất nguyên liệu, xây dựng thương hiệu chè của huyện, góp phần đưa hương vị đặc trưng của chè Quang Bình đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước [11].

Tóm lại, qua nghiên cứu thực tiễn về kinh nghiệm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại một số địa phương của Việt Nam, tác giả nhận thấy rằng, hiện nay phát triển sản xuất chè an toàn đang là xu hướng phát triển của nhiều địa phương có cây chè, hướng tới mục tiêu vì một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên trong quá trình triển khai sản xuất chè VietGAP, không ít địa phương cũng đã gặp khó khăn trong việc khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn. Nhận thức rõ được những lợi ích về mặt kinh tế, xã hôi và môi trường mà sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại, chính quyền và nhân dân một số địa phương đã cùng đồng lòng, quyết tâm trong sản xuất, tiêu thụ chè. Về phía chính quyền địa phương, đã áp dụng rất nhiều các biện pháp hỗ trợ cho người nông dân, còn về phía các hộ dân, họ cũng rất tích cực trong việc nâng cao giá trị cây chè của địa phương mình. Từ thực tế đó, đã làm cơ sở cho tác giả nghiên cứu

về giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại thành phố Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn vietgap của các hộ nông dân tại thành phố thái nguyên​ (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)