5. Kết cấu của đề tài
3.4.2. Một số hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
3.4.2.1. Một số hạn chế
- Mặc dù nguồn vốn huy động đã tăng liên tục qua các năm, nhưng vốn cho vay vẫn còn ở mức hạn chế và chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ dư nợ/tổng vốn huy động chỉ đạt trung bình 79,6%. Điều này cho thấy chi nhánh chưa sử dụng hiệu quả toàn bộ nguồn vốn huy động, gây lãng phí.
- Các sản phẩm tín dụng cung cấp cho khu vực nông thôn chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như cho vay theo món, cho vay hạn mức. Các sản phẩm tín dụng chuyên biệt cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ gồm cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản. Hình thức cho vay qua tổ nhóm đôi khi còn mang tính hình thức, sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm không cao và trách nhiệm của nhóm trưởng chủ yếu chỉ là đại diện.
- Dịch vụ bảo hiểm tín dụng nông nghiệp mặc dù đã được triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Số tiền bảo hiểm trung bình tính trên một khách hàng đang có xu hướng giảm qua các năm. Bên cạnh đó, số tiền bảo hiểm trên tổng số tiền cho vay và số khách hàng mua bảo hiểm trên tổng số khách hàng vay vốn còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
- Theo quy định hiện nay, muốn vay vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn, người dân cần phải có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, việc lập cũng như thẩm định các dự án đầu tư khả thi còn hạn chế, điều này được minh chứng qua việc coi tài sản thế chấp là cơ sở đảm bảo tiền vay duy nhất, lấy đó để xác định mức cho vay dù dự án kinh doanh có hiệu quả hay không. Khi nguồn vốn đến tay người dân, mùa vụ đã đi qua, không những ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, mà còn khiến cho vốn của ngân hàng bị ứ đọng.
- Một số cán bộ tín dụng vẫn còn tâm lý ngại cho nông dân vay vốn, chỉ muốn phục vụ những khách hàng vay tiền với số lượng lớn.
- Vẫn còn tình trạng người nông dân vay vốn nhưng sử dụng không đúng mục đích như trong hồ sơ vay vốn ghi để hoạt động sản xuất kinh doanh, để mua sắm trang thiết bị nhưng thực tế lại dùng số tiền vay được từ ngân hàng để trả nợ, mua xe máy hoặc các thiết bị gia dụng khác dẫn tới không có phương án trả nợ khi đến hạn trả nợ ngân hàng.
- Thực tế, nông dân rất cần vốn nhưng không vay được vốn. Nguyên nhân là do thủ tục phức tạp, vướng mắc liên quan đến tài sản thế chấp. Nhiều
nông dân khi làm thủ tục vay gặp rất nhiều vướng mắc bởi các yêu cầu của ngân hàng, từ phương án kinh doanh có khả thi, đến tài sản thế chấp, khả năng trả nợ... Nhiều khi, nông dân có tài sản thế chấp nhưng ngân hàng định giá lại rất thấp so với giá trị thực nên không đủ điều kiện để vay.
- Thời gian qua, việc phối hợp giữa ngân hàng với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Lâm Thao trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn chưa được chặt chẽ. Hầu như, công tác triển khai chỉ do các ngân hàng thực hiện vì đơn vị này trực tiếp cho khách hàng vay vốn.
3.4.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
- Mặc dù đã mở rộng được quy mô khách hàng nhưng khách hàng chủ yếu là cá nhân, lượng vốn vay nhỏ. Khách hàng có số lượng vay trên từng khoản vay lớn hơn như doanh nghiệp thì nhóm khách hàng này lại hầu như không tăng, hay trong giai đoạn 2014-2016, chi nhánh cũng chưa cho được một hợp tác xã nào vay vốn mặc dù trên địa bàn huyện hiện này đã có nhiều hợp tác xã đang hoạt động. Trong thời gian tới, chi nhánh cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, mở rộng quy mô khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Hiện nay chưa có quy định rõ ràng về chức năng, quyền hạn cũng như trách nhiệm của các tổ trưởng tổ vay vốn nên hiệu quả vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ, nhóm còn chưa cao. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chưa có cơ chế giám sát hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay cũng như hiệu quả của hoạt động cho vay theo tổ, nhóm.
- Khách hàng vay vốn chưa hiểu hết ý nghĩa của sản phẩm bảo hiểm tín dụng nông nghiệp. Khi vay vốn phải mua bảo hiểm nên chi phí vay vốn tăng lên, làm cho người dân vay vốn không mặn mà với bảo hiểm tín dụng nông nghiệp. Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm và các đơn vị phối hợp trong nhiều trường hợp vẫn chưa chủ động, tích cực triển khai sản phẩm đến với khách hàng.
- Để người nông dân lập được phương án sản xuất kinh doanh bài bản, chứng minh có hiệu quả thực sự là vấn đề nan giải, do đó hiện nay ngân hàng coi đó chỉ là có để đủ điều kiện vay vốn.
- Người nông dân khi vay tiền thường ít hiểu biết về quy trình, thủ tục nên cán bộ ngân hàng cần phải tư vấn nhiều hơn. Bên cạnh đó, nông dân thường vay các khoản tiền nhỏ cho các phương án sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là cho trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, vay vốn để sản xuất nông nghiệp có tỷ lệ cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, hạn chế tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng thường quy định rất nhiều thủ tục để vay vốn cũng như thường định giá tài sản thấp.
- Hiện nay, UBND huyện Lâm Thao chưa ban hành văn bản cụ thể quy định rõ nhiệm vụ của các đơn vị liên quan trong hoạt động tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, do đó giữa các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện chưa có được sự phối hợp kịp thời, đồng bộ làm ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Chương 4
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN
ĐỊA BÀN HUYỆN LÂM THAO, TỈNH PHÚ THỌ