Ứng xử với bản thân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 73 - 78)

7. Bố cục

3.1.1. Ứng xử với bản thân

Văn hóa ứng xử từ lâu đã luôn được coi là khởi nguồn thể hiện triết lý sống, quan niệm sống và trở thành lối sống, nếp sống của cả một cộng đồng người. Thế ứng xử, do đó, quy định các mối quan hệ giữa con người với con người và là mảnh đất kết tụ những triết lí nhân sinh sâu sắc nhất.

Thời đại Nguyễn Khuyến sống là thời đại xảy ra nhiều biến động dữ dội, với sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa phương Tây đã làm thay đổi ít nhiều các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lối ứng xử. Là một nhà Nho luôn giữ trọng khí tiết, phẩm giá của mình, đứng trước sự xâm thực của văn hóa ngoại lai, Nguyễn Khuyến đã khẳng định cái bản ngã của mình theo đúng chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Ông tự cảm thấy hổ thẹn khi bản thân mình còn kém cỏi, bất tài:

“Ơn vua chưa chút báo đền,

Cúi trông thẹn đất, ngửa lên thẹn trời”. (Di chúc)

Tác phẩm được sáng tác từ thể loại lục bát – một lối thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thể loại này vốn gắn bó lâu đời với người Việt, xuất hiện từ kho tàng ca dao dân ca, với cấu trúc nhịp điệu nhẹ nhàng, tinh tế, duyên dáng, kín đáo, không ồn ào, đặc trưng cho cách nghĩ cách cảm của người phương Đông. Dùng thể lục bát sáng tác, những giai âm hài hòa về thanh, vần, nhịp đã giúp người đọc cảm nhận được tấm lòng chân thành, sự tự ý thức về trách nhiệm bản thân cao độ của tác giả trước nỗi niềm trăn trở chưa báo đáp được ơn vua, chưa làm được gì có ích cho đất nước. Xuất phát từ môi trường văn hóa nơi thôn quê mà ông đang sống và từ cảm hứng trong cái hàng ngày của người dân lao động, lựa chọn sáng tác theo thể thơ lục bát đã mang đậm chất dân gian sâu sắc, góp phần quy định mã văn hóa thuần Việt trong thơ ông. Sức ảnh hưởng mạnh

mẽ của văn học dân gian, cụ thể là thể lục bát của ca dao dân ca cổ truyền đã truyền tải những cung bậc tình cảm trong lối ứng xử khiến cho tác phẩm của Nguyễn Khuyến đi vào trong lòng người đọc một cách tự nhiên, dung dị mà đầy thấm thía.

Nối tiếp mạch thơ khẳng định cái bản ngã của mình theo chuẩn mực nhà nho, chính vì luôn cho rằng bản thân là kẻ vô dụng, không giúp được gì cho đất nước nên không lúc nào ông gạt bỏ được cảm giác mặc cảm, bất tài. Ông luôn tâm niệm rằng, sức mọn bỏ ra vì dân vì nước không thấm là bao so với những gì ông nhận từ triều đình:

“Tự tâm tố thục không huyền đặc, Thùy vị năng văn chỉ họa hồ”.

Dịch nghĩa:

“Tự thẹn là kẻ ăn dưng mà có lộc, nhà có treo thú, Ai hỏi rằng giỏi văn chỉ vẽ được quả bầu”.

(Nhàn vịnh)

Bằng giọng điệu thâm trầm, bi thương, sâu kín, ông đã đưa những tâm sự u uất, nỗi lòng tự thương lấy chính mình vào trong những vần thơ:

“Vạn lý thu phong ngã độc hành, Tự liên phù thế bán phiêu linh”.

Dịch nghĩa:

“Tôi đi muôn dặm một mình trong gió thu,

Thương mình chịu nửa đời lênh đênh giữa cõi phù thế”. (Bắc qui, lưu giãn tại kinh chư đồng chí)

Cuộc đời của Nguyễn Khuyến trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bấp bênh. Từ những năm tháng làm quan cho đến khi về ở ẩn, ông vẫn không khi nào nguôi ngoai nỗi lo cho dân cho nước. Thế nhưng, tâm sự ấy, không phải ai cũng có thể thấu hiểu, để rồi cuối cùng tự thân ông lại tự thương lấy chính mình. “Nửa đời lênh đênh giữa cõi phù thế” chỉ đánh đổi lại bằng mái đầu bạc trắng và sự bạc bẽo của cuộc đời. Tất cả chỉ có thể trút bỏ trong những vần thơ thấm đẫm tâm sự sâu kín và những chén rượu giải cơn sầu bĩ cực. Ông coi rượu là bầu bạn,

là nơi trút bầu tâm sự, nhưng đồng thời cũng là cách tự nghiêm trị bản thân, khiến bản thân thêm đau thương:

“Túy ông ý chẳng say vì rượu Say vì đau nước thẳm với non cao”

(Uống rượu ở vườn Bùi)

Giọng điệu trong thơ càng trở nên bi thiết, đau xót hơn bao giờ hết. Nỗi niềm ấy của Nguyễn Khuyến vừa đáng thương vừa đáng trân trọng. Nó thể hiện sự tự ý thức và lối ứng xử đối với bản thân mình, tự chịu trách nhiệm, tự độc lập để vượt qua mọi bi kịch. Đó chính là phẩm chất đáng trân quý của một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.

Vì mang nặng ơn vua nên khi đứng trước sự lựa chọn xuất thế hay nhập thế, tiếp tục làm quan hay lui về ở ẩn, bản thân ông đã diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Bởi khi ra làm quan, mong muốn lớn nhất của ông đó là một lòng được phò vua giúp nước, giúp đời. Khí tiết ấy, phẩm hạnh ấy mãi mãi không bao giờ thay đổi. Đây là bản tính tốt đẹp, quý báu của những con người Việt Nam yêu nước nói chung. Thế nhưng đến cuối cùng, vì không chịu khuất phục sự sai khiến của bọn tay sai thực dân Pháp, ông đành chọn con đường cáo quan về vui thú điền viên:

“Giữ son sắt êm đềm một tiết,

Sạch như nước, trong như ngà, trắng như tuyết, Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ”.

(Mẹ Mốc)

Là một người luôn một lòng suy nghĩ cho đất nước, cho nhân dân, sống không vì lợi ích cá nhân nên ông luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân mình với giang sơn xã tắc. Sự tự ý thức đó đã dẫn đến mâu thuẫn giằng xé giữa việc từ quan về ở ẩn hay tiếp tục làm quan triều đình. Đến sau cùng, dù từ bỏ mũ áo lựa chọn cuộc sống điền viên thì tâm hồn ông thực chất vẫn luôn dậy sóng trong lòng, thậm chí, ông luôn coi mình như một tội đồ bôi nhọ sử sách. Tấm lòng ấy, cốt cách, phẩm chất ấy thật đáng trân quý biết bao. Đó cũng chính là tính cách tốt đẹp truyền thống của người con đất Việt yêu nước sâu sắc:

“Bệnh nhân đa sự thả hưu hí, Phúc hữu nhất san do khả nhiên. Khứ quốc khởi vô bằng bối tại? Quy gia vị tất tử tôn hiền. Mông lung bả trản tòng kim sự, Chỉ khủng di ô đáo giản biên”.

Dịch nghĩa:

“Ốm tại vì nhiều việc thôi thì hưu vậy, Dù chỉ một bữa ăn, bụng vẫn còn no.

Mình bỏ nước mà đi, nhưng bạn bè vẫn có người ở lại, Về nhà cũng chưa chắc con cháu có đức tốt mà trông cậy. Từ nay công việc của ta là đánh chén say tít,

Chỉ e lại bôi nhọ cho sử sách mà thôi”. (Cảm tác)

Vì vậy, khi không thể thoát ra khỏi sự bất lực trước thời cuộc và mặc cảm giằng xé trong lòng, ông luôn cảm thấy đau tủi khi phải sống trong vòng nô lệ ngoại bang:

“Ngần ấy năm nay vẫn ở nhà, Nghĩ ta, ta lại chỉ thương ta.

Bóng hiên thêm ngán hơi nồng nhỉ

Ngọn gió không nhường tóc bạc a?” (Cáo quan về ở nhà)

Tâm trạng buồn bã, mòn mỏi ngày qua tháng lại càng khiến nỗi niềm trăn trở vì dân, vì nước đẩy lên cao hơn:

“Tuổi ta là tuổi sáu mươi sáu,

Năm tháng mỏi mòn thật là đáng thương”. (Xuân Canh Tý 1900)

Vượt lên trên mọi đau thương, có lẽ điều duy nhất ông có thể tự an ủi chính bản thân mình đó là không ham địa vị giàu sang và treo ấn từ quan, trở về sống đạm bạc, nghèo thiếu ở nông thôn, nêu cao tiết tháo bất khuất. Cũng nhờ

tinh thần lạc quan đó mà thi sĩ đã tự tạo cho mình niềm vui nơi quê nhà, tự để bản thân hưởng thụ những giây phút thảnh thơi hiếm hoi khi tuổi đã về già:

“Vũ hậu phù cùng khan lão cúc, Bệnh trung phục chẩm thính nhi thư

….

Túy đảo phục ngâm, ngâm phục túy, Thâu nhàn ngô diệc ái ngô lư”.

Dịch nghĩa:

“Tạnh thì chống gậy thăm hoa, Ốm nằm nghe đứa con thơ đọc bài.

Thơ lại chén, chén lại thơ,

Thảnh thơi ta vẫn ưa nhà ta hơn”. (Tự thuật I)

Giọng thơ càng thêm hào sảng khi ông cất giọng hóm hỉnh tự hỏi bản thân, cũng là hỏi chính cuộc đời. Có lẽ, đây cũng chính là cách mà ông tự an ủi, xoa dịu bản thân mình trước những mất mát, vùi dập của cuộc sống:

“Kiếp sau ai sẽ là ta nhỉ? Ai sẽ phong lưu sánh kịp ta?”

(Tự thuật II)

Ở nhiều trạng huống khác nhau như đã chỉ ra ở trên, Nguyễn Khuyến lại có những cách ứng xử linh hoạt với bản thân mình. Thế nhưng, lối ứng xử ấy cũng đã cho thấy một Nguyễn Khuyến thật nhiều mâu thuẫn: đó là sự giằng xé giữa xuất thế - nhập thế, là sự đấu tranh tư tưởng giữa danh lợi và làm một lão nông thôn quê. Ở hoàn cảnh nào thì tấm lòng lo cho dân cho nước vẫn chưa bao giờ nguôi, chưa bao giờ tàn lụi. Vì con người ông là vậy, phẩm giá của ông là vậy. Cho nên, lựa chọn cuối cùng cáo quan về quê đã cho thấy tấm lòng của một con người trọng danh tiết, suốt đời yêu dân mến dân của Nguyễn Khuyến. Từ lối ứng xử với bản thân, có thể thấy được những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam yêu nước nói chung. Đó là tính cách tốt đẹp vốn đã ăn sâu vào

máu thịt, là một phần tâm hồn của người Việt, trở thành thước đo chuẩn mực đạo đức cho mỗi con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 73 - 78)