Thứ nhất, toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, do sự phát triển
mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đã dẫn đến quá trình toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là: “sự hợp nhất các nền kinh tế dân tộc thành một hệ thống thống nhất toàn thế giới, dựa trên sự lưu thông nhanh chóng tư bản, tính cởi mở về thông tin, cách mạng khoa học công nghệ, thái độ trung thành của các nước công nghiệp phát triển đối với quá trình tự do lưu thông hàng hóa và tư bản, quá trình giao tiếp chặt chẽ toàn hành tinh” [51, tr. 454-455]. Đặc trưng của toàn cầu hóa là các hoạt động xã hội liên dân tộc, quá trình xích lại gần nhau giữa các quốc gia, các nền văn hóa. Điều này đòi hỏi các quốc gia, dân tộc vừa phải thực thi chính sách khoan dung, vừa phải có sự đồng thuận. Khoan dung thể hiện ở sự chấp nhận, tôn trọng những khác biệt của nhau; đồng thuận ở mục tiêu nhân văn, tiến bộ mà nhân loại cùng hướng tới; đồng thời ngăn chặn các nguy cơ mà loài người có thể phải gánh chịu, cả do tự nhiên lẫn con người mang lại.
Mặt khác, quá trình toàn cầu hóa tất yếu dẫn đến việc hình thành các tổ chức quốc tế và khu vực. Những tổ chức này được hình thành trên cơ sở thành viên là các quốc gia, dân tộc có trình độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị, đặc điểm văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… khác nhau. Việc hình thành các tổ chức như vậy chứa đựng trong nó cả tinh thần khoan dung và đồng thuận.
Khoan dung chính là thái độ tôn trọng sự khác biệt, đồng thuận ở mục tiêu và phương thức hoạt động của các tổ chức quốc tế đó. Về vấn đề này, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trong một bài viết về ASEAN đã cho rằng: “Hoạt động của ASEAN vừa củng cố sự liên kết kinh tế, sự hợp tác chính trị - an ninh nhằm thực hiện mục tiêu bao trùm là duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, vừa tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo… giữa các nước thành viên” [63]. Ở đây, mục tiêu củng cố liên kết kinh tế, chính trị, an ninh nhằm duy trì hòa bình, hợp tác là biểu hiện của
đồng thuận; còn tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo là biểu hiện của khoan dung. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã từng bước chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Khi đã trở thành thành viên của các tổ chức đó, việc thực hiện khoan dung, đồng thuận cũng là một tất yếu khách quan đối với nước ta.
Đối với Việt Nam, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi thực hiện khoan dung ở những khía cạnh: một là, quan điểm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” với một số quốc gia, tổ chức mà trong quá khứ đã từng là kẻ thù; hai là,
tôn trọng các đặc điểm, lợi ích, giá trị khác biệt của nhau (từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...); ba là, học hỏi, tiếp thu các giá trị tiến bộ của quốc gia, dân tộc khác. Mục đích của khoan dung nhằm cùng nhau hướng tới bình, độc lập và phát triển - đây chính là điểm tương đồng để xây dựng đồng thuận quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, Tuyên bố của Tổ chức Giáo dục, Văn hóa, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) các nguyên tắc về khoan dung. Như chương 2 đã phân
tích, năm 1995, với sự đồng thuận của các nước thành viên, UNESCO đã thông qua Bản Tuyên bố các nguyên tắc về khoan dung. Việt Nam là một quốc gia thành viên của UNESCO. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [27, tr. 236]. Vì lẽ đó, Việt Nam nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc khoan dung của UNESCO cũng là một tất yếu khách quan.