Truyềnthuyết Thánh Tam Giang với lễ hội ở xã Vân Dương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết vùng lục đầu giang (nghiên cứu trên địa bàn huyện quế võ và gia bình, tỉnh bắc ninh) (Trang 89 - 91)

Chương 2 GIÁ TRỊ TRUYỀN THUYẾT VÙNG ĐẤT LỤC ĐẦU GIANG

3.1.2.Truyềnthuyết Thánh Tam Giang với lễ hội ở xã Vân Dương

3.1. Truyềnthuyết huyện Quế Võ với lễ hội dân gian về các vị Thánh

3.1.2.Truyềnthuyết Thánh Tam Giang với lễ hội ở xã Vân Dương

Thánh Tam Giang được thờ ở 372 làng của sáu tỉnh, mười báy huyện thị như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình… Lễ hội Thánh được tổ chức hàng năm nhưng đặc sắc nhất là lễ hội ở quê hương sinh ra các Thánh đó là làng Vân Mẫu, Vân Hợp, Lãm Dương, Chu Mẫu. Thôn Vân Mẫu có nhà Cố Trạch nằm ở phía đông của xóm làng. Ngôi nhà ngày xưa chỉ là một túp lều cỏ đủ che mưa che nắng cho Đức Thánh Mẫu Phùng Thị Từ Nhan, sau này mới được nhân dân công đức để xây dựng lại bằng gạch ngói. Ngôi nhà Cố Trạch ngoảnh mặt ra hướng Nam. Thôn Chu Mẫu có Nghè thờ tứ vị Thánh. Nghè nắm ở phía đông bắc của làng. Trong Nghè có bốn pho tượng của bốn vị Thánh họ Trương. Ngoài ra làng Chu Mẫu còn có miếu Cô ở ngoài cổng làng (nay đã được xây dựng lại thành ngôi đền thờ khang trang). Làng Lãm Dương và làng Vân hợp đều có đình thờ các vị thánh Tam Giang. Đây là cụm di tích cấp quốc gia. Nên lễ hội được tổ chức hàng năm rất long trọng và trang nghiêm.

Một năm có ba ngày lễ hội: Ngày mùng 5 tháng 1 là ngày sinh của các Thánh bốn làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các Thánh. Tứ đầu tháng đại diện của bốn làng trong cụm di tích thờ Thánh Tạm Giang đã họp tại đình Vân Mẫu để bàn bạc và thống nhất mọi thủ tục trong lễ hội. Ngày mùng 4 tháng 1 các thôn làm lễ mở của đình, nghè, miếu để bao sái tượng và các đồ thờ cúng. Sáng ngày mùng 5 ba làng Vân Mẫu, Vân Hợp và Lãm Dương tiến hành rước lễ gồm: Xôi gà, hoa quả, chè thuốc, rượu, trầu cau, tiền vàng âm… và hòm sắc, bát nhang sang Nghè làng Chu Mẫu để làm lễ tế chung. Làng Chu Mẫu có Nghè Và Đền Cô (Miếu Cô) nên không phải rước mà chỉ mang lễ ra Nghè và Đền để chờ các làng rước đến là tiến hành làm lễ tế. Lễ tế tiến hành trong một tuần hương, Trưa đến tiến hành hạ lễ để mọi người cùng thụ lộc Thánh lấy may. Chiều ngày mùng 5 các làng cùng tổ chức phần hội, vì anh em Thánh Tam Giang là tướng võ nên trò chơi đấu vật là chính. Sới vật là bãi đất rộng cạnh Nghè, ở giữa bãi đất là một ô hình chữ nhật rộng

khoảng 10 m2 đổ cát mịn lấy từ sông Cầu về. Các đô vật tham gia thi đấu chủ yếu là người dân ở bốn thôn quê hương Thánh Tam Giang và một số khách thập phương. Tất cả các đô vật phải mình trần đóng khố. Giám khảo và trọng tài cuộc thi là lãnh đạo của bốn thôn. Trước khi vào vật, hai đô vật lễ vọng vào trong Nghè thờ Thánh. Cuộc thi bắt đầu, các đô vật lên lễ đài. Sau một hồi khua chân múa tay để rình miếng nhau, họ mới xông vào ôm lấy nhau. Họ lừa nhau, dùng những miếng để vật ngửa địch thủ. Một đô vật giỏi, không chỉ cần khỏe mà cần nhanh nhẹn để có thể thi thố những miếng vật bất ngờ mới đủ hạ được đối phương. Theo quy định, muốn thắng phải vật cho đối phương "ngã ngửa trắng bụng" hay còn gọi là "lấm lưng trắng bụng" hoặc nhấc bổng được đối phương lên. Lúc vật, khi biết mình bị " bắt bài" (gọi là lỡ miếng), đô vật liền nằm bò sát đất, mặc cho đối phương vằn bốc nhằm tránh bị nhấc khỏi mặt đất, và chỉ nhổm dậy khi đối phương hở cơ. Có hai người làm nhiệm vụ phất cờ và đánh trống trong lúc các đối thủ vật nhau. Người đánh trống cầm một chiếc trống khẩu ghé vào tai các lực sĩ đánh ba tiếng một như để khuyến khích thúc giục. Người phất cầm cờ cán dài để ngăn cản người xem khỏi lấn vào sân vật và phất cờ theo nhịp trống khi có người thắng cuộc để cổ động người thắng. Giải thưởng của vật thường có một giải nhất, một giải nhì, hai giải ba và những giải phụ dành cho ai thắng một keo vật bất kỳ. Phần thưởng của mỗi giải chỉ là những vật dụng như: xoong nồi, mâm, thau…Mặc dù phần thưởng không lớn nhưng các đô vật của mảnh đất có tinh thần thượng võ vẫn tham gia thi đấu rất sôi nổi. Dân làng của xã Vân Dương và khách thập phương về dự hội đứng xem kín cả khoảng sân rộng, họ cổ vũ bằng những lời khích lệ và những tràng pháo tay thật giòn giã. Chiều tối ngày mùng 5 giải đấu vật kết thúc, ba làng Vân Hợp, Vân Mẫu, Lãm Dương lại rước hòm sắc, bát nhang về đình làng mình an vị.

Đến ngày 15 tháng 4 là ngày giỗ Thánh mẫu, người đã sinh ra năm anh em Thánh Tam Giang 372 làng thờ thánh Tan Giang lại tiến hành rước lễ và rước vía thánh con về nhà Cố Trạch và đền Vân Mẫu để làm giỗ mẫu. Lễ rước thường diễn ra từ ngày 14. Các làng ở xa thì chỉ cử người mang lễ về, không tiến hành rước. Ngày 15 các làng tổ chức lễ tế chung. Chủ tế là một bậc cao niên người làng Chu Mẫu, dân làng phải chon một người sống nhân đức, con cái đủ bề có trai có gái, gia

đình hòa thuận, kinh tế khá giả, không có đại tang, đứng ra làm chủ tế. Ai được chọn làm chủ tế là một vinh dự của gia đình, dòng họ. Quan viên tế là đại diện của bốn làng trong xã Vân Dương. Ngoài ra làng Phương La ở huyện Yên Phong và làng Phượng Nhỡn của huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang là nơi phát tích của đức thánh cả Trương Hống và con trai ông là Trương Kiểu cũng cử quan viên mang lễ vật về tế góp. Sau đó diễn ra tục “Vật vía”: Kiệu Thánh các làng được rước ra bãi Cửa Cữu (tương truyền là nơi Thánh Mẫu sinh ra các Thánh) để vật vía. Tại đây các đô vật của các làng sẽ thi vật và đây chính là “hèm” độc đáo về Thánh Tam Giang. Sau đó kiệu Thánh của làng nào rước về làng ấy để tế lễ, mở hội. Phần hội được tổ chức vào tối 14, chiều và tối 15 cùng ngày 16 với các trò chơi dân gian như: đu cây, đấu vật, cờ người, kéo co, hát chèo, hát quan họ…

Các đức Thánh Tam Giang mất vào ngày 10 tháng 4 nhân dân bốn làng của xã Vân Dương lại cử đại diện đến Nghè làng Chu Mẫu vào sáng sớm để tổ chức lễ rước vong bốn Thánh ra Miếu Cô làm lễ tế chung. Chiều tối lại rước vong về Nghè thờ cúng. Các làng này cò phải cử người đại diện đi ăn giỗ Thánh ở các nơi khác, vì thông thường gần đến ngày giỗ Thánh là các làng thờ Thánh Tam Giang lại gửi lời mời cán bộ và nhân dân quê hương đức Thánh về dự hội. Những nơi đó sẽ mở hội lớn vào ngày này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết vùng lục đầu giang (nghiên cứu trên địa bàn huyện quế võ và gia bình, tỉnh bắc ninh) (Trang 89 - 91)