7. Bố cục
2.2.1. Thú vui đời thường
Mặc dù đã dự phần “bảng vàng bia đá”, uyên thâm tất cả điển chương Hán học nhưng Nguyễn Khuyến có khuynh hướng muốn giữ nguyên vẹn tâm hồn, phong cách của một con người, một lão nông của làng quê vùng Bắc Bộ, trọn đời sống chan hoà với cảnh đồng đất, trong phạm vi làng xã quê hương. Đọc thơ ông, ta không chỉ bắt gặp khung cảnh thiên nhiên làng quê chân mộc mà còn được chiêm nghiệm, mục sở thị những thú vui đời thường của người dân Bắc Bộ. Những thú vui ấy, chắc chắn là sản phẩm tinh thần đặc trưng của xứ sở văn minh lúa nước, với đặc tính hóm hỉnh, sâu sắc, mang đậm bản sắc Việt. Đồng thời, qua những trang thơ miêu tả thú vui đời thường nhẹ nhàng mà sâu
lắng, Nguyễn Khuyến đã gieo vào lòng người đọc thật nhiều nỗi cảm xúc và cả những ý niệm về nét đẹp văn hóa cổ truyền trong hồn người, tình người.
Một trong những thú vui thường gặp trong thơ Nguyễn Khuyến đó là thú uống rượu. Từ rất lâu rồi, trong các cuộc trò chuyện, ngoài miếng trầu vốn là thứ nhằm thể hiện tiết lễ thì chén rượu cũng là thức uống không thể thiếu trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Họ mời rượu nhau gọi là “chén tạc, chén thù”. Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Đây là thú vui tao nhã của các bậc thi nhân trong cuộc gặp gỡ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết:
“Chén vui nhớ buổi hôm nay,
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”. (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đây cũng chính là một trong những cách thể hiện sự hòa hảo, dùng phương thức truyền thống để bày tỏ tình cảm thân tình.
Đến Nguyễn Khuyến, ông cũng không quên đưa thú vui tao nhã, đầy tính nhân văn này vào trong những trang thơ của mình. Đối với ông, duyên ngộ trên đời không đơn thuần chỉ là gặp gỡ biết nhau, mà trên tất cả đó chính là được ngồi quây quần bên nhau, cùng đàm đạo chuyện đời, cùng nâng tay chạm cốc uống với nhau những chén rượu thân tình. Cách gọi tên rất đỗi thân thuộc “chú,
anh, tôi, bác” trong cuộc rượu ấy thật sự đậm chất thuần Việt của vùng nông
thôn Bắc Bộ:
“Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác, Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác, Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu”.
(Ông Phỗng đá)
Ông phỗng đá cũng là bài thơ tiêu biểu cho một kết cấu thể hát nói, thể
dôi khổ giữa. Trong thơ Nguyễn Khuyến, thể hát nói được xuất hiện không ít trong các sáng tác. Một bài hát nói theo thể chính thức gồm 11 câu (khổ đầu 4 câu, khổ giữa 4 câu, khổ xếp 3 câu). Còn có những bài dôi khổ (hơn ba khổ, khổ dôi ra là khổ giữa), hoặc thiếu khổ (thường là khổ giữa, chỉ có 7 câu). Chính khả năng dung nạp và đồng hóa của hát nói cho thấy đây là một thể thơ linh hoạt và
là thuận lợi lớn cho việc diễn đạt mọi cung bậc tình cảm của nhà thơ. Qua đó, Nguyễn Khuyến khẳng định, chức năng của hát nói không nhằm tới việc thuyết giáo hay rao giảng những nội dung nghiêm túc của luân lý trong học thuyết Khổng - Mạnh, cũng không chủ yếu nhằm chở đạo mà nó hướng đến một nhu cầu rất chính đáng của con người trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố: nhu cầu giải trí. Cùng với các thể thơ dân tộc khác, hát nói thật sự đã góp phần tô đậm thêm màu sắc dân tộc Việt trong thơ ca Nguyễn Khuyến thêm đậm đà hơn.
Bài thơ Ông Phỗng đá bắt đầu từ phần Mưỡu (là các cặp câu lục bát) diễn tả cái ngơ ngác của ông phỗng đá, cái hoài nghi hóm hỉnh của tác giả. Thể thơ hát nói này đã góp phần thể hiện rõ tính cách, thái độ của tác giả với cuộc đời. Điều này không chỉ cho thấy vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của Nguyễn Khuyến trước hiện thực cuộc sống mà còn giúp ông tái hiện những thú vui đời thường nói trên một cách sinh động và chân thực.
Thú vui uống rượu cũng được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, kết tinh từ đời sống cộng đồng khó có thể thay đổi. Đó là nét đẹp văn hóa của người Việt, là nguồn cảm hứng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn:
“Đời trước thánh hiền đều vắng vẻ Có người say rượu tiếng còn nay Cho nên say, say khướt cả ngày
Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng”
(Uống rượu ở vườn Bùi)
Trong cuộc sống về ở ẩn vui thú điền viên, dễ thấy được niềm trân quý vốn văn hóa ánh xạ vào tâm thức Nguyễn Khuyến một cách rõ nét, thể hiện qua thú thưởng trà, hút thuốc, ăn trầu và lẩy Kiểu:
“Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu, Khi chè sen năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu”.
(Anh giả điếc)
Đối với người dân đất Việt, thưởng thức mô ̣t chén trà, ăn một miếng trầu têm khéo léo cũng chính là thưởng thức nét văn hóa Viê ̣t. Từ xưa, các tiền nhân đã từng nói “nhất thủy – nhì trà – tam bôi – tứ bình – ngũ quần anh” cũng phần
nào nói lên đươ ̣c thú vui mang đậm nét văn hóa độc đáo này. Đặc biệt, thú ăn trầu vốn là thú không thể thiếu, bởi cùng với chén trà thì “miếng trầu là đầu câu chuyện” vốn đã là luật bất thành văn trong cuộc hội ngộ. Đây là nét đẹp văn hóa giản dị lâu đời có từ thời Hùng Vương, gắn với câu chuyện cổ tích Trầu cau nói về tình anh em, vợ chồng. Cũng trong cuộc thưởng trà, khi cao hứng, người ta lại ngâm Kiều, hát ví Kiều và lẩy Kiều, như một thói quen cố hữu không thể thay đổi. Tất cả các thú vui giản dị, chân chất trên đều thể hiện tâm hồn Việt, đặc trưng chỉ có ở Việt Nam và gắn bó lâu đời trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân đất Việt.
Nếu thú uống rượu, lẩy Kiều là các thú vui nhân văn, nho nhã trong cuộc sống hàng ngày của bậc thi nhân về ở ẩn, thì thú chơi trò kích nhưỡng lại là thú chơi phổ biến, gần gũi với người dân nơi thôn dã:
“Nhởn nhơ kích nhưỡng khang cù,
Thiều quang chín chục, xuân thu tám nghìn”. (Chúc người làng thọ tám mươi)
Kích nhưỡng là trò chơi ném nhưỡng quen thuộc và là trò chơi của các cụ già thời cổ. Cái nhưỡng làm bằng gỗ, một đầu to, một đầu bé, giống như hình chiếc giày. Theo Tam tài đồ hội, trò chơi như sau: để một cái nhưỡng xuống đất, người chơi đứng cách xa khoảng ba, bốn mươi bước, lấy một cái nhưỡng khác ném, ai ném trúng thì thắng cuộc. Tuy là một trò chơi đơn giản nhưng ẩn sau đó là sự gắn kết cộng đồng cao độ, thái độ lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống của con người vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đôi khi, Nguyễn Khuyến lại tận hưởng cái thú được ngâm mình trong “tiểu thiên nhiên” nơi ông ở, giữa cái làng Vị Hạ, tổng Yên Đổ, huyện Bình Lục kia, như một niềm an ủi và đồng vọng trong không gian nhỏ xinh của riêng mình. Trong tầm nhìn gần, Nguyễn Khuyến thu hẹp cự ly quan sát chỉ trong không gian mảnh vườn nhỏ và đặt trọn tâm tư tình cảm, thú điền viên đời thường vào trong đó. Mọi gánh nặng cuộc đời bỗng chốc tan biến, tuyệt nhiên không thể xâm hại tới cuộc sống an nhàn, tự tại này thêm nữa:
“Mảnh vườn cũng lắm thú ghê, Ghế bên ngồi nghĩ tỉ tê một mình”. (Vườn nhỏ)
Từ thú điền viên đời thường, Nguyễn Khuyễn đã tạo dựng nên một không gian làng cảnh đậm màu sắc văn hóa Bắc Bộ được thai nghén, hình thành rõ nét nhất trên phông nền của không gian mảnh vườn. Đây cũng chính là dấu hiệu đặc trưng giúp nhận diện một không gian đậm màu văn hóa truyền thống.
Vui thú điền viên không chỉ là về ở ẩn thưởng tửu họa thơ mà còn là trở về với cuộc sống lao động của một lão nông chân chất, trở về vui thú vườn ruộng tự tại, thanh nhàn. Đó là sự lựa chọn quen thuộc của các nho sĩ xưa - ẩn tàng, xuất thế:
“Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…”
(Bạn đến chơi nhà)
Hay như hình ảnh câu cá quen thuộc của một lão ngư nhàn, cho thấy một tâm hồn thư thái, an nhiên, tĩnh tại trước những biến cố của cuộc đời, của xã hội:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…” (Thu điếu)
Qua ngòi bút tài tình, Nguyễn Khuyến đã tập trung trường quan sát của mình vào việc miêu tả những thú vui đời thường nhằm khơi gợi lại hồn Việt trong bức tranh sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ thú thưởng tửu, thưởng trà, lẩy Kiều cho đến thú vui dân gian mộc mạc như câu cá, kích nhưỡng, khang cù… trong thơ Nguyễn Khuyến đều ẩn chứa dáng dấp, thần thái của nền văn hóa Việt, trở thành một trong những vấn đề căn cốt giúp phân định sắc màu văn hóa trên lộ trình sinh tồn và phát triển tộc người.