Ứng xử với gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 78 - 83)

7. Bố cục

3.1.2. Ứng xử với gia đình

Ở bất cứ thời đại nào, văn hoá gia đình cũng là nền tảng cho văn hoá xã hội. Văn hoá gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng những chuẩn mực trật tự, hun đúc tâm hồn và điều tiết các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Những khúc xạ văn hóa nhìn từ phương diện ứng xử giữa con người với con người giúp cho tác phẩm của Nguyễn Khuyến thêm đậm đà tính nhân văn sâu sắc hơn. Không chỉ dừng lại miêu tả lối ứng xử với bản thân, nhà thơ còn hướng cái nhìn đa chiều để khám phá cách ứng xử trong phạm vi gia đình, cụ thể là giữa chồng – vợ, cha – con.

Sống dưới chế độ phong kiến nên tư tưởng Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn tới Nguyễn Khuyến. Người đàn ông phong kiến có quyền lấy nhiều vợ, còn người phụ nữ chỉ được lấy một chồng:

“Tài trai lấy năm lấy bảy

Gái chính chuyên chỉ lấy có một chồng”.

Vì thế, trong văn học thời trung đại, các thi nhân hiếm khi nói đến vị trí, vai trò và thể hiện tình cảm của mình với người vợ. Thế nhưng, trong thơ Nguyễn Khuyến ta bắt gặp những tình cảm trân trọng, yêu thương, đề cao vai trò của người giữ lửa trong gia đình:

“Nghĩ chuyện trần gian cũng nực cười Giời nào hơn vợ, vợ hơn giời?

Khôn đến mẹ mày là có một, Khéo như con tạo cũng hai thời”.

(Nhất vợ, nhì giời)

Cách ứng xử trên cho thấy một Nguyễn Khuyến không những hết mực yêu thương vợ, công bằng với vai trò, vị trí của người vợ cả mà nó còn thể hiện sự dân chủ, tuyệt nhiên không xem nhẹ người phụ nữ như tư tưởng phong kiến đương thời.

Cách sử dụng khẩu ngữ “đếch” mang sắc thái biểu cảm suồng sã trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân lao động đã được thi sĩ đưa vào thơ rất đỗi tự nhiên, không một chút kiêng dè hay gượng ép: “Vợ mà vụng dại, đếch ăn ai”

(Nhất vợ, nhì giời) mang tính suồng sã, thân mật, không cầu kỳ chau chuốt đã

tạo nên giọng điệu dân dã, vô cùng gần gũi, thậm chí pha chút hóm hỉnh trong lối ứng xử của thi sĩ. Với chuẩn tắc của một nhà Nho học đúng nghĩa, theo lẽ thường, Nguyễn Khuyến sẽ thuận theo lối ứng xử của Nho giáo đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Song ở đây, ông lại đề cao người vợ, coi vợ như giời. Cách ứng xử này xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước mang đậm tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại từ bao đời nay, khi mà chưa có sự xâm thực của văn hóa Nho giáo, coi Mẫu là vị thần tối cao, sản sinh ra tất cả muôn loài. Biểu hiện này của thi sĩ cho thấy sự ảnh hưởng từ văn hóa ứng xử dân gian của người Việt xưa đó là coi trọng vai trò của người phụ nữ. Mặt khác, điều này cũng đã chứng minh rõ nét sự thay đổi trong tư tưởng sáng tác của ông lột bỏ lối thơ cũ, sử dụng nhiều hơn các từ thuần Việt và giảm thiểu tối đa lớp từ Hán Việt. Thông qua đó, nó góp phần phản ánh chính xác, cụ thể, sinh động mọi tâm tư, biểu cảm của người dân nông thôn trong hiện thực xã hội ở những mặt thô ráp, nguyên sơ nhất.

Trong những người vợ của mình, Nguyễn Khuyến luôn dành nhiều lời trân quý, yêu thương cho người vợ cả - người đã sát cánh cùng ông trên mọi chặng đường khó khăn, gian khổ. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, vợ cả là người chịu nhiều thiệt thòi và vất vả nhất trong công việc vun vén hạnh phúc gia đình. Giọng điệu trong thơ luôn trở nên nhẹ nhàng, gần gũi, như một lời động viên, xoa dịu, cũng như một lời khuyên của ông dành cho vợ mình:

“Ta chẳng như ai lối nguyệt hoa, Trước là ngẫm nghĩ nỗi gần xa. Lấy năm thì cũng dành ngôi chính, Dẫu bảy càng thêm vững việc nhà. …Thôi đừng nghĩ sự chi chi cả, Chẳng chữ gì hơn chữ thuận hòa”.

Vì thế, khi bà cả mất, ông vô cùng đau đớn xót xa: “Cân trất truy tuỳ ngũ thập niên, Ỷ hoè nhất mộng dĩ thành miên. Bạch câu hốt hốt hữu như thị, Thanh trủng luy luy thuỳ bất nhiên. …Nhược giao ngã thọ như Bành Tổ, Bát bách xuân thu kỷ khấp huyền”

Dịch nghĩa:

“Khăn lược theo nhau đã năm mươi năm,

Một giấc mộng tựa cây hòe đã thành giấc ngủ dài. Bóng câu trắng vùn vụt nhanh như thế đó,

Nấm mồ xanh ngổn ngang, ai rồi cũng như vậy mà. …Nếu để tôi sống lâu được như ông Bành Tổ, Thì tám trăm năm biết bao lần phải khóc vợ”

(Điệu nội)

Không chỉ dành tình yêu thương cho bà cả, ông còn yêu thương cả những người vợ lẽ sau này. Khi người vợ thứ tư chết trẻ không con, ông bày tỏ nỗi đau đớn thương xót bà và sự hụt hẫng mà ông đang phải chịu. Trải qua bao sóng gió cuộc đời, chịu biết bao nhiêu vùi dập, cay đắng, thế nhưng đứng trước những nỗi đau tang tóc, mất mát trong gia đình, Nguyễn Khuyến thật sự xót xa, đau đớn. Mỗi lúc như vậy, giọng điệu trong thơ ông lại lắng xuống, da diết, bi thương. Đây thực sự là những vần thơ kết tinh từ những giọt nước mắt của người chồng hết mực thương yêu vợ:

“Khốc tử phi vi sinh Khẳng khái hứng tửu chi Phi phi thất tịch vũ

Hoà lệ vi tân thi”.

Dịch nghĩa:

“Khóc người chết không phải vì người sống, Đau buồn ta đành nâng chén rượu.

Mưa ngâu tháng bảy rơi lã chã,

Ta đem hòa với dòng lệ để viết bài thơ mới này”. (Vãn thiếp Phạm thị)

Lối ứng xử vô cùng khéo léo, ý nhị và tình yêu thương vợ sâu sắc của ông đã giúp giữ mối quan hệ hòa hảo giữa vợ chồng và giữa những người vợ với nhau, dù khi còn sống hay khi đã mất. Điều này cho thấy một Nguyễn Khuyến chu toàn không chỉ am hiểu đạo thánh hiền mà còn thấm nhuần đạo lý dân gian của người Việt “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Cũng như Nguyễn Khuyến, nhà thơ Trần Tế Xương cũng đã dành cho vợ tình cảm hết mực yêu thương, xót xa khi chứng kiến cảnh người vợ của mình lặn lội mưu sinh kiếm sống lo cho cả gia đình. Những vần thơ viết về người phụ nữ đầu ấp tay gối bên mình trong thời phong kiến, khi mà chế độ trọng nam khinh nữ lên ngôi, thật sự không có nhiều:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông, Nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo xèo mặt nước buổi đò đông”

(Thương vợ)

Thế nhưng, ở một góc độ nào đó, cách bộc lộ cảm xúc, tình yêu thương của Tế Xương dành cho vợ vẫn chỉ dừng lại ở sự cảm thông, biết ơn sự hy sinh của vợ đối với gia đình. Còn ở Nguyễn Khuyến, khi mất mát, đau đớn ông dám khóc, khi cần bộc lộ lời nói, ông chẳng ngại ngần, dè chừng, úp mở. Đó là cách ứng xử chân thực nhất, đúng với bản chất con người ông đối với những bà vợ của mình.

Với vợ là lối ứng xử nặng tình yêu thương, còn với con cái, ông lại có cách dạy dỗ, yêu thương riêng biệt. Trong những vần thơ viết về con, ông thể hiện những sắc thái tình cảm khác nhau: vui mừng, lo lắng, xót xa… Nguyễn Khuyến đã hân hoan, vui mừng xiết bao khi con trai làm được một trong ba việc lớn của một đời người theo quan niệm truyền thống:

“Nghĩ ta, ta cũng sướng ru mà, Mừng thấy con ta dựng được nhà”.

(Mừng con dựng được nhà)

Yêu thương, lo lắng cho con cái hết mực, Nguyễn Khuyến khi thì nhẹ nhàng giảng giải, phân tích:

“Đen thì gần mực, đỏ gần son, Học lấy cho hay, con hỡi con. Cái bút, cái nghiên là của quý, Câu kinh, câu sử, ấy mùi ngon!”

(Thơ khuyên học)

lúc nghiêm khắc trách thầm “Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng/ Sao con đàn hát vẫn say sưa?”. Cách sử dụng câu hỏi tu từ này mang nhiều sắc thái biểu đạt, vừa có ý trách móc, vừa như tự hỏi, tự vấn bản thân mình với trách nhiệm của một người cha chưa làm trọn nhiệm vụ dạy con. Và không chỉ dừng lại ở đó, kết bài thơ, thật sâu sắc khi ông khuyên các con của mình coi trọng thứ “tài sản” sẽ giúp ích cho bản thân và cho đời đó là chữ nghĩa:

“Vàng mua để chứa, vàng hay hết, Chữ bán ăn dư, chữ hãy còn”.

Yêu con, thương con và hết lòng dạy dỗ con, nên thật đau đớn làm sao khi ông chịu cảnh đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, khi người con trai cả bỏ ông ra đi vĩnh viễn. Câu đối khóc con của ông như một tiếng nấc nghẹn ngào:

“Bảng bia đá nghìn thu tiếc cho người ấy, Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt lắm con ơi!”

(Khóc con)

Ngoài cách ứng xử với vợ - con, trên tất cả, ông luôn dành một niềm ngưỡng vọng, yêu thương vô bờ bến và sự kính trọng đối với bậc thân sinh ra mình:

“Cha ta đã mất bao nhiêu năm nay rồi,

…Mỗi khi nhớ đến điều ăn tiếng nói và hình dáng người, Lại khôn ngăn nổi lòng buồn bã và thổn thức”

(Ở kinh gặp ngày giỗ, cảm xúc)

Thông qua những sáng tác của Nguyễn Khuyến viết về vợ con, cha mẹ, khóc cho vợ con và cha mẹ mình, đủ để thấy ông là một người rất trọng đức và trọng tình, là người con hiếu thảo, là chồng - người cha yêu thương vợ con hết lòng. Nhờ lối ứng xử vẹn tình vẹn nghĩa mà gia đình ông luôn giữ được không khí trong ấm ngoài êm, vợ chồng thuận hòa, con cái hiếu kính. Đây là lối ứng xử cao đẹp mà bất cứ gia đình nào, ở thế hệ nào cũng cần noi theo và học hỏi. Bàn về phong cách sáng tác của ông ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật, đều thấy rõ mặt bằng văn hóa sâu rộng thấm đẫm trên cả hai phương diện. Từ nội dung viết về lối ứng xử với gia đình, ông đã tinh tế đan cài các lớp từ thuần Việt, tiết chế tối đa tính ước lệ tượng trưng của lớp ngôn ngữ Hán Việt, sử dụng lối nói giản dị, thân thuộc, sử dụng triệt để các biện pháp tu từ truyền thống, làm nổi bật lối sống và tính cách gần gũi, thân mật của người Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 78 - 83)