bất khoan dung gây chia rẽ, bất đồng trong xã hội
Đối lập với khoan dung là bất khoan dung, đối lập với đồng thuận là mâu thuẫn, bất đồng, xung đột. Trong quan hệ quốc tế, biểu hiện của bất khoan dung là các hành vi kỳ thị dân tộc, tôn giáo, văn hóa; xâm phạm các quyền bình đẳng, tự quyết dân tộc… Những hành vi đó dẫn tới hậu quả tạo ra các mâu thuẫn, thù hằn, thậm chí xung đột giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Trong phạm vi quốc gia, bất khoan dung biểu hiện ở chính sách thiếu tôn trọng đặc điểm dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng; ở sự vi phạm các quyền tự do cơ bản của con người. Sự thiếu khoan dung có thể xuất phát từ chính sách của giai cấp cầm quyền, hoặc từ phía các cộng đồng dân tộc, tôn giáo khác nhau. Hậu quả của nó là tạo ra những mâu thuẫn, bất đồng giữa các cộng đồng với nhà nước, hoặc giữa các cộng đồng với nhau. Thực tế những năm qua, ở nước ta, tại một số khu vực, các thế lực thù địch đã tuyên truyền
các luận điệu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới vỏ bọc dân tộc, tôn giáo chúng đã lôi kéo, kích động một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đấu tranh chống chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đòi ly khai, tự trị, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo. Dưới chiêu bài tự do, dân chủ, các thế lực này xuyên tạc đường lối, chính sách, lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân đấu tranh gây chia rẽ đoàn kết giữa người trong Đảng và ngoài Đảng; người Việt Nam ở nước ngoài với chính quyền trong nước; gây chia rẽ quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc đấu tranh, phê phán chỉ ra ý đồ chính trị của các thế lực thù địch để các cơ quan nhà nước và mọi người dân thấy rõ bản chất, cảnh giác trước mưu đồ của chúng là một biện pháp để xây dựng đồng thuận xã hội.
Ngoài ra, ở nước ta hiện nay, cũng cần đấu tranh chống các hành vi lợi dụng bảo vệ chế độ để quy chụp, xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong thực tế, không phải không có hiện tượng lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chế độ để xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong xã hội dân chủ, các quyền tự do, dân chủ (như tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí…) đã được pháp luật quy định. Ngay cả các ý kiến đối lập, bất đồng nếu không trái với lợi ích chung của dân tộc, quy định của pháp luật cũng phải được tôn trọng. Trong trường hợp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc nêu quan điểm, tranh luận phải được coi là việc làm bình thường, là phương thức hữu hiệu để tìm ra chân lý, qua đó, xác lập đồng thuận xã hội.
Đấu tranh, phê phán các quan điểm, hành vi bất khoan dung gây chia rẽ bất đồng trong trong xã hội là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, mỗi người dân nhưng quan trọng nhất là những người làm công tác tư tưởng, lý luận. Bởi, các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng những sơ hở trong
chủ trương, chính sách để khoét sâu, tuyệt đối hóa những khác biệt, làm cho một bộ phận quần chúng ngộ nhận, tin theo. Do vậy, cần phát huy vai trò của những người làm lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác luận điệu của các thế lực thù địch.
Trong quan hệ quốc tế, đấu tranh chống lại các quan điểm chủ nghĩa sôvanh dân tộc, các quan điểm, hành vi tôn giáo cực đoan, các luận thuyết kích động xung đột văn minh. Kiên quyết phản đối thái độ ngạo mạn của một số thế lực tự xem xét các giá trị văn hóa của dân tộc mình là “ưu việt”, “tối thượng” rồi gán ép giá trị, chuẩn mục ấy cho các dân tộc khác. Những sự áp đặt như vậy chỉ châm ngòi cho mâu thuẫn, xung đột, hận thù chứ không tạo được hòa bình cho nhân loại.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý kịp thời, thích đáng đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi bất khoan dung, tuyên truyền các luận điệu bất khoan dung gây chia rẽ, bất đồng giữa cộng đồng các quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Những hành vi vi phạm quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 4
Khoan dung, đồng thuận xã hội không phải là mong muốn chủ quan của một cá nhân hay giai cấp nào, mà đó là yêu cầu khách quan cho sự tồn tại, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại. Đặc biệt, trong những quốc gia đa dân tộc, tôn giáo như nước ta, việc thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội càng là một yêu cầu bức thiết. Để nâng cao chất lượng thực hành khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội phải xuất phát từ cả hai phía: chủ thể cầm quyền (nhà nước, đảng chính trị) và từ cộng đồng, mỗi người dân.
Ở Việt Nam hiện nay, để phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: từ nâng cao nhận thức về truyền thống khoan dung, đồng thuận xã hội; tầm quan trọng của phát huy truyền thống này trong giai đoạn hiện nay; đến đẩy mạnh tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện các cơ chế, chính sách; đấu tranh, phê phán, xử lý nghiêm minh những hành vi bất khoan dung gây mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội. Trong quá trình đó, phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc như: bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia; bảo đảm ổn định chính trị, định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện khoan dung, đồng thuận xã hội. Thực hiện khoan dung, đồng thuận xã hội nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020…
Để nâng cao chất lượng thực hành khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi, trước mắt cần chú trọng đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi, để đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, khoan dung, đồng thuận phải được quy định, bắt buộc thực thi
thông qua hệ thống pháp luật. Về lâu dài, cần đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục để các giá trị khoan dung, đồng thuận ăn sâu, bám rễ vào tâm thức, trở thành hoạt động tự giác của mỗi cá nhân và cộng đồng.
KẾT LUẬN
Từ những sự phân tích trên, có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Một là, khoan dung, đồng thuận xã hội là những vấn đề cơ bản trong
lịch sử tư tưởng nhân loại. Tuy nhiên, trong mỗi thời kỳ, các khái niệm này có nội hàm khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức của nhân loại.
Hai là, thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội là
một truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, các nhà cầm quyền đã không ngừng thực hiện, phát huy truyền thống này, nhờ đó dân tộc đã đánh thắng giặc ngoại xâm, chống thiên tai, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính khách quan, phổ biến, lặp lại của nó khiến ta có thể nhận thức: thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội là vấn đề có tính quy luật của nước ta.
Ba là, ở nước ta hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, hội nhập quốc tế đang đặt ra yêu cầu tất yếu phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia. Muốn vậy, phải tạo lập được sự đồng thuận giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội… để làm được việc đó, phát huy truyền thống khoan dung là một nhân tố quan trọng.
Bốn là, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, còn một số vấn đề đặt ra đòi hỏi tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết để nâng cao chất lượng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay.
Năm là, để phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng
thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải thực hiện kiên trì, đồng bộ nhiều giải pháp: từ nâng cao nhận thức đến đẩy mạnh tổ chức thực hiện; từ
tuyên truyền giáo dục, đến hoàn thiện các cơ chế, chính sách; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi bất khoan dung nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc. Trong quá trình đó, phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc như: bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia khi thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận thuận xã hội trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy truyền thống khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội nhằm góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp Việt Nam…