4. Ý nghĩa khoa học và những đóng góp mới của đề tài
1.2.1. Kinh nghiệm đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa
phương trong nước
1.2.1.1. Kinh nghiệm của huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc
Thời gian qua, huyện Vĩnh Tường luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, nhất là những thanh niên nông thôn chưa có việc làm ổn định. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.
Ngay từ đầu năm, huyện Vĩnh Tường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác lao động, giải quyết việc làm và triển khai kịp thời đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, Phòng LĐ-TB&XH tuyên truyền sâu rộng về các chính sách của trung ương, của tỉnh về các nội dung hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động và vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Qua khảo sát thực trạng nguồn lao động tại địa phương và tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về các ngành, nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như những ngành, nghề mà thực tế xã hội đang cần. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) của huyện chủ động nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, căn cứ nhu cầu thực tế của người lao động,
trung tâm còn tổ chức lớp đào tạo sơ cấp, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, dạy nghề ngắn hạn với những nghề như: Sơ cấp điện, cơ khí, nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi... giúp người lao động nông thôn nâng cao kiến thức. Nhờ vậy, nhiều lao động nông thôn đã biết áp dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp, nhiều người tự mở cửa hàng kinh doanh ăn uống, tiệm sửa chữa thiết bị điện, cơ khí và có thu nhập ổn định.
Trong năm 2017, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn tham mưu cho Ban Chỉ đạo GQVL huyện triển khai thí điểm dạy tiếng Nhật trong các trường THPT, Trung tâm GDNN- GDTX; phối hợp với Trường cao đẳng Nghề số 2 - Bộ Quốc phòng tổ chức ký kết chương trình hợp tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2017 - 2020.
Xác định hoạt động của các doanh nghiệp góp phần không nhỏ trong công tác giải quyết việc làm cho lao động địa phương, huyện Vĩnh Tường cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực vào để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Vĩnh Tường có gần 700 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, phát triển ổn định như: Công ty cổ phần May Việt Thiên, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Việt Pháp... Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. (Vĩnh phúc.vn)
Để người lao động tiếp cận được các thông tin việc làm, đồng thời, chủ động cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Vĩnh Tường chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm và ký cam kết cung ứng lao động.
Huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần May KLW Việt Nam tổ chức tư vấn việc làm thu hút hơn 260 người lao động tham gia; phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên tổ chức ký thỏa thuận nguyên tắc hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giai đoạn 2017 - 2022.
Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động, thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia đăng ký tuyển dụng.
Bên cạnh giải quyết việc làm trong nước, huyện Vĩnh Tường còn quan tâm tới công tác xuất khẩu lao động. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Huyện phối hợp với Trung tâm Đào tạo LĐXK tỉnh mở 2 văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động tại 2 xã An Tường, Vĩnh Thịnh; thực hiện thí điểm nâng mức vay vốn tín chấp từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cho người lao động của xã An Tường và xã Vĩnh Thịnh tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản; phối hợp với Trung tâm Đào tạo LĐXK tỉnh, Công ty cổ phần Công nghệ cao Vĩnh Phúc VHC và các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động uy tín tổ chức gần 50 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động cho hàng nghìn lượt học sinh THPT; 360 bộ đội xuất ngũ và hàng nghìn lượt lao động địa phương.
Nhờ vậy, người lao động nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác về các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh, những lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động, tiếp cận các chương trình về xuất khẩu lao động...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở Vĩnh Tường đạt được những kết quả tích cực. Năm 2017, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 2.850 lao động địa phương ở các lĩnh vực, trong đó, hơn 970 lao động lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; 650 lao động lĩnh vực nông nghiệp và hơn 710 lao động lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Lĩnh vực xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao với 513 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung tại các thị trường có tình hình an ninh chính trị ổn định, có nền kinh tế và KHKT phát triển cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Để công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả hơn nữa, năm 2018, huyện Vĩnh Tường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện tốt các chính sách của trung ương và của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia XKLĐ.
1.2.1.2. Kinh nghiệm của huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên
Huyện Phú Lương chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng mở rộng các hình thức liên kết: Mở rộng liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Mở rộng liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình, dự án… Liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh để thống nhất nội dung đào tạo, chương trình đào tạo, phát huy thế mạnh của địa phương, đồng thời tranh thủ kinh nghiệm, thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ của các cơ sở đào tạo khác. Liên kết cơ sở đào tạo nghề với các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn liền giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo mục đích người lao động phải học lý thuyết và làm được. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy nghề trên cơ sở đa dạng hoá các loại hình dạy học, liên thông giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề nhằm đa dạng hoá ngành nghề và cấp độ, đáp ứng nhu cầu tìm việc và tự tạo việc làm cho người lao động nông thôn.
Chương trình đào tạo nghề của Huyện có các đặc điểm nổi bật gồm:
* Đào tạo nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế- xã hội địa phương:
Huyện Phú Lương chủ trương gắn liền hoạt động đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế của Huyện. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sản xuất các ngành chế biến nguyên vật liệu có sẵn, tại chỗ như chế
biến nông, lâm sản. Đào tạo nghề gắn với phát triển các ngành thủ công nghiệp và xây dựng, các ngành sản xuất những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống ở nông thôn: Cụ thể như ngành khai thác quặng titan, than, hay hình thành những cụm sản xuất cơ khí ở các thị trấn, sản xuất máy móc nông nghiệp.
Quy hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới của Huyện tập trung vào các thế mạnh của địa phương như phát triển làng nghề truyền thống, dịch vụ cơ khí nông nghiệp, cơ khí mỏ, khai thác khoáng...; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Huyện luôn gắn liền với các thế mạnh của địa phương để góp phần giải quyết việc làm tại chỗ tăng thu nhâp, cải thiện đời sống cho người dân. (Thái Nguyên.vn)
* Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các khu vực lân cận: Huyện Phú Lương có nguồn lao động dồi dào tập trung ở khu vực nông thôn. Trong khi nền kinh tế của huyện chưa đủ khả thu hút hết lực lượng lao động đó. Huyện Phú Lương nằm trong vùng có môi trường đầu tư khó khăn, số doanh nghiệp phát triển chậm nên thị trường lao động còn dư thừa.
1.2.1.3. Kinh nghiệm của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đồng Hỷ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, Đồng thời, huyện cũng quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và tư vấn học nghề cho người lao động, bên cạnh đó huyện cũng thường xuyên khảo sát nhu cầu học nghề và chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực dạy nghề.
Do đặc điểm địa lý gần trung tâm Thành phố Thái Nguyên, về nông nghiệp huyện là đầu mối chiếm ưu thế cung cấp nông sản, rau quả... phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của Thành phố, về công nghiệp, dịch vụ huyện có ưu thế địa lý cung cấp nguồn lực tại chỗ cho các nghành nghề công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
Phát huy các lợi thế sẵn có Đảng bộ, Chính quyền huyện Đồng Hỷ chủ trương đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Triển khai đồng thời đào tạo ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, tuy nhiên giai đoạn đầu thực hiện chương trình ưu tiên đào tạo ngành nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, giai đoạn tiếp theo căn cứ nhu cầu thực tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Kinh nghiệm triển khai của Huyện cho thấy những bất cập trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường xuyên gặp phải: Các đơn vị dạy nghề chưa thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo nghề; thiếu kinh phí hỗ trợ khảo sát nhu cầu học nghề nên số liệu đăng ký học nghề còn thiếu chính xác; trước đào tạo một số xã chưa định hướng cho lao động học nghề; một số lao động học nghề phi nông nghiệp sau khi học xong chưa giải quyết được việc làm.
Chương trình đào tạo nghề của Huyện có các đặc điểm nổi bật:
* Đào tạo nghề với phát triển công nghiệp - dịch vụ: Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Huyện tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên cơ sở liên kết công nghiệp chế biến ở địa phương với các địa phương khác. Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm cung cấp lao động tại chỗ cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận.
* Đào tạo nghề gắn với quy hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới:
Chương trình tổng thể bao gồm các đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu,... Các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn liền với các chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng khả năng tự tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân.