Tính hướng nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 91 - 95)

7. Bố cục

3.2.2. Tính hướng nội

Tính chất nông nghiệp – nông thôn được thể hiện trên nhiều bình diện văn hóa và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của văn hóa cổ truyền Việt Nam. Một trong những biểu hiện của đặc điểm nông nghiệp thuần nông đó chính là tính tự trị, tự quản, tức là tự điều chỉnh - tự điều khiển của làng trong quá trình vận động của kinh tế - xã hội, ít chịu sự can thiệp trực tiếp của các cấp chính

quyền bên trên. Điều đó có nghĩa là, làng nào biết làng ấy, các làng tồn tại khá biệt lập với nhau và phần nào độc lập với triều đình phong kiến. Từ tính tự trị, tự quản lý trong từng đơn vị làng xã đã hình thành tính cách hướng nội, khép kín của cư dân đất Việt.

Trong thơ ca, Nguyễn Khuyến đã chỉ ra biểu hiện tích cực của tính hướng nội trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đó là tính cách cần cù, cuộc sống tự cung tự cấp:

“Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. (Bạn đến chơi nhà)

Nguồn lương thực chính của cư dân nông nghiệp ngoài lúa gạo thì chủ yếu là các cây hoa màu, các loại ngũ cốc tự trồng, hoặc một số loại thực phẩm mang tính tự cung, tự cấp như rau, cá, một số loại thịt gia cầm. Đó là những thứ người dân tự trồng trọt, chăn nuôi mà có được, là những sản phẩm vừa đủ để lưu thông trong phạm vi chợ làng. Từ xa xưa, họ luôn mặc định rằng, cuộc sống nông nghiệp cần một sự ổn định. Vì thế, họ lo sợ những điều gì xảy ra bất thường. Lối sống bằng lòng với hiện tại, suy cho cùng cũng là nhằm tới sự ổn định. Từ đây mới xuất hiện tính cách hướng nội, khép kín là vì thế. Là một trong những sáng tác viết bằng thể thơ Nôm Đường luật, Bạn đến chơi nhà đã phản ánh hiện thực sinh động, tâm tư tình cảm của con người Việt Nam, góp phần xác định tính chất “Nôm” của thể tài này, khẳng định con đường xây dựng “một lối thơ Việt Nam” được dựa trên cơ sở từ một lối thơ ngoại nhập, nhưng đã có sự thay đổi, tiếp biến có chọn lọc để tạo ra lối thơ mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Cái hay trong cách mô tả của thơ Nôm Đường luật chính là ở đó, nó xoáy sâu vào cuộc sống đời thường của người nông dân, trở thành đòn bẩy làm nổi bật chất tự tình dân tộc, tính cách điển hình của người Việt, phẩm chất tâm hồn và văn hóa Việt Nam. Cũng cần khẳng định thêm rằng, bên cạnh các thể thơ thuần Việt truyền thống, thơ Nôm Đường luật trong thơ Nguyễn Khuyến là một

hiện tượng vừa tiêu biểu, vừa độc đáo. Tiêu biểu ở chỗ nó phản ánh những điều kiện, bản chất, quy luật của quá trình giao lưu tiếp nhận văn học, độc đáo bởi đây là thể thơ tuy mô phỏng thể thơ ngoại lai (Đường luật Hán) nhưng lại sáng tác bằng chữ Nôm và đi sâu vào khai thác đề tài, chủ đề, hình tượng nghệ thuật được lấy chất liệu từ trong cuộc sống hiện thực ở thôn quê Việt Nam. Với hướng đi đó, thơ Nguyễn Khuyến lan tỏa tinh thần dân chủ hóa và dân tộc hóa thể loại, phản ánh sâu sắc cuộc sống, xã hội, thời đại và số phận con người, mở ra những trường mỹ cảm mới, hợp với tâm thức cảm nhận của người Việt, in đậm dấu ấn văn hóa Việt sắc nét, đồng thời thể hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc trong phát triển thể tài văn học. Đó cũng là cách giúp ông góp phần khẳng định ý kiến nhìn nhận của các tác giả thế hệ trước, đó là thơ Nôm Đường luật đã được Việt hóa, vì thế, có thể coi đây là một thể thơ thuần dân tộc hẳn cũng là một đề xuất hợp lý.

Tính hướng nội cũng rèn cho con người bản tính tự lập, tự lo liệu lấy mọi việc và tự chịu trách nhiệm với hành xử của chính mình:

“Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua, Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa. Phần thuế quan Tây, phần trả nợ, Nửa công đứa ở, nửa thuê bò. Sớm trưa dưa muối cho qua bữa, Chợ bùa trầu chè chẳng dám mua”.

(Làm ruộng)

Nếp sống hương thôn đều đặn theo một nhịp cứ đều đều tiếp diễn năm qua tháng lại: làm ruộng, trả nợ, thuế quan,… Mọi thứ cứ xoay vần như con tạo tuyệt nhiên không có một sự xâm thực nào từ bên ngoài, cũng không có nguồn cớ nào để con người mạo hiểm thử thay đổi cách sống hiện tại. Và cuộc sống của họ cứ như thế trôi đi, sống giữa những luật tục nghìn đời sau lũy tre xanh.

Luận bàn đến tính hướng nội, ngoài những biểu hiện tích cực vốn có, còn bộc lộ những yếu tố tiêu cực đó là hình thành bản tính tự ti, thu hẹp các mối quan hệ xã hội và sống khép mình:

“Tiền trình thán tức đồ nê thậm, Nễ kính u hoàng hệ điếu chu”

Dịch nghĩa:

“Than thở vì con đường phía trước quá bùn lầy,

Chỉ còn biết buộc thuyền câu vào bụi tre trong ngõ tối” (Thu vũ)

Hình ảnh chiếc thuyền câu buộc vào bụi tre tượng trưng cho hình ảnh người nông dân không tìm ra được hướng đi tươi sáng trong xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Bản tính ngại va chạm, lo sợ sẽ không thể vượt qua khiến họ chỉ có thể quẫy đạp trong vòng luẩn quẩn của ruộng đồng thôn dã. Thế nhưng, đáng trách chỉ là một phần nhỏ, bởi dẫu sao, sống dưới một chế độ xã hội lẫn lộn như thế này, niềm tin và cả niềm hy vọng cho một mục đích sống, dám chống lại cường quyền cũng thật khó vô cùng. Đôi khi, chỉ nên như Nguyễn Khuyến nói, chỉ nên “mắt không thấy, tai không nghe”, chỉ cần thỏa thú điền viên nơi thôn quê:

“Quy lai toại ngã điền viên thú, Thế sự tao đầu tiếu bất ngôn”.

Dịch nghĩa:

“Về nghỉ là được thỏa cái thú điền viên của ta,

Còn mọi việc trên đời, có nghe thấy cũng chỉ gãi đầu mỉm cười không nói”. (Thu nhiệt)

Ông dường như thu mình lại trong không gian nhỏ hẹp nơi ruộng vườn, một mình tận hưởng cuộc sống điền viên, gạt bỏ giấc mộng vàng son nơi lữ thứ:

“Thủy niên ý chí quy song mấn, Mạt học văn chương nhập hạ tằng. Lữ mộng hoàng hoa bạch tửu bạn, Vị ưng kinh quyển chẩm thanh đăng”.

Dịch nghĩa:

“Cái chí khí buổi ban đầu đã hao mòn đi cùng với hai mái tóc, Văn chương trong buổi học vấn suy tàn, đã rớt xuống bậc dưới. Trong giấc mộng nơi lữ thứ, gần gũi cúc vàng cùng rượu trắng, Chưa nên tỏ vẻ sợ sệt, mệt mỏi, gối đầu nằm trước ngọn đèn xanh”.

(Hữu cảm)

Chấp nhận cuộc sống ẩn dật, mỗi khi đau buồn, ông chỉ biết mượn hơi men để quên đi sự đời loạn lạc. Có lẽ, chỉ khi cô đơn một mình, giọng thơ ông mới trở nên bi thương, thống thiết đến vậy:

“Bách bôi diệc vị vong tình giả, Mạc quái môn tiền thỉ độc ngưu”.

Dịch nghĩa:

“Uống trăm chén rượu cũng vì để quên mọi sự,

Đừng lấy làm lạ trước cảnh trâu già liếm nghé ở trước cửa. (Tiểu thán)

Kinh tế nông thôn Việt Nam cổ truyền thực chất là một nền kinh tế sinh tồn, dựa trên cơ sở tự cấp, tự túc, hướng vào cuộc sống ruộng vườn; lấy hộ gia đình tiểu nông làm đơn vị tổ chức sản xuất cơ bản. Vì thế, bản tính hướng nội của người Việt được hình thành rõ nét, ánh xạ vào tâm thức của mỗi người từ bao đời nay. Giải mã nét tính cách này trong thơ Nguyễn Khuyến, sẽ thấy trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người dân đất Việt lấp lánh bản tính hồn hậu, chân chất, nhẹ nhàng, song cũng vô cùng nhẫn nhịn và hết mực khiêm tốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 91 - 95)