tư tưởng
2.1.1.1. Quan niệm về khoan dung
Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, trên thế giới xuất hiện nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố có liên quan đến các vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; trong bối cảnh đó, một khái niệm được nhắc tới nhiều với tư cách là phương thức để hóa giải xung đột, đó là khoan dung. Thậm chí, nhà triết học người Mêhico Leopoldo Zea đã coi khoan dung là “thuật ngữ then chốt trong nền văn hóa đương đại” [dẫn theo 151, tr.9].
Khoan dung, trong tiếng Anh là: tolerance, tiếng Pháp: tolérance, tiếng Đức: toleranz. Các từ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh tolerantia, có nghĩa ban đầu là sự cam chịu, chịu đựng, dung thứ, bền bỉ. Cùng với sự phát triển của lịch sử, nội hàm khái niệm cũng không ngừng được thay đổi, mở rộng. Đến giai đoạn cận đại, khoan dung mang những nội hàm mới như cho phép, chấp nhận những niềm tin khác nhau, nhất là niềm tin tôn giáo.
Ở Việt Nam, khái niệm khoan dung có nguồn gốc từ tiếng Hán. Trong một số từ điển, khái niệm này được giải thích như sau:
Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, Giáo sư Nguyễn Lân giải thích, khoan
Trong Từ nguyên giải nghĩa, tác giả Vũ Ngọc Khánh và Nguyễn Thị Huế giải thích: khoan nghĩa là rộng rãi, hiền hậu, có lòng khoan dung, tạo điều kiện cho người ta sống thoải mái, không gò ép, bó buộc, bắt dốc nhiều sức [64, tr.146].
Tác giả Nguyễn Như Ý trong Đại từ điển tiếng Việt cho rằng: Khoan
dung (động từ) có nghĩa là rộng lượng tha thứ cho người phạm lỗi lầm; các từ
cùng nghĩa với khoan dung: khoan đãi (đối xử rộng lượng), khoan hồng (đối xử rộng lượng với người phạm tội), khoan thứ (rộng lòng tha thứ), khoan nhân (rộng lượng và nhân từ) [152, tr.909].
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thì khoan dung là: thái độ ứng xử rộng lượng, đầy lòng nhân ái của người trên đối với kẻ dưới quyền, của ông bà cha mẹ đối với con cháu. Những từ sau đây có thể xem là đồng nghĩa với khoan dung: khoan hòa, khoan nhân, khoan hồng, độ lượng [49, tr.512].
Khái niệm khoan dung mà các nhà triết học phương Tây thời kỳ Khai sáng sử dụng với nghĩa là khoan dung tôn giáo thì ở Việt Nam được dùng là
tha cẩm và dung chấp. Tha cẩm với nghĩa là từ bên trên rộng lòng tha thứ,
miễn giảm bớt các tội, làm nhẹ các hình phạt. Dung chấp: sự hạ cố, thương sót kẻ khốn cùng bên dưới. Các từ này có nguồn gốc từ Sắc chỉ dung chấp
(Edit de tolerance) của Lu-I XVI. Đây là những khái niệm thuần túy có ý nghĩa tôn giáo, nhất là Ki tô giáo [42, tr.335-336].
Gần đây, trong các công trình nghiên cứu khoa học, tùy từng phương diện khác nhau mà các tác giả nhấn mạnh mặt này hay mặt kia của nội hàm khái niệm khoan dung:
Trên phương diện Triết học, khoan dung được hiểu là: “Một phạm trù dùng để chỉ thái độ, cách ứng xử tôn trọng, xóa bỏ kỳ thị đối với cái khác biệt; là việc chấp nhận có phê phán những cái khác mình trên vũ đài công khai và có sự thuyết phục tất cả các bên trên cơ sở hiểu mình, hiểu người để cùng tồn tại trong hòa bình. Khoan dung không phải là sự nhượng bộ, sự hạ
mình mà là trách nhiệm của mỗi người để duy trì và bảo đảm quyền con người” [83, tr.30]. Trên phương diện Văn hóa học, khoan dung là: “Tập hợp những quan niệm biện chứng và nhân đạo chủ nghĩa, các giá trị tinh thần nhân văn, các hoạt động xã hội và những hành vi hướng tới cái nhân đạo trong quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, phê phán cái sai, lên án cái xấu, các ác để hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ” [151, tr.12-13]. Trong Chính trị học, khoan dung là: “Sẵn sàng mở rộng các quyền tự do, dân chủ cho cá nhân, các nhóm có quan điểm khác với mình, đây là nguyên lý trung tâm của nền dân chủ tự do” [54].
Khoan dung theo quan điểm của UNESCO, tại phiên họp toàn thể lần thứ 28 (11/1995), với sự đồng thuận của 185 nước thành viên, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Bản
tuyên bố các nguyên tắc về khoan dung. Trong đó, khoan dung được hiểu là:
“sự tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa thế giới; những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính con người; là thái độ tích cực công nhận các quyền cơ bản con người; quyền tự do lựa chọn niềm tin và tôn trọng niềm tin của người khác” [53]. Bản Tuyên bố thừa nhận: con người khác nhau về hình dạng, địa vị, ngôn ngữ, niềm tin, cách ứng xử và các giá trị…đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì bản sắc của mình. Đồng thời nhấn mạnh, thực hiện khoan dung không chỉ đơn thuần là một yêu cầu đạo đức mà phải là cam kết chính trị mà các quốc gia, dân tộc phải thực hiện. Khoan dung có sứ mệnh tạo lập môi trường hòa bình thay thế cho chiến tranh, xung đột.
Từ những quan niệm như trên có thể thấy: trên các phương diện nghiên cứu khác nhau, các tác giả nhấn mạnh mặt này hay mặt khác của khái niệm; tuy nhiên, giữa các quan điểm có điểm chung: khoan dung là chấp nhận, tôn
trọng những khác biệt, nhân tố quan trọng góp phần duy trì hòa bình cho mỗi quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại.
2.1.1.2. Biểu hiện của khoan dung trong lịch sử tư tưởng Khoan dung trong lịch sử tư tưởng phương Tây
Thời kỳ cổ đại, tư tưởng khoan dung biểu hiện rõ nhất ở việc chấp
nhận sự đa dạng về thế giới quan và các giá trị đạo đức cá nhân. Thoát ly
khỏi thế giới quan thần thoại, triết học Hy Lạp từng bước hình thành tư duy duy lý kiến giải về thế giới, những ý kiến đó rất đa dạng, phong phú. Thậm chí, đỉnh cao của nó là ngay trong một hệ thống triết học, giữa những người cùng trường phái, giữa thầy và trò đã có những quan điểm khác nhau về thế giới quan, họ công nhiên trao đổi, bàn bạc thậm chí phủ định lẫn nhau mà không hề có bất kỳ sự phản đối nào (về đạo đức). Tất cả các quan điểm khác nhau đều được tôn trọng.
Nếu như Thalets (624-547 TCN) cho rằng “tất cả mọi sự vật đều là
nước, nước là bản nguyên của mọi cái tồn tại”, thì Anaximandre (610-546
TCN) lại cho khởi nguyên và bản chất của vũ trụ là “bất định”: “tất cả đều là
bất định” [dẫn theo 91, tr.52]. Giải thích khởi nguyên của vũ trụ, Anaximene
(585-528 TCN) - người trong trường phái Milet (cùng với Thalets và Anaximandre) nhưng ông lại cho rằng khởi nguyên và bản chất của thế giới là “khí”. Từ “khí” mà phát sinh ra mọi vật, cả thần linh, “không khác gì linh hồn là khí nâng đỡ ta, hơi thở và khí cũng nâng đỡ muôn vật” [91, tr.63]. Như vậy, ngay trong một trường phái triết học, đã có những cách giải thích rất khác nhau về bản chất, khởi nguyên của vũ trụ, và các quan điểm này đều được tôn trọng.
Đỉnh cao trong tinh thần khoan dung, cũng là sự tự do tư tưởng trong triết học Hy Lạp cổ đại đó chính là sự thể hiện thế giới quan khác nhau, thậm chí đối lập nhau, phủ định nhau của hai đại triết gia Hy Lạp là Platon (427-347 TCN) và Aristote (384-322 TCN). Hai ông này vừa có quan hệ là thầy trò, vừa
có quan hệ là bạn bè, đồng nghiệp (Platon là thầy dạy của Aristote, nhưng Aristote cũng là đồng nghiệp, đã từng tham giảng dạy môn hùng biện tại Hàn lâm viện của Platon, là người đã cùng Platon thường xuyên trao đổi, bàn bạc về các vấn đề triết học và khoa học) nhưng tư tưởng hai ông có sự đối lập nhau. Tuy nhiên, điều nổi bật trong tinh thần khoan dung của Platon là, mặc dù là thầy nhưng Platon không hề có ý phản đối, ngăn cản hay giận dữ; ngược lại, ông còn đánh giá rất cao trí tuệ và đức hạnh của Aristote, coi Aristote là “bộ óc của hàn lâm”, hay “một người đọc sách nhiều nhất” [92, tr.248].
Ngoài vấn đề bản thể, trên lĩnh vực đạo đức, khoan dung được thể hiện ở chỗ chấp nhận sự tồn tại các giá trị đạo đức cá nhân riêng biệt; tính cá
nhân, cá tính trong đạo đức. Hai phạm trù cơ bản được các nhà triết học bàn
tới là: “nhân đức” và “cái thiện”.
Nhân đức, theo Platon là sự khoái trá theo ý muốn riêng tư của mỗi cá nhân; còn khoái trá là sự thỏa mãn những ước muốn của cá nhân. Như vậy, Platon đã thừa nhận tính cá nhân trong đạo đức; mỗi người có quyền theo đuổi những giá trị riêng nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Còn Aristote cho rằng, cái thiện là đối tượng của hạnh phúc, khoái trá là là đối tượng của sự ước muốn. Trong phần đầu cuốn Ethica, ông đã đặt vấn đề: cái gì là cái thiện tối cao và tuyệt đối, có thể được xem là chủ đích cho tất cả mọi hành động của chúng ta? Ông viết: “Người ta đã có lý khi định nghĩa, cái thiện là điều tất cả mọi sự hữu đều ước muốn đạt được”. Aristote cũng thừa nhận tính đa dạng về hạnh phúc, ông cho rằng bất cứ ai cũng đều đồng ý rằng cái thiện tối cao là hạnh phúc tuyệt đối của con người, nhưng đó chỉ là sự đồng ý bề ngoài. Khi phải thiết định rõ ràng hơn hạnh phúc ở chỗ nào thì người ta lại bất đồng ý kiến với nhau, người thì cho hạnh phúc ở sự khoái trá, người khác lại cho rằng ở sự giàu có, và người thứ ba lại cho ở danh dự [92, tr.437]. Ý niệm về cái thiện, ông cũng cho rằng, khái niệm “thiện” là có tính cá nhân: “với người thổi tiêu,
nhà điêu khắc, với mọi nghệ sĩ, cái thiện là chỗ họ được thực hiện nghề nghiệp của họ một cách hoàn hảo” [92, tr.438-439].
Từ những luận điểm trên có thể thấy, trong quan niệm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, ngoài việc thừa nhận sự đa dạng trong các quan điểm thế giới quan thì trên lĩnh vực đạo đức cũng thừa nhận tính cá nhân, cá tính của các giá trị đạo đức. Mỗi người ở các vị trí xã hội khác nhau đều có quyền xác định giá trị riêng, phù hợp với đặc điểm, địa vị xã hội của mình; người khác phải tôn trọng giá trị của cá nhân đó.
Sang giai đoạn trung cổ, tư tưởng khoan dung chủ yếu được biểu hiện ở sự
cho phép hay thừa nhận sự tồn tại khách quan của lý trí so với đức tin, triết học so với thần học. Trên lĩnh vực tinh thần, trung cổ là giai đoạn thống trị
tuyệt đối của tôn giáo với mọi mặt đời sống tinh thần từ triết học, khoa học, nghệ thuật hay đạo đức. Đối với một tín hữu, đức tin là tuyệt đối, đối với nhà triết học lý tính là tri thức tuyệt đối đáng tin cậy. Các nhà triết học giai đoạn này đồng thời cũng là những nhà thần học. Tuy nhiên, lịch sử tư tưởng giai đoạn trung cổ cho thấy không có sự phủ nhận hoàn toàn vai trò của triết học so với thần học, của lý trí với đức tin, mà tùy ở mỗi nhà triết học sự thừa nhận vai trò của lý tính so với đức tin khác nhau. Thừa nhận sự tồn tại khách quan và vai trò của lý trí so với đức tin là biểu hiện chính trong tinh thần khoan dung giai đoạn trung cổ.
St. Augustin (354-430), trong tác phẩm Sự tiền định của các vị thánh đã viết: “Tin tưởng là suy tư bằng một sự đồng ý; một con người không có khả năng suy tư thì cũng không có khả năng tin tưởng; vì vậy, người hãy yêu mến lý tính thật nhiều” [dẫn theo 93, tr.35]. Ông thường hay lặp đi lặp lại rằng, triết lý đích thực thường phải là tôn giáo đích thực và thần học đích thực. Nếu triết lý là ham mê minh triết thì minh triết tuyệt đối lại chính là Thiên chúa.
Nhưng, chúng ta lại chỉ hiểu được Thiên chúa bằng tín ngưỡng và tín ngưỡng gặp được mặc khải của Thiên chúa trong Kinh thánh mà thôi. Vậy, chỉ có triết lý của Kinh thánh mới là triết lý đích thực. Như vậy, ông chủ trương triết học phải phục vụ cho thần học, khả năng suy luận theo lý trí phải phục vụ cho sự am tường thêm tín ngưỡng.
Scot Erigene (354-430), là người có ý đồ dung hòa các quan điểm tách biệt, đối lập giữa niềm tin và lý tính. Theo ông, nhà thần học hoàn toàn tự do trong việc chấp nhận cách giải thích Kinh thánh nào thích hợp nhất với lý trí của họ; lý trí và mặc khải thần học đều là hai suối nguồn của chân lý như nhau, do đó, cả hai đều không thể giao tranh với nhau.
Thomas D’aquin (1224-1274), là nhà thần học đầu tiên phân định sự khác biệt rõ ràng giữa đức tin và lý trí. Theo ông, lý trí là tất cả những chân lý đã biết được hay có thể biết được một cách hiển nhiên bằng nội tại kinh nghiệm hay bằng chứng minh; còn những gì thuộc đức tin là những chân lý không thể chứng minh bằng hiển nhiên, nội tại mà chỉ duy nhất thông qua sự mặc khải. Như thế, triết học là môn học thuần túy thuộc lý trí, nên trong địa hạt của nó, nó có quyền tự trị riêng. Ông đã thiết định sự khác biệt rõ ràng giữa đức tin và lý trí qua sự khác biệt giữa thần học và triết học như sau: “Thần học là một môn học thuộc về lý thuyết thánh, nên nó khác biệt về chủng loại với thứ thần học có một phần của triết học tham gia” [dẫn theo 93, tr.211].
Qua phân tích quan điểm của một số nhà thần học nói trên về mối quan hệ giữa niềm tin và lý trí cho thấy, ngoài việc thừa nhận sự tồn tại tối cao của niềm tin, các nhà thần học ở các mức độ khác nhau cũng thừa nhận sự tồn tại của lý trí. Đây là sự biểu hiện tinh thần khoan dung trong triết học trung cổ. Tuy nhiên, khoan dung ở đây vẫn là sự “cho phép” của lực lượng có ưu thế, có quyền lực về mặt tinh thần đối với những người có quan điểm, lập trường khác.
Đến giai đoạn Phục hưng, Khai sáng, tư tưởng khoan dung đã mang những nội hàm mới – tiêu biểu là sự thừa nhận những niềm tin khác nhau, nhất là
niềm tin tôn giáo.
Theo quan điểm của Jean Bodin (1530-1596) nhà triết học chính trị người Pháp, khoan dung là sự chung sống hòa bình giữa những người có niềm tin, văn hóa khác nhau. Trong tác phẩm “The Colloqium of the Seven” ông đã mô tả cuộc trò chuyện của bảy người đàn ông thuộc bảy nền văn hóa, tôn giáo khác nhau: một nhà triết học tự nhiên, một người theo phái Calvin, một người Hồi giáo, một La Mã công giáo, một người Lutheran, một người Do thái và một người theo phái hoài nghi. Cuộc tranh luận cuối cùng đi đến kết luận: tất cả mọi người đều đồng ý sống trong sự khoan dung, tôn trọng lẫn nhau [53].
John Locke (1632-1704) nhà triết học người Anh trong tác phẩm “Thông
điệp về khoan dung”, là người đầu tiên luận chứng khoan dung như một đặc trưng cơ bản của tôn giáo chân chính. Theo ông, tôn giáo là giả dối nếu nó
không có tình yêu, ân huệ và lòng nhân từ. Cũng tương tự như vậy, ai truy nã người khác nhân danh chúa Jesu thì sẽ xuyên tạc tư tưởng của Người. Mọi mưu toan gán ép niềm tin bằng vũ lực đều chỉ sinh ra sự khinh bỉ đối với Chúa. Chỉ có thái độ khoan dung đối với những sự khác nhau ấy thì mới có thể đem lại hòa bình cho nhân loại [dẫn theo 50, tr.298]. Như vậy, trong quan điểm của Locke, khoan dung là một đặc trưng cơ bản của tôn giáo chân chính, sự tôn trọng các niềm tin khác nhau, con đường thiết lập hòa bình cho nhân loại; thuyết phục, đối thoại là phương thức để thực hiện khoan dung.
Trong hệ thống lý luận của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen chưa đề cập đến khoan dung như một phạm trù triết học, đạo đức hay chính trị một cách đầy đủ