Các phong tục, tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 62 - 67)

7. Bố cục

2.2.4. Các phong tục, tập quán

Để hiểu một tộc người, trước hết phải hiểu về các phong tục, tập quán trong đời sống tinh thần của họ, bởi đó là các yếu tố gắn liền với sự ra đời của mỗi tộc người, làm nên bản sắc riêng phân biệt giữa các tộc người với nhau. Theo đó, tìm hiểu các phong tục, tập quán ở các giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời con người là một hướng tiếp cận trực tiếp vào cốt lõi của đời sống tâm hồn, đặc biệt là đời sống tâm linh. Ẩn sau các lễ thức đó bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố văn hóa phản ánh thế giới tinh thần của tộc người trong suốt tiến trình hình thành và phát triển.

Trong thơ Nguyễn Khuyến, nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp được ông nhắc đến một cách trân trọng và đi vào thơ ông rất đỗi tự nhiên, chân thực. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, thơ Nguyễn Khuyến được xem như cuốn sách ghi chép khá đầy đủ những phong tục tập quán tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ở làng xã, nguyên lý tuổi tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xã hội nông thôn truyền thống. Vì thế, tục lên lão là phong tục thể hiện việc coi trọng các bậc lão làng, vinh danh và được hưởng những đặc quyền riêng biệt:

“Ông chẳng hay ông tuổi đã già Năm mươi ông cũng lão đây mà!”

(Lên lão)

Tục lên lão thường được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng

năm. Vào ngày này, các cụ bô lão trong làng đến 50 - 60 tuổi thì làm lễ tế ở

đình làng gọi là lễ lên lão. Lên lão không chỉ là tin mừng của một cá nhân, đó

còn là việc vui của cả làng. Trong không khí nghỉ ngơi, vui chơi của tháng giêng, tiệc mừng lên lão cho các cụ cao tuổi cũng là dịp để cả làng cùng nhau tề tựu, chia sẻ tinh thần cộng đồng gắn kết trong làng xã.

Ngoài việc chúc bản thân mình, cũng có nhiều bài thơ được Nguyễn Khuyến làm để chúc mừng người trong cùng làng được thêm tuổi thọ:

“Nay mừng ông lão tám mươi,

Ấy dân Hoài Cát hay người Đường Ngu, Nhởn nhơ kích nhưỡng khang cù,

Thiều quang chín chục, xuân thu tám nghìn”. (Chúc người làng thọ tám mươi)

Đọc thơ Nguyễn Khuyến, người đọc có dịp chiêm nghiệm nhiều phong tục cổ truyền vốn có từ xa xưa chứa đựng tính nhân văn cao đẹp. Nếu như người già có tục lên lão thì theo lễ giáo xưa, con trai đến tuổi hai mươi được làm lễ đội mũ:

“Cha trải cuộc đời gió bụi, tóc đã đốm bạc dần, Con nay cũng đã đến tuổi đội mũ”

(Ngày xuân dạy con)

Việc tổ chức lễ đội mũ cho con trai mang ý nghĩa trân trọng, khẳng định sự trưởng thành và có khả năng làm trụ cột gia đình đối với mỗi người con trai. Xuất phát từ địa vực cư trú và bản chất của nền văn minh lúa nước đã tạo nên nhiều điểm nhấn thú vị trong bản chất của người dân nông thôn: yêu thương, chân tình, thẳng thắn, bản lĩnh… Cho đến ngày nay, truyền thống trọng tuổi tác

vẫn còn được lưu giữ, và dù thể thức ít nhiều thay đổi theo thời gian nhưng về cơ bản, tinh thần cộng đồng, nét đẹp văn hóa của nó vẫn được duy trì, gìn giữ.

Một trong số các phong tục phổ biến được Nguyễn Khuyến đặc tả trong thơ đó là phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc. Bởi nông thôn Bắc Bộ gắn liền với đời sống nông nghiệp quanh năm nên ngày Tết đối với người dân rất quan trọng. Tết là ngày vui sum họp gia đình, là ngày người dân cho phép bản thân nghỉ ngơi, vui chơi, gạt bỏ mọi công việc đồng áng chất chồng. Cũng từ đây, nhiều nét văn hóa độc đáo cũng được biểu hiện rất rõ qua không khí những ngày cuối năm như thịt chung con lợn, gói bánh chưng – sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước:

“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng, Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt”.

(Cảnh Tết)

Trong thời khắc giao thừa chuyển năm, các làng Việt xưa vẫn hay có tục lệ đánh trống mừng xuân sang và khai bút đầu năm. Những lời chúc mừng năm mới, những câu đối xuân mang ý nghĩa tốt đẹp ra đời, báo hiệu cho một năm mới thật nhiều thắng lợi, hanh thông được Nguyễn Khuyến nhắc đến qua bài thơ

Khai bút, với tiếng trống làng “ình ịch”, những chén rượu ngon, hình ảnh “Bút

mới xô tay thử mấy hàng”… Tất cả đều hiện lên vô cùng sinh động và thấm đẫm tinh thần nhân văn, cố kết cộng đồng cao đẹp.

Hòa với không khí vừa sinh động vừa linh thiêng chào đón năm mới còn là tiếng pháo râm ran nổ khắp mọi nơi. Trẻ em thích reo hò, người già trầm ngâm bởi thời gian đang dần trôi qua, quy luật sinh tử đang tới thật gần:

“Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ, Tóc râu thêm sợ tuổi trời cao”.

(Ngày xuân gửi cho bạn)

Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, phong tục ngày xuân không thể thiếu mà Nguyễn Khuyến nhắc đến là hát chèo – một loại kịch hát dân ca cổ truyền bắt nguồn từ dân ca. Hình thức diễn xướng này phát triển mạnh ở miền Bắc Việt Nam, mà trọng tâm là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Được coi là loại hình sân khấu

sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với lối nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình, hát chèo đã trở thành nơi gửi gắm những nỗi niềm cảm xúc của người dân lao động trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, trong xã hội rối ren nửa Tây nửa ta, hình thức diễn xướng truyền thống này đã bị bóp méo và trở thành trò vui cho lũ quan tham vô lại:

“Bà quan tênh nghếch xem bơi trải, Thằng bé lom khom ghé hát chèo”.

(Hội Tây)

Cùng với sự hình thành lâu đời của các phong tục truyền thống, là các tập quán được định danh lâu đời của người Việt trên mỗi chặng đường phát triển. Đó vốn là những thói quen lâu đời được xem như một dấu ấn, một điểm nhấn tạo thành nề nếp trật tự trong lối sống của một cộng đồng dân cư nhất định. Đối với cư dân vùng lúa nước, một trong những tập quán canh tác lâu đời đó là nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần túy. Nó hình thành tâm lý ứng xử của cư dân trong khu vực đối với các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt hàng ngày. Vùng đồng bằng Bắc Bộ vốn là thung lũng thấp hoặc bằng phẳng, nên hàng năm cứ đến mùa lũ, người dân lại lo sợ nước ngập đồng:

“Cấy lúa ở ruộng thấp sợ lại mất không” (Mưa thu)

Bởi thiên tai khắc nghiệt nên hoạt động canh tác trồng lúa chịu ảnh hưởng nặng nề. Có những năm mất mùa, nông dân lại sống trong cảnh bần cùng:

Hạn thậm đông tiền cốc bất thu, Thê phong kim hạ lãnh như thu”.

Dịch nghĩa:

“Vụ đông trước vì đại hạn nên mùa đã mất, Vụ hạ này lại gió rét, lạnh như mùa thu”.

(Hung niên)

Với sự thuộc hiểu và thành thạo công việc gieo trồng hàng ngày, nên người nông dân luôn có kinh nghiệm trong việc theo dõi thời tiết, cày cấy cho đến công đoạn chăm sóc lúa má sao cho cuối vụ thu hoạch có thể đạt được năng suất tốt nhất:

“Thu đa thử khí hòa tiên thục, Vũ thấp sa điền vị khả canh”.

Dịch nghĩa:

“Mùa thu nóng nhiều lúa đồng chín sớm, Mưa ẩm ruộng cát vẫn chưa thể cày”.

(Kinh đề sơ phát)

Rõ ràng, không chỉ nhắc đến công việc đồng áng một cách thành thạo, trong thơ Nguyễn Khuyến còn chứa đựng tâm trạng âu lo thâm căn cố đế của cư dân nông nghiệp.

Trong các tập quán sinh hoạt của người dân vùng Bắc Bộ, tập quán ăn uống là một trong những phạm trù quan trọng bởi nó không chỉ là hoạt động mang tính sinh học nhằm duy trì sự sống mà còn kết tinh nét văn hóa ẩm thực của cả cộng đồng. Khi tổ chức tục lên lão cho các cụ già trong làng xã, gia đình thường làm mâm cỗ thiết đãi anh em, bạn bè, hàng xóm. Tập quán này từ xưa đến nay vẫn được duy trì nguyên bản:

“Anh em, làng xóm xin mời cả, Giò bánh, trâu heo cũng gọi là!” (Lên lão)

Cũng trong ngày tổ chức tục lên lão, các cụ già đã chính thức được phong lão sẽ được miễn mọi việc đóng góp trong phe giáp, hưởng mọi quyền lợi ăn uống ở chốn đình trung và phần lễ biếu khi có tuần tiết. Vì thế, là một người đã được phong lão, Nguyễn Khuyến tự thán bằng giọng thơ vô cùng hào sảng rằng:

“Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ? Có rượu thời ông chống gậy ra”.

(Lên lão)

Tầng sâu văn hóa Việt còn thể hiện ở tập quán uống – nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, mâm cơm ngày tết lễ, ngày thường,… thì không thể thiếu thức uống quan trọng đó là rượu. Đây chính là một nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt nhằm thể hiện tấm lòng hiếu khách, sự hòa hảo:

“Cách giậu mời ông hàng xóm chén, Chuyện tràn thóc lúa với tằm tơ”.

(Giải buồn)

Trong niềm vui hân hoan khi gặp lại người bạn tri kỷ, chén rượu là thức uống không thể thiếu để nhà thơ mời bạn:

“Suốt ngày nhắp chén, ngại cuốn rèm lên, Nghe tin ông đến, chén lại mừng thêm”.

(Quan Thượng thư Châu Giang họ Bùi từ kinh về, muốn đến thăm rồi thôi làm thơ gửi). Ở mỗi làng xã nông thôn xưa, khi chưa có loa để sử dụng thì các chức dịch trong làng thường sai một người gọi là Mõ, cầm cái mõ đi khắp ngõ xóm để thông báo tin tức nào đó của làng như đôn đốc thuế khóa, hộ đê… Cứ như vậy dần trở thành thông lệ quen thuộc:

“Ngày xưa khi làng vào đám, Mõ rao khắp cả xóm:

Rằng lớn bé phải ngồi theo thứ tự…” (Ăn mày ngày đám)

Đã từ lâu, dòng mạch văn hóa Việt cổ của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ được định hình qua các phong tục tập quán, lề thói quen thuộc trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Trân trọng những giá trị truyền thống, học hỏi truyền thống, Nguyễn Khuyến đã phác họa bức tranh phong tục, tập quán đa sắc màu, sinh động có tự ngàn xưa. Cũng từ những tiền đề này mà thơ ca giai đoạn sau, ông đưa ra vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và sự biến đổi truyền thống diễn ra trong cuộc sống làng quê trước bối cảnh nước mất. Đó cũng là luận điểm chúng tôi sẽ đề cập đến trong phần sau luận văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa việt trong thơ nguyễn khuyến (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)