đồng thuận xã hội trên một số lĩnh vực chủ yếu trong thời kỳ đổi mới
3.2.1. Chính sách “khoan thư sức dân” nhằm tăng cường đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân
Những thành tựu của chính sách “khoan thư sức dân” nhằm xây dựng đồng thuận xã hội thời kỳ đổi mới.
Một là, hệ thống chính sách thuế và phí. Khoan thư sức dân được biểu hiện ở việc ít huy động sức dân, mà tiêu biểu là chính sách thuế và phí của Nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp. Trong thời kỳ đổi mới, chính sách thuế và phí của nước ta được thực hiện theo hướng giảm dần.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều khoản thu đã được miễn, giảm. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hai năm 1990, 1991, Nhà nước đã thực hiện giảm 50% thuế nông nghiệp cho nông dân. Đây chính là biểu hiện của tinh thần “khoan thư sức dân” của Đảng và Nhà nước ta. Bởi, nước ta trải qua hàng trăm năm chiến tranh, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, việc miễn giảm này đã góp phần giảm bớt những khó khăn, tạo điều kiện bồi dưỡng sức dân. Năm 2003, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2003/QH11 (ngày 17 tháng 6 năm 2003) Về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (giai đoạn 2003-2010). Trong đó quy định: “Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
trong hạn mức theo quy định của pháp luật cho từng vùng đối với hộ nông dân, hộ nông trường xã viên, xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán của doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp…miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất của hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ” (điều 1, Nghị quyết số 15/2003/QH11). Tiếp tục thực hiện tinh thần trên, năm 2010, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 (ngày 24 tháng 11 năm 2010) Về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (giai đoạn 2011-
2020). Nghị quyết tiếp tục quy định việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
cho nông dân đến năm 2020. Về thủy lợi phí, năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2003/NĐ-CP (ngày 28/11/2003) Hướng dẫn Pháp lệnh khai
thác và bảo vệ công trình thủy lợi; năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định
115/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP, trong đó quy định: “Miễn thủy lợi phí đối với diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối…Miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối của hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” [15]. Việc miễn giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi phí như trên làm cho đông đảo bà con nông dân được giảm bớt một phần chi phí sản xuất, có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Đây chính là động lực mới để người nông dân phát triển sản xuất, phấn khởi, lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự thành công của công cuộc đổi mới.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: từ năm 1999 đến nay, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thuế suất theo hướng giảm dần. Mức thuế suất từ 32%/năm (1999) đã được điều chỉnh giảm xuống 28%/năm (2004), còn 25%/năm (2009). Hiện nay, ngoài thuế phổ thông 25%, còn có thuế suất ưu đãi 10% và 20% tùy theo địa phương, lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư. Bình quân thuế suất chung của thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 16,32%. So với các nước, bình quân thuế thu nhập doanh nghiệp của 83 nước trên thế giới khoảng 27%. Trong khu vực, thì Philippines, Thái Lan thuế suất bình quân chung là 30%; Trung Quốc, Malaysia là 25% [135]. Như vậy, rõ ràng ta thấy chính sách thuế đối với doanh nghiệp của nước ta so với các nước trong khu vực và bình quân chung trên thế giới là thấp.
Đối với thuế giá trị gia tăng: theo Bộ Tài chính, hiện có hai mức thuế suất là 5% và 10%. Thống kê 112 nước trên thế giới cho thấy, có 88 nước có thuế suất từ 12-25%, còn lại 24 nước mức thuế ở khoảng 10%. Các nước trong khu
vực như Lào, Campuchia, Indonesia có thuế suất 10%, Trung Quốc có hai mức thuế suất là 17% và 15%. Như vậy, ta cũng thấy thuế giá trị gia tăng của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới là thấp. Đây chính là sự khuyến khích, “khoan thư” của Nhà nước với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, mở rộng sản xuất, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Sự ưu đãi này góp phần làm cho các doanh nghiệp, doanh nhân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thành công của công cuộc đổi mới.
Đối với thuế thu nhập cá nhân: năm 2001, thuế thu nhập cá nhân nước ta quy định lũy tiến từ 10-60%, đến năm 2004 giảm xuống còn từ 10-40%. Theo quy định năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng cho người nộp thuế, giảm trừ 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc. Tại kỳ họp thứ năm, khóa XIII (2012), Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh mức chịu thuế và giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu và 3,6 triệu đồng. Đây cũng là biểu hiện tinh thần “khoan thư sức dân”, việc điều chỉnh này đã nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.
Về chính sách phí và lệ phí: Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2003 đến nay Việt Nam đã rà soát, bãi bỏ trên 340 loại phí và lệ phí. Việc giảm dần nghĩa vụ về thuế, phí thường xuyên được thực hiện đã tạo điều kiện khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển. Trong Chiến lược phát triển, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng khẳng định sẽ giảm tỷ lệ động viên về thuế/đơn vị hàng hóa.
Với chính sách thuế và phí như trên, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đường lối “khoan thư sức dân”, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp phát triển đời sống, sản xuất. Qua đó, làm cho người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Như vậy, miễn giảm thuế khóa nhằm chăm lo, bồi dưỡng sức dân, tạo sự tin tưởng, gắn kết giữa nhân dân và nhà nước là một biểu hiện của phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội của dân tộc. Đây là sự kế thừa, phát huy bài học từ lịch sử. Tuy nhiên, so với lịch sử, việc thực hiện chính sách này đã có những sự phát triển, miễn giảm thuế khóa không chỉ thực hiện sau kết thúc chiến tranh, thiên tai, địch họa mà trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động miễn giảm thuế khóa để tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp nâng cao đòi sống, phát triển sản xuất; đã được quy định trong pháp luật và thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc; có sự so sánh, đối chiếu với những quốc gia khác.
Hai là, hệ thống chính sách an sinh xã hội. Một biểu hiện khác của chính sách khoan dung trong giai đoạn hiện nay là hệ thống chính sách an sinh xã hội. Khoan dung trong lịch sử là sự chia sẻ, giúp đỡ của nhà nước với người dân; của các tầng lớp nhân dân với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, sau thiên tai, địch họa. Hiện nay, Nhà nước ta đã hình thành cả một hệ thống các chính sách về an sinh xã hội. Hệ thống chính sách này đã có cơ sở pháp lý cho việc trợ giúp những người nhất thời gặp khó khăn, hoạn nạn.
An sinh xã hội là một hệ thống chính sách và giải pháp được áp dụng rộng rãi để trợ giúp các thành viên trong xã hội đối phó với những khó khăn và rủi ro gặp phải, dẫn đến mất hoặc làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thu nhập và cung cấp các dịch vụ chăm sóc về y tế [36, tr.152].
Trong thời kỳ đổi mới, chính sách an sinh xã hội nước ta đã đạt được một số thành tựu chủ yếu như sau:
Thứ nhất, các chương trình và chính sách giảm nghèo đã tập trung nguồn
lực ưu tiên cho các huyện, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giảm nghèo đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, người nghèo được hỗ trợ bằng nhiều chương trình và chính sách để cải thiện điều kiện sống và sản
xuất, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực của nhà nước, cộng đồng; có thêm cơ hội vươn lên, tạo thu nhập để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 22% năm 2006 xuống còn 12,6% năm 2013 (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2013 tăng 2,3 lần so với năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a) đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% năm 2013 (bình quân giảm 7%/năm) [3, tr.11]. Các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ 530.294 căn nhà cho các hộ đặc biệt khó khăn, đạt 107% so với kế hoạch ban đầu và 99,9% so với số hộ cần hỗ trợ, trong đó có 95.486 hộ ở các huyện 30a.
Thứ hai, bảo hiểm xã hội có bước phát triển đáng kể, đối tượng tham gia
bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2011 đạt 10,1 triệu người, bằng gần 20% lực lượng lao động. Bảo hiểm xã hội tự nguyện thu hút 104 nghìn người; có khoảng 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính riêng ở địa bàn nông thôn, đến năm 2013, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 10,3 triệu (tăng 24,1% so với 2008). Có 59,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 6,9 triệu người so với 2009) [3, tr. 12] .
Thứ ba, các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng với các đối
tượng có hoàn cảnh khó khăn đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân. Số người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tăng từ 700 nghìn người năm 2007 lên 1,7 triệu người năm 2011. Năm 2013, số người được hưởng trợ cấp thường xuyên là 2,5 triệu người; chăm sóc, nôi dưỡng hơn 40 nghìn người trong các cơ sở bảo trợ xã hội [3, tr.12]. Các đối tượng như: người 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên, người già cô đơn, người khuyết tật nặng, người bị bênh tâm thần, trẻ mồ côi…được hỗ trợ đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Thứ tư, công tác trợ giúp đột xuất được tăng thêm và phát huy hiệu quả.
hỗ trợ người dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống; các phong trào tương thân tương ái được phát động rộng rãi đã đóng góp đáng kể vào hỗ trợ đột xuất cho những người gặp rủi ro. Nhà nước không ngừng tăng đầu tư cho phát triển các dịch vụ cơ bản bao gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin tuyên truyền… để nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân. Mức chi cho an sinh xã hội liên tục tăng, trong giai đoạn 2003- 2011, bình quân mỗi năm chi 95 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% GDP [21].
Nhờ thực hiện chính sách an sinh xã hội như vậy, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế đã phần nào khắc phục được những khó khăn trước mắt. Họ thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi thực hiện chính sách an sinh xã hội, trên cơ sở truyền thống: “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng” đã động viên, lôi kéo được tất cả các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia; qua đó, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Như vậy ta thấy, nếu như trong giai đoạn phong kiến, việc trợ giúp cho những người khó khăn chỉ là biểu hiện của sự thương sót mang tính đồng loại, dựa trên tình cảm lương tri; thì, hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện nay đã được luật hóa, đã có cơ sở pháp lý; đó là nghĩa vụ của Nhà nước và cộng đồng trong việc đảm bảo quyền con người. Chính sách khoan dung này là sự tiếp nối truyền thống khoan dung trong lịch sử dân tộc nhưng đã được nâng lên ở một tầm cao mới.
Một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện “khoan thư sức dân” nhằm xây dựng đồng thuận xã hội thời kỳ đổi mới:
Một là, bên cạnh những khoản thuế và phí chính, ở Việt Nam còn nhiều
loại phí khác mà người dân hàng ngày phải trả, nhất là những loại phí và quỹ đóng góp tại các địa phương. Theo khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh tháng
10 năm 2010, ngoài quỹ bắt buộc phải đóng là quỹ phòng chống lụt bão, người dân còn phải tham gia đóng rất nhiều quỹ khác như: quỹ khuyến học, quỹ quốc phòng an ninh, quỹ đến ơn đáp nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ chăm sóc người cao tuổi….Theo khảo sát của báo Dân Việt, tại xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa mỗi vụ người dân phải nộp đến gần 20 loại phí và quỹ… [5]. Việc thu phí và quỹ quá nặng tại các địa phương là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng giữa nhân dân và chính quyền cơ sở; điển hình là “điểm nóng” Thái Bình xảy ra những năm 1997-1998.
Hai là, việc thực hiện chế độ thuế, phí chưa được thực hiện nghiên túc, một
bộ phận người dân, doanh nghiệp có thu nhập cao (nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, diễn viên, doanh nhân, doanh nghiệp…) tìm mọi cách trốn, tránh thuế trong khi những người lao động chân chính (bác sĩ, giáo viên, nhà khoa học…) được tính, thu thuế triệt để; từ đó vừa làm giảm nguồn thu của nhà nước vừa gây tâm lý bất bình trong xã hội.
Ba là, trong thực tế còn biểu hiện sự bất công trong thụ hưởng thành quả
của chính sách an sinh xã hội giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc vùng miền. Trong đó, những người nông dân, công nhân, lao động tự do thành thị, người dân tộc thiểu số được tiếp cận, thụ hưởng các thành quả, dịch vụ của chính sách an sinh xã hội thấp hơn các nhóm khác, nhất là trên các lĩnh vực: hỗ trợ tạo việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội, là cớ để một số thế lực thù địch lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân chống lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
3.2.2. Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội trong quan hệ giữa các dân tộc
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Các dân tộc đã kề vai sát cánh với nhau trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đồng bào các dân tộc nước
ta có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Ngay từ khi ra đời và suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định vấn đề đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta.
Trong thời kỳ đổi mới, đường lối, chính sách khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội trong quan hệ dân tộc được thể hiện ở những phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là thực hiện bình