Một là, nâng cao nhận thức về truyền thống khoan dung, đồng thuận xã hội của dân tộc trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân
Hành vi của con người là hành vi có ý thức, được điều khiển, dẫn dắt bởi ý thức; cho nên, để nâng cao mức độ khoan dung, đồng thuận, trước hết cần nâng cao nhận thức về khoan dung và đồng thuận xã hội. Phải làm cho mỗi cơ quan, tổ chức, người dân thấy được bài học: trong lịch sử nhờ thực hiện
khoan dung mà dân tộc đã đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng chinh phục thiên nhiên, đánh thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng quốc gia hùng mạnh. Khoan dung được thực hiện trên các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng; từ đối nội đến đối ngoại. Tư tưởng ấy xuyên suốt trong lịch sử tạo thành một hằng số, một truyền thống của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, phải làm cho truyền thống ấy thấm sâu vào mỗi con người, cộng đồng trở thành nhân sinh quan, giá trị thường trực trong hành vi, ứng xử hàng ngày.
Ở nước ta hiện nay, nâng cao nhận thức về truyền thống khoan dung, đồng thuận xã hội phải gắn liền với nâng cao nhận thức, hiểu biết về lịch sử dân tộc. Bởi thông qua mỗi bài học lịch sử, giá trị về khoan dung, đồng thuận thể hiện ra như những quy luật nội tại của sự phát triển đất nước.
Không những vậy, còn cần làm rõ, khoan dung đã có những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ, cách thức thực hiện mới. Khoan dung không đơn thuần là “tha thứ” mà cao hơn là sự tôn trọng, học hỏi lẫn nhau. Khoan dung không chỉ là yêu cầu đạo đức cần có mà phải là các cam kết chính trị phải có của một quốc gia dân chủ, văn minh. Do vậy, trong các từ điển, tài liệu học thuật,
trong tuyên truyền cần có cái nhìn toàn diện hơn về khoan dung.
Trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, khoan dung phải được thực hiện cụ thể ở từng chính sách: miễn giảm thuế khóa, tôn trọng các khác biệt, biết bỏ qua những sai lầm nhất thời của người khác, gác lại quá khứ, chấp nhận niềm tin, tín ngưỡng người khác dù có khác biệt, đối lập với
mình… Đồng thuận không phải là quyết định một chiều, mệnh lệnh áp đặt trên cơ sở sức mạnh bạo lực mà phải là sự tự giác của mỗi cá nhân, tổ chức; không chỉ giới hạn ở phạm vi quốc gia mà mang tính quốc tế. Phải nhận thức rằng, khoan dung, đồng thuận hiện nay là những biện pháp hữu hiệu góp phần ngăn ngừa nguy cơ chạy đua vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo bảo vệ hòa bình, sự sống cho nhân loại.
Trong thực tế, trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động chính trị, không phải không có các biểu hiện “đồng thuận hình thức”, “đồng thuận bên ngoài” chứ không phải là đồng thuận thực sự.
Đây chủ yếu do cơ chế, môi trường không cho phép cá nhân dám thể hiện chính kiến vì những rủi ro mà họ có thể gặp phải; do chủ đích của truyền thông nhằm tạo dư luận một chiều… Những sự đồng thuận như vậy chưa chắc tạo ra sự đoàn kết, động lực cho sự ổn định, phát triển mà có thể còn tiềm ẩn những nguy cơ của sự khủng hoảng. Do đó, cần loại bỏ những rào cản cho việc xây dựng sự đồng thuận thực chất; các bất cập về cơ chế, chính sách dung dưỡng cho sự đồng thuận giả tạo.
Chỉ khi nhận thức như vậy, khoan dung mới là cách ứng xử thường trực, trở thành hoạt động tự giác; khoan dung thật sẽ tạo ra đồng thuận thật và đoàn kết thật, tạo ra sức mạnh dân tộc thực sự.
Hai là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay.
Phải làm cho mỗi cán bộ, người dân thấy được, trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta thu được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những thành quả phát triển đó có phần đóng góp rất lớn của thực hiện khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội. Trong đối ngoại, việc thực hiện chính sách: “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, “tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi” đã tạo ra môi trường hòa bình,
mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển đất nước. Chính sách đối nội: “khoan thư sức dân”, đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo... đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, đưa nước ta thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cũng cần làm rõ bài học, khi nào thiếu khoan dung tất yếu dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng trong một bộ phận dân tộc. Khi đó, sức mạnh dân tộc bị suy giảm. Bài học từ thực tế chính sách đối với tầng lớp địa chủ, phong kiến trong cải cách ruộng đất; đối với một số nhân sĩ, trí thức miền Nam sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã minh chứng điều đó.
Trên bình diện quốc tế, bài học về thiếu khoan dung trong quan hệ dân tộc, tôn giáo đã dẫn đến các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố đẫm máu. Ngay tại một số quốc gia trong khu vực, do thiếu khoan dung, cũng đã dẫn đến các hành vi bạo lực, khủng hoảng xã hội. Làm rõ bài học này để nhận ra tác động của khoan dung trong xây dựng đồng thuận xã hội và ý nghĩa của nó đói với sự tồn tại, phát triển của xã hội.
Trong những năm gần đây, trên thế giới xuất hiện những xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo mà nguyên nhân chủ yếu cũng do thiếu tinh thần khoan dung. Thậm chí, có người còn đang muốn cường điệu hóa, cho đó là nguyên nhân dẫn đến xung đột toàn cầu giữa các nền văn minh. Ở trong nước, núp dưới vỏ bọc dân tộc, tôn giáo, một số cá nhân, tổ chức câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân chống lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, cũng cần làm rõ bài học về sự thiếu khoan dung dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí chiến tranh, xung đột cả trên bình diện quốc tế cũng như nội bộ quốc gia, dân tộc.
Tại Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 5 (ASEM5) tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 10 năm 2004), những người đứng đầu nhà nước và
chính phủ của 13 nước châu Á, 25 nước châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thảo luận chủ đề: “Đa dạng văn hóa và các nền văn hóa quốc gia trong thời
đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa”. Hội nghị đã chỉ ra các nguy cơ mà
loài người có thể mắc phải: “Chủ nghĩa khủng bố quốc tế, việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, sự lan rộng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cũng như sự không khoan dung về tôn giáo, sắc tộc và chủng tộc đang trở thành những mối đe dọa cấp thiết đối với cộng đồng quốc tế và thách thức nhân loại trong xây dựng một nền hòa bình, hòa hợp thế giới” [58]. Các nhà lãnh đạo cũng đã đi đến nhất trí giải pháp nhằm hóa giải các nguy cơ đó là: “Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định: “Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, là nguồn sáng tạo, cổ vũ và là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội loài người. Đa dạng văn hóa là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn bởi đa dạng văn hóa không loại bỏ mà đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác” [58].
Do vậy, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân dẫn đến xung đột, từ đó cho thấy, khoan dung là một phương thức đẩy lùi xung đột: “Tuy không giải quyết được mọi vấn đề, song thực hiện tinh thần khoan dung có thể góp phần giải quyết hòa bình các xung đột về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, góp phần tìm ra cách xử trí theo hướng tiến bộ và công bằng để đẩy lùi sự nghèo khổ, nạn thất nghiệp, tình trạng bạo lực, nạn khủng bố, tội phạm và sự phá hoại môi trường đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi” [13, tr.381].
Thế giới hay một quốc gia, dân tộc không bao giờ hết sự khác biệt, toàn cầu hóa làm cho những khác biệt càng xích lại gần, cọ xát lẫn nhau; muốn tồn tại, những khác biệt đó phải chấp nhận, tôn trọng nhau; do đó, khoan dung là con đường tất yếu, giải pháp hữu hiệu nhất để cùng tồn tại trong giai đoạn hiện nay.