Mối quan hệ giữa khoan dung và đồng thuận xã hộ

Một phần của tài liệu Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 57 - 61)

2.1.3.1. Khoan dung, đồng thuận xã hội đều là nhu cầu khách quan của sự tồn tại và phát triển xã hội

Xã hội loài người là sự thống nhất của nhiều bộ phận khác nhau (quốc gia, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, văn hóa…). Mỗi bộ phận có đặc điểm, nhu cầu, lợi ích khác nhau; nhưng, những sự khác nhau ấy lại tồn tại thống nhất trong một cộng đồng (cộng đồng nhân loại, khu vực, quốc gia, giai cấp, dân tộc, tôn giáo…). Nếu mỗi bộ phận đều tuyệt đối hóa sự tồn tại của mình, phủ nhận sự tồn tại của cái khác, xã hội sẽ rơi vào tình trạng chiến tranh, xung đột. Do vậy, để tồn tại và phát triển được (cả với tư cách là một bộ phận của hệ thống và cả hệ thống), mỗi bộ phận cấu thành hệ thống phải chấp nhận, tôn trọng sự tồn tại của bộ phận khác. Cao hơn, các bộ phận phải liên hệ, tiếp thu, học hỏi lẫn

nhau. Chấp nhận, tôn trọng sự tồn tại của cái khác chính là biểu hiện của tinh thần khoan dung. Chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt để cùng tồn tại, phát triển là biểu hiện của đồng thuận, đồng thuận cả về mục tiêu, phương thức thực hiện.

Khoan dung có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa đa nguyên về triết học (đa nguyên trong tiếng Latinh là plures – tính đa dạng). Về bản thể luận, đó là thừa nhận sự tồn tại của vô số khởi nguyên hay hình thức độc lập và không thể quy cái này về cái khác. Về nhận thức luận, là sự đa dạng các hình thức, nguyên lý, học thuyết và phương pháp nhận thức. Về đạo đức, là sự thừa nhận các cá nhân và các nhóm có chủ quyền bình đẳng. Trong giá trị học, các giá trị và định hướng giá trị được thể hiện trong các hệ tư tưởng và niềm tin đa dạng luôn cạnh tranh và đấu tranh vì uy tín của mình [148, tr.107]. Từ chủ nghĩa đa nguyên về bản thể luận đi đến quan điểm đa nguyên về giá trị và nhân cách; mỗi chủ thể (cá nhân, nhóm, cộng đồng…) đều có quyền duy trì và khẳng định bản sắc của mình; đồng thời, tôn trọng bản sắc của chủ thể khác.

Đồng thuận xã hội có nguồn gốc khách quan từ phương thức tồn tại của con người. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, phương thức tồn tại của con người là lao động. Để tiến hành lao động, tất yếu con người phải liên hệ, phối hợp cùng hành động để tạo ra của cải vật chất phục vụ cho cuộc sống. Như vậy, bản thân hành động lao động – phương thức tồn tại của con người đã đòi hỏi phải có sự đồng thuận. Nếu trong quá trình lao động, mỗi cá nhân hoạt động độc lập, không cùng hướng đến mục đích chung (không có sự đồng thuận) thì không đạt được hiệu quả.

Từ đó cho thấy, khoan dung, đồng thuận đều là các yêu cầu khách quan của sự tồn tại và phát triển xã hội.

2.1.3.2. Thực hiện khoan dung là cơ sở, tiền đề thuận lợi để xây dựng đồng thuận xã hội

Xã hội được cấu thành từ nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có đặc điểm, giá trị, niềm tin, lợi ích… khác nhau. Ngay cả trong một quốc gia đơn dân tộc, tôn

giáo cũng có sự khác nhau giữa các cá nhân, giai tầng, nhóm lợi ích. Để các bộ phận khác nhau ấy cùng đồng ý, thống nhất thực hiện một vấn đề nào đấy, đòi hỏi phải có sự tôn trọng những mặt khác nhau của mỗi bộ phận – tức phải khoan dung. Trong xã hội có giai cấp và nhà nước, tôn trọng sự khác nhau được biểu hiện ở hai khía cạnh: thứ nhất, nhà nước – chủ thể cầm quyền phải tôn trọng giá trị của mỗi bộ phận; thứ hai, mỗi bộ phận cấu thành xã hội có giá trị, niềm tin khác nhau cũng phải tôn trọng lẫn nhau.

Trên phương diện chính trị - xã hội, khoan dung được biểu hiện ở chính sách cai trị ít khắt khe, hà khắc; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sinh sống. Đây chính là tiền đề để mọi người dân trong xã hội đoàn kết, thống nhất, cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước.

Khoan dung là sự tha thứ với những người đã từng mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn, hối cải nhằm cảm hóa, lôi kéo họ vào sự nghiệp chung của đất nước. Do các nguyên nhân khác nhau, có người lúc này hay lúc khác vì lợi ích cá nhân mà xâm phạm lợi ích cộng đồng, dân tộc. Khi được tha thứ, họ sẽ xóa bỏ mặc cảm, hòa hợp với cộng đồng; đồng thời lôi kéo, cảm hóa được những người khác trong khả năng ảnh hưởng của họ cùng hướng về lợi ích chung của đất nước. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng đồng thuận xã hội.

Trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc thực hiện khoan dung cũng là một phương thức để tạo lập đồng thuận xã hội. Các dân tộc dù khác nhau về trình độ phát triển, thể chế chính trị, bản sắc văn hóa…nhưng mục tiêu cuối cùng đều là: hòa bình, độc lập, phát triển. Dân tộc này tôn trọng, chấp nhận những lợi ích chính đáng, đặc thù văn hóa của dân tộc khác đó chính là khoan dung. Các dân tộc chấp nhận sự đa dạng để cùng tồn tại, phát triển là đồng thuận – đồng thuận cả về mục tiêu và phương thức thực hiện.

Đối lập với đồng thuận là bất đồng, biểu hiện cao nhất của bất đồng là chiến tranh, xung đột. Nguyên nhân của chiến tranh, xung đột là do các mâu

thuẫn đối kháng phát triển đến đỉnh điểm. Xung đột lợi ích, bất khoan dung là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến tranh, xung đột.

2.1.3.3. Xã hội đồng thuận là môi trường thuận lợi để thực hiện khoan dung, nâng chất lượng khoan dung lên tầm cao mới

Đồng thuận xã hội là sự phản ánh những lợi ích cơ bản của các bộ phận khác nhau đã được giải quyết một cách hài hòa. Do vậy, làm cho các bộ phận cùng hướng tới mục tiêu chung, tôn trọng, chấp nhận khác biệt. Đồng thuận xã hội là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng thực hiện khoan dung – xã hội đồng thuận không chỉ làm các bộ phận khác nhau chấp nhận, tôn trọng khác biệt mà cao hơn còn là sự học hỏi, tiếp thu các giá trị lẫn nhau.

Con đường đi tới đồng thuận thường thông qua sự bàn bạc, thảo luận dân chủ rồi sau đó đi đến thống nhất, đồng ý, nhất trí. Quá trình bàn bạc, thảo luận thực chất là quá trình đối thoại, qua đối thoại, các bên khác nhau đã thấu hiểu, chấp nhận những khác biệt của nhau để cùng hướng tới một cái chung nào đó. Như vậy, phương thức để xác lập đồng thuận đã hàm chứa trong đó tinh thần, thái độ khoan dung.

Quan hệ giữa các bộ phận cấu thành xã hội với xã hội là quan hệ bộ phận – hệ thống (mỗi nhân tố cấu thành xã hội là một bộ phận, xã hội là hệ thống). Mỗi bộ phận có nhu cầu, lợi ích, đặc điểm… khác nhau, nhưng khi đã là một thể thống nhất, xã hội có những nhu cầu, lợi ích chung. Nhu cầu, lợi ích chung có khi không hoàn toàn trùng hợp với lợi ích của một bộ phận riêng lẻ. Khi đó, đòi hỏi bộ phận riêng lẻ (bộ phận) phải biết hy sinh lợi ích riêng vì cái chung (hệ thống). Ngược lại, cái hệ thống cũng phải tôn trọng mỗi cái bộ phận (thừa nhận, tôn trọng sự khác biệt). Đây là sự tác động mang tính hai chiều, một mặt cái hệ thống tôn trọng cái bộ phận; mặt khác, mỗi cái bộ phận cũng phải tôn trọng bộ phận khác và tôn trọng những nhu cầu, lợi ích chung của cả hệ thống. Trong xã hội, đó chính là sự thống nhất và hòa hợp xã hội. Xã hội đồng thuận

chứa đựng trong đó tinh thần khoan dung; thực hiện khoan dung tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng đồng thuận xã hội.

Một phần của tài liệu Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 57 - 61)