Danh lam thắng cảnh Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 38 - 44)

7. Bố cục

2.1.2. Danh lam thắng cảnh Việt

Đất Việt tự ngàn xưa đã được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng tươi đẹp, tráng lệ, với những địa danh chùa chiền, núi non hùng vĩ đã tồn tại một cách bền bỉ, kiêu hãnh từ bao đời nay. Như một ám ảnh chủ đạo, lấp lánh trên những trang thơ, Nguyễn Khuyến khi viết về phong cảnh làng quê đất Việt đã đề cập đến không ít các danh lam thắng cảnh của nước ta, đặc biệt là các danh thắng ở khu vực Bắc Trung Bộ. Ở những nơi ông có dịp đặt chân tới, và ở chính mảnh đất đã sinh ra và lớn lên, ông đều dành trọn sự yêu thương, trân quý khi đặt bút miêu tả. Đó là cảnh chùa chiền tọa lạc trong không khí huyền linh của núi non hùng vĩ, hay đơn thuần chỉ là vùng quê chiêm trũng Bình Lục thời thơ ấu khiến ông thương nhớ đi về để chắt chiu từng ly hạnh phúc,…

Bằng sự quan sát tinh tế và cảm quan miêu tả nhạy bén, Nguyễn Khuyến tái tạo lại vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh mà nhà thơ đã từng đặt chân đến như núi Tam Điệp, núi Dục Thúy, núi Ngũ Hành, rồi cảnh chùa Đọi, đền trên núi Dạ, sông Thạch Hãn… Mỗi tên núi, tên sông, tên chùa đều được Nguyễn Khuyến miêu tả theo cách riêng. Có những địa danh, nhà thơ tả tận tường tới từng chi tiết bằng cả sự thuộc hiểu như chính ông là người bản xứ. Ngoài việc nhắc đến các địa danh nổi tiếng trong nước như các nhà thơ trước đó từng đề cập đến, Nguyễn Khuyến còn chú ý đưa vào thơ những địa danh quen thuộc được gọi tên qua không gian văn hóa chợ mang đậm hồn dân tộc:

“Ai đi Hương Tích chợ trời đi! Chợ họp quanh năm cả bốn thì. Đổi chác người tiên cùng khách bụt. Bán buôn gió chị lại trăng dì.

Yến anh chào khách nhà mây tỏa, Hoa quả bày hàng điếm cỏ che. Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ. Bán mua mặc ý muốn chi chi”.

(Chơi chợ trời Hương Tích)

Hương Tích, hay Hương Sơn, được coi là một trong những danh thắng được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhất Động (động đẹp nhất trời Nam). Cứ đến đầu mùa xuân, khi du khách thập phương đến thăm động Hương Sơn thì người dân bản xứ cũng bày cảnh buôn bán thức ăn, đèn nhang cho khách cúng chùa trên một vùng đất lộ thiên, gọi là chợ trời Hương Tích. Những vần thơ miêu tả cảnh chợ của Nguyễn Khuyến không chỉ phô vẽ khung cảnh thực tế mà trên tất cả, đó còn là sự tự ý thức trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời tự ngàn xưa của ông cha để lại, đó là văn hóa chợ thể hiện tinh thần cộng đồng cao độ trong lối sống cổ truyền lâu đời.

Không gian văn hóa đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ chính là khung cảnh họp chợ phiên theo một chu kỳ cố định. Từ xưa đến nay, thói quen sinh hoạt truyền thống này luôn được duy trì, trở thành nét văn hóa độc đáo truyền từ đời này sang đời khác không dễ gì thay đổi được. Họp chợ, không chỉ đơn thuần là nhu cầu mua bán đặc sản của các vùng miền, mà còn xuất phát từ nhu cầu giao lưu, gặp gỡ, mong muốn được chia sẻ những tâm tư tình cảm của con người. Ngoài cảnh chợ Hương Tích, Nguyễn Khuyến còn viết về phiên chợ quê nhà từng gắn bó với ông như một phần máu thịt, đó là chợ Đồng. Đây cũng là một điểm đến của nhiều du khách thập phương mỗi dịp tết đến xuân về nhằm giao lưu, buôn bán, trao đổi nông sản, hàng hóa:

“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng, Năm nay chợ họp có đông không?

Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.

Nếm rượu, tường đền được mấy ông?” (Chợ Đồng)

Chợ Đồng xưa họp vào ngày 24, 26, 30 tháng Chạp hàng năm, trong không khí se lạnh nhà nhà náo nức chuẩn bị đón tết. Thế nhưng, Chợ Đồng trong cảm nhận của Nguyễn Khuyến, nay đã không còn tấp nập, đông vui nữa. Vì thế, viết về cảnh họp chợ quê hương mình, Nguyễn Khuyến viết như là sự thôi thúc từ ruột gan, viết bằng cả tình yêu chân thành, sự tri ân sâu sắc thông qua từng chi tiết cảnh chợ vô cùng sống động: mưa bụi rét, rượu, hàng quán… Một không gian văn hóa được mở ra với muôn vàn sắc thái độc đáo và đây cũng chính là không gian “đặc sệt” chất Bắc Bộ với dáng vóc, phong vị được gọi tên qua nét đẹp văn hóa tinh thần đặc sắc. Chợ làng không chỉ là một phạm trù kinh tế đơn thuần mà còn là một biểu hiện văn hóa Việt đặc trưng một cách đậm nét, góp phần làm nên những tập quán, tạo lời ăn tiếng nói, hình thành phong thái ứng xử. Chợ làng quê, đặc biệt là chợ tết, có thể xem như một hoạt động nổi bật, góp phần tạo nên diện mạo, văn hóa làng. Nguyễn Khuyến đã đề cập đến chợ tết ở quê hương ông trong bài thơ trên. Chợ là khuôn mặt vùng quê, là nơi con người học hỏi, giao lưu, tu rèn nhân cách, phong cách làm người. Vì thế, ca dao có câu “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Chợ Đồng trong thơ Nguyễn Khuyến diễn ra vào giáp tết, với những mặt hàng quen thuộc hàng ngày được bày bán, thậm chí có phần sơ sài. Bởi nếu năm nào làng được mùa, chợ đông đúc người mua, người bán. Năm nào làng mất mùa, đói kém thì sự huyên náo, đông đúc và nhộn nhịp sẽ giảm đi. Tuy nhiên, người dân ở đây luôn tâm

niệm“đói cũng ngày tết, hết cũng ngày mùa”, nên nét văn hóa chợ xưa vẫn luôn

được gìn giữ qua bao đời là vì thế.

Nhằm nắm bắt cái gốc rễ sâu xa mang tính bản sắc của văn hóa Việt, Nguyễn Khuyến đã hướng ngòi bút của mình vào việc khai thác những cứ liệu

về văn hóa tâm linh thông qua việc miêu tả cảnh chùa chiền và núi non. Đó là

cảnh chùa Đọi đặt trong không gian thanh tao, thoáng đãng – một thắng cảnh thuộc huyện Duy Tiên – Hà Nam:

“Vô đoan bình địa xuất danh san, Lâu các sâm si lạc nhật gian”

Dịch nghĩa:

“Nơi đất bằng bỗng nổi lên một ngọn núi có danh tiếng, Buổi mặt trời lặn, trông thấy lầu gác lô nhô”.

(Vọng Đọi Sơn)

Hay như không gian nơi chùa chiền thanh tĩnh, lánh trần thoát tục, huyền ảo luôn khiến cho tâm hồn con người như được thanh lọc khỏi những ồn ào náo nhiệt của trần thế:

“Cổ tự tứ lân duy mộc thạch, Hàn tăng nhất tháp cộng vân yên. Kỷ tằng trúc ảnh nghi vô lộ,

Hữu khách tang gian lập đãi thuyền. Dã lão vị tri chung hưởng ngọ, Phóng ngư sơn lộc ngoạ tùng miên”

Dịch nghĩa:

“Bốn bên chùa cổ, cây đá vây kín,

Một giường nằm của nhà sư giữa khói mây lạnh. Bóng trúc nhiều tầng che khuất lối lên chùa, Bến dâu có khách đang đợi sang đò.

Lão nông không nghe thấy tiếng chuông chùa buổi trưa, Vẫn thả trâu ngủ dưới gốc tùng già”.

(Ức long Đọi sơn)

Đồ ng bằng Bắc Bô ̣ là cái nôi văn minh lúa nước của tộc Việt, vì vậy nơi đây còn lưu giữ được tính chất thuần tuý của văn hoá Việt Nam. Đồng bằng Bắc Bộ cũng chính là nơi Phật giáo lần đầu tiên du nhập vào Việt Nam. Người Việt xem Phật giáo vừa thiêng liêng vừa gần gũi với họ, nên trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chùa chiền được xây dựng khắp mọi nơi, hầu như không một làng quê nào lại không có chùa thờ Phật. Đây không chỉ là công trình tiêu biểu của cả làng, mà còn là biểu tượng khát vọng của người dân, thể hiện triết lý nhân

sinh và tinh thần khoan dung, hoà hợp trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Đặc tả cảnh chùa Đọi ở quê mình, Nguyễn Khuyến đã sử dụng bút pháp miêu tả không gian hiện thực qua điểm nhìn đa chiều tinh tế từ bao quát – cụ thể “bốn bên chùa cổ, cây đá vây kín”, từ thấp – cao “bóng trúc nhiều tầng”, từ gần – xa “bến dâu khách đợi sang đò”, và không gian có chiều sâu lẫn trong “tiếng chuông chùa buổi trưa”…Trong không gian đa chiều đó, không có biên giới phân cách rõ ràng giữa thiên nhiên và con người, mà từ mô hình không gian này, con người phát chế ra nhiều cách cảm thụ: nhìn bốn phía, có trước sau, có trong ngoài, có xa gần…. Ở đó, thi sĩ tìm thấy ở thiên nhiên những cảm quan nghệ thuật đẹp đẽ, nổi bật lên tất cả là phong vị văn hóa Việt cổ xưa qua hình ảnh mái chùa, qua khóm trúc, tiếng chuông chùa trưa văng vẳng - một chứng tích văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống.

Cùng với cảnh chùa chiền, Nguyễn Khuyến còn đặc tả cảnh núi non kỳ vĩ ở mỗi nơi ông có dịp đi qua. Chẳng hạn như ngọn núi Băng Sơn, sau gọi tên là Dục Thúy, tọa lạc tại tỉnh Ninh Bình. Ngọn núi này cũng từng đi vào nhiều trang thơ của các thi sĩ giai đoạn trước đó. Điều đó cho thấy sự ngưỡng vọng của các thi sĩ đối với địa danh này:

“Vạn cổ thanh sơn tại, Hà niên Dục Thúy danh? Cô thành thiên nhận lạc, Nhất tự bán giang bình”.

Dịch thơ:

“Muôn thuở non xanh đó đã rồi, Năm nào mới đặt tên là Dục Thúy? Tòa thành chơ vơ trên cao ngàn nhận, Một ngôi chùa nhô ra giữa dòng sông”. (Dục Thúy Sơn)

Hay ở bài thơ Núi Tam Điệp, ta lại bắt gặp cái nhìn đầy phóng khoáng của nhà thơ trong một lần có dịp mục sở thị. Với bút pháp miêu tả tinh tế, Nguyễn

Khuyến đã có cái nhìn quan sát thu hẹp khoảng cách không gian miêu tả từ xa đến gần, như để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ, mênh mông của sông núi quê hương. Một không gian khoáng đãng được mở ra với một bên là núi, một bên là biển tạo nên cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ:

Phóng mắt đầu non Tam Điệp rõ,

Ngoảnh đầu dòng nước Cửu Long xa” (Núi Tam Điệp)

Cũng trong một dịp biên thư cho con trai đi thi, Nguyễn Khuyến đã nhắc đến hình ảnh núi Sơn Trà – đây là một trong những ngọn núi đẹp thuộc địa phận tỉnh Đà Nẵng:

“Trà vân nhật hạ khai tân nhỡn”

Dịch nghĩa:

“Mây trên núi Trà ngày nay, mở ra tầm nhìn mới”. (Thư tứ Tử Hoan lai kinh điện thí)

Dòng suy tư nhớ về địa danh núi Trà hệt như tác giả đang trực tiếp chiêm nghiệm danh thắng này đã thể hiện tầm nhìn tinh tế, lòng yêu quý và niềm tự hào của ông trước phong cảnh thiên nhiên, đất nước.

Trên mỗi chặng đường đặt chân đến một vùng đất, ông đều dành tình cảm sâu sắc cho từng địa danh cụ thể. Bởi Nguyễn Khuyến luôn tâm niệm rằng, mỗi ngọn núi, mỗi ngôi chùa, mỗi dòng sông đều mang dáng dấp của nền văn hóa Việt, thể hiện sâu sắc nếp sống, nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt và là những minh chứng sống động, chân thực nhất cho khuôn diện văn hóa của dân tộc trên mỗi chặng đường phát triển. Ông viết về những địa danh đó bằng cả sự yêu thương, trân trọng và trên một tâm thức gìn giữ nét văn hóa dân tộc. Có thể thấy rõ điều đó qua cách miêu tả không gian nghệ thuật đậm đà sắc màu văn hóa tâm linh, không gian sinh hoạt chợ phiên hay không gian miêu tả cảnh sắc đa chiều... Sự tự ý thức, tôn vinh danh lam thắng cảnh cũng chính là góp phần giữ gìn diện mạo văn hóa ông cha ta để lại sau mỗi cuộc thiên di đã diễn ra trong quá khứ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)