Giải pháp và gợi ý chính sách nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của phương thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn vietgap của các hộ nông dân tại thành phố thái nguyên​ (Trang 96)

5. Bố cục của luận văn

4.2. Giải pháp và gợi ý chính sách nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của phương thức

thức sản xuất, tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thành phố Thái Nguyên

4.2.1. Giải pháp đối với hộ nông dân

4.2.1.1. Nâng cao nhận thức của các hộ dân về vấn đề sản xuất chè an toàn nói chung và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP nói riêng

Quy trình VietGAP là quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bao gồm những nguyên tắc, trình tự, nội dung, thủ tục, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là việc tổ chức sản xuất chè theo quy trình và đảm bảo các tiêu chuẩn của VietGAP của các tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại.

Để thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường trên cơ sở truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xúc tiến thương mại hàng hóa nội địa và xuất khẩu thì việc cần phải giải quyết cấp bách ở đây là hướng người sản xuất chè vào sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao. Chính vì vậy, sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP là một hướng đi đúng đắn và cần được khuyến khích phát triển trong các hộ sản xuất chè tại Thái Nguyên.

Các hộ nông dân cần nhận thức và hiểu đúng tính chất của việc chứng nhận sản xuất chè an toàn vì khác với trước đây chứng nhận chất lượng sản phẩm trước khi vào lưu thông, thì nay theo quy chế mới chuyển sang "chứng nhận việc thực hiện quy trình sản xuất chè an toàntheo VietGAP". Như vậy là chứng nhận cả một quá trình sản xuất, chứng nhận từ gốc sẽ đảm bảo chính xác khách quan hơn.

Lợi ích của việc chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là: Xác nhận mang tính pháp lý chất lượng sản phẩm từ đó tạo niềm tin cho cả người sản

xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và nhà quản lý, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, là căn cứ cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để nông sản của nước ta vào được thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh đó sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP còn đem lại cho các hộ dân một môi trường sống trong lành,bền vững, thay vì liên tục phải tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thuốc bảo vệ thực vật độc hại như quy trình sản xuất cũ. Chính vì vậy các hộ nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức của mình về quy trình sản xuất chè an toàn này, không nên trông chờ, ỷ lại sự hộ trợ của Nhà nước mới chịu tham gia hoặc gia hạn chứng nhận VietGAP. Bởi sự chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, sẽ giúp các hộ nông dân kịp thời nắm bắt được thị trường, đưa sản phẩm vươn xa tới các tỉnh thành trên cả nước và xâm nhập vào thị trường quốc tế.

4.2.1.2. Thâm canh sản xuất hợp lý, sử dụng tối ưu các đầu vào sản xuất chè

Ứng dụng các biện pháp thâm canh hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, như cải tiến công tác giống đến cải tiến kỹ thuật canh tác.

Các hộ nông dân cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, áp dụng tối ưu các đầu vào của sản xuất chè để giảm thiểu chi phí sản xuất.

4.2.1.3. Tham gia các hình thức liên kết phù hợp trong các khâu của quá trình sản xuất chè

Để sản xuất theo quy trình VietGAP có hiệu quả hơn, các hộ nông dân cần tham gia vào các hợp tác xã để hợp tác với nhau trong sản xuất. Việc hợp tác này sẽ khắc phục tình trạng các hộ nông dân phải đơn lẻ đối mặt với thị trường, giảm thiểu được những tác động xấu từ sự biến động của giá các yếu tố đầu vào. Dần hình thành được thương hiệu chè của địa phương, chấm dứt được sự chèn ép giá cả của thương lái.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chè VietGAP, các hộ dân có thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau, các hộ tham gia trước hướng dẫn các hộ tham gia sau để mọi người cùng hiểu rõ về quy trình sản xuất VietGAP, từ khâu làm đất, chọn giống cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hái, chế biến… Hợp tác xã có thể đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ dân và tìm đầu

mối tiêu thụ, ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp dễ dàng hơn so với từng hộ cá thể.

4.2.1.4. Chủ động trong hoạt động tiếp thị sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu

Người nông dân nên tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm chè, không nên bán sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế. Chú trọng chế biến thành phẩm chất lượng cao, tham gia sâu vào các công đoạn nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để có thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu trực tiếp không phải qua trung gian tiêu thụ. Đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu chè VietGAP Thái Nguyên.

4.2.2. Giải pháp về kỹ thuật

4.2.2.1. Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP

- Tập trung đầu tư, thâm canh sản xuất chè theo quy trình VietGAP, IPM. - Tập trung đầu tư trồng mới và trồng thay thế giống chè cũ, năng suất thấp - Chú trọng bộ giống mới cho công tác trồng mới và trồng thay thế, chứng nhận chất lượng giống cây chè trước khi trồng mới, đảm đạt tiêu chuẩn trước khi xuất vườn. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích chè giống mới đạt 70%, còn lại 30% giống chè Trung du.

4.2.2.2. Phát triển công nghiệp chế biến

Căn cứ vào dự báo khả năng đáp ứng nguyên liệu và sự hình thành các vùng nguyên liệu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để lựa chọn nhà máy tương ứng với vùng nguyên liệu. Việc đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến cần điều chỉnh theo dự báo thị trường.

Phấn đấu đến năm 2020: 50% các doanh nghiệp phải áp dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO - HACCP. Điều kiện chế biến chè an toàn phải thực hiện theo quy chuẩn Việt Nam 1/7/2009/BNNPTNT, cơ sở chế biến chè đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với chế biến chè quy mô hộ gia đình khuyến khích các hộ áp dụng quy trình sản xuất chế biến chè an toàn bằng đầu tư công nghệ sinh học và sử dụng tôn sao INOX thay thế tôn sắt.

Tiến hành rà soát, đánh giá lại khả năng cung cấp nguyên liệu của các vùng sản xuất cho cơ sở chế biến. Tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến theo từng quy

mô, hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến tự công bố chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm mọi trường hợp sản xuất, chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

4.2.2.3. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến chè

Để sản xuất chè an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ giống chè mới, kỹ thuật canh tác mới, kỹ thuật công nghệ chế biến mới gắn với các thiết bị canh tác và chế biến phù hợp.

*) Đốn chè

Qui trình kỹ thuật hiện hành đã qui định kỹ thuật đốn chè và đốn bằng thủ công dụng cụ đốn chè là dao đốn, kéo đốn chè. Trong sản xuất hiện nay đã trồng nhiều giống chè mới có hình thái khác các giống chè cũ, do đó cần áp dụng kỹ thuật đốn mới thích hợp hơn và áp dụng đốn bằng máy do Nhật bản chế tạo, máy đốn đơn E7B-750, máy đốn đôi R-8GA1200. Kết quả nghiên cứu cho thấy dùng máy đốn đơn dạng phẳng cho kết quả tốt và thích hợp.

*) Kỹ thuật hái

Qui trình kĩ thuật hiện hành qui định kĩ thuật hái san trật. Hái chè san trật làm cho búp chè sinh trưởng không đều nhau vì thế chất lượng búp chè không đồng đều, không đáp ứng yêu cầu chất lượng nguyên liệu để thưc hiện các chế độ công nghệ trong quá trình chế biến, dẫn tới chất lượng chưa cao.

Khắc phục các nhược điểm của kĩ thuật hái cũ, các kết quả nghiên cứu kĩ thuật hái mới đó là áp dụng hái kĩ (hái sạch) các búp trên mặt tán (có thể hái bằng tay và bằng máy) có ưu điểm sau khi hái trên tán chè không còn búp chè, cắt đứt chuỗi thức ăn của các loại sâu hại chè, hạn chế bùng phát số lượng sâu hại chè; hái kĩ sẽ làm cho số lứa hái chè giảm (hái bằng tay giảm 30%, hái bằng máy giảm 60% số lứa hái so hái san trật) khoảng cách giữa hai lứa hái 14-16 ngày (hái tay), 35-40 ngày (hái bằng máy). Do khoảng thời gian dài, nếu phải sử dụng thuốc trừ sâu thì đủ thời gian để thuốc trừ sâu phân huỷ, không còn dư lượng trong sản phẩm chè; mặt khác do áp dụng kĩ thuật hái kĩ làm cho mật độ búp tăng cao hơn hái san trật (20%-30%) vì thế dù số lứa hái ít hơn nhưng năng suất búp vẫn tăng hơn hái san trật 10% -12% và búp

chè có độ đồng đều cao hơn đạt tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu cho chế biến chất lượng tốt hơn, chè an toàn.

*) Kỹ thuật bón phân

Giống chè LDP1 là giống có thể thâm canh cao và năng suất cao vì thế cần tăng lượng bón K để thúc đẩy quá trình hấp thu và tăng quá trình tích luỹ sản phẩm; mặt khác đất trồng chè hiện nay có hàm lượng Mg++ giảm thấp không đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng cây chè giống mới.

Đặc biệt, muốn phát huy hiệu quả các chất dinh dưỡng cung cấp cho chè, nâng cáo chất lượng sản phẩm chè cần bón bổ xung lượng lớn các chất hữu cơ. Đáp ứng đòi hỏi đó các kết quả nghiên cứu bón phân NPK theo tỷ lệ 3:1:2 +75kg MgSO4 (giống LDP1, LDP2) và 3:1:1+ 75kg MgSO4 (giống Kim tuyên), cùng với bón 30- 35 tấn phân hữu cơ/3 năm, cho hiệu quả nâng cao năng suất 10%-12%.

Những nương chè áp dụng hái bằng máy cần áp dụng lượng bón N từ 35- 40N/T sản phẩm thu hoạch (so 25 N/T sản phẩm), làm năng suất tăng búp chè 25- 30%. Tăng bón phân hữu cơ, hỗn hợp vi sinh và các chế phẩm phân bón chuyên dùng nâng cao năng suất và tăng khả năng chống chịu.

*) Nghiên cứu hệ thống thiết bị áp dụng trong canh tác và chế biến

- Tưới tiết kiệm nước trên nương chè: Áp dụng hệ thống thiết bị tưới phun mưa tự động thông qua chỉ tiêu ẩm độ không khí nương chè và hệ thống tưới nhỏ giọt có hiệu quả và tiết kiệm nước tưới, sinh trưởng cây chè tăng và năng suất búp tăng, chất lượng búp tốt đặc biệt giảm số lượng sâu hại chè, nhất là nhện đỏ hại chè hầu như không xuất hiện.

- Hệ thống thiết bị chế biến chè xanh chất lượng cao

- Hệ thống thiết bị chế biến chè Ô long:Có thể tham khảo các thiết bị chế biến được chế tạo từ Đài loan gồm:

Máy quay hương, năng suất 40-80 kg/h; máy diệt men năng suất 9-18 kg/h; máy vò chảo năng suất 7-10 kg/h; máy cuốn quả năng suất 7-10 kg/h; máy cuốn quả cánh sen năng suất 7-10 kg/h, máy vò quả năng suất 2-3 kg/h; máy đánh tơi năng suất 6-18 kg/h; máy sấy lên hương chè; máy hút chân không ...

4.2.2.3. Giải pháp về kinh tế, tổ chức sản xuất

*) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành chè

- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực ngành sản xuất chè, bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chế biến chè.

- Hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất, mức hỗ trợ thực hiện theo Nghị định 02/2010/NĐ của Chính phủ về khuyến nông.

- Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực cho ngành sản xuất chè.

*) Hỗ trợ tín dụng cho nông dân sản xuất chè

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn trên cơ sở phân tích khả năng đầu tư của từng nhóm hộ, hộ sản xuất, để đề ra mức hỗ trợ vốn cần thiết cho từng nhóm hộ. Đối với việc hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất của hộ nông dân nhà nước cần xem xét các phương thức cho vay, cụ thể là hoàn thiện cơ sở vay vốn phát triển sản xuất của ngân hàng và các dự án khác. Đơn giản các thủ tục cho vay, mực độ tỷ lệ lãi suất, các hình thức cho vay theo thời gian của các giai đoạn trong sản xuất chè của hộ. Bởi vì do đặc điểm của ngành chè, việc đầu tư cho một quá trình sản xuất từ trồng mới cho đến thu hồi vốn phải trải qua nhiều năm. Đây cũng là trở ngại lớn cho người dân không yên tâm vào đầu tư cho sản xuất.

Tiếp tục chính sách đầu tư ưu đãi, trợ giá đối với các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất chè như hỗ trợ 30% giá giống đối với chè giống mới, hỗ trợ 100% kinh phí cho việc cấp chứng nhận lần đầu và hỗ trợ 50% kinh phí cho việc gia hạn cấp chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGap

*) Đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chè

Chính sách đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng: Nhà nước đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng mà trước hết là giao thông và thủy lợi. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng cho giao thông, thủy lợi, kênh mương tưới cấp 1, cấp 2, trạm bơm, hệ thống điện hạ thế cho sản xuất chè an toàn.

Hoàn thiện đường giao thông đến trụ sở ủy ban nhân dân xã và hệ thống giao thông trên địa bàn xã. Tiếp tục cải tạo các tuyến hiện có, nâng cấp các tuyến chưa vào cấp đạt tiêu chuẩn tối thiểu là đường giao thông nông thôn loại A. Ngoài ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp thu mua chế biến chè phải dành một phần vốn đầu tư để phát triển các công trình thuỷ lợi nhỏ, giao thông trong nội đồng vùng nguyên liệu chè.

*) Tăng cường sự liên kết “4 nhà”

Cụ thể hóa nội dung và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình liên kết 4 nhà đã được nêu ra trong quyết định 80. Các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ chè với đại diện các hợp tác xã, chủ trang trại; hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng vùng chè gắn với các cơ sở chế biến. Doanh nghiệp phải bao tiêu được đầu ra với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài, độc quyền được một vài yếu tố đầu vào và đảm nhận công tác hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, quản lý tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền địa phương (UBND xã, trưởng thôn) thực hiện vai trò yểm trợ và kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng đã ký thông qua các hoạt động: tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa, tác dụng của phương thức hợp đồng tiêu thụ, tổ chức trao đổi bàn 3 bên giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân về điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Trong đó có cơ chế về khối lượng, cơ chế về giá… thích hợp. Đồng thời tỉnh cũng phải có chế tài mạnh đối với bên nào vi phạm hợp đồng.

4.2.2.5. Giải pháp về thị trường

*) Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn vietgap của các hộ nông dân tại thành phố thái nguyên​ (Trang 96)