Bối cảnh trong nước

Một phần của tài liệu Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 84 - 85)

Thứ nhất, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên: Việt Nam là nước thường

xuyên hứng chịu thiên tai, bão lụt, hậu quả để lại rất nặng nề. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, trong vòng 10 năm qua (từ 2002- 2012) mỗi năm nước ta có khoảng gần 1.000 người chết, mất tích do thiên tai; thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP. Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới [7]. Thiên tai làm hàng vạn hộ gia đình bị mất nhà cửa; thậm chí mất cả những tư liệu sản xuất chủ yếu như như: đất đai, ruộng vườn, ao đầm… Thực trạng này đòi hỏi: một, Nhà nước

phải thực hiện chính sách “khoan thư sức dân” (miễn giảm thuế khóa, hỗ trợ tư liệu sản xuất cho những gia đình bị nạn); hai, cộng đồng bằng các hình

thức khác nhau chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị nạn vượt qua những khó khăn do thiên tai – thực hiện khoan dung (cả nhà nước và cộng đồng).

Thứ hai, điều kiện lịch sử: cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã kết thúc

gần 40 năm, nhưng những hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề. Hàng triệu người Việt đã rời quê hương ra nước ngoài sinh sống, hàng vạn gia đình trong nước tham gia vào bộ máy chính quyền của chế độ cũ còn tâm lý nghi kỵ, mặc cảm, định kiến… Nhu cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước vẫn là một thực tế khách quan của đất nước hiện nay.

Thứ ba, đất nước ta có nhiều dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp với đặc điểm, lợi ích, nhu cầu khác nhau. Dù vậy, các bộ phận ấy đều tồn tại thống

nhất trong cộng đồng Việt Nam; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng tối thượng để cùng nhau đoàn kết, thống nhất. Như vậy, tính đa dạng về dân tộc, tôn giáo, giai cấp đòi hỏi tất yếu phải thực hành khoan dung (khoan

dung cả ở đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cả ở ứng xử của mỗi cộng đồng người). Thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, tính đặc thù về sở hữu và thành phần kinh tế. Trong thời kỳ quá độ

lên chủ nghĩa xã hội, do sự phát triển đa dạng của lực lượng sản xuất, ở nước ta tồn tại nhiều loại hình sở hữu, thành phần kinh tế khác nhau. Mặc dù đặc điểm, tính chất, lợi ích mỗi loại hình sở hữu, thành phần kinh tế là không hoàn toàn đồng nhất, cá biệt có những hình thức đối lập nhau; nhưng, chúng đều là các bộ phận cấu thành nền kinh tế Việt Nam, bình đẳng trước pháp luật. Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế đều lấy lợi ích quốc gia là điểm tương đồng, lấy pháp luật làm căn cứ để tôn trọng, chấp nhận sự tồn tại, lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau hướng đến mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách kinh tế nhiều thành phần, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi thành phần kinh tế.

Thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đòi hỏi phải xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn vậy, phải thực hiện chính sách khoan dung, tôn trọng lợi ích, bản sắc, đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc, tôn giáo, cộng đồng người; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ; đồng thời, phải xác lập được những mục tiêu chung làm điểm tương đồng để cố kết toàn dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội.

Một phần của tài liệu Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 84 - 85)