Phong cảnh thiên nhiên làng quê Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 29 - 38)

7. Bố cục

2.1.1. Phong cảnh thiên nhiên làng quê Việt

Sinh ra ở vùng quê Bình Lục đồng trắng nước trong – nằm trên dải đất người Việt cổ chọn làm nơi sinh tụ, Nguyễn Khuyến sớm đã nhận chân được nền văn hóa Việt truyền thống chảy qua bao thế hệ. Những nét văn hóa độc đáo chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ẩn tàng sau những cánh đồng chiêm trũng, trong từng cảnh sắc bốn mùa… đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên, như thể đó là một phần hồn không thể thiếu tạo nên sức hấp dẫn lan tỏa tới trái tim người đọc. Giống như đa phần các nho sĩ thời bấy giờ, lúc đầu, Nguyễn Khuyến đến với văn chương như một cuộc dạo chơi, một thú vui gửi gắm biết bao ẩn ức của kẻ sĩ đương thời. Càng về sau đó, ông càng thấy văn chương như cái nghiệp mà ông trời đã gán cho bản thể của con người mình. Và Nguyễn Khuyến, trong tâm thế của người sáng tạo luôn coi việc làm thơ như là sự thôi thúc từ nội tâm, bằng tình yêu chân thành với chính mảnh đất mang đậm dấu tích văn hóa Đông Sơn từ thuở vua Hùng lập nước.

Cũng như nhiều thi sĩ cùng thời, Nguyễn Khuyến luôn có xu hướng muốn giải mã các hình ảnh hoặc biểu tượng xuất hiện trong tự nhiên và đời sống xã hội để chạm tay đến sự khám phá mới mẻ. Là một nhà thơ gắn bó với đời sống nông thôn vùng quê chiêm trũng Bắc Bộ, thiên nhiên chính là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận không bao giờ vơi cạn trong các sáng tác của ông. Đó chính là những hình ảnh thiên nhiên mang đậm màu sắc văn hóa thuần Việt, thân thuộc và gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Trong số vô vàn hình ảnh biểu trưng cho thiên nhiên, hơn tất cả đó là các hình ảnh về sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng và các loại cây cối gắn bó với làng quê Việt Nam.

Tiến hành khảo sát 353 bài thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Khuyến, ở một chừng mực nhất định chúng tôi tạm thời đưa ra kết quả ban đầu như sau:

Bảng 2.1. Một số hình ảnh thiên nhiên tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Khuyến

STT Hình ảnh

Tần số xuất hiện

(lần)

Tỉ lệ (%)

1 Sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng, vườn tược 23 43

3 Các loài cây cối (tre, trúc, bèo, hoa…) 31 57

Tổng số 54 100

Kết quả thống kê cho thấy, hệ thống hình ảnh thiên nhiên tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa Việt xuất hiện với nhịp độ phong phú, với những biểu hiện cụ thể cho từng mảng màu văn hóa khác nhau trong tổng quan văn hóa Việt nhìn dưới góc độ không gian thiên nhiên. Nguyễn Khuyến đã sử dụng những hình ảnh này như một phương pháp nghệ thuật đắc dụng nhằm chuyển tải những thông điệp nhân văn về văn hóa dân tộc trong tác phẩm của ông.

Với mặt bằng văn hóa sâu rộng, những trang thơ viết về thiên nhiên, làng quê thấm đẫm phong vị văn hóa Việt của Nguyễn Khuyến đã ra đời, như một sự thể nghiệm của tình yêu văn hóa dành cho quê hương mình. Cùng sự hiểu biết tận tường về danh thắng, cảnh sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nguyễn Khuyến đã khéo léo gọt giũa đến mức tối đa phong cảnh thiên nhiên làng quê Việt từ thực tế đời sống để đưa vào trang viết một bức tranh thiên nhiên nông thôn tinh tế, xinh xắn độ thu về:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào”. (Thu vịnh)

Cùng với 2 bài thơ Thu điếuThu ẩm, trong bài thơ này, mặc dù ông sử dụng thể thơ Đường luật để sáng tác song ngôn từ trong các bài đều thuần Việt và tuyệt nhiên không xuất hiện một danh từ Hán – Việt nào. Đó chính là một trong những cách ông thể hiện tinh thần dân tộc và chất văn hóa trong văn chương của mình. Nhờ vậy mà hình ảnh vùng đồng chiêm trũng Bình Lục đi vào trang thơ rất đỗi gần gũi, bình dị mà thân quen. Đặc biệt, gia công thêm chất văn hóa Việt ở đây không thể không nhắc đến hình ảnh thanh tú của cần trúc đong đưa trước gió. Sự lay động nhẹ của cần trúc, sự tĩnh lặng sâu thẳm của bầu trời hòa với cảnh mặt nước sương khói huyền ảo đã mở ra một bề rộng mặc cho bóng trăng tràn qua song thưa lúc trời đêm. Ở Việt Nam, tre – trúc vốn gắn liền với đời sống của người dân lao động, với hoạt động trồng trọt lâu đời của người dân Việt. Trên hành trình mưu sinh và phát triển, tre – trúc thể hiện cho nền văn hoá xóm làng mang tính cộng đồng tự trị chặt chẽ, bởi nó đại diện cho sự vững chắc, mạnh mẽ và có khả năng chống chọi với sóng gió cuộc đời. Qua khảo sát, chúng tôi thấy hình ảnh này xuất hiện 13 lần trong thơ Nguyễn Khuyến. Hình ảnh rặng tre, trúc bao bọc quanh làng là thứ quen thuộc trong cuộc sống của người dân quê. Nó gắn với quá trình hình thành, phát triển, là nơi tụ tập của người nông dân vào những trưa hè oi ả và là hình ảnh tuyệt đẹp không thể thiếu trong bức tranh làng cảnh Bắc Bộ mỗi độ thu về.

Ngoài việc miêu tả không gian thiên nhiên mùa thu qua hình ảnh tre-trúc, thì ở một góc quan sát khác, Nguyễn Khuyến cũng đã vẽ nên một bức tranh không gian làng quê đầy đủ với ao, cá, bướm, trúc vô cùng sinh động, chân thực, bình dị nơi thôn dã:

“Cá vượt khóm rau lên mặt nước, Bướm len lá trúc lượn rèm thưa”. (Ngẫu hứng ngày hè)

Tre – trúc còn thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết, nỗi lòng khắc khoải của thi nhân trước sự thay đổi nhanh chóng của thời thế: “Thiên ngoại vân y đa hóa cẩu/ Song tiền trúc ảnh mối nghi nhân” (Mây áo chuyển vần thường hóa chó/ Bóng tre lấp loáng ngỡ là ai?) (Ngẫu thành 1); Tre còn xuất hiện trong

cuộc chia ly với người bạn tri kỷ: “Cựu tình lịch sổ thanh xuân ngoại/ Trọc tửu lương khuynh lục trúc tiền” (Tuổi hoa gắn bó tình thêm dặm/ Trúc biếc nghiêng

che chén cạn mời) (Tặng hành nhân Nguyễn Đài)…

Hình ảnh tre – trúc trong thơ Nguyễn Khuyến mang nhiều nghĩa biểu trưng ý nghĩa. Đó không chỉ đơn thuần là hình ảnh văn hóa gắn chặt với không gian thiên nhiên làng quê đất Việt, biểu hiện cho cốt cách người Việt chịu thương chịu khó và luôn lạc quan vượt qua khó khăn, mà còn là nơi gửi gắm những tâm sự sâu kín của nhà thơ trước cuộc đời. Cũng từ cách xây dựng hình ảnh thiên nhiên quen thuộc như vậy, thơ Nguyễn Khuyến trở nên hấp dẫn, độc đáo hơn bao giờ hết bởi nó được tác tạo bằng cả nét tĩnh và nét động đầy nghệ thuật, chứa đựng những gam màu đa sắc mà không phải ở vùng quê nào cũng có được, mang đậm cảnh sắc hương quê của vùng Bắc Bộ. Đó chính là nét đặc trưng được gọi tên qua vẻ đẹp văn hóa vốn có từ ngàn đời xưa.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khuyến được gọi là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Sau khi cáo bệnh từ quan, ông trở về với ruộng vườn, hòa mình vào cuộc sống nông thôn. Thiên nhiên trong thơ ông không bó buộc phải là rộng lớn, đặc sắc, mà nhiều khi chỉ là những cảnh, những hình ảnh giản dị với ao bèo ruộng muống, với những thứ quen thuộc của quê hương xứ sở:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng biếc theo làn hơi gợi tí, Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”.

(Thu điếu)

Được mệnh danh là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”, Nguyễn Khuyến đã giúp cho người đọc được đắm mình trong không gian nông thôn thuần khiết, nguyên bản vẽ lên từ chính những lớp từ thuần Việt. Tiết trời vùng đồng bằng Bắc Bộ vào thu được Nguyễn Khuyến vẽ nên qua bức tranh làng quê gần gũi, mộc mạc, có ao thu không đơn thuần là nước trong mà là “trong vắt” mang theo hơi lạnh khẽ khàng chạm nhẹ vào da thịt, có chiếc thuyền câu bé đến nỗi “tẻo teo” chông chênh trên chiếc ao bèo gợi nên cảm giác an

nhàn mà tĩnh tại, không vướng sự đời, như một nét chấm phá giữa bức tranh thủy mặc, bình dị, có ngõ trúc yên ắng tới mức “vắng teo”… Từ ngữ chính xác mà uyển chuyển, từ gọi từ để đạt đến hiệu quả diễn đạt cao nhất. Những câu chữ được gieo vần “eo” vô cùng tinh tế, chọn lọc từ kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt phong phú đã giúp cho bài thơ có sức hấp dẫn đặc biệt, sinh động song cũng không kém phần mới lạ, độc đáo.

Đáng chú ý ở đây chính là hình ảnh ao làng quá đỗi quen thuộc trong bức tranh thiên nhiên làng quê Bắc Bộ - một hình ảnh hồn quê thiêng liêng, đẹp đẽ của người Việt. Ao làng không chỉ để cấp nước sinh hoạt, giặt, rửa, nuôi cá, thả bèo, nuôi lợn mà còn như những hào sâu tăng thêm khả năng bảo vệ làng, đồng thời tiêu nước để tránh ngập úng. Đó còn là mạch suối nguồn yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn của bao đứa trẻ, là nơi chứng kiến bao kỷ niệm thăng trầm của người dân và làng xóm Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong thơ Nguyễn Khuyến, hình ảnh ao làng được nhắc đến 6 lần, gợi lên không gian thanh tĩnh, yên bình nơi làng quê, đồng thời đó còn như một sự gợi nhắc chính bản thân thi sĩ dù đi đâu cũng không quên biểu tượng hồn thiêng của quê hương mình. Trong chùm thơ thu độc đáo, Nguyễn Khuyến đã cho ta thấy hình ảnh ao làng với cảnh sắc thiên nhiên, tác tạo nên bức tranh thu không chỉ mang tính chất tĩnh:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. (Thu điếu) mà còn mang cả tính chất động:

“Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”. (Thu ẩm)

Không giống với lối miêu tả thơ truyền thống giai đoạn trước chỉ thiên về tĩnh, Nguyễn Khuyến đã vẽ cả nét động trong từng câu thơ miêu tả về ao làng. Nếu cảm nhận thật kỹ, lắng nghe thật sâu, người đọc còn có thể thấy cả tĩnh và động trong cùng một câu thơ. Ao làng hiện lên sinh động, chân thực, gắn liền với không gian thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống bình dị của con người nơi làng quê Bắc Bộ. Nó không chỉ đơn thuần gợi lên vẻ đẹp thanh nhàn của đời sống thôn quê mà còn là hình ảnh đầy ý nghĩa, gắn bó với mỗi người con đất Việt, là nơi khiến họ thương nhớ khôn nguôi mỗi khi đi xa.

Tình yêu quê hương, yêu văn hóa dân tộc tha thiết của Nguyễn Khuyến còn thể hiện trong bức tranh quê thanh bình yên ả:

“Chuông trưa vẳng tiếng người không biết, Trâu thả sườn non ngủ gốc cây”

(Nhớ cảnh chùa Đọi)

Viết về nông thôn bằng cả trái tim và thứ tình cảm đằm thắm, phong cảnh làng quê Việt Nam trong thơ ông hiện lên với đầy đủ những âm thanh và màu sắc đặc trưng từ ngàn đời, độc đáo mà gần gũi, thân quen mà đẹp đẽ đến diệu kỳ. Trong không gian bình dị với hình ảnh chú trâu nằm ngủ gốc cây giữa trưa hè, tiếng chuông chùa quen thuộc hệt như thước phim quay chậm nhằm tái hiện một cách chân thực nhất, sống động nhất khung cảnh vùng thôn dã đặc trưng của làng quê Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với không gian văn hóa vùng đô thị vốn tập nập, xô bồ, ồn ã. Hay như cảnh nước lũ tràn về luôn thấy ở vùng đồng chiêm trũng như quê Yên Đổ vào mùa lũ, cho thấy một khung cảnh quá đỗi quen thuộc của vùng quê mỗi mùa con nước đổ:

“Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng, Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi”

(Nước lụt Hà Nam)

Nếu như mùa thu ở chốn thị thành khiến con người ta ít cảm nhận được sự bình dị, thanh vắng thì không gian thu ở làng quê trong thơ Nguyễn Khuyến lại không còn sự bon chen, hối hả, ngột ngạt nữa, mà thay vào đó là bức tranh đêm mùa thu với đầy đủ âm thanh của tiếng giun dế, hình ảnh bầu trời sao hòa lẫn màn sương thu lành lạnh quen thuộc vô cùng:

“Nhất thiên tinh đẩu dạ trầm trầm, Sạ thính thanh thanh thứ bất câm. Cách trúc cao đê xao bính chẩm, Hòa sương đoạn tục tả thương âm”.

Dịch nghĩa:

“Đêm khuya thăm thẳm một trời sao, Giun dế ran ran nối tiếp nhau.

Rền rĩ thấp cao khua gối mộng,

Dập dìu khoan nhặt thấm sương ngâu”. (Thu dạ cùng thanh)

Trước Nguyễn Khuyến, đại thi hào Nguyễn Du cũng từng viết Thu dạ,

trong đó cũng có hình ảnh“sao sáng”, có “tiếng dế kêu” não nề trong đêm lạnh:

“Phiền tinh lịch lịch lộ như ngân, Đông bích hàn trùng bi cánh tân”.

Dịch nghĩa:

“Sao vàng lấp lánh ánh sương dầy, Dế khóc tường đông giọng đắng cay”.

Thế nhưng, trong bút pháp miêu tả của Nguyễn Du, do ảnh hưởng của tính ước lệ, tượng trưng của thơ Đường luật nên sự sinh động, chân thực chưa đạt đến độ đủ đầy, gần gũi, mang đậm phong vị hồn Việt qua hình thức lời thơ, câu chữ như vần thơ Nguyễn Khuyến. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt trong bút pháp miêu tả, quá trình dân tộc hóa mùa thu cho thật là thu đất Việt, ấn định Nguyễn Khuyến là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”.

Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ rõ tài năng của Nguyễn Khuyến trong việc sử dụng từ láy và từ chỉ màu sắc. Ông được coi là người có biệt tài trong việc sử dụng các lớp từ này nhằm chỉ ra các dụng ý nghệ thuật khác nhau. Phải là một người yêu tiếng Việt, am hiểu sâu sắc các đặc trưng về thanh, về vần và ý nghĩa của âm tiết tiếng Việt cũng như am hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì Nguyễn Khuyến mới có được khả năng ấy. Nguyễn Khuyến ưa dùng các từ láy âm và chú trọng đến cả hai phương diện: hòa phối âm thanh và hòa phối ngữ nghĩa. Một điều thú vị và sáng tạo trong thơ Nguyễn Khuyến là ông thường ưa dùng các từ láy có giá trị gợi hình, biểu cảm để phản ảnh hiện thực ở những góc cạnh tinh vi, tinh tế nhất (cảnh vật, con người) – đây là điều ít gặp trong văn học trung đại vốn mang tính ước lệ, tượng trưng rất cao.

Nguyễn Khuyến đã hoàn toàn chắt lọc lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân Việt để vịnh cảnh, đủ làm nên nét riêng thuần Việt của mình. Những cụm từ láy âm (âm đầu, âm chính, âm đầu + âm chính) như: lạnh lẽo, tẻo

teo, lơ lửng (Thu điếu); le te, lập lòe, phất phơ, lóng lánh (Thu ẩm); lơ phơ, hắt hiu (Thu vịnh) đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong biểu đạt cảm xúc chỉ có ở ngôn ngữ tiếng Việt. Đó cũng chính là căn cội tạo nên một bản sắc thuần Việt riêng của một nhà thơ yêu quê hương làng cảnh Việt Nam tha thiết. Đặc biệt, vẫn bàn ở góc độ các từ láy đôi, chùm những bài thơ thu của Nguyễn Khuyến có hai từ láy rất thú vị, đó là: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo (Thu điếu) và “Năm gian nhà cỏ thấp le te” (Thu vịnh). Theo Phạm Ánh Quyên “Một chiếc thuyền câu bé nhỏ trong lòng một chiếc ao nhỏ bé, đã bé rồi lại còn tẻo teo, không chỉ là tí teo cố định bé mà do cách điệp vần eo khiến cho cái sự bé ấy như đang tiếp bé đi, teo nhỏ lại. Nhà cỏ không thấp lè tè như trong điểm nhìn của người đứng ngoài đường nhìn vào mà thấp le te trong điểm nhìn của người ngồi trong nhà nhìn ra, nhìn thấy mái gianh chắn trước mắt đấy, thấy khoảng sáng ngoài nhà, thấy mình ở trong bóng tối nhưng cái mái nhà ấy vẫn ở trên đầu mình cho nên thấp le te. Rất thấp, rất nhỏ nhưng không cụ thể như lè tè, hơn nữa le te như làm mờ đi sự lôi thôi, lụp xụp của căn nhà. Nếu thay le te bằng lè tè, sẽ làm mất đi sự hài hoà về âm điệu giữa các câu thơ trong bài, cấu trúc của dòng thơ Đường luật cũng bị phá vỡ. Khuôn vần [e] đã tạo nên mạch ngầm xuyên suốt bài thơ (le te, lập loè, trăng loe, đỏ hoe, say nhè), vừa phù hợp với yêu cầu diễn đạt vừa gợi tả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 29 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)