7. Bố cục
2.2.2. Sinh hoạt văn hóa làng xã
Văn hóa Việt Nam về bản chất là một nền văn hóa làng xã, được tổ chức chủ yếu dựa trên hai nguyên lý: cội nguồn và cùng chỗ. Điều này có nghĩa là, cư dân Việt ưa sống quần tụ theo quan hệ huyết thống tại các địa bàn cư trú khá ổn
định. Văn hóa làng Việt được hình thành đầu tiên ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ và là sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước. Làng xã là nơi sinh tụ của cư dân trồng lúa nước, cũng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng. Nắm bắt được gốc rễ sâu xa đó, Nguyễn Khuyến đã đặc tả những không gian sinh hoạt văn hóa làng xã của dân cư bản địa một cách sinh động, chân thực khiến cho thơ ông không chỉ gần gũi với người đọc mà còn có vai trò to lớn trong việc hun đúc nên tâm hồn Việt, với các giá trị đạo đức nhân văn cao đẹp.
Nguyễn Khuyến sử dụng thi liệu sáng tác từ chính đời sống xã hội hiện thực, đặc biệt ông đi sâu khai thác cuộc sống của người dân làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ và không gian sinh hoạt văn hóa làng xã, trong khuôn khổ cộng đồng đặc trưng của vùng quê đã được thi sĩ nhắc đến không ít qua bút pháp tả thực tinh tế. Thế giới đầy màu sắc của văn hóa làng được thể hiện qua nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng, trong đó phải kể đến đó là không gian họp chợ phiên của người dân làng quê Bắc Bộ:
“Ai đi Hương Tích chợ trời đi, Chợ họp quanh năm cả bốn thì. Đổi chác người tiên cùng khách bụt, Bán buôn gió chị lại trăng dì.
Yến anh chào khách nhà mây tỏa, Hoa quả bày hàng điếm cỏ che. Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ, Bán mua mặc ý muốn chi chi”.
(Chơi chợ trời Hương Tích)
Nếu như cảnh chợ ở miền Nam thường chủ yếu họp ở trên sông nước là chính, thì cảnh chợ phiên nơi làng quê Bắc Bộ lại hoàn toàn ngược lại. Các gian hàng chợ phiên miền Bắc thường không được xây dựng kiên cố, chắc chắn mà chỉ đơn thuần được bày bán trên những bãi đất trống, rộng với không gian rộng lớn trải dài:
“Bày hàng hoa quả quanh năm đủ, Giãi thẻ giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi mua danh nào những kẻ, Ta lên mặc cả một đôi lời”.
(Chợ trời chùa Thầy)
Ngay từ những buổi bình minh của lịch sử, lối sống đậm tình đậm nghĩa, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi đã sớm được khai sinh từ trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa làng xã, biểu hiện rõ nhất trong cách ứng xử giữa anh em, bạn bè, làng xóm…:
“Ngũ thập kỳ nho anh vị hài, Ngũ gian mao ốc hỉ sơ tài.
Đường tôn luyến tổ đương môn lập, Lân tẩu văn tân việt dĩu lai”.
Dịch nghĩa:
“Ông là nhà nho đã năm mươi tuổi mà con vẫn còn ẵm ngửa, Tôi mừng cho ông mới dựng được năm gian nhà tranh. Đứa cháu nội sán ông, đứng ngay giữa cửa,
Ông hàng xóm nghe có khách, vượt cửa sổ sang”.
(Hạ nhật thư hương sinh Nguyễn Thị Trang) Mỗi đơn vị làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có quy ước, hương ước lệ làng cụ thể, bộc lộ một cách phong phú qua các nề nếp, lề thói trong cuộc sống hàng ngày. Vào những ngày giáp Tết, không khí ở từng ngõ ngách thôn quê lại tưng bừng, sôi động lạ thường. Thơ Nguyễn Khuyến cũng không quên nhắc tới không gian đón tết của người dân thông qua bức tranh được tác tạo đủ đầy từ những âm thanh và màu sắc đặc trưng ngàn đời, trong một không khí ngập tràn hương vị xuân đến tết về tiếng trống làng lại được gióng lên, như thúc giục nhà nhà, người người hứng khởi sắm sửa đón Tết:
“Ình ịch đêm qua trống các làng, Ai ai mà chẳng rước xuân sang. Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén, Bút mới xô tay thử một hàng”.
Nhìn trên đại thể, nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng xã được thể hiện một cách phong phú qua các luật lệ làng, qua các cuộc họp chợ của cư dân vùng lúa nước, và một phần bộc lộ qua tính cách con người với lối sống đậm tình nghĩa… Đó chỉ là một trong số những vỉa tầng văn hóa riêng biệt chưa được chỉ ra triệt để trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng thường nhật. Nguyễn Khuyến đã rất thành công khi đan cài lối sinh hoạt văn hóa đậm chất làng Việt vào những sáng tác của mình thông qua nghệ thuật miêu tả chân thực, gần gũi, với giọng điệu dân dã, không mang tính ước lệ tượng trưng của thơ ca cổ, đồng thời ông cũng xây dựng nên một không gian thôn quê đa dạng, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Nó vừa như nốt nhạc êm ái khiến người đọc cảm nhận giai âm trong trẻo của những khúc ca truyền thống đã có tự ngàn xưa, vừa giúp thơ ông trở nên hấp dẫn, thân thuộc với độc giả hơn bao giờ hết.