2.1.2.1. Quan niệm về đồng thuận xã hội
Đồng thuận trong tiếng Anh là Consensus, tiếng Pháp là Consensus, tiếng
Đức là Konséns. Về mặt từ nguyên, khái niệm này có nguồn gốc từ tiếng Latinh Consentire, trong đó được ghép bởi hai từ là: con có nghĩa là giống nhau và sentirre có nghĩa là: cảm giác, cảm nhận, nhận thức. Như vậy, nghĩa ban đầu Consentire là khái niệm dùng để chỉ những cảm nhận, nhận thức giống nhau (của nhiều người). Ở thế kỷ XIX, khái niệm Consensus ngoài việc dùng để chỉ sự ưng thuận, bằng lòng, đồng ý của con người (trong quan hệ xã hội), khái niệm này còn dùng để chỉ sự phối hợp giữa các bộ phận trong cơ thể sinh học, mà các tài liệu tiếng Việt dịch là sự liên ứng [52].
Trong thời gian gần đây, một số từ điển chuyên ngành ở Việt Nam mới dịch consensus là “đồng thuận”.
Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp – Việt, đồng thuận (consensus) được giải
thích với hai nghĩa chính: thứ nhất, trong một nhóm, một đảng, một dân tộc… chỉ sự đồng tình rõ ràng hoặc ngầm định giữa phần lớn các thành viên về một
hành động, một chính sách hoặc các giá trị được thừa nhận; thứ hai, trong luật quốc tế, đó là thủ tục thông qua các văn kiện, được đưa vào thực tiễn hoạt động của các tổ chức quốc tế và thường xuyên được sử dụng [34, tr.143].
Từ điển xã hội học, đồng thuận (konséns): sự nhất trí có tác dụng như một
xúc tác xã hội hay chỉ sự khác biệt không đáng kể giữa các thành viên trong một hệ thống xã hội về những vấn đề quan trọng đối với những hoạt động của hệ thống [38, tr.153].
Trong một số từ điển tiếng Việt, Hán – Việt mà chúng tôi khảo cứu như:
Từ điển tiếng Việt, Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm (chủ biên) [112]; Từ điển bách khoa Việt Nam [48]; Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (chủ biên)
[152]; Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Nguyễn Lân [71]; Từ nguyên giải nghĩa, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huế [64]; Từ điển từ mới tiếng Việt, Chu Bích Thu (Viện Ngôn ngữ học, chủ biên) [119]… Thì chỉ duy nhất cuốn Từ điển từ
mới tiếng Việt có giải thích khái niệm đồng thuận. Theo Tiến sĩ Chu Bích
Thu, “Đồng thuận” (động từ) có nghĩa là cùng thỏa thuận, cùng đồng ý, cùng thống nhất (về những vấn đề quan trọng) [119, tr.84]. Các cuốn từ điển còn lại, mặc dù không có khái niệm “đồng thuận”, nhưng các từ “đồng”, “thuận” được giải thích độc lập như sau:
Đại từ điển tiếng Việt, tác giả Nguyễn Như Ý cho rằng: “đồng” (tính
từ): cùng, cùng nhau; “thuận”: bằng lòng. Như vậy, cũng có thể hiểu “đồng thuận” là cùng nhau bằng lòng về vấn đề nào đấy [152, tr.665, 1598].
Từ điển từ và ngữ Hán Việt, GS Nguyễn Lân giải thích các từ: “đồng”
cùng nhau, “thuận”: theo. Như vậy, đồng thuận có thể được hiểu là cùng theo một cái gì đó [71, tr.242, 688].
Điều đó cho thấy, đồng thuận là một khái niệm mới trong ngôn ngữ tiếng Việt.
Cũng như khái niệm đồng thuận, trong các từ điển và tài liệu kể trên, chưa xuất hiện khái niệm đồng thuận xã hội. Thời gian gần đây, trong một số công trình nghiên cứu khoa học, các tác giả mới đưa ra định nghĩa, cách hiểu ban đầu về đồng thuận xã hội.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Lan trong luận án tiến sĩ Chính trị học: “Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay” cho rằng: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội về một
vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung” [69, tr.17-18]. Tác giả Nguyễn Trần Bạt trong bài “Đồng thuận và đồng thuận xã hội” có cái nhìn khái quát hơn: “Đồng thuận là giới hạn hợp lý của đấu tranh và hợp tác, còn đồng thuận xã hội là biểu hiện của sự đồng thuận ở mức độ cao nhất, rộng lớn nhất, và nó tạo ra sự thống nhất chính trị, kinh tế và văn hoá của xã hội” [11]. Tiến sĩ
Chu Văn Tuấn trong bài Đồng thuận xã hội: Một số vấn đề lý luận cho rằng:
Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí hay tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội đối với một vấn đề nào đó (chẳng hạn một quan điểm, một chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định...) trên cơ sở những điểm tương đồng và cùng chung mục đích”
[141, tr.26]. Giáo sư Phạm Ngọc Quang trong đề tài khoa học cấp Nhà nước: Quan điểm, định hướng và giải pháp thực hành dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội trình bày một cách cặn kẽ khái niệm đồng thuận
xã hội: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí trong suy nghĩ và hành động của một cộng đồng xã hội (cộng đồng này có thể rộng hẹp khác nhau, từ cộng đồng gia đình, làng xóm…đến cộng đồng giai cấp, dân tộc, nhân loại) về một (hay một số) vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng về nhu cầu, lợi ích… trong lúc vẫn thừa nhận, tôn trọng những điểm khác biệt với
điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó” [102, tr.35].
Từ các quan điểm trên, có thể thấy rằng, các tác giả đã có nhiều điểm thống nhất với nhau khi xác định nội hàm khái niệm đồng thuận xã hội, như: đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội về một vấn đề nào đó; đồng thuận là sự đồng tình tự giác chứ không phải sự cưỡng bức; cơ sở của đồng thuận xã hội là dựa trên sự tương đồng giữa các thành viên; đồng thuận xã hội bao gồm cả sự khác biệt... Tuy nhiên, trong mỗi định nghĩa, theo chúng tôi còn có những phần chưa thực sự thỏa đáng như: Thứ nhất, “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội...”, ở đây “đồng thuận” đã được làm sáng tỏ là “đồng tình, nhất trí”; nhưng “xã hội” vẫn được trình bày là “xã hội” thì chưa thỏa đáng. Thứ hai, đồng thuận xã hội: “là sự đồng tình, nhất trí... trong suy nghĩ và hành động”, có phải mọi sự đồng thuận đều bao gồm cả suy nghĩ và hành động không? Theo chúng tôi, không phải mọi sự đồng thuận đều bao gồm cả hai lĩnh vực này, có đồng thuận trong tư tưởng, có đồng thuận trong hành động và có đồng thuận cả trong tư tưởng và hành động. Trong thực tế, nhiều sự đồng thuận mới đạt được trên những nhận thức ban đầu. Thứ ba, đồng thuận xã hội dựa trên những điểm tương đồng “trong lúc vẫn thừa nhận, tôn trọng những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó”. Một cộng đồng, tại một thời điểm có thể có nhiều mục tiêu, các thành viên trong cộng đồng đó có thể đồng thuận về một hoặc nhiều vấn đề, nhưng không phải lúc nào hai cái đó cũng hoàn toàn đồng nhất với nhau. Có thể các thành viên chỉ đồng thuận về mục tiêu này mà chưa đồng thuận về mục tiêu khác. Ở đây, yêu cầu của đồng thuận là sự khác biệt giữa các thành viên không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cái mà các thành viên đã đồng tình, nhất trí với nhau chứ không phải tất cả mọi mục tiêu, hành động của cộng đồng đó.
Từ các quan điểm trên đây, chúng tôi cho rằng: Đồng thuận xã hội là sự tự giác đồng tình, nhất trí của các thành viên trong một cộng đồng về một hoặc một số vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng, trong khi vẫn thừa nhận những điểm khác biệt, với điều kiện những khác biệt đó không tổn hại đến việc thực hiện cái đã đồng tình, nhất trí.
Từ khái niệm trên, có thể rút ra những nội dung chính của đồng thuận xã hội như sau:
Một là, đồng thuận xã hội là một dạng đặc thù của đồng thuận (chỉ
phản ánh sự đồng đồng thuận trong xã hội).
Hai là, đồng thuận xã hội là hoạt động tự giác, có ý thức của các chủ
thể (những hành động cưỡng bức, bắt buộc phải phục tùng, bắt buộc phải quy thuận, hành động không ý thức không phải là đồng thuận).
Ba là, cơ sở của đồng thuận xã hội là sự tương đồng của các thành viên
(về nhu cầu, lợi ích, sở thích, mục tiêu…).
Bốn là, phạm vi đồng thuận (về lĩnh vực) có thể đồng thuận về tư
tưởng, hành động, cả tư tưởng và hành động; (về phạm vi) có thể rộng, hẹp khác nhau (trong một đảng, một giai cấp, dân tộc hay toàn nhân loại...)
Năm là, đồng thuận không loại trừ những khác biệt, mâu thuẫn nhưng
đó không phải là những khác biệt, mâu thuẫn căn bản.
Sáu là, xem xét ý nghĩa của sự đồng thuận xã hội phải có quan điểm lịch
sử cụ thể, có đồng thuận xã hội có ý nghĩa tích cực, có sự đồng thuận xã hội có ý nghĩa tiêu cực (ví dụ: “Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn” là sự đồng thuận có tính chất tích cực, nó thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm của con người trong chinh phục tự nhiên, còn “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”, đây cũng là sự đồng thuận nhưng sự đồng thuận này có tính tiêu cực, nó thể hiện tâm lý an phận thủ thường); trong mối quan hệ này đồng thuận xã hội có ý nghĩa tích cực, nhưng trong quan hệ khác thì không (ví
dụ, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đồng tình, ủng hộ Việt Nam sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam; hành vi đồng tình, ủng hộ đó với nhân dân Việt Nam là tích cực nhưng với phía Trung Quốc là tiêu cực vì nó bất lợi cho họ)…
2.1.2.2. Sự biểu hiện của tư tưởng đồng thuận xã hội trong lịch sử
Trong lịch sử tư tưởng phương Tây cổ đại, Platon (427-347 TCN) là người đầu tiên xây dựng lý thuyết về một xã hội đồng thuận, những tư tưởng đó được thể hiện trong quan điểm về Nhà nước lý tưởng của ông. Theo ông, một xã hội lý tưởng là mọi công dân đều tự nguyện thực thi chức trách của mình theo đúng sự phân công lao động xã hội dựa trên thiên tính tự nhiên của họ. Ông cho rằng, sở dĩ có cộng đồng xã hội là vì người ta phải trợ giúp nhau trong thực hiện những nhu cầu sinh sống cần thiết. Nhu cầu ấy phù hợp với sự phân chia công việc tùy theo năng lực của mỗi cá nhân. Platon phân chia xã hội thành ba giai cấp cơ bản, mỗi giai cấp có năng lực, đặc tính riêng; phù hợp với năng lực đó, xã hội sẽ phân công họ một công việc phù hợp với sở trường của họ. Ba giai cấp ấy, là:
Giai cấp “đồng” và “sắt” bao gồm: thương gia, thợ thủ công, nông dân và những người lao động chân tay. Phẩm chất cơ bản của giai cấp này là tính tiết độ; công việc phù hợp cho họ là lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Giai cấp “bạc” gồm: những chiến binh. Phấm chất cơ bản của họ là can đảm. Công việc phù hợp cho họ là chiến đấu bảo vệ nhà nước và trật tự xã hội.
Giai cấp “vàng” gồm: các triết gia, các nhà chính trị. Phẩm chất cơ bản của họ là thông thái, khôn ngoan. Công việc phù hợp cho họ là quản lý xã hội và sản xuất các giá trị tinh thần.
Theo Platon: “Một nhà nước chỉ công chính là khi mỗi một trong ba giai cấp cấu thành nó chu toàn chức vụ của mình” [dẫn theo 92, tr.239] và khi đó
xã hội sẽ thái bình, thịnh trị. Ngược lại, khi nào một trong ba giai cấp dẫm chân lên chức vụ không phải của mình, xã hội sẽ bất đồng, rối loạn.
Như vậy, cộng đồng hay nhà nước lý tưởng của Platon là một xã hội được phân công lao động dựa trên năng lực của mỗi thành viên. Nếu mỗi cá nhân hành động theo đúng bổn phận của mình thì xã hội ổn định, ngược lại, cá nhân hoạt động ngoài chức phận của mình thì xã hội loạn. Ở đây, đồng thuận được đồng nhất với khái niệm xã hội công chính. Tuy nhiên, quan điểm này
mang tính duy tâm chủ quan, đó chỉ là mong ước của ông về một xã hội lý tưởng. Nó cũng gián tiếp bảo vệ lập trường của giai cấp chủ nô muốn duy trì trật tự xã hội theo nguyện vọng của họ.
Đến thời kỳ Khai sáng, J.J. Rousseau, triết gia Pháp là một trong những
người đầu tiên đưa ra lý thuyết duy vật về đồng thuận xã hội thông qua tác phẩm Khế ước xã hội. Theo ông, xã hội đồng thuận là xã hội được xây dựng trên cơ sở một khế ước, trong đó, tất cả các thành viên đều tự nguyện thực hiện điều mình đã ký kết. Khế ước xã hội chính là kết quả của sự thỏa thuận dân chủ giữa các thành viên. Nói cách khác, thỏa thuận là phương thức cơ bản để tìm kiếm đồng thuận hay dân chủ xã hội là nền tảng chính trị học của đồng thuận xã hội [11].
C.Mác và Ph.Ăngghen mặc dù chưa đề cập đến khái niệm đồng thuận xã
hội nhưng trong tư tưởng của mình, các ông cũng đã trình bày một số nội
dung của thuật ngữ này, nhất là: sự tương đồng của giai cấp công nhân với
nhân dân các dân tộc bị áp bức trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đây chính là cơ sở để xây dựng tình đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Về địa vị xã hội, theo các ông, trong phương thức sản xuất tư bản, giai cấp công nhân là những người bị áp bức, bóc lột; do vậy, họ cùng có kẻ thù chung là giai cấp tư sản: “Bởi lẽ tình cảnh của công nhân tất cả
các nước đều giống nhau, bởi lẽ lợi ích của họ thống nhất, những kẻ thù của họ cùng là một, cho nên họ cần hiệp lực đấu tranh chung và họ cần đem liên minh anh em của công nhân tất cả các dân tộc đối lập với cái liên minh anh em của giai cấp tư sản tất cả các dân tộc” [80, tr.529]. Về lợi ích kinh tế, các ông nói rõ sự thống nhất lợi ích kinh tế, nhất là vấn đề sở hữu là cơ sở để xây dựng tình đoàn kết, thống nhất của phong trào công nhân và các dân tộc: “Muốn cho các dân tộc có thể thực sự đoàn kết lại thì họ phải có những lợi ích chung. Muốn cho những lợi ích của họ trở thành lợi ích chung thì những quan hệ sở hữu hiện có phải bị thủ tiêu” [80, tr.527]. Theo các ông, áp bức giai cấp và áp bức dân tộc trong chế độ tư bản chủ nghĩa có mối quan hệ với nhau và đều có nguồn gốc sâu xa từ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Do vậy, thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa cũng có nghĩa là thủ tiêu nguồn gốc sinh ra áp bức. Sự tương đồng về địa vị xã hội và lợi ích kinh tế như trên, dẫn tới sự tương đồng về mục tiêu chính trị, đó là
mong muốn thủ tiêu chế độ người bóc lột người, xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng: “…những người xã hội chủ nghĩa, mong muốn giải phóng lao động, tiêu diệt chế độ nô lệ làm thuê và thiết lập một chế độ xã hội trong đó toàn thể công nhân, không phân biệt nam, nữ và dân tộc đều có quyền hưởng những của cải do lao động chung của họ làm ra” [78, tr.775-776].
Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã bước đầu tìm ra cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội để xây dựng đồng thuận giữa giai cấp công nhân, nhân dân các dân tộc bị áp bức trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Trong lịch sử tư tưởng phương Đông, mặc dù không có khái niệm “đồng
thuận xã hội” nhưng có các khái niệm gần với khái niệm này là quan điểm
“Thuận thiên ứng nhân” của Nho giáo, “Thượng đồng” của Mặc giáo. Theo
quan điểm Nho giáo, một vương triều nổi dậy thay thế một vương triều khác phải thuận theo mệnh trời, đáp ứng lòng người. Chữ “Thuận” trong tư tưởng