trong lịch sử Việt Nam trên một số lĩnh vực chủ yếu
2.2.2.1. Chính sách cai trị “khoan dân” nhằm tăng cường đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân
“Khoan” có nghĩa là rộng rãi, “khoan dân” là chính sách rộng rãi với nhân dân, không khắt khe, hà khắc. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, không có hệ thống lý luận đầy đủ, chặt chẽ diễn tả thế nào là khoan dân mà chủ yếu được thể hiện thông qua đường lối cai trị cụ thể, thực hiện xuyên suốt trong các thời kỳ lịch sử, tạo thành một truyền thống của dân tộc.
Biểu hiện của chính sách khoan dân là: miễn giảm thuế khóa, lao dịch khi dân dân gặp thiên tai, địch họa, sau chiến tranh; ít huy động sức dân xây dựng cung điện, thành quách sa sỉ, bằng mọi cách tránh để nhân dân phải hy sinh vì chiến tranh… Bên cạnh đó, ban hành các chính sách quan tâm giúp đỡ những người khó khăn, cô quả; chăm lo, phát triển mọi mặt đời sống nhân dân.
Trong thời Lý - Trần, chính sách khoan dân được thực hiện thông qua việc miễn giảm thuế khóa, lao dịch khi nhân dân mất mùa đói kém, sau thiên tai, địch họa, chiến tranh. Năm 1010, khánh thành cung Thúy Hoa, vua Lý Thái
Tổ đại xá cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều miễn cả. Năm 1070, đời Lý Thánh Tông, đại hạn, vua ra lệnh phát thóc và tiền trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo; năm Ất Dậu (1258), sau chiến thắng Nguyên - Mông (lần hai), Trần Nhân Tông xuống chiếu định lại hộ khẩu trong nước nhằm: “Xem xét tình trạng hao hụt, điêu tàn của dân để có chính sách phù hợp” [145, tr.62]. Năm 1288, sau chiến thắng Nguyên - Mông (lần ba), Trần Nhân Tông đại xá thiên hạ, những nơi bị binh hỏa cướp phá nhiều thì miễn toàn phần tô, dịch; các nơi khác thì miễn giảm theo các mức độ khác nhau…
Sau khi giành độc lập dân tộc, nhà Lê thực hiện chính sách khoan dân bằng việc miễn giảm sưu thuế cho nhân dân, thực hiện các biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất (chia ruộng cho dân nghèo, phát triển thủy lợi - trong hệ thống chính quyền có thêm các chức danh hà đê sứ và khuyến nông sứ chuyên trách việc bảo vệ đê điều và phát triển nông nghiệp) [73, tr.264]. Năm 1451, trước cảnh: “tai dị liên tiếp xảy ra, mùa màng mấy năm mất mát, muôn dân, vạn vật không sao sống nổi…., vua Lê Nhân Tông đã: “miễn giảm các loại thuế, xét việc oan uổng, chiếu cố những người không vợ, góa chồng, cô quả” [145, tr.379].
Sau khi đánh tan quân Thanh xâm lược, năm 1789, Quang Trung thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Ngay trong năm đó, ông cho ban hành Chiếu khuyến nông nhằm phục hồi dân điêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang. Ông ra lệnh bãi bỏ nhiều thứ thuế công thương nghiệp nặng nề trước đây, đồng thời mở rộng việc buôn bán làm ăn cho thương nhân và thợ thủ công.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công (8/1945), Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân như: tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn Việt gian chia cho dân
cày nghèo; cải cách chế độ thuế, theo đó, nhiều thứ thuế hà khắc của chế độ thực dân đã bị bãi bỏ hay giảm xuống như thuế thân, thuế điền thổ, thuế môn bài…
Những chính sách trên đã góp phần giảm bớt các khó khăn, làm cho nhân dân thêm tin tưởng, gắn bó với nhà nước; đồng thời, góp phần bồi dưỡng sức dân, làm cơ sở chính trị - xã hội để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử dân tộc cũng chứng tỏ, khi nào giai cấp cầm quyền không khoan
dân thì cũng không tạo được đồng thuận xã hội và hệ quả kéo theo là sự bất ổn định về chính trị - xã hội hoặc bị các thế lực ngoại bang xâm lược.
Từ giữa thế kỷ XII, nhà Lý có biểu hiện của sự thoái hóa, suy vong; vua quan quý tộc chỉ lo vơ vét của dân, ăn chơi xa đọa. Trước sự ăn chơi vô độ của Lý Cao Tông, Tăng phó Nguyễn Thường đã chỉ trích: “Nay dân loạn, nước nguy, chúa thượng chơi bời vô độ, chính sự triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là điềm bại suy vong” [144, tr.299]. Nông dân công xã bị bọn quan lại đục khoét, đóng tô thuế nặng nề, quanh năm lao dịch vất vả. Hậu quả là, năm 1181, số người chết đói có nơi lên đến gần một nửa số dân. Nhiều nông dân phải dời bỏ quê hương, xóm làng trốn đi nơi khác để tránh tô thuế, lao dịch [73, tr.184]. Chính sách cai trị như vậy, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra như: cuộc khởi nghĩa do Thân Lợi lãnh đạo diễn ra tại Thái Nguyên (1140-1141); khởi nghĩa do Lê Vãn cầm đầu tại Thanh Hóa (1188-1192); khởi nghĩa do Phí Lãng tổ chức tại Ninh Bình (1202-1215)…
Từ giữa thế kỷ XIV, nhà Trần bước vào giai đoạn suy vi, các vua Trần không quan tâm chính sự, chỉ lo ăn chơi, hưởng lạc. Trong lúc thiên tai mất mùa, đời sống nhân dân đói kém: “năm 1357, có đói lớn, liền mấy năm luôn bị mất mùa, một thưng gạo trị giá mấy quan tiền” thì Trần Dụ Tông lại ăn chơi buông tuồng vô độ. Sử chép: “Năm Nhâm Dần (1362), mùa xuân, ra lệnh bảo các vương hầu, công chúa cho diễn các trò tạp hí để dâng vua coi, rồi nhà vua nhận định đám nào trội hơn thì khen thưởng. Nhà vua lại triệu tập những nhà
giàu trong nước vào cung đánh bạc…”. Do chính sách thuế má, lao dịch nặng nề, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra như: khởi nghĩa của Ngô Bệ (1344-1360) tại Kim Môn, Hải Dương; khởi nghĩa do Tề lãnh đạo (1354) tại Lạng Sơn; khởi nghĩa do Phạm Sư Ôn lãnh đạo tại Quốc Oai… Bên ngoài, lợi dụng lúc nhà Trần suy yếu, vua Chăm-pa là Chế Bồng Nga mở nhiều cuộc tấn công vào Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí tới tận cả kinh thành Thăng Long. Hậu quả cuối cùng, nhà Trần mất ngôi về tay nhà Hồ năm 1400.
Sang giai đoạn nhà Lê, sau chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ bắt tay vào xây dựng đất nước; trải qua các đời Thái Tổ, Thái Tông đất nước được hưởng thái bình. Sau thời gian đó, một bộ phận quan lại phong kiến hình thành tư tưởng hưởng thụ, bóc lột, vơ vét của dân, làm cho đời sống nhân dân điêu tàn, khốn khó. Sự ăn chơi sa đọa của một bộ phận quan lại triều Lê khiến Lương Đắc Bằng phải than: “Tước đã hết mà lạm thưởng không hết, dân đã cùng mà lạm thu không cùng, phú thuế thu đến tơ tóc mà dùng của như bùn đất, bạo ngược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác…” [73, tr.286]. Sự sa đọa của triều đình đã dẫn đến các cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến. Hậu quả cuối cùng, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê dẫn đến tình trạng “Nam Bắc phân tranh” rồi “vua Lê chúa Trịnh”, hậu quả là sự can thiệp của bên ngoài, nhà Thanh xâm lược.
Giai đoạn nhà Nguyễn, chính sách thuế khóa, lao dịch rất nặng nề, mỗi dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch cho triều đình (thường để làm các việc xây sửa hệ thống đê điều, đắp thành lũy, xây cung điện, lăng tẩm cho hoàng tộc). Năm 1842, Vua Thiệu Trị trong một cuộc tuần du Bắc kỳ, đã bắt người dân các địa phương phải xây dựng 44 hành cung cho một phái đoàn đông tới 17.500 người, 44 con voi, 172 con ngựa của nhà vua. Theo nhận xét của giáo sĩ Guerard: “Sự bất công và lộng hành làm người ta rên xiết hơn cả thời Tây Sơn, thuế khóa và lao dịch đã tăng lên gấp ba” [dẫn theo 73, tr.375]. Với chính sách cai trị như
vậy, trong giai đoạn nhà Nguyễn cầm quyền, xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nhất. Các nhà sử học tính rằng, số lượng các cuộc nổi dậy nửa đầu thế kỷ XIX còn nhiều hơn cả thế kỷ XVIII (từ 1802 - 1862, tại Bắc Hà, có khoảng 400 cuộc khởi nghĩa nông dân).
Tổng kết bài học lịch sử, Ngự sử đài Nguyễn Duy Thì viết: “Kẻ thừa hành chỉ chăm chăm làm điều hà khắc, bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân không gì không làm… Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, chuyển tai họa thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy” [146, tr.215].
Thời kỳ hiện đại, trong thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, không phải không có lúc, có nơi một số đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta cũng có lập trường quá “tả”. Ví như: chính sách với một bộ phận địa chủ phong kiến thời kỳ cải cách ruộng đất; đối với các nhân sĩ, trí thức, công chức, viên chức, những người làm việc trong hệ thống bộ máy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước 1975... điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội cả cho đến hiện nay.
Xét đến cùng, sự tồn tại của bất kỳ thể chế chính trị nào cũng phải dựa vào dân. Đặc biệt, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hai yếu tố thường xuyên chi phối chính trị là trị thủy và chống ngoại xâm. Để làm được, nhà nước tất yếu phải dựa vào dân, vào sự đồng lòng, nhất trí, ủng hộ của đại đa số các tầng lớp nhân dân. Muốn vậy, phải thực thi chính sách khoan dân. Còn ngược lại, nếu hà khắc với nhân dân, bất đồng xảy ra, sức mạnh dân tộc bị suy yếu, khi đó, các thế lực ngoại bang sẽ tìm cách xâm lược. Đây là bài học còn có giá trị thời sự trong giai đoạn hiện nay.
2.2.1.2. Truyền thống khoan dung trong xử lý mối quan hệ với những người đã từng mắc lỗi lầm nhằm tăng cường đồng thuận xã hội
Thường trực trong lịch sử dân tộc Việt Nam là chống giặc ngoại xâm, khi xâm lược, bằng các thủ đoạn khác nhau, chúng lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc thậm chí cưỡng ép một bộ phận nhân dân làm tay sai, tham gia vào bộ máy cai trị. Do vậy, khi kết thúc chiến tranh thường diễn ra tình trạng “phân ly”, mặc cảm, tự ti, mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc. Để xây dựng đất nước, các nhà cầm quyền nước ta thường thi hành chính sách khoan dung, tha thứ cho những người mắc lỗi lầm để cùng nhau đoàn kết, xây dựng đất nước. Thực tế đó, đã hình thành một triết lý trong ứng xử đối với những người có lỗi nhưng biết ăn năn, hối cải: “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Trong lịch sử, đã có nhiều trường hợp những người mắc lỗi lầm biết ăn năn, hối cải, được các nhà cầm quyền bao dung, tha thứ; nhờ vậy, đã có đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước và giữ nước.
Nhân huệ vương Trần Khánh Dư có công lớn được phong “Phiêu kỵ đại tướng quân”, nhưng vì tư thông với công chúa Thiên Thụy mà bị truất hết vương hiệu trở thành kẻ bán than, được Trần Nhân Tông tha tội mà lập được nghiệp lớn ở trận Vân Đồn. Trần Nhật Hiệu lúc quân Nguyên sang xâm lược sợ hãi dâng kế “nhập Tống”, được tha, sau cũng lập công và được phong “Tướng quốc Thái úy”. Trần Liễu vì mâu thuẫn với Trần Thái Tông nổi loạn, được tha tội, sau này con là Trần Quốc Tuấn đã gạt mối bất hòa gia đình mà lo việc nước… “Khi quân Nguyên vào cướp nước, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc” [145, tr.65]. Ở đây ta thấy, quan điểm và hành động của Trần Thánh Tông rất khoan dung, độ lượng. Trong lúc nước nhà nguy cấp, có kẻ vì mưu lợi riêng mà ngấm ngầm hàng giặc, kết thúc chiến tranh, nếu là kẻ vũ dũng có thể đem tất cả
bọn ấy mà giết đi để làm gương cho những kẻ bán nước hại dân khác. Nhưng ông đã không làm vậy, hành động cho đốt hòm biểu của những kẻ xin hàng vừa thể hiện đức độ của ông, vừa tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, biết bỏ qua những lỗi lầm nhất thời của người khác.
Tinh thần khoan dung, độ lượng của dân tộc tiếp tục được phát huy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những người lầm lỗi, Người cho rằng: “Không được báo oán, báo thù. Đối với những kẻ lầm đường, lạc lối đồng bào ta cần dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn, lẽ phải mà bày cho họ... Tuyệt đối không được dùng cách kịch liệt” [85, tr.420].
Khoan dung với những người mắc lỗi lầm biết ăn năn hối cải là truyền thống của dân tộc ta, nó vừa phản ánh bản chất nhân hậu của người Việt, vừa phản ánh nhu cầu đoàn kết dân tộc để dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khoan dung không có nghĩa là nhu nhược. Đối với những kẻ bán nước, hại dân thì những nhà cầm quyền cũng kiên quyết trừng trị. Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn vì tư thông với quân Nam Hán; nhân dân phỉ báng bọn Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống coi họ không bằng loài cầm thú cũng vì lẽ đó.
2.2.1.3. Truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội giữa các dân tộc, tôn giáo trong nước
Trong quan hệ dân tộc, tinh thần khoan dung được thể hiện trên hai phương diện chính: thứ nhất, Nhà nước tôn trọng lợi ích, bản sắc văn hóa của các dân tộc; thứ hai, cộng đồng các dân tộc không phân biệt quy mô (lớn - nhỏ), trình độ phát triển kinh tế - xã hội (cao – thấp) tôn trọng lẫn nhau.
Là một quốc gia đa dân tộc, có dân tộc đa số, có dân tộc thiểu số, các dân tộc có trình độ phát triển không đồng đều, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, cách thức tổ chức xã hội riêng… Nhưng, các dân tộc đều tồn tại chung trong một cộng đồng quốc gia thống nhất. Các nhà cầm quyền Việt Nam thường ban hành chính sách xây dựng đoàn kết dân tộc. Mỗi dân tộc cũng tự xác định, điều hòa
lợi ích, tôn trọng bản sắc của dân tộc khác để cùng tồn tại hòa bình, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài nguyên nhân khách quan từ phương thức sản xuất nông nghiệp, nguồn gốc sâu xa của tình đoàn kết dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bắt nguồn từ truyền thuyết “Âu Cơ và Lạc Long Quân”, một người gốc Âu, một người gốc Lạc kết hợp với nhau tạo ra cộng đồng dân tộc. Toàn thể dân tộc Việt Nam đều từ một mẹ, một bọc, cùng chung nguồn cội, đều là anh em một nhà. Sự khác biệt nếu có chỉ là do những điều kiện sống “năm mươi người theo cha lên rừng, năm mươi người theo mẹ xuống biển”, đó chính là nguồn gốc tình đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam.
Chính sách khoan dung của Nhà nước với các dân tộc trong lịch sử
Thời kỳ nhà Lý, chính sách khoan dung nhằm tạo đồng thuận xã hội trong quan hệ dân tộc chủ yếu thông qua hôn nhân, phong quan tước và giao quyền cai trị địa phương cho các tù trưởng dân tộc thiểu số. Thông qua chính sách khôn khéo này, nhà Lý đã quy tụ được các tù trưởng, người dân các dân tộc thiểu số vào khối đại đoàn kết dân tộc, đó là lực lượng quan trọng của chính quyền Trung ương trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn nhà Trần, các nhà cầm quyền đã thực hiện đoàn kết, thống nhất các dân tộc thiểu số bằng cách cử những quý tộc, quan lại có năng lực, danh tiếng, am hiểu phong tục tập quán các dân tộc thiểu số đi phủ dụ dân chúng. Chuyện nhà Trần dùng con đường văn hóa để thu phục Trịnh Giác Mật – một