7. Bố cục
2.2.3. Sinh hoạt lao động, sản xuất
Nguyễn Khuyến thực sự là nhà thơ của nông thôn, không phải chỉ là nhờ những bài thơ tả cảnh, mà là tình cảm của ông đối với những người dân chân lấm tay bùn. Ông thật sự cảm thông và thấu hiểu đời sống cực nhọc của người dân vất vả một nắng hai sương, luôn chịu cảnh bữa no bữa đói. Bởi lẽ đó, ông đã hướng ngòi bút và tình cảm sâu sắc của mình cho việc miêu tả cảnh sinh hoạt lao động, sản xuất ở thôn quê qua những vần thơ thấm đẫm tính nhân văn cao đẹp.
Cội nguồn văn hóa vật chất trong thơ ông khởi nguyên từ hoạt động canh tác theo vụ mùa. Đến với vùng đồng chiêm trũng nơi quê hương ông, hình ảnh dễ nhận biết trước tiên đó là “cày cấy”, “thả cá, nuôi gà”, “trồng rau”…:
“Ao sâu nước cả, khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. (Bạn đến chơi nhà)
Đây vốn là những nguồn lương thực chính trong cuộc sống của người dân, cho thấy đời sống kinh tế - vật chất của họ rất đạm bạc, giản dị nhưng lại mang nhiều sắc thái độc đáo phù hợp với tâm lý người bản địa. Nét văn hóa vật
chất mang đậm hồn Việt này chính là sản phẩm của chứng tích lịch sử, đại diện cho một nền văn minh lúa nước lấy hoạt động trồng trọt làm hình thức canh tác chủ yếu, được hình thành qua nếp gấp từ các cuộc thiên di, và cho đến nay, những người kế cận như Nguyễn Khuyến vẫn còn lưu giữ diện mạo đó trong cả thơ ca lẫn ngoài đời thực.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ là nơi cư trú của người Việt cổ, cũng là nơi hình thành nền văn minh lúa nước nguyên mẫu. Vì thế, từ ngàn đời nay, cây lúa đã sớm gắn bó với con người, làng quê Việt Nam. Là một người con vùng Bắc Bộ, Nguyễn Khuyến thuộc hiểu mọi sinh hoạt lao động, sản xuất ở quê hương mình, từ cách lựa chọn loại hình canh tác, đến những giai kỳ chăm sóc, thu hoạch vụ lúa. Mỗi một câu thơ viết về công việc đồng áng là một sự cẩn trọng, nâng niu, đồng cảm, cùng lo với nỗi lo của người dân một nắng hai sương phơi mình ngoài đồng ruộng:
“Mỗi khủng đê điền cốc bất thu”
Dịch nghĩa:
“Lúa cấy ở ruộng thấp, sợ lại mất không”. (Thu vũ)
Ông còn chỉ ra nguyên nhân lúa chín muộn:
“Hàn đa tân cốc vãn”
Dịch nghĩa:
“Rét nhiều nên lúa mới bị muộn” (Tức sự)
Hay như:
“Vụ đông trước vì đại hạn nên mùa đã mất, Vụ hạ này lại gió rét, lạnh như mùa thu”.
(Năm mất mùa)
Hẳn phải là một người thật sự am hiểu lao động cấy cày nơi làng quê và thật sự yêu tha thiết từng bông lúa, từng gốc rạ thì Nguyễn Khuyến mới có thể viết nên những vần thơ chân thật, sống động đến như vậy.
Đôi khi, ông còn bỏ lớp áo nhà Nho để trở thành một lão nông thuần chất, làm thuần thục một cách hăng say, cẩn trọng từng công đoạn cày cấy, gieo trồng:
“Sở dĩ điền nhĩ điền, Nhi thực diệc cầu bão. Duy thị bảo ngô bảo, Thâm canh dĩ khởi thổ. Di nâu dĩ trừ thảo, Phấn chi trạch như cao. Vân chi tĩnh như tào, Trú dạ bất hoang hưu”.
Dịch nghĩa:
“Cho nên ta cày ruộng của ta, Chỉ là báu cái vật báu của ta. Cày sâu để xới đất,
Bừa kỹ để trừ cỏ.
Bón phân cho đất thêm màu, Làm cỏ cho đất sạch sẽ.
Ngày đêm không kịp nghỉ ngơi,
Tâm lực khôn khéo bao nhiêu dốc ra hết”.
(Điền gia tự thuật)
Bởi không còn sự phân biệt giữa nhà nho và người nông dân trong suy nghĩ nữa, cho nên khi thôn quê vào vụ mùa, ông cũng coi đó là công việc chính của mình, cũng bận rộn luôn chân luôn tay như một người nông dân thực thụ:
Thử khí viêm chưng hạ nhật trường, Nho gia điền sự thái phân mang.
Dịch nghĩa:
Hơi nắng nóng nực, ngày mùa hè dài, Mùa màng đến nhà nho rất là bận rộn. (Quan hoạch)
Về cơ bản, hoạt động sản xuất, lao động ở thôn quê là biểu hiện sinh động của một nền kinh tế khép kín, do những hạn chế về giao thông và dịch vụ xã hội.
Vì thế, Nguyễn Khuyễn còn chỉ ra cuộc sống người dân vốn đã vất vả nay càng khổ sở hơn bởi cái đói nghèo đeo bám:
“Tân thiều đán đán mãn thiên sương,
Thán tức nhân cùng tuế hựu hoang”.
Dịch nghĩa:
“Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương, Than nỗi người đã nghèo mà mùa lại mất”. (Xuân bệnh)
Thơ ông còn ghi lại những cảnh thiên tai địa ách, đói rét, ngoại xâm… Giọng thơ những lúc đó trở nên bi thiết như thể ông đang nhỏ lệ trước số phận của cộng đồng, mà ở đó ông là một thành viên không tách rời:
“Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi, Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi! Gạo dăm ba bát cơ còn kém
Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi… Đi đâu cũng thấy người ta nói:
Mười chín năm nay lại cát bồi” (Nước lụt Hà Nam)
Những nét đẹp văn hóa được Nguyễn Khuyến đan cài qua các hoạt động sản xuất ở vùng quê Bắc Bộ với công việc cấy cày, trồng trọt đơn thuần theo thời vụ. Cùng với đó, ông chỉ ra những thách thức của thời tiết đối với cỏ cây, con người, đồng thời khẳng định sự thích ứng phương thức canh tác trên địa hình khắc nghiệt. Cũng chính từ đây mà cách thức canh tác lâu đời được gìn giữ đến ngày nay, mang đậm hơi thở, linh hồn của văn hóa cổ người Việt và là hiện thân tiêu biểu của một nền văn hóa vật chất rực rỡ.
Qua phân tích có thể thấy, nếu như không gian trong văn học trung đại thường là không gian mang tính ước lệ, tượng trưng, mang tính gợi hình, gợi cảm giác mênh mông thì Nguyễn Khuyến lại mang đến một không gian đa chiều của cuộc sống sinh hoạt giàu tính sáng tạo đã được thế tục hóa. Ông bám sâu vào hiện thực đời sống để phản ánh chân thật những nỗi nhọc nhằn vất vả trong lao động sản xuất của người nông dân. Nguyễn Khuyến khám phá, phát hiện,
chiếm lĩnh không gian trần tục đời thường nơi làng quê thôn dã thông qua nhiều góc nhìn đa dạng mà ở đó, cuộc sống làng quê hiện lên mộc mạc, thô ráp, nguyên sơ, bình dị nhưng thấm đẫm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt được hình thành qua bao thế hệ. Không gian làng cảnh Bắc Bộ hiện lên đầy đủ với những loại cây hoa màu gắn liền với đời sống lao động sản xuất “Cải chửa ra cây cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa” (Bạn đến chơi nhà), một khóm lúa, một cây bèo cũng mang dáng dấp của hồn quê sông núi “Bèo nổi lênh đênh đầu nội sạch/ Lúa chìm sâu thẳng cánh đồng không” (Lụt chèo thuyền
đi chơi), đến một mảnh vườn nho nhỏ cũng đủ để thể hiện không gian làng quê
đậm chất Bắc Bộ “Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà” (Bạn đến chơi nhà)… Từ không gian vật chất tồn tại khách quan trong bức tranh vũ trụ rộng lớn, Nguyễn Khuyến đã vẽ lên bức họa tuyệt vời về hoạt động lao động sản xuất vừa sinh động, chân thực, mộc mạc, gần gũi, yên bình vừa mang đậm phong vị làng quê Việt điển hình, khác hoàn toàn với lối đi của thơ cũ trước đó. Chính vì thế, thơ ông đã làm nổi bật lên bức tranh sinh hoạt đậm chất văn hóa Việt thông qua hoạt động lao động sản xuất.