Tính cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 87 - 91)

7. Bố cục

3.2.1. Tính cộng đồng

Văn hóa Việt Nam về bản chất là một nền văn hóa làng, được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc với nhiều đặc trưng, trong đó nổi bật nhất là tính cộng đồng. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa làng xã và cũng là biểu hiện rõ nhất cho tính cách Việt truyền thống. Tính cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ thể hiện trong cơ cấu tổ

chức xã hội nông thôn theo nhiều nguyên tắc, cơ sở khác nhau: cơ sở huyết thống (gia đình, dòng họ), địa bàn cư trú (xóm, làng)… Từ các mối quan hệ đó, mỗi người đều bộc lộ tính cách Việt đặc trưng trong cộng đồng.

Xét mối quan hệ huyết thống với gia đình, tính cộng đồng được biểu hiện khá rõ nét. Người Việt sống trước hết vì nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình, lấy đó làm nòng cốt để tạo lập kỷ cương xã hội. Trong thơ Nguyễn Khuyến, ông nhắc nhiều đến tính cộng đồng thông qua tinh thần đùm bọc, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên, giữa các thế hệ:

“Tân tuế phương lai cựu tuế trừ, Thanh bần ngô tự ái ngô lư”.

Dịch nghĩa:

“Năm mới đương đến, năm cũ đã qua, Cảnh nhà trong sạch, ta yêu ta”.

(Ngày xuân dạy các con I)

Ông cũng dạy dỗ các con của mình những bài học đạo đức luân lý coi trọng chữ nghĩa sách vở nhưng không được quên đi cội nguồn nông nghiệp của dân tộc mình. Đây chính là một trong những cách thức ông rèn giũa con cái giữ gìn vốn văn hóa truyền thống quý báu đã có tự ngàn xưa:

“Nhi tào hoặc khả thừa ngô chi, Bút nghiễm vô hoang đạo, thúc, sơ”.

Dịch nghĩa:

“Các con nếu có thể theo chí ta,

Thì chăm bút nghiên nhưng đừng bỏ lúa, đậu và rau” (Ngày xuân dạy các con I)

Tinh thần đoàn kết còn thể hiện qua hoạt động cùng nhau chuẩn bị giỗ, lễ lạt tết,… trong dòng họ và mọi người cùng nhau sum họp, quầy quần ăn uống. Nhân tục mừng nhà mới, các gia đình trong dòng họ cùng đến chúc mừng gia chủ, họ tổ chức ăn uống, sắp xếp chỗ ngồi dựa theo thứ bậc tuổi tác:

“Năm mới lệ thường thêm một tuổi, Cỗ phe ngồi chốc đã ba bàn.

Rượu ngon đến bữa nghiêng bầu dốc, Chữ dại đầu năm xổ túi ra”

(Mừng con dựng được nhà)

Nhờ sự phá cách thơ ca cổ điển tài tình, Nguyễn Khuyến đã thoát khỏi công thức ước lệ để phản ánh thực tại bằng ngôn ngữ nôm na, bình dị, với cách miêu tả chi tiết, chân thực và trực tiếp. Tận dụng lớp từ thuần Việt vô cùng phong phú, đa dạng trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Khuyến đã đặc tả cử chỉ, hành động (lớp động từ) của con người, sự việc một cách sinh động chỉ qua một từ “xổ”. Điều đó cho thấy sự độc đáo, gần gũi, tính chất bình dân trong thơ ca ông, thể hiện tinh thần hòa đồng, suồng sã, dễ kết thân của người Việt.

Vượt qua khỏi phạm vi gia đình và dòng họ, tính cộng đồng được bộc lộ sâu sắc qua mối quan hệ theo địa bàn cư trú (xóm, làng). Những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau, sản phẩm của mối liên kết này tạo ra xóm, làng. Cộng đồng xóm làng bổ sung hữu hiệu và kịp thời cho người dân trong việc đồng áng, trong đời sống vật chất và tinh thần. Do vậy, bên cạnh quan hệ huyết thống, họ cũng sống theo quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Quan niệm này cũng được Nguyễn Khuyến nhắc đến trong thơ:

“Quân gia tài trụ ngã gia biên, Nhất khứ xâm tầm hựu nhất niên. …Cựu tình lịch sổ thanh xuân ngoại, Trọc tửu tương khuynh lục trúc tiền”.

Dịch nghĩa:

“Nhà bác mới đến ở cạnh nhà tôi, Ra đi dần dà đã lại một năm.

Tình bạn cũ trải mấy độ thanh xuân ngày trước, Chén rượu nhạt cùng nâng mời bên rặng tre xanh”.

Đọc thơ Nguyễn Khuyến, tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa người với người sống trong một cộng đồng hiện lên rõ nét, thấm đẫm tính nhân văn cao đẹp. Cái đẹp tình người và sự bao dung toát ra chỉ từ những hành động nhỏ bé nhưng vô cùng thiết thực:

“Phần giai nhân yếm túc, Quy lai tặng dư nhục. Tặng dư phi úy dư,

Liên dư độc khoáng phúc”.

Dịch nghĩa:

“Trong đám tế mộ ai nấy đều no nê, Có người khi về, mang thịt tặng ta. Tặng ta, không phải là vì sợ ta, Mà là thương ta đói bụng”.

(Nhân tặng nhục)

Trong không gian làng xóm, tính cộng đồng còn được thể hiện qua hành động chung vui với việc tốt lành của người hàng xóm. Trong ngày tổ chức tục lên lão cho hàng xóm, Nguyễn Khuyến đã dành tình cảm chân thành của mình qua việc đề thơ tặng. Trong bài Mừng cụ Đặng Tự Ý bảy mươi tuổi (bản Nôm), ông cũng nhắc đến tục chúc thọ truyền thống của người Việt từ xa xưa. Bài thơ không chỉ là sự đan cài yếu tố trữ tình mang âm hưởng gần gũi, thân thuộc mà còn hướng tới tính nhân văn cao đẹp trong cộng đồng:

“Có khi đình đám vui cười,

Có khi vườn ruộng dâu gai nói bàn. Mừng ông dâng rượu ngon một bát, Thế cũng là đàn hát lọ chi”.

(Mừng cụ Đặng Tự Ý bảy mươi tuổi)

Mừng cụ Đặng Tự Ý bảy mươi tuổi (bản Nôm) là một trong những sáng

tác viết bằng thể thơ song thất lục bát. Là thể thơ mang nhiều đặc trưng thơ dân tộc, song thất lục bát ra đời trên cơ sở kết hợp từ thể thơ lục bát và thơ bảy chữ vốn có trong thơ ca dân gian, trên cơ sở kế thừa những nét tinh hoa đặc trưng của hai thể loại độc đáo giữa một bên là nền văn học bác học và một bên là nền

văn học dân gian một cách nhuần nhuyễn đầy sáng tạo. Đó còn là một trong những thể thơ mang đậm hồn Việt, với tính năng ưu việt là diễn tả sâu sắc, tinh tế thế giới nội tâm của con người. Bằng cách sử dụng thể thơ này để sáng tác, Nguyễn Khuyến đã nâng giá trị của thể loại thơ ca dân tộc lên một tầm cao, góp phần hoàn chỉnh về mặt vần, luật trên hành trình phát triển của thể loại này. Đồng thời, thể hiện ý thức giữ gìn, bảo tồn nền văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt mà cả đời ông luôn hết lòng trân trọng.

Tái hiện một cách chân thực tính cộng đồng trong đời sống cư dân Việt đó là không gian lễ hội nhân dịp đầu xuân trong bài Xuân nhật hữu cảm. Hội đuổi chim cuốc tổ chức tại vùng quê chiêm trũng của Nguyễn Khuyến mang ý nghĩa bảo vệ mùa màng chính là một trong những minh chứng sống động thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng cao độ:

“Tạc nhật văn la phù trượng khởi, Tiên cầm dĩ dữ ấp nhân khu”.

Dịch nghĩa:

“Hôm nọ nghe cồng làng, cũng vác gậy đứng dậy, Cùng người trong làng đi khua chim”.

(Xuân nhật hữu cảm)

Thông qua tính cộng đồng biểu hiện trong sinh hoạt văn hóa làng xã, Nguyễn Khuyến đã liên tiếp chỉ ra một loạt các tính cách tiêu biểu của người Việt đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, bao dung, hòa đồng. Trong phạm vi gia đình hay ngoài xã hội, cách sống điển hình truyền thống ấy vẫn được giữ vững, trở thành “mẫu số chung” khi luận bàn về tính cách con người Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 87 - 91)