Tín ngưỡng, lễ hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 67 - 73)

7. Bố cục

2.2.5. Tín ngưỡng, lễ hội

Văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành trên cở sở tính cộng đồng, gắn bó mật thiết với xóm làng, quê hương. Vì thế, bằng thao tác đưa vào thơ những nét tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt, Nguyễn Khuyến đã vô hình lột bỏ lớp vỏ cứng nhắc của thơ ca cổ để làm mới thơ mình.

Thấm đượm trong từng câu thơ là bức tranh nguyên bản của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ với những nét đẹp văn hóa đã tồn tại từ ngàn đời xưa và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, góp phần giúp cho thơ Nguyễn Khuyến mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Cùng với phong tục lâu đời, các tín ngưỡng cổ truyền cũng được Nguyễn Khuyến đặc tả rõ nét. Nó phản ánh sự nhận thức xã hội của con người nhìn từ góc độ tâm linh. Một trong những tín ngưỡng được ông nhắc đến trong thơ đó là tín ngưỡng thờ cúng người đã mất, thể hiện lòng biết ơn, tri ân công lao dưỡng dục mẹ cha của người con:

“Thung đường dịch trách kỷ niên câm, Tuế nguyệt sa đà húy nhật lâm”

Dịch nghĩa:

“Nỗi cha tạ thế đã bao năm, Ngày giỗ năm nay lại tới tuần”.

(Tại kinh phùng húy nhật hữu cảm)

Trong không gian tâm tưởng linh thiêng, nhà thơ không bao giờ quên sự ra đi của người cha đáng kính và trách nhiệm cúng giỗ cho cha mình. Càng không quên ngày giỗ cha, ông càng đau đớn và bất lực khi bản thân mình ở xa không thể về được. Không gian tâm tưởng ngập tràn nỗi nhớ và sự thành kính của một người con xa xứ gửi về nơi quê nhà thật cảm động biết bao.

Ở một phương diện khác, ông miêu tả bao quát tang lễ của gia đình có người mất, những nghi lễ được tổ chức theo một trình tự nhất định được diễn ra trong một không gian tâm linh thiêng liêng, tiếng khóc than của người ở lại nhằm thể hiện lòng xót thương và kính thờ người đã khuất:

“Lũ cháu viếng đưa bà, chín chữ cù lao ơn tựa bể. Đàn con khóc than mẹ, ba năm nhũ bộ đức tầy non”.

(Làm cho con viếng mẹ, cháu viếng bà)

Ngoài tín ngưỡng thờ cúng lâu đời, thì tín ngưỡng bách thần của người Việt cũng giữ vị trí quan trọng, đặc biệt là thờ phúc thần. Nhận chân được không gian kiến trúc nghệ thuật hữu hình (đền, đình, miếu) thiêng liêng, trang trọng,

Nguyễn Khuyến đã không quên nhắc đến miếu Trung Liệt thờ ba vị anh hùng là Đoàn Thụ, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu trong bài Đền Trung Liệt miếu, như một sự tri ân sâu sắc các vị anh hùng lịch sử đã có công với nhân dân:

“Nhất thốc sùng từ cổ, Thiên gia vân thụ trung. Quỷ thần khấp tráng liệt, Nhật nguyệt huyền cô trung”.

Dịch nghĩa:

“Một tòa đền cao đã cổ

Ở giữa nghìn nhà cây phủ mây che Chí khí tàng liệt làm quỷ thần phát khóc

Tấm gương cô trung treo cao như mặt trăng mặt trời”. (Đề Trung Liệt miếu)

Thơ Nguyễn Khuyến còn nhắc đến tín ngưỡng thờ Mẫu với những nét riêng biệt mang yếu tố bản địa rõ ràng và biểu hiện đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Nét đặc trưng riêng đó được thể hiện ở nghi lễ lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng - hầu bóng). Trong bài thơ Vu sử (chữ Nôm là Đồng cốt), ông cất lên tiếng nói phê phán một bộ phận con người suy đồi đạo đức trong xã hội đã dẫm đạp lên sự linh thiêng, tôn kính vốn có của đạo Mẫu, truyền bá sai lệch nét đẹp văn hóa tâm linh ý nghĩa của tín ngưỡng này:

“Vu sử phân phân thướng bảo đài, Triêu linh tri phách diệc đa tài”.

Dịch nghĩa:

“Ông đồng, bà cốt nhốn nháo lên bảo đài, Cũng thật là nhiều tài gọi vía chiêu hồn”.

(Vu sử)

Bên cạnh nét đẹp văn hóa tín ngưỡng lâu đời, cư dân đồng bằng Bắc Bộ trong quá trình phát triển cũng đã hình thành và sáng tạo nên nhiều lễ hội mang giá trị nhân văn cao đẹp. Lễ hội không chỉ là nơi suy tôn những giá trị tinh thần mà còn góp phần khẳng định nề nếp, đạo lý truyền thống qua những nghi lễ

trang trọng, những trò diễn xướng vui chơi. Đồng thời, nó chứng minh cho sức sống của tộc người, thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết của đồng bào trong đời sống sinh hoạt. Lễ hội tiêu biểu của quê hương Bình Lục được tác giả nhắc tới đó chính là hội đuổi chim cuốc trong bài thơ Xuân nhật hữu cảm:

“Tạc nhật văn la phù trượng khởi, Tiên cầm dĩ dữ ấp nhân khu”.

Dịch nghĩa:

“Hôm nọ nghe cồng làng, cũng vác gậy đứng dậy, Cùng người trong làng đi khua chim”.

(Xuân nhật hữu cảm)

Chỉ qua hai câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Khuyến đã tài tình dựng nên một không gian sinh động, tưng bừng, náo nhiệt về hội đuổi cuốc – lễ hội thường diễn ra vào đầu mùa xuân. Là nước nông nghiệp thuần túy, các lễ hội của người dân thường gắn với các hoạt động lao động, sản xuất. Hội đuổi cuốc chính là một trong những lễ hội nông nghiệp quen thuộc của người dân nơi đây, diễn ra trong không gian nông thôn đồng ruộng, mang ý nghĩa chính nhằm mục đích đuổi cuốc phá lúa để mùa màng được tươi tốt, bội thu. Đề cập đến lễ hội này, Nguyễn Khuyến muốn gián tiếp khẳng định tinh thần gắn kết sinh hoạt cộng đồng và gửi gắm đến người đọc thông điệp đầy tính nhân văn về cuộc sống của những con người vùng đồng chiêm trũng.

Những ngày đầu năm mới, hội xuân ở các làng xã mở ra gắn liền với nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa như thưởng tửu, khai bút đề thơ:

“Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén, Bút mới xô tay thử một hàng”

(Khai bút)

Không khí hội xuân ngập tràn sức sống, náo nhiệt luôn khiến cho tâm thế con người hứng khởi, chào đón năm mới với tinh thần vui tươi, lạc quan. Qua câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Khuyễn đã vẽ lên không gian hội xuân với đủ đầy sắc màu và các phong tục truyền thống. Qua đó, gián tiếp ghi lại một lễ hội của

người Việt bằng sự tinh tế, bằng cách cảm, cách nghĩ chân chất của một người con đất Việt về nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo vốn có từ lâu đời.

Các phân tích trên giúp chúng tôi nhận thấy rằng, Nguyễn Khuyến đã nhắc đến không gian văn hóa tâm linh của người Việt, như một sự thể nghiệm minh chứng cho giá trị văn hóa tinh thần của người Việt. Thông qua miêu tả các phong tục, tập quán, các lễ thức cổ truyền, ông đã dựng lên một không gian văn hóa thiêng liêng, phản ánh thế giới tinh thần của dân tộc trong suốt diễn trình hình thành và phát triển. Không gian văn hóa tâm linh trong thơ Nguyễn Khuyến tuy không xuất hiện nhiều nhưng ông đã tinh tế xây dựng nên một không gian nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống, giữ nguyên trạng không khí và nét đẹp văn hóa cổ truyền, tuyệt nhiên không tô vẽ thêm. Điều đó không chỉ phản ánh sự nhận thức xã hội, gửi gắm niềm tin của con người trên mỗi bước đường phát triển mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, sự đoàn kết cộng đồng bền vững khó có thể rạn nứt trong đời sống của người dân đất Việt. Với sự miêu tả tài tình và tinh tế, tránh lối đi cũ của thơ truyền thống hướng tới gợi nhiều hơn tả, không gian mang tính ước lệ, thiên về tĩnh, thơ Nguyễn Khuyến đã cho người đọc có được sự trải nghiệm tuyệt vời và được hòa vào không gian hiện thực sinh động, với những hoạt động, lễ thức quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân. Chính vì thế, nó đã xóa bỏ khoảng cách giữa thơ ca và hiện thực, đem đến cho người đọc sự trải nghiệm gần gũi và chân thực nhất. Bởi lẽ đó, cùng với không gian sinh hoạt văn hóa làng xã, không gian tâm linh đã góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho bức họa không gian văn hóa Việt thêm đậm đà và tràn đầy hương vị truyền thống.

Tiểu kết Chương 2

Dấu ấn văn hóa Việt hiện lên trong thơ Nguyễn Khuyến khá phong phú và sinh động qua bức tranh thiên nhiên làng quê Việt, đặc biệt là cảnh sắc bốn mùa vùng quê Bắc Bộ. Đó là không gian mùa xuân nhộn nhịp trong những ngày giáp tết, là những ngày mùa hạ oi nồng, mùa đông giá rét và những ngày thu về mang đậm tiết khí đặc trưng của miền Bắc.

Đồng thời, dấu ấn văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Khuyến còn được miêu tả chân thực trong các thú vui thường ngày, bức tranh sinh hoạt văn hóa tinh thần, hoạt động lao động, sản xuất của người nông dân nơi thôn quê thấm đẫm hồn dân tộc và mang đậm sắc màu văn hóa làng xã cổ truyền Việt Nam. Từ thú ăn trầu, uống rượu, lẩy Kiều, đến các hoạt động sản xuất quen thuộc hàng ngày làm ruộng, cày cấy, trồng trọt, phiên chợ ngày Tết… đều được tái hiện thành bức họa đa sắc màu về cuộc sống sinh hoạt vùng quê đồng chiêm trũng nguyên sơ.

Đặc biệt,thơNguyễn Khuyến đã điểm diện các nét đẹp văn hóa thông qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội. Đó là các yếu tố văn hóa phản ánh thế giới tinh thần và sự nhận thức của tộc người dưới góc độ tâm linh trên hành trình phát triển. Khám phá diện mạo văn hóa của cộng đồng cư dân Việt thông qua tục lên lão, khai bút đầu xuân, hát chèo, tín ngưỡng thờ Mẫu, hội đuổi cuốc,… Nguyễn Khuyến đã góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình như một bằng chứng thuyết phục và chân thực nhất.

Bức tranh thiên nhiên, bức tranh sinh hoạt văn hóa và các phong tục, tín ngưỡng độc đáo trong thơ Nguyễn Khuyến đã đưa người đọc trở về với cội nguồn văn hóa vật chất và tinh thần đậm đà dấu ấn Việt. Trên mỗi trang thơ, có cả những nét đẹp văn hóa nguyên bản được lưu giữ, có cả những nét văn hóa đã và đang bị đánh mất, bị bóp méo. Điều đó cho thấy sự thuộc hiểu, yêu quý, trân trọng và ý thức về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong sâu thẳm tâm hồn nhà thơ.

Các nội dung sánh đậm chất văn hóa Việt nói trên cũng được thể hiện thông qua những hình thức nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn Việt, từ các thể thơ dân tộc vừa gần gũi vừa độc đáo đến ngôn ngữ thơ tinh tế, điêu luyện; từ giọng điệu thơ vừa trữ tình, sâu sắc đến các hình ảnh tiêu biểu gắn với các không gian làng quê Việt… Tất cả đều được Nguyễn Khuyến dụng công gọt giũa để trở thành công cụ đắc lực cho việc xây dựng nội dung tư tưởng trong tác phẩm của nhà thơ.

Chương 3

DẤU ẤN VĂN HÓA VIỆT QUA LỐI ỨNG XỬ

VÀ TÍNH CÁCH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)