Những cảm nhận và thái độ của nhà thơ trước những biến đổi của văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 102 - 133)

7. Bố cục

3.3. Những cảm nhận và thái độ của nhà thơ trước những biến đổi của văn hóa

hóa Việt

Từ ngàn xưa, văn hóa làng xã cổ truyền đã luôn là nét văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc ngấm vào máu thịt và nuôi dưỡng tâm hồn Việt. Thế nhưng, cùng với sự tồn tại của văn hóa, đó là những thách thức của xã hội trước việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa đó một cách nguyên vẹn trước sự xâm thực của môi trường sống. Đây không chỉ là niềm trăn trở khôn nguôi của những ai yêu tha thiết nền văn hóa nước nhà mà cũng chính là nỗi lòng đau đáu của Nguyễn Khuyến trước những biến đổi văn hóa đương thời.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi mà công cuộc đô hộ của người Pháp bắt đầu thực hiện ở Việt Nam, kéo theo cái gọi là nền văn minh khai hóa chế độ phong kiến, thì những người dân đất Việt yêu văn hóa truyền thống lại cố gắng tìm lại những giá trị bền vững, tinh hoa được kết tụ ngàn năm. Chưa bao giờ, lòng yêu nước lại trỗi dậy mạnh mẽ đến như thế, bởi họ hiểu rằng, chỉ cần đánh mất cội nguồn văn hóa thì cái giá phải trả quá đắt đó là đánh rơi đi cái tôi riêng, khuôn mặt riêng, cá tính riêng của họ. Trong thơ, Nguyễn Khuyến đã cho người đọc có dịp được mục sở thị chợ Đồng ở quê hương mình trong một không gian mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã:

“Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng, Năm nay chợ họp có vui không?”

(Chợ Đồng)

Xưa kia, chợ Đồng còn có tên là chợ Và, họp vào ba phiên cuối năm 24 – 26 – 30 tháng Chạp. Bà con ra chợ để sắm sửa lễ Tết và thưởng thức tục nếm rượu ngày xuân. Thế nhưng, từ khi thực dân Pháp bành trướng kéo vào lãnh thổ miền Bắc, thì môi trường sinh hoạt và nhiều tập tục, trong đó có tục họp chợ Đồng đã không còn như xưa nữa. Yếu tố ngoại lai xâm nhập vào đời sống sinh hoạt, thay đổi cả dáng dấp của nét văn hóa truyền thống lâu đời. Là một nhà Nho

trân quý các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Nguyễn Khuyến không khỏi ngậm ngùi, nuối tiếc trước sự băng hoại trên.

Các nét văn hóa chợ phiên truyền thống bị mai một dần thay vào đó là các lễ hội kiểu Tây trên đất ta ngang nhiên được tổ chức:

“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo, Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo. Bà quan tênh nghếch xem bơi trải, Thằng bé lom khom ghé hát chèo. Cậy sức cây đu nhiều chị nhún, Tham tiền cột mỡ lắm anh leo. Khen ai khéo vẽ trò vui thế?

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!” (Hội Tây)

Hiện thực xã hội xấu xa cần phải vạch trần không chỉ ở bè lũ quan lại mà ở cả hiện tượng lố lăng trong buổi giao thời. Hội Tây được viết để lên án hiện tượng ấy. Hình ảnh bà quan thật nực cười trong cái thế “tênh nghếch”, thằng bé thì nom thật tội nghiệp trong điệu bộ “lom khom”. Đau xót hơn, những con người nô lệ ấy không nhận thức được nỗi nhục mất nước lại còn bị cuốn vào những trò chơi mà bọn thực dân Pháp bày ra để mị dân. Chứng kiến thực tại đó, Nguyễn Khuyến không khỏi đau lòng, xót xa, bất lực, căm phẫn bởi sự bạc nhược của triều đình không thể thắng thế chính quyền tay sai của thực dân Pháp, đồng thời lên án sự nhố nhăng của bọn thống trị, quan Tây và quan Ta.

Đôi khi, thông qua lớp ngôn từ có phần thô thiển, tục tĩu, chua ngoa, Nguyễn Khuyến đã gián tiếp bóc trần hành động đáng lên án trong xã hội lúc bấy giờ đó là xu hướng làm đĩ, lấy Tây. Điều này vô cùng dễ hiểu bởi khi không chịu sự gò ép của thứ ngôn ngữ khuôn sáo trong thơ Đường luật, Nguyễn Khuyến dễ dàng vận dụng triệt để ngôn ngữ bình dân, đời thường của lớp từ thuần Việt đa dạng, giúp cho thơ ông dễ tiếp cận với người đọc hơn:

“Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ, Trời sinh ra cũng để mà chơi.

Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,

Chơi thủng trống, long dùi âu mới thích”. (Đĩ Cầu Nôm)

Hay như hiện tượng con gái Việt lấy Tây đã phơi bày tình trạng đổ vỡ thê thảm về nhân cách và đạo đức của một bộ phận người Việt thời ấy. Đó là sự điếm nhục ghê gớm danh dự của người phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống cao quý:

“Cái gái thời này gái mới ngoan, Quyết lòng ẩu chiến với Tây quan! Ba vuông phấp phới cờ bay dọc,

Một bức tung hoành váy xắn ngang…” (Lấy Tây)

Loại nhân vật được nhắc đến trong Đĩ cầu Nôm hay Lấy Tây đều nói về những người phụ nữ không còn giữ nguyên vẹn phẩm hạnh của người đàn bà nước Nam, thay vào đó là những kẻ bám “quần Tây” để vênh vang với đời, làm đồi bại phong tục, nhơ nhuốc non sông. Đứng trên phông nền văn hóa truyền thống để khách quan đánh giá, Nguyễn Khuyến đã viết ra những vần thơ ngoa ngoắt, chua cay, thể hiện thái độ khinh ghét rõ ràng, chê trách sự xuống cấp đáng báo động của một số thành phần sống trong xã hội đương thời. Sự phê phán đó thể hiện sự tự ý thức dân tộc rõ nét và tấm lòng luôn sắc son gìn giữ nét đẹp đạo đức truyền thống thấm đẫm tính nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt.

Cũng từ lớp ngôn ngữ thuần Việt, Nguyễn Khuyến đã đưa nội dung “không nghiêm chỉnh” vào “hình thức nghiêm chỉnh” của thơ Đường luật, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, hé mở cảm hứng trào lộng của Đường luật Nôm thông qua việc phê phán lối sống đạo đức văn hóa đang dần xuống cấp trầm trọng. Khi xã hội đổi thay, những kỳ thi Hán học như “những phiên chợ chiều đã tàn”. Để chế giễu cảnh thi nửa mùa lúc bấy giờ, Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh “Tiến sĩ giấy” - một thứ đồ chơi yêu thích của trẻ em ngày trước, nhằm miêu tả những “Tiến sĩ thật”:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai, Cũng gọi ông nghè có kém ai. Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, Nét son điểm rõ mặt văn khôi. Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ, Cái giá khoa danh thế mới hời. Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe, Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”.

(Tiến sĩ giấy II)

Dùng thể thơ Nôm Đường luật với tính chất đối ngẫu ở câu 3 – 4, tạo nên thế tương phản trào phúng, những câu thơ đả kích của ông tuy nhẹ nhàng kín đáo, không bốp chát nhưng thật sự thâm thúy, sâu cay đến đối tượng là những kẻ ham quyền, sẵn sàng dùng tiền để mua hư danh. Với sự tinh tế đan cài thể thơ và nét văn hóa dân tộc, cùng với cách sử dụng từ ngữ thuần Việt gần gũi, Nguyễn Khuyến đã lựa chọn cơ sở từ tâm thức văn hóa dân gian, từ trò diễn dân gian và lễ hội giả trang để miêu tả về những kẻ dùng tiền mua danh như tiến sĩ giấy, từ đó tạo nên tiếng cười bình đẳng, dân chủ, hòa đồng và giúp cho bài thơ mang đậm sắc thái trào phúng, giễu nhại sâu sắc. Từ giọng điệu trào lộng sắc sảo đó, người đọc thấy được ở ông phẩm chất đạo đức của một nhà nho giữ gìn danh tiết, một người hết mực yêu nước thương dân và luôn trăn trở, có ý thức gìn giữ những tính cách quý báu thấm đẫm tính nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Cười người, cười đời chưa đủ, Nguyễn Khuyến còn đem mình ra để mà cười, cười mình có tài mà luẩn quẩn, mà bế tắc. Tiếng cười bẽ bàng, chua xót đến tội nghiệp như để chế giễu sự bất lực, bạc nhược của chính mình vì yêu nước thương đời mà không thể phò vua giúp nước, đến cả vốn văn hóa truyền thống cũng không thể gìn giữ nổi:

“Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng”.

Nếu như bản chất của nền văn hóa cổ truyền là lòng yêu nước, lối sống trọng tình trọng nghĩa hướng tới cộng đồng thì sự xâm thực của nền kinh tế mới của phương Tây đã vô tình bào mòn, thay thế nét đẹp văn hóa truyền thống đó, không chỉ trong đời sống mà còn cả trong phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo… Chứng kiến cảnh tượng văn hóa nước nhà quẫy đạp, vùng vẫy trong vòng xoáy luẩn quẩn của yếu tố ngoại lai, Nguyễn Khuyến không khỏi đau xót, căm phẫn. Ông bất lực khi văn hóa đất Việt đang dần chuyển đổi, đánh mất đi bản sắc riêng vốn tồn tại từ thời lập quốc. Qua những sáng tác trào phúng vạch trần những biến đổi của văn hóa Việt, thấy rõ một Nguyễn Khuyến cao khiết hết lòng yêu nước, yêu dân, luôn đau với nỗi đau đời, đau với nỗi mất mát tinh thần to lớn của dân tộc.

Tiểu kết Chương 3

Trừ 10 năm đi làm quan xa, còn lại gần trọn cuộc đời Nguyễn Khuyến gắn bó với vùng đồng quê Bình Lục – Yên Đổ với nhiều nét đặc trưng của nền văn hóa Việt. Mạch nguồn văn hóa ấy đã chi phối cách ứng xử với những giá trị văn hóa truyền thống người Việt trong thơ Nguyễn Khuyến. Ở nhiều trạng huống khác nhau, Nguyễn Khuyến đã đưa ra cách ứng xử linh hoạt, thể hiện sự trân trọng, yêu thương, sự yêu – ghét rõ ràng với các đối tượng. Tính cách đó đã thể hiện bản chất tốt đẹp trong con người ông, và đây cũng là tính cách đặc trưng quý báu vốn đã ăn sâu vào máu thịt, là một phần tâm hồn của người Việt, trở thành thước đo chuẩn mực đạo đức cho mỗi con người.

Cùng với lối ứng xử tinh tế, Nguyễn Khuyến đồng thời chỉ ra nội hàm của bản sắc Việt thông qua các tính cách Việt tiêu biểu. Đó là tính cộng đồng, hướng nội, trọng danh, duy tình. Các tính cách này được coi như là sản phẩm tinh thần của nền văn minh nông nghiệp lúa nước với đặc trưng đoàn kết cộng đồng cao độ, sống trọng tình trọng nghĩa và khép kín. Vì thế, nó chính là khởi nguồn sản sinh triết lý sống, quy định các mối quan hệ giữa con người với con người và phản ánh đúngbản chất của một nền văn hóa làng, được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc.

Khảo tả văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Khuyến không chỉ đơn thuần điểm lược những nét đẹp văn hóa tinh thần qua lối ứng xử, tính cách Việt và các

hình thức nghệ thuật tiêu biểu góp phần thể hiện các nội dung ấy, mà đồng thời còn nhận ra cảm nhận và thái độ của nhà thơ trước những biến đổi về văn hóa truyền thống trong dòng chảy cuộc sống hiện thực lúc bấy giờ. Sự phản ánh đó thể hiện tấm lòng yêu nước, thuộc hiểu, trân trọng và ý thức gìn giữ vốn văn hóa Việt sâu sắc của nhà thơ. Đây cũng chính là hành động thiết thực cao đẹp góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc được vun đắp qua nhiều thế hệ.

KẾT LUẬN

1. Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ tiêu biểu viết thành công

về đề tài nông thôn ở Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nam chiêm trũng - nơi có mạch nguồn văn hoá Việt truyền thống hình thành từ ngàn đời xưa, nên cảm hứng sáng tạo về quê hương và dân tộc Việt luôn dạt dào trong tâm thức ông. Đến với những trang thơ của Nguyễn Khuyến, người đọc được chiêm nghiệm và khám phá những vỉa tầng văn hóa dày đặc được hun đúc qua chiều dài lịch sử thông qua bức tranh làng cảnh, những thú vui đời thường, các phong tục tập quán, các hình ảnh văn hóa tiêu biểu… mà ẩn sau bức tranh đó là một trái tim yêu quê hương, xứ sở tha thiết, một sự trân trọng với những giá trị văn hóa cội nguồn.

2. Văn hóa Việt được phác họa trong thơ Nguyễn Khuyến đậm nét và hấp

dẫn nhất được thể hiện qua các bức tranh thiên nhiên làng cảnh. Đó là phong cảnh thiên nhiên làng quê bình dị của vùng đồng bằng Bắc Bộ với bức tranh mùa thu đậm chất Bắc Bộ, khung cảnh quen thuộc mùa lũ ở làng quê mỗi mùa con nước đổ… Một sự thể nghiệm minh chứng cho dấu ấn văn hóa Việt đó là cách mà Nguyễn Khuyến mô tả và ghi lại các địa danh nổi tiếng trong những cuộc hành trình mà ông đã đi qua trên dải đất hình chữ S. Mỗi tên núi, tên sông, tên chùa đều được Nguyễn Khuyến miêu tả theo cách riêng. Có những địa danh, nhà thơ tả tận tường tới từng chi tiết bằng cả sự thuộc hiểu của một người bản xứ. Nổi bật nhất trong bức tranh làng cảnh Việt Nam là cảnh sắc bốn mùa xuân - hạ - thu - đông được miêu tả chân thực, sinh động. Một bức tranh tứ bình không mang tính công thức, ước lệ, không ngồn ngộn những chi tiết mà nó được kiến tạo từ những gì tinh túy nhất của cảnh vật, thâu tóm được thần thái, hồn vía của làng cảnh Bắc Bộ.

Cùng với bức tranh làng cảnh đó là những bức tranh sinh hoạt cộng đồng thân thuộc, gần gũi thông qua các thú vui tao nhã như thú uống rượu, mỹ tục ăn trầu, lẩy Kiều, thả diều, đánh cù… cùng nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa làng xã với những hoạt động cộng đồng được thể hiện rõ. Đó là thói quen họp chợ phiên theo chu kỳ, lối sống trọng tình nghĩa… Cũng từ đây, tình thần cố kết

cộng đồng cao độ được thể hiện rõ nét. Dấu ấn văn hóa Việt trong bức tranh sinh hoạt cũng được xây dựng từ các hoạt động sản xuất, lao động ở thôn quê, minh chứng cho cội nguồn văn hóa vật chất của một nền văn minh lúa nước lâu đời với các hoạt động quen thuộc như cày cấy, thả cá, nuôi gà, trồng trọt…

Trên tất cả, bản sắc văn hóa Việt được soi rọi rõ nét nhất qua các phong tục, tập quán, các tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền. Nhiều phong tục tập quán được khai sinh và hình thành từ ngàn năm về trước, khẳng định diện mạo văn hóa cộng đồng cư dân Việt như tục lên lão, khai bút đầu xuân, hay tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng, hội bắt cuốc,… đều được đề cập và miêu tả rõ nét trong những trang thơ thấm đẫm sắc màu văn hóa của Nguyễn Khuyến. Điểm diện các biểu hiện văn hóa Việt trong thi ca, Nguyễn Khuyến đã góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt như một bằng chứng thuyết phục và chân thực nhất.

3. Dấu ấn văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Khuyến được nhìn từ lối ứng xử

và tính cách cũng góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Nguyễn Khuyến đặt bản thân mình vào trong từng trạng huống, với từng đối tượng cụ thể để đưa ra các cách ứng xử linh hoạt, tinh tế. Đó là lối ứng xử khi nhẹ nhàng, lúc tự nghiêm khắc với chính bản thân mình. Đối với gia đình, ông hết mực đề cao tinh thần dân chủ, yêu thương, coi trọng từng thành viên để làm sao không khí gia đình có sự hòa hảo nhất. Đối với bạn bè, làng xóm ông nêu cao tinh thần sống trọng tình trọng nghĩa, thể hiện thái độ yêu – ghét rõ ràng với người dân nghèo, với kẻ thù… Những lối ứng xử thông minh, linh hoạt đó đã giúp ông có được sự cân bằng trong cuộc sống. Đồng thời, nó được coi như là khởi nguồn sản sinh triết lý sống, quy định các mối quan hệ giữa con người với con người, phản ánh đúng bản chất của một nền văn hóa làng được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Trong thơ Nguyễn Khuyến, một hệ thống các tính cách Việt điển hình: tính cộng đồng, tính hướng nội, tính trọng danh, tính duy tình một lần nữa được xác thực. Các tính cách này cho thấy một Nguyễn Khuyến luôn đề cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, bao dung, trọng tình nghĩa và không màng danh lợi hư

vinh. Đây cũng là tính cách truyền thống tiêu biểu của người Việt Nam đề cao trách nhiệm, sống khép mình, thể hiện sự hòa hảo, nhường nhịn, biểu hiện cho

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 102 - 133)