5. Kết cấu của đề tài
4.3.4. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn
Thủ tục vay vốn phức tạp đang làm cản trở người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều nông dân khi làm thủ tục vay gặp rất nhiều vướng mắc bởi các yêu cầu của ngân hàng, từ phương án kinh doanh có khả thi, đến tài sản thế chấp, khả năng trả nợ. Do đó, để người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay này thì ngân hàng cần có các biện pháp đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cụ thể là:
- Tiếp tục cải tiến phương thức cho vay vốn của ngân hàng theo hướng giảm bớt các thủ tục phiền hà, bảo đảm hộ dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng, thuận tiện, để hạn chế việc phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Tập trung vào đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ nông dân theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Qua đó xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.
- Tiếp tục đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thông thoáng hơn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông thôn, ngân hàng cần rà soát và hoàn thiện hồ sơ tín dụng theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ như: áp dụng các sản phẩm tín dụng với hình thức đơn giản, phù hợp cho người sản xuất, như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) thay vì người vay phải đến trụ sở ngân hàng, áp dụng cho vay qua sổ đối với những khoản vay dưới 50 triệu đồng. Những giải pháp này sẽ giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận hơn với vốn vay ngân hàng.
- Về điều kiện vay vốn, thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, ngân hàng cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế
chấp để vay vốn ngân hàng như: tài sản trên đất (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm của hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp và hợp tác xã.
- Xác định mức lãi suất phù hợp: người nghèo - đối tượng phục vụ chính của các chương trình tín dụng nông thôn thường được cho là không đủ sức trả lãi theo mức lãi suất thị trường. Do vậy, lãi suất cho vay thường được trợ cấp rất nhiều (thấp hơn lãi suất phổ biến trên thị trường) và thường được ấn định ở mức thấp hơn mức lạm phát, khiến cho lãi suất thực tế có giá trị âm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tín dụng được trợ cấp không phải là chìa khóa cho thành công của tài chính ở cơ sở. Nhu cầu chính của người nghèo, là dễ dàng và nhanh chóng vay được vốn và chi phí giao dịch thấp (thủ tục đơn giản và nhanh chóng nhận được tiền), chứ không phải tín dụng giá rẻ. Do vậy, để bảo đảm khả năng phát triển bền vững về dài hạn, một chương trình tín dụng cần phải áp dụng lãi suất đủ để trang trải chi phí hoạt động cũng như bảo vệ giá trị thực của nguồn vốn.