Nghiên cứu về ảnh hưởng của nữ giới trong HĐQT theo Daily và cộng sự (1999) cho rằng, nữ giới góp phần tạo nên tính đa dạng cho HĐQT và hoạt động công ty trở nên hiệu quả hơn. Thành viên nữ trong HĐQT làm tăng tính đa dạng và mang lại nhiều nguồn lực, kiến thức, kỹ năng và thông tin tốt hơn cho HĐQT để thực hiện tốt vai trò của mình. Tuy nhiên mối quan hệ giữa thành viên nữ trong quy mô HĐQT và hiệu quả hoạt động công ty vẫn có nhiều quan điểm khác nhau.
Không phủ nhận vai trò quan trọng của nữ giới trong thành phần HĐQT, theo nghiên cứu của Carter và cộng sự (2003) xác nhận nhiều tình huống quản trị
tích cực khi có sự hiện diện của thành viên nữ trong thành phần HĐQT, tác giả tìm thấy mối quan hệ đồng biến giữa tỷ lệ nữ giới trong thành phần HĐQT với hiệu quả hoạt động công ty. Theo nghiên cứu của Adams và Ferreira (2007) nghiên cứu 1024 công ty ở Mỹ, kết luận có mối tương quan giữa biến động giá chứng khoán và tỷ lệ nữ giới, những công ty có tỷ lệ nữ giới trong HĐQT thấp sẽ có khuynh hướng làm cho giá cổ phiếu công ty biến động hơn và giới hạn nữ giới trong thành phần HĐQT sẽ làm giảm giá trị công ty. Nghiên cứu của Stephenson (2004) nhấn mạnh, nữ giới mang lại các quan điểm khác nhau khi ra quyết định và những quan điểm này rất cần thiết cho HĐQT.
Trái ngược với quan điểm ủng hộ tỷ lệ nữ giới trong thành phần HĐQT sẽ mang lại hiệu quả cho hoạt động công ty, một số quan điểm cho rằng, với một ban điều hành cấp cao có quá nhiều sự khác biệt dẫn đến tính không đồng thuận, sự hợp tác sẽ trở nên khó khăn và tốn nhiều chi phí. Theo Hambrick, Cho và Chen (1996) cho rằng, một HĐQT không nhất quán và đồng nhất sẽ chậm chạp khi ra quyết định, dẫn đến một cơ chế ra quyết định kém hiệu quả, làm ngăn cản sức cạnh tranh của công ty.
Bên cạnh những nhận định cùng chiều cũng như trái chiều về mối quan hệ giữa thành viên nữ trong HĐQT với hiệu quả hoạt động công ty, thì có những nghiên cứu không nhất quán với những quan điểm trên. Trong nghiên cứu của Rose(2007) đối với các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Copenhagen (Đan Mạch), tác giả đưa ra kết luận là không có mối tương quan nào giữa hiệu quả hoạt động công ty và tỷ lệ nữ giới có trong HĐQT. Cho ra kết quả tương tự với nghiên cứu của Marinova và cộng sự (2010) nghiên cứu trên 102 công ty niêm yết ở Hà Lan và Đan Mạch, tác giả cũng không tìm thấy mối liên hệ nào giữa tỷ lệ nữ trong thành phần HĐQT với hiệu quả hoạt động công ty.
Có nhiều quan điểm về mối quan hệ giữa tỷ lệ nữ trong thành phần HĐQT với hiệu quả hoạt động công ty như: có mối quan hệ đồng biến, có mối quan hệ nghịch biếnhay không có mối quan hệ. Tuy nhiên trong đó có nhiều quan điểm tích cực cho rằng nữ giới sẽ giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn.