5. Bố cục của luận văn
3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế- xã hội của thành phố Thái Nguyên
Thái Nguyên là thành phố công nghiệp, được thành lập từ 1962 (tiền thân là thị xã Thái Nguyên). Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi phía Bắc. Thành phố Thái Nguyên cũng là một trong ba trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất trong cả nước. Đồng thời, thành phố Thái Nguyên là đầu mối giao thông trực tiếp với Thủ đô Hà Nội, có đường sắt; đường sông; quốc lộ số 3 dài 86 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 Km. Là cửa ngõ đi các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Thành phố Thái Nguyên là đô thị loại II, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên; trung tâm vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 80 km, được công nhận là thành phố ngày 19 /10/1962. Thành phố Thái Nguyên tổng diện tích tự nhiên 177km2, phía Bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương, phía Đông giáp thành phố Sông Công, phía Tây giáp huyện Đại Từ, phía Nam giáp huyện Phổ Yên và huyện Phú Bình.
3.1.1.2. Khí hậu, thủy văn, tài nguyên thiên nhiên *) Khí hậu
Thành phố Thái Nguyên mang những nét chung của khí hậu vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc miền nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh giá, ít mưa, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Khí hậu của thành phố Thái Nguyên chia làm 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông và nằm trong vùng ấm của tỉnh, có lượng mưa trung bình khá lớn.
Tổng số giờ nắng trung bình năm khoảng 1.617 giờ. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 39,5˚C, nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm vào tháng 7 là 28,5˚C, thấp nhất nhất vào tháng 1 là 15,5˚C. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.025,3mm. Lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian, có chênh lệnh lớn giữa mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa cường độ lớn, lượng mưa chiếm 87% tổng lượng mưa trong năm (từ tháng 5 đến tháng 10) trong đó, riêng lượng mưa tháng 8 chiếm đến gần 30% tổng lượng mưa cả năm nên đôi khi gây ra tình trạng lũ lụt lớn. Thành phố có độ ẩm không khí cao, độ ẩm trung bình năm là 82%. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10 gió đông nam chiếm ưu thế tuyệt đối, nóng ẩm mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3, gió đông bắc chiếm ưu thế, lượng mưa ít thời tiết khô hanh [12].
Như vậy, khí hậu thành phố Thái Nguyên tương đối thuận lợi cho việc phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, thuận lợi cho phát triển ngành nông-lâm nghiệp và là nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.
*) Thủy văn
Trên địa bàn thành phố có sông Cầu chạy qua địa bàn, con sông này bắt nguồn từ Bắc Kạn chảy qua thành phố ở đoạn hạ lưu dài khoảng 25 km, lòng sông mở rộng từ 70 - 100m. Về mùa lũ lưu lượng đạt 3500 m³/giây, mùa kiệt 7,5 m³/giây [12].
Sông Công chảy qua địa bàn thành phố 15 km, được bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá thuộc huyện Định Hoá. Lưu vực sông này nằm trong vùng mưa lớn nhất của thành phố, vào mùa lũ, lưu lượng đạt 1.880 m³/giây, mùa kiệt 0,32m³/giây. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có Hồ Núi Cốc (nhân tạo) trên trung lưu sông Công, có khả năng trữ nước vào mùa mưa lũ và điều tiết cho mùa khô hạn.
*) Tài nguyên thiên nhiên
Thành phố Thái Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú:
Tài nguyên đất: Theo kết quả tổng hợp trên bản đồ thổ nhưỡng năm 2005 tỉnh Thái Nguyên tỷ lệ 1:50.000 cho thấy thành phố có các loại đất chính sau:
Đất phù sa: diện tích là 3.623,38 ha chiếm 20,46% tổng diện tích tự nhiên. Loại đất này rất thích hợp trồng lúa và hoa mầu.
Đất bạc màu: diện tích là 1.147,88 ha chiếm 6,48% tổng diện tích tự nhiên, trong đó gồm có đất: Bạc màu phát triển trên phù sa cổ có sản phẩm feralitic trên nền
cơ giới nặng, nhẹ, trung bình và đất dốc tụ bạc màu có sản phẩm feralit thích hợp với trồng lúa - màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Đất xám feralit: diện tích 7.614,96 ha chiếm 43% tổng tổng diện tích tự nhiên, trong đó gồm các loại đất: đất xám feralit trên đá cát; đất xám feralit trên đá sét; đất xám feralit màu nâu vàng phát triển trên phù sa cổ. Đất này thích hợp trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả, cây trồng hàng năm [12].
Chè Thái Nguyên ngon thơm nổi tiếng được góp phần tạo nên từ hai nguyên nhân chính là nguyên liệu sản xuất chè và phương pháp sao chế theo phương pháp thủ công truyền thống với cách đánh hương bằng lấy lửa tự nhiên. Trong đó đất chè Thái Nguyên có chứa nguyên tố vi lượng phù hợp với cây chè Thái Nguyên. Đất trồng được hình thành trên nền Feralitic macma axit hoặc phù sa cổ. Đất có độ PH nằm trong khoảng từ 5,5 đến 7, đất hơi chua cực kì phù hợp với trồng chè, chính vì vậy mặc dù ông Tổ của chè Tân Cương lấy giống chè từ Phú Thọ, nhưng do điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp nên chè Thái Nguyên nói chung và chè Tân Cương nói riêng có hương vị thơm ngon độc đáo.
Tài nguyên rừng: rừng ở Thái Nguyên chủ yếu là rừng nhân tạo và rừng trồng theo chương trình 327, rừng trồng theo chương trình PAM, vùng chè Tân Cương cùng với các loại cây trồng của nhân dân như cây nhãn, vải, quýt, chanh... Cây lương thực chủ yếu là cây lúa nước, ngô, đậu... thích hợp và phát triển ở những vùng đất bằng trên các loại đất phù sa, đất mới phát triển, đất glây trung tính ít chua.
Tài nguyên khoáng sản: 2 tuyến sông lớn chảy qua (sông Cầu và sông Công), do đó cung cấp cho thành phố một lượng cát, sỏi phục vụ xây dựng khá lớn, đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng cho toàn thành phố. Thành phố nằm trong vùng sinh khoáng đông bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương. Mỏ than nội địa Khánh Hoà thuộc xã Phúc Hà có trữ lượng than rất lớn.
Nguồn nước: Nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố phân bố không đều theo các vùng lãnh thổ và theo thời gian. Lượng mưa chiếm khoảng 80% lượng nước trong năm. Hiện nay nguồn nước mặt mới chỉ cung cấp cho 85 - 90% diện tích đất canh tác. Nguồn nước ngầm: Nhìn chung thành phố có nguồn nước ngầm phong phú, hiện tại nhân dân đang khai thác sử dụng trong sinh hoạt dưới các hình thức là giếng khơi và giếng khoan [12].
*) Dân số
Tính đến 1/1/2010, dân số (bao gồm cả thường trú và quy đổi) toàn Thành phố là 330.707 người; trong đó, dân số nội thị là 288.077 người chiếm 77,43% tổng dân số toàn thành phố (bao gồm dân số thường trú là 201.277 người và dân số quy đổi là 86.800 người , dân số ngoại thị là 83.973 người chiếm 22,57% tổng dân số toàn thành phố (bao gồm dân số thường trú là 78.433 người và dân số quy đổi là 5.540 người) [12]
Năm 2010 tỷ suất sinh thô giảm còn 0,16%0. Tỷ lệ tăng dân số trung bình 2,09%. Số sinh viên, học sinh, khách du lịch, lực lượng quân đội, công an, người đến tạm trú để làm việc và khám chữa bệnh đang ngày một tăng. Cụ thể, hiện có 82.097 học sinh, sinh viên nội vùng và của các vùng lân cận đang sống và học tập tại thành phố Thái Nguyên; 7.533 lượt khách thăm quan du lịch, hội nghi, hội thảo; 5.771 lao động ngoại tỉnh làm việc tại các doanh nghiệp và 91.819 lượt người đến khám chữa bệnh tại thành phố Thái Nguyên [12]
Tính đến 1 tháng 1 năm 2010, dân số trong độ tuổi lao động của thành phố là 189.130 người, bằng 67,61% tổng dân số toàn thành phố. Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 140.700 người lao động, chiếm tỷ lệ 74,39% [12]
Thành phố Thái Nguyên có tốc độ phát triển đô thị hoá nhanh. Đến năm 2010, số người lao động trong khu vực nội thị là, 97.083 người, phi nông nghiệp là 104.118 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 74%.
*) Lao động
Tổng số lao động đang làm việc trong khu vực nhà nước (bao gồm trung ương, địa phương và hành chính sự nghiệp) là 37.610 người, chiếm tỷ lệ 26,73% và lao động làm việc ngoài khu vực nhà nước là 103.090 người, chiếm tỷ lệ 73,27%. Lao động qua đào tạo gồm công nhân kỹ thuật, trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng chiếm 55%; lao động chưa qua đào tạo chiếm 45%. Lao động có tay nghề khá phổ biến ở các ngành xây dựng, khai khoáng, sửa chữa, khí đốt… Tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 4,46%
*) Thủy lợi
Diện tích chè vụ đông được tưới trên toàn tỉnh chiếm khoảng 25-30% diện tích trồng chè, hầu hết là hình thức tưới bán tự động, hình thức tưới tự động theo công nghệ tưới phun mưa hiện nay còn rất ít. Các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (trong đó có chè) là:
Toàn tỉnh có 9 hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên thì thành phố Thái Nguyên có một hồ là Hồ Núi Cốc [15]. Hồ nước có nguồn sinh thủy tốt do công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thái Nguyên trực tiếp quản lý, hàng năm đều chủ động trữ nước và điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý do đó các công trình không bị thiếu nước phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra thành phố còn một số hồ có dung tích từ 0.2 triệu m3 đến dưới 1 triêu m3, và nhiều hồ chứa dung tích nhỏ hơn 0.2 triệu m3. Các hồ có dung tích nhỏ, lượng nước chứa trong hồ chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước mưa hàng năm. Đây là hồ do các xã quản lý nên không được tu bổ thường xuyên.
Trạm bơm: Toàn tỉnh hiện có 200 trạm bơm điện, công suất 70.219 m3/h, năng lực tưới 5.150 ha; 40 trạm bơm dầu với công suất 10.144 m3/h, năng lực tưới 1.005ha. Hầu hết các trạm bơm trong tỉnh đều đã được thay thế các máy bơm cũ bằng các loại bơm liên doanh Việt thuộc thế hệ kỹ thuật mới, hiện tại vẫn đang còn dùng tốt [15].
Quản lý khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, tu sửa phai đập, nạo vét kênh mương, thường xuyên kiểm tra các hồ đập, kè, cống nhằm phát hiện kịp thời để xử lý các hiện tượng vi phạm hành lang và các sự cố công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa.
*) Cấp điện: Tỉnh Thái Nguyên có 21 trạm thủy điện nhỏ với tổng công suất là 422KW [15]. Có nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn nhiệt điện Cao Ngạn có công suất 100 MW với sản lượng hàng năm 600 triệu kWh, tổng mức đầu tư 123,9 triệu USD và nhà máy nhiệt điện An Khánh có công suất 120 MW, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Đối với thành phố, nguồn cung cấp điện cho thành phố Thái Nguyên hiện nay là nguồn điện lưới quốc gia với hệ thống đường dây cao thế 110kV và 220kV thông qua đường hạ thế xuống 35kV - 12kV - 6kV/380V/220V; 95% các đường phố chính
đó có đèn chiếu sáng ban đêm. Hệ thống điện đủ cung cấp điện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thành phố.
*) Cấp nước sinh hoạt và sản xuất: thành phố hiện có hai nhà máy nước là nhà máy nước Thái Nguyên và nhà máy nước Tích Lương với tổng công suất là 40.000m3/ng.đêm. Đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt ở mức 100 lít/người/ngày. Đến nay, 93% số hộ khu vực nội thành được cấp nước sinh hoạt [15].
*) Giao thông: Tổng diện tích đất dành để xây dựng đường giao thông trên địa bàn là 1.305ha, chiếm 22% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố.
3.1.1.5. Những lợi thế của thành phố Thái Nguyên trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP
Trong những năm gần đây, thành phố Thái Nguyên đã rất chú trọng tới việc phát triển sản phẩm chè an toàn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Với những lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, và các chính sách phát triển ngành chè của tỉnh, đã đem lại cho thành phố nhiều thuận lợi trong việc phát triển sản phẩm chè VietGAP.
Về điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý: Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời thành phố Thái Nguyên còn là một trong ba trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất trong cả nước. Đây là khu vực có trình độ dân trí cao, hiểu biết của người dân về sử dụng sản phẩm an toàn khá phổ biến. Vì vậy đây chính là một lợi thế so sánh quan trọng trong việc thụ sản phẩm chè VietGAP của thành phố
Khí hậu: Khí hậu thành phố Thái Nguyên cho phép phát triển tập đoàn cây trồng vật nuôi phong phú. Có lợi thế hơn các tỉnh đồng bằng trong việc phát triển nông lâm nghiệp tổng hợp và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Điều kiện thời tiết khí hậu và đất đai của một số xã trong thành phố thích hợp với việc phát triển sản xuất chè. Khi được trồng ở đây thì chúng phát triển mạnh mẽ, cho chất lượng búp và lá cao, mang lại hương vị thơm ngon cho người thưởng thức.
Về nguồn nhân lực: Thành phố Thái Nguyên có đội ngũ cán bộ, công nhân có kinh nghiệm, năng lực, trình độ cao và đội ngũ sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ các trường Đại học, chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Thành phố Thái Nguyên còn là nơi có nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, có kinh nghiệm trong sản xuất chè lâu đời. Nói về sản phẩm chè thì Thái Nguyên vẫn là nơi được biết đến nhiều nhất trên cả nước với thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng lâu năm với diện tích trồng chè lên tới 20.765 ha( đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Lâm Đồng), sản lượng chè chế biến các loại đạt 39.364 tấn [6].Theo một số nhà nghiên cứu thì cây chè được trồng ở Thái Nguyên cũng gần với thời điểm cây chè được du nhập vào Việt Nam. Cây chè cao tuổi nhất còn tồn tại tới giờ là một cây ở Tân Cương, thuộc thành phố Thái Nguyên, đã có tuổi thọ khoảng 90 tuổi.
Về cơ sở hạ tầng: Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông liên lạc, điện, thủy lợi…của thành phố đang được cải thiện, hệ thống cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp đang được mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng.
Về du lịch: Thành phố Thái Nguyên được biết đến với danh trà Tân Cương. Vùng chè đặc sản Tân Cương cách trung tâm thành phố Thái Nguyên từ 5 đến 10km về phía Tây, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, với diện tích chè trên 1.300ha. Nơi đây không những nổi tiếng vì có sản phẩm chè ngon mà còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, sông và rất gần khu du lịch Hồ Núi Cốc. Năm 2012, ước tính có khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan vùng chè đặc sản Tân Cương. Năm 2016, tỉnh đã khởi công xây dựng khu du lịch tâm linh tại khu vực Hồ Núi Cốc với số vốn lên đến hàng nghìn tỉ đồng, trong đó các xã thuộc vùng chè Tân Cương đều nằm trong khu du lịch này. Dây cũng là một lợi thế để người sản xuất có cơ hội quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên với khách du lịch bốn phương với các sản phẩm chè đảm bảo an toàn, chất lượng của quê hương mình.