Cảnh sắc bốn mùa vùng đồng bằng Bắc Bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 44 - 51)

7. Bố cục

2.1.3. Cảnh sắc bốn mùa vùng đồng bằng Bắc Bộ

Trước thời Nguyễn Khuyến, đề tài thiên nhiên bốn mùa đã luôn là điểm đến của nhiều thi sĩ, nhưng các nhà thơ thường sử dụng những hình ảnh có sẵn trong nguồn thơ Đường và mang tính ước lệ, tượng trưng. Chỉ đến khi thơ thiên nhiên của Nguyễn Khuyến ra đời, người đọc mới được chiêm ngưỡng một bức tranh phong cảnh làng quê đậm chất vùng đồng bằng Bắc Bộ vừa gần gũi, vừa thân quen, vừa sinh động trong bút pháp miêu tả. Dễ nhận thấy thi liệu chính trong thơ ông đó chính là cảnh vật và thời tiết đất Việt, với những đặc trưng khí tiết bốn mùa rõ rệt. Điều này đã khẳng định lối đi phá cách nhằm thoát khỏi công thức ước lệ, tượng trưng vốn phụ thuộc vào thơ Đường luật của Trung Quốc đã ăn sâu vào tâm thức người sáng tạo, tồn tại từ trước đó.

Trong quá trình khảo sát và tham khảo tư liệu, chúng tôi nhận thấy, trong công trình nghiên cứu Mùa thu trong thơ Nôm Đường luật [32], tác giả Phạm Thị Hằng cũng chỉ rõ, những câu thơ viết về bốn mùa trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là 101/254 bài, thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về bốn mùa có 25/161 bài, thơ Nôm Trần Tế Xương viết về mùa có 15/76 bài, thơ Nôm Nguyễn Khuyến viết về mùa 13/70 bài (trong đó có 3 bài viết về mùa thu). Với kết quả khảo sát trên, tính riêng phần thơ Nôm, sự xuất hiện các bài viết về bốn mùa trong thơ Nguyễn Khuyến là thấp nhất. Thế nhưng, mỗi bài thơ của ông lại luôn đậm chất phong vị vùng quê Việt Nam, hãn hữu có sự vay mượn hình ảnh thơ ca cổ điển Trung Quốc, đặc biệt là thơ Đường luật như các nhà thơ khác. Điều đó đã giúp cho thơ Nguyễn Khuyến hoàn toàn khác biệt, mang màu sắc đậm đà hồn quê, chân mộc và giản dị.

Từ nguồn cứ liệu trên, tiến hành mở rộng khảo sát trong phạm vi thơ Nguyễn Khuyến cả phần chữ Hán và chữ Nôm, chúng tôi nhận thấy có 35/353 bài thơ xuất hiện hình ảnh bốn mùa. Cụ thể như sau:

Bảng 2.2: Bảng khảo sát số bài viết về bốn mùa trong thơ Nguyễn Khuyến Tần số xuất hiện

Các mùa Số bài viết về mùa Tỉ lệ %

Mùa xuân 14 40

Mùa hạ 7 20

Mùa thu 12 34

Mùa đông 2 6

Tổng số 35 100

Dựa theo kết quả khảo sát, có thể thấy tần số các bài thơ viết về mùa xuân (40%) và mùa thu (34%) có phần chiếm ưu thế so với hai mùa còn lại. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy bởi lẽ từ trong văn học dân gian truyền thống và ngay cả trong nền văn học viết chịu ảnh hưởng của thơ Đường luật, thi liệu chính được các nhà thơ sử dụng khi viết về các mùa trong năm chủ yếu là mùa xuân và mùa thu. Và Nguyễn Khuyến cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.

Những trang thơ viết về khí hậu, thời tiết đồng bằng Bắc Bộ đã thâu tóm được hồn vía của từng mùa, từng tiết. Gián tiếp chỉ ra nét đặc trưng bốn mùa Bắc Bộ, mặc nhiên, ông đã định ra ranh giới khác biệt với khí hậu, thời tiết chỉ có hai mùa mưa – nắng ở vùng Nam Bộ. Đó chính là công cụ nhận diện rõ nét nhất nét văn hóa đặc trưng về mùa giữa hai miền Nam – Bắc. Với mùa xuân, ông dành nhiều trang thơ miêu tả sự thay đổi của tiết trời vào xuân và không khí rộn ràng đón Tết của người dân vùng Bắc Bộ. Trong bài Xuân bệnh, Nguyễn Khuyến viết:

“Tân thiều đán đán mãn thiên sương”.

Dịch nghĩa:

“Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương”. (Xuân bệnh)

Đầu mùa xuân ở miền Bắc, có những ngày trời phủ đầy sương bởi cái lạnh tê tái của mùa đông vẫn còn đọng lại. Hình ảnh làn sương mù lảng bảng e ấp quấn quýt nơi làng quê, bao bọc núi đồi trong tiết trời vào xuân, cùng với đó

là những cơn mưa xuân mang theo hơi lạnh còn sót lại của mùa đông tê tái cũng chính là không gian đậm màu sắc văn hóa mùa đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ:

“Phong doanh xuân vũ lộ, Nê ninh bất kham hành. Vũ tận thiên thôn bạch, Vân liên viễn tụ thanh. Hiểu mai thiên lý dịch, Vãn thụ cố viên tình”.

Dịch nghĩa:

“Đường Phong Doanh trong mùa mưa xuân, Lầy lội bước đi chẳng được.

Sương mù tan hết trông thấy rõ các xóm làng, Mây liền với dãy núi xa, một màu xanh ngắt. Mai sớm nở bên trạm đường nghìn dặm, Cây chiều gợi tình nhớ quê nhà”.

(Phong doanh lộ thượng ngộ vũ)

Mùa xuân ở miền Bắc không phải là không gian sống động của các hoạt động giải trí náo nhiệt như ở miền Nam, mà đó là những ngày đi dạo phố thong dong, tiếng trống làng ình ịch ẩm hơi mưa bụi báo hiệu xuân về, là cảnh người rủ người cùng đi xin câu đối đỏ của thầy Đồ hay chữ:

“Ình ịch đêm qua trống các làng, Ai ai mà chẳng rước xuân sang. Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén, Bút mới xô tay thử mấy hàng”.

(Khai bút)

Hòa với không khí xuân sang là cảnh nhà nhà sắm sửa đón Tết, chuẩn bị gói bánh chưng, thịt lợn chung. Đây vốn là khung cảnh quen thuộc của mỗi gia đình miền Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về:

“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng, Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt.

Ta ước gì được mãi như thế, Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!”

(Cảnh Tết)

Nếu như mùa xuân được nhà thơ dành nhiều trang viết ưu ái thì ông cũng không quên một mùa hè đặc trưng của vùng đồng chiêm trũng với hình ảnh đóa sen nhú nụ đón hè sang:

“Tạc dạ trì biên sinh nộn hà, Thần song bất giác hạ sơ qua.

Dịch nghĩa:

“Đêm qua, bên ao búp sen đã nhú,

Buổi sáng bên cửa sổ, bất giác đã chớm sang hè”. (Sơn hạ)

Với sự nắm bắt tinh tế, Nguyễn Khuyến đã không quên viết về một mùa hè mới bắt đầu từ sự phát hiện lý thú qua hình ảnh búp sen vừa nhú. Nếu như ở miền Nam, hoa sen thường khoe sắc quanh năm hoặc một số vùng nở vào mùa nước nổi (tháng 8 đến tháng 11), thì ở miền Bắc, sen chỉ nở vào mùa hạ, và thường tàn rất nhanh chỉ sau hơn một tháng nở rộ. Mùa hạ Bắc Bộ, trong những trưa hè oi ả, những đóa sen hồng sen trắng gói trong những lá sen xanh dường như đã trở thành một phần vô cùng thân thiết đối với người dân nơi đây, giúp cho lòng người như dịu lại sau những ngày nóng bức mệt mỏi với những xô bồ của cuộc sống. Đây cũng chính là một trong những cách mà tác giả nắm bắt thần thái của hồn Việt thông qua cảnh sắc mùa hạ ở vùng Bắc Bộ. Câu thơ của Nguyễn Khuyến cũng gợi nhắc ta nhớ đến một số câu thơ khác của các thi nhân trong văn học trung đại cũng đề cập đến hình ảnh sen khi miêu tả phong cảnh bốn mùa như:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.”

(Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm) “Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.” (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Hạ đến, ngoài hình ảnh sen nở tinh tế thì còn không thể thiếu tiếng ve kêu râm ran trên các vòm lá. Tiếng ve gọi hè chính là bản hợp tấu mộc mạc rất đỗi quen thuộc, góp phần tạo tác nên một mùa hè hoàn hảo:

“Xuân tàn oanh lão hạ sơ tình, Hà xứ thiền cầm tự chuyển thanh. Tả thử tân thanh truyền thụ cấp, Thừa phong cao điệu nhập vân kinh”.

Dịch nghĩa:

“Xuân hết, oanh già, trời hè vừa chớm, Từ đâu khúc đàn ve cất lên trong vắt.

Âm thanh mới cuộn nóng hè, lan nhanh trên cây, Giọng cao vút lướt theo gió, nhẹ cuốn vào mây”.

(Thiên cầm)

Trong số rất nhiều những bài thơ tả cảnh bốn mùa vùng quê Bắc Bộ, những trang thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến luôn mang nét hấp dẫn riêng và đi sâu vào lòng người đọc. Bộ ba chùm thơ Thu miêu tả thiên nhiên bao la của những ngày thu muộn, có ao nước trong veo lóng lánh bóng trăng, có đom đóm “lập loè ngõ tối” đã tạo nên ba bức tranh đặc sắc về cảnh thu Việt Nam đậm phong vị vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở Thu điếu, đó là một bức tranh thủy mặc xinh xắn mở ra trước mắt là cảnh vật thiên nhiên nơi làng quê: có ao thu, thuyền câu, dòng nước biếc, bầu trời xanh ngắt…:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng biếc theo làn hơi gợi tí, Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt, Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo”.

Ngõ trúc là một hình ảnh rất đặc trưng cho cảnh làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ quá đỗi thân quen và dường như đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc sống hàng ngày. Trong phạm vi rộng gồm làng, cổng làng, đình làng thì ở phạm vi thu hẹp hơn, ngõ trúc hay ngõ xóm quanh co hai bên trồng trúc xanh mướt là một hình ảnh không thể thiếu, là nơi diễn ra các hoạt động gặp gỡ, vui chơi, là nơi tạo ra không gian sống động cho cộng đồng sinh sống trong làng. Yêu thay dáng trúc thẳng thắn với tán lá xanh biếc như bầu trời thu kia. Đâu dễ có được hình ảnh thơ thuần Việt tuyệt đối ấy nếu không có một tình yêu quê đằm thắm thiết tha, cộng với ngòi bút tả thực tài hoa và sự thuộc hiểu nét đẹp văn hóa quê hương của tác giả. Trong bài Thu vịnh, Nguyễn Khuyến cũng nhắc đến hình ảnh cần trúc và bầu trời thu xanh ngắt:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”.

(Thu vịnh)

Hay như trong bài Thu vũ, ông cũng đặc tả không gian tiết trời cuối thu của vùng quê Bắc Bộ khi chuẩn bị đón đông sang bằng những cơn mưa nhẹ xen lẫn ngọn gió đầu đông se lạnh:

“Bán yểm sài phi tọa vãn thu, Phong phong vũ vũ sử nhân sầu”.

Dịch nghĩa:

“Cuối thu, ngồi bên cửa sài hé mở, Gió gió, mưa mưa, làm dạ thêm sầu”.

(Thu vũ)

Mùa thu được coi là thời điểm đặc biệt trong năm vì nó dễ gợi hứng cho các hồn thơ cất cánh.Có thể điểm qua một vài áng thơ về mùa thu tiêu biểu của các thi nhân trong dòng văn học trung đại Việt Nam như:

“Hoàng diệp mãn đình thu quá bán Thanh đăng hòa vũ dạ tam canh.”

Dịch nghĩa:

“Thu tím sân vườn đầy lá rụng

Đèn xanh mưa móc lạnh canh thâu.”

(Đêm thu ở đất khách – Nguyễn Trãi) “Hương canh gác Vân thu lạnh lạnh

Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh.”

(Bảo kính cảnh giới, bài 31- Quốc Âm thi tập – Nguyễn Trãi) “Lác đác ngô đồng mấy lá bay

Tin thu heo hắt lọt hơi may.”

(Lại vịnh cảnh mùa thu – Hồng Đức Quốc âm thi tập) “Vườn xưa san sát cúc vàng rơi.”

(Hoa cúc – Huyền Quang Thiền sư) “Thu nguyệt sáng soi thông tử phủ.”

(Thơ Nôm, bài 90 – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Điều đó cho thấy, từ xưa đến nay các thi nhân viết về mùa thu rất nhiều và những bài thơ hay viết về mùa thu cũng không ít nhưng nói đến cảnh sắc mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ người ta vẫn luôn xếp ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến ở vị trí quán quân.

Có thể nói, cảnh sắc bốn mùa trong thơ thiên nhiên của Nguyễn Khuyến không chỉ chứa đựng bao nhiêu tình ý mà còn tái dựng lại một cách chân thực và tinh tế cảnh trí thuần chất Việt. Với sự thuộc hiểu và lối miêu tả tận tường chi tiết, không gian thiên nhiên bốn mùa vùng quê Bắc Bộ hiện lên sinh động rõ nét, mang đủ sắc màu đa dạng, với những hương vị, màu sắc, đường nét, sức sống như nó vẫn tồn tại, mà ủ kín trong đó là cái hồn muôn đời của con người, đất nước Việt Nam. Và như một lẽ tất nhiên, nếu không đắm mình, không yêu tha thiết không gian văn hóa đậm chất Việt ấy, nhà thơ hẳn sẽ không thể dệt nên những vần thơ thấm đẫm chất văn hóa Việt như thế.

Qua các phân tích nói trên, chúng tôi còn nhận thấy văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng của học thuyết Nho – Phật – Đạo nên có chung một mô

hình vũ trụ, xem vũ trụ như một bản thể tồn tại. Vì vậy, không gian nghệ thuật trong thơ ca trung đại chủ yếu là không gian vũ trụ mang tính ước lệ tượng trưng, gợi nhiều hơn tả và được tạo thành bởi nhật, nguyệt, mây, sao, trăng, chim muông, cỏ cây… Theo dòng chảy của thời gian, đến cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Khuyến đã xây dựng nên một không gian vũ trụ mang phong vị đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ, được “trần tục hóa”, “thế tục hóa” gắn với sinh hoạt đời thường và hiện thực xã hội. Với thủ pháp nghệ thuật đắc dụng là nghệ thuật miêu tả và bút pháp tả thực đã giúp Nguyễn Khuyến lột tả được không gian vũ trụ gắn liền với nét đẹp văn hóa làng quê Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng được xem là cội nguồn nuôi dưỡng nét đẹp văn hóa Việt miêu tả trong không gian vũ trụ chính là không gian thiên nhiên. Trong thơ Nguyễn Khuyến, không gian thiên nhiên không chỉ hình thành dựa trên các địa danh có thực như: hồ Hoàn Kiếm, núi Tam Điệp, núi Dục Thúy… mà ông còn không quên sử dụng các hình ảnh tiêu biểu vốn có từ ca dao dân gian xưa như không gian trăng, không gian mùa thu vùng Bắc Bộ, cho đến không gian rộng lớn của mây trời… Với biệt tài xây dựng không gian làng quê sinh động, chân thực, Nguyễn Khuyến đã thành công khi sử dụng những âm thanh, đường nét tinh tế, màu sắc hài hòa, hình khối đa dạng để tác tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy thi vị mang vẻ đẹp của làng quê Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 44 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)