0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (177 trang)

Truyềnthuyết về những người theo Gióng đi đánh giặc và các lễ hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TRUYỀN THUYẾT VÙNG LỤC ĐẦU GIANG (NGHIÊN CỨU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUẾ VÕ VÀ GIA BÌNH, TỈNH BẮC NINH) (Trang 84 -89 )

Chương 2 GIÁ TRỊ TRUYỀN THUYẾT VÙNG ĐẤT LỤC ĐẦU GIANG

3.1. Truyềnthuyết huyện Quế Võ với lễ hội dân gian về các vị Thánh

3.1.1. Truyềnthuyết về những người theo Gióng đi đánh giặc và các lễ hội

* Truyền thuyết Hồng Thánh Hiển Linh Đại Vương (ông tổ nghề rèn) với lễ hội làng Mai cương (làng Mòi)

Theo lời kể của truyền thuyết thì ông tổ nghề rèn sắt quê ở làng Mai Cương

xã Cách Bi huyện Quế Võ. Ông đã cầm đầu cánh thợ để rèn đúc ngựa cho Thánh Gióng ra trận, vì vậy lễ hội làng Mai cương được tổ chức năm năm một lần. Ngày tổ chức lễ hội là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, trùng với lễ hội đền Hùng, ngày quốc giỗ của đất nước.Không gian tổ chức lễ hội chủ yếu là đình làng và những địa điểm liên quan đến sự kiện đúc ngựa cho Thánh Gióng như khu Đống Dào( bãi xỉ than), Cây táo trong, cây táo ngoài và ao trước cửa đình, lăng mộ của Hồng Thánh ở phía cổng làng.

Phần lễ diễn ra từ ngày mùng 9 tháng 3 những người đại diện cho dân làng làm lễ mở cửa đình và tiến hành làm lễ mộc dục, bao sái tượng Thánh và các đồ thờ tự trong đình, quét dọn sân đình, cổng đình sạch sẽ. Ngày mùng 10 là chính hội, dân làng chuẩn bị lễ vật gồm: một nghìn thoi vàng mã, một tráp trầu cau, một be rượu,một bó hương, xôi một mâm, gà một đôi, nước một bát, sáu mươi trái cây các loại, sáu mươi phẩm oản… để làm lễ Thánh.Trước khi làm lễ tế ở đình làng, nhân dân phải làm lễ rước ngai và rước ngựa của ông Gióng từ chỗ lăng mộ của Hồng Thánh ở cổng làng, đoàn rước đi qua khu vưc Đống Dào, cây táo trong, cây táo ngoài về ao làng trước cửa đình, ở giữa ao làng có ngôi miếu thiêng thờ Thánh Gióng, một vài người phải bơi thuyền ra miếu làm lễ mời Thánh Gióng vào trong đình trung vui với Hồng Thánh và dân làng.Sau đó đoàn rước tiến vào trong đình làng để làm lễ tế Thánh. Chủ tế là bậc cao niên trong làng. Người được chọn làm chủ tế phải là người có học thức, sống hòa đồng, kinh tế gia đình khá giả, các con có đủ cả trai lẫn gái, gia đình không có đại tang. Ngoài ra còn có bồi tế, các bô lão và toàn thể dân làng. Lễ tế diễn ra trong ba tuần hương. Sau lễ rước kiệu và lễ tế chung của cả làng, đến lượt các gia đình trong làng và khách thập phương mang lễ vật vào đình cúng cầu các Thánh. Ngày 11 dân làng lại tổ chức tế giã để kết thúc lễ hội.

Ngoài phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: bắt vịt, đập niêu, đu

cây, hát quan họ, chơi cờ người. Lễ hội mở ra là dịp dân làng tưởng nhớ công lao to lớn của Thánh Gióng và ông tổ nghề rèn tài hoa khéo léo. Chính họ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ vững vàng bờ cõi đất nước.

* Truyền thuyết Thánh Nguyễn Tam Giang và lễ hội đình của ba làng Nghiêm Xá, Nghiêm Thôn, Can Vũ.

Theo lời kể trong truyền thuyết thì anh em Thánh Nguyễn Tam Giang là hai danh tướng họ Nguyễn được cha mẹ sinh ra ở xứ Ngõ Đông thôn Đông Cải xã Can Vũ. Người anh tu ở chùa Dài tên chữ là Kim Hồi Tự, đây là ngôi chùa chung tứ giáp của bốn thôn gồm có: Can Vũ, Nghiêm Thôn, Đỉnh và Thịnh Cầu. Do đó các làng này thờ đức thánh cả. Người em tu ở chùa Hưng Phúc tức Chùa Lớn thôn Nghiêm Xá nên đây là nơi thờ Thánh phụ, Thánh mẫu và đức thánh hai. Thôn Nghiêm Xá có

dấu tích rừng tre và thôn Can Vũ có dấu tích rừng gỗ nơi các Thánh Nguyễn Tam Giang và Thánh Gióng đã đi đánh giặc qua.

Vì vậy ngày xưa ở thôn Nghiêm Xá có ngôi đình rất lớn năm gian hai trái để thờ đức Thánh Hai và cha mẹ của hai Thánh gọi là đình Cả, bên cạnh đình là một

rừng tre rậm, rộng chừng mười mẫu đất. Bốn bên có bốn cái ao, đó là dấu chân ngựa của Thánh Gióng đi qua. Ở giữa rừng có một búi tre cả mọc cao vút như cột cờ. Xung quanh là tre ngà, có gai sắc nhọn, mọc thấp hơn. Trong lùm tre cả giữa rừng còn có một tượng đất hình người đóng khố, cao lớn, vạm vỡ. Cứ sáu mươi năm, rừng tre lại “hóa” một lần vào tiết cuối đông, tre bỗng nhiên vàng rực cả lá, cành lẫn cây, rồi chết rụi đi. Dân làng chặt về làm nhà và các thứ đồ dùng. Nhung sang xuân, tre lại mọc xanh um và không bao giờ tiệt giống. Hằng năm gần đến ngày hội Gióng, người ở Phù Đổng và Sóc Sơn lại về rừng tre chặt Tre mang về vót

que bong cà để rước Gióng và đũa để thờ Gióng. [18, tr 428].

Bên thôn Can Vũ cũng có ngôi đình lớn thờ đức Thánh Cả. Ngoài ra còn có ngôi đình Ba Chạ của ba thôn: Nghiêm Thôn, Thịnh Cầu và thôn Đỉnh, cũng thờ đức Thánh Cả. Theo tục lệ hàng năm cứ vào ngày mùng 8 và 9 tháng 4 âm lịch các làng lại mở hội chung. Vậy là ngày tổ chức lễ hội trùng với hội đền Gióng ngoài Sóc Sơn. Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trong tầng lớp chức sắc của các làng phải cùng nhau họp bàn. Làng Can Vũ có chính đền lại là quê hương của hai đức thánh nên có trách nhiệm chuẩn bị những lễ vật để cúng tế như: xôi, gà, thủ lợn, cà muối, rượu, bánh trái đặc sản của địa phương, hoa quả… Những làng còn lại cũng có lễ vật là thủ lợn, xôi, gà để tế thần.

Sáng ngày mùng 7 các làng làm lễ mở cửa đình và lễ mộc dục là lễ dùng nước sạch và nước thơm để tắm rứa tượng Thánh và bài vị của Thánh. Sau lễ mộc dục là lễ tế gia quan tức là lễ mặc áo và đội mũ cho tượng Thánh. Đó có thể là mũ áo Thánh được triều đình phong tặng theo chức tước, phẩm hàm đương thời hoặc áo mũ được đặt làm ở các hàng mã. Lễ tế gia quan được tiến hành sau khi mọi người đã mặc áo mũ xong cho tương Thánh, các cụ cao niên trong làng sẽ làm lễ tế bằng một tuần hương trước long kiệu Thánh. Hai lễ tế quan trong của ngày mùng 7 chỉ cần số lương nhỏ người tham gia, đó là những người cẩn thận, có hiểu biết.

Sáng ngày mùng 8 tháng 4 tất cả các làng đều phải rước kiệu từ đình làng mình đến tập trung tại sân đình Can Vũ để cùng tế lễ và mở hội. Đoàn rước kiệu của các làng rất long trong đi đầu là các loại cờ như: cờ tiết, cờ mao, cờ ngũ hành, cờ tứ linh, cờ bát quái. Tiếp theo là những người khiêng trống và cầm chiêng khua, sau đó là bát bửu, long đình, kiệu bát cống… Người rước là những trai đinh của các làng. Khi các đoàn rước đã tập trung đông đủ tại sân đình làng Can Vũ theo thứ tự kiệu của các làng được rước vào trong đền, các quan viên của các làng cùng vào cúng tế. Hai làng Nghiêm Xá và Nghiêm Thôn còn phải chuẩn bị một đội quân cờ người, có đủ tướng cờ và quân cờ, mặc trang phục đẹp để thi đấu với nhau. Đội quân cờ này tương trưng cho đội quân của Thánh Gióng đi đánh giặc. Trong những ngày hội Thánh Nguyễn Tam Giang sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: hát quan họ, diễn chèo vào buổi tối, thi đấu vật, chọi gà, đu cây, bịt mắt bắt dê… thu hút rất đông người đến tham gia.

Tuy nhiên do thời gian và chiến tranh nên lễ hội Thánh Nguyễn Tam Giang ngày nay cũng bị biến đổi. Đình làng Nghiêm xá bị phá hủy trong chiến tranh, rừng tre cũng bị chặt phá lấy mặt bằng xây bệnh viên huyên nên không còn dấu vết. Nhân dân Nghiêm Xá đưa Thánh phụ, Thánh mẫu và đức Thánh Hai về thờ ở chùa. Lễ hội mở hàng năm vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch. Đình làng Can Vũ vừa đực xây dựng lai năm2009. Rừng gỗ cũng bị chặt phá biến thành đồng ruộng với cái tên Bãi Rừng. Ngôi đình Ba Chạ bây giờ thuộc địa phận lang Nghiêm Thôn. Các thôn Đỉnh và Thịnh Cầu cũng xây dựng đình mới. Lễ hôi lệ vẫn tổ chức hàng năm trong phạm vi nhỏ của từng làng, còn lễ hội lớn được tổ chức bốn năm một lần. Chỉ còn các làng: Can Vũ, Đỉnh, Thịnh Cầu, Nghiêm Thôn tổ chức lề hội chung vào ngày mùng 8, 9 tháng 4 âm lịch.

* Truyền thuyết các Thánh con của Hán Công, Trần Chiêu với lễ hội ở bốn làng Tỏi của xã Chi Lăng

Ngày xưa cả bốn làng này đều có ngôi đình lớn. Đình làng Tỏi Đồng thờ người con trai cả của Hán Công là Bạch Long Đại Vương. Đình làng Tỏi Mão thờ người con trai thứ hai của Hán Công là Tây Giang Đại Vương. Đình làng Tỏi Thủy thờ người con trai thứ ba của Hán Công là Thiên Quan Đại Vương. Đình làng Mai

Thôn thờ người con trai thứ tư của Hán Công là Quý Minh Đại Vương. Ngoài ra còn có một ngôi đền Bà nằm ở rìa sông Đuống thờ Quý Nương - Trinh Uyển công chúa cô con gái út của Hán Công. Thánh phụ Hán Công, thánh mẫu Trần Chiêu được thờ cả ở bốn ngôi đình của bốn làng nói trên. Năm nào cũng vậy đúng vào ngày sinh của các thánh ngày mùng 7 tháng 1 âm lịch các làng lại mở hội chung. Nhưng hiện nay do chiến tranh phá hủy nên chỉ có làng Tỏi Thủy và Mai Thôn vẫn khôi phục được đình làng, còn làng Tỏi Đồng và Tỏi Mão chỉ còn chùa không còn đình. Đình làng Tỏi Thủy được xây dựng lại vào năm 2003 trên nền đất cũ. Đình được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu hiện đại theo kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, gồm tòa tiền tế và hậu cung. Trong hậu cung có bày trí các đồ thờ tự và là nơi bày đặt bài vị và ngai thờ. Đình hướng mặt về phía nam, nhìn ra sông Đuống, lưng tựa vào đê. Phía trước đình là khoảng sân rộng, ở đây vẫn còn dấu vết của cổng nghi môn. Lễ hội của đình làng được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trước đó vào ngày 13, các cụ trong ban tế lễ đã mở của đình làm lễ bao sái đồ thờ tự và phong cờ quạt. Đến sáng 14 tổ chức lễ tế. Lễ tế diễn ra trong hai tuần hương. Đến chiều ngày 14 làm lễ tạ. Lễ vật dùng để dâng Thánh bao gồm: xôi, thủ lợn, oản, hoa quả, rượu… Ngoài ra các ngày mùng 1 và 15 hàng tháng đình đều mở cửa để dân làng đến thắp hương lễ Thánh.

Đình làng Mai Thôn được tháo dỡ vào năm 1946 để thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến. Khi hòa bình lập lại nhân dân xây dựng một ngôi nhà nhỏ để thờ Thánh. Đến năm 1993 mới xây dựng lại khang trang như hiện nay. Ngôi đình có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm hai tòa tiền tế và hậu cung. Tòa tiền tế có ba gian hai chái. Trong tòa tiền tế có đặt một hương án lớn trên đó có bày đặt các đồ thờ tự. Sau tòa tiền tế là hai gian hậu cung là nơi tôn nghiêm đặt ngai thờ và bài vị đức thánh cùng một số đồ thờ tự khác. Đình Mai Thôn cũng mở hội vào ngày mùng 7 tháng 1 âm lịch hàng năm. Đây là ngáy sinh của các thánh. Sáng ngày mùng 6 mở cửa đình bao sái đồ thờ tự và phong cờ quạt. Ngày mùng 7 là chính hội đình, làng tổ chức lễ rước từ nghè ra đình để tế và mở hội. Đám rước có quan viên tế cùng đầy đủ nam thanh nữ tú trong làng. Lễ tế diễn ra trong ba tuần hương. Lễ vật tế rước gồm có: xôi, thủ lợn, phẩm oản, rượu, hoa quả… Sau phần lễ là tới phần hội với các trò

chơi dân gian như: đánh đu, bịt mắt bắt dê. Các hình thức diễn xướng dân gian như: hát quan họ, hát chèo, diễn tuồng… Ngoài ra các ngày mùng 1 và 15 âm lich hàng tháng làng đều mở của đình để nhân dân dâng hương hoa lễ vật cúng Thánh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TRUYỀN THUYẾT VÙNG LỤC ĐẦU GIANG (NGHIÊN CỨU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUẾ VÕ VÀ GIA BÌNH, TỈNH BẮC NINH) (Trang 84 -89 )

×