5. Kết cấu của luận văn
1.1.6. Các yếu tố tác động đến tạo động lực làm việc cho người lao động
1.1.6.1. Các yếu tố thuộc về môi trường bên trong
a) Mục tiêu và chiến lược của công ty
Mục tiêu và chiến lược của Công ty là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới việc tạo động lực cho nhân viên. Một công ty mà có mục tiêu và chiến lược rõ ràng sẽ thúc đẩy được hoạt động kinh doanh tốt điều này sẽ tác động tốt lên các chính sách về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên làm việc tại đây. Nhưng điều quan trọng hơn cả là việc xây dựng các mục tiêu, các chiến lược của công ty tại thời điểm hiện tại và tương lai có hợp lý hay không, có phục vụ cho mục đích của công tác tạo động lực hay không mới là vấn đề đáng được quan tâm bởi điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới công việc, tới quyền lợi được hưởng của nhân viên. Một chiến lược được đưa ra chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi nhuận mà không chú trọng và quan tâm tới vấn đề phát triển con người thì đương nhiên công tác tạo động lực lao động sẽ không được quan tâm nhiều và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả lao động. Như vậy, các mục tiêu và chiến lược đưa ra có tác động tốt hay xấu lên việc tạo động lực cho nhân viên
phụ thuộc nhiều vào nội dung của chiến lược mà lãnh đạo đưa ra có hướng tới vấn đề này nhiều hay không. Thông qua việc thực hiện các chiến lược này của doanh nghiệp cũng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nhân viên làm việc hăng say và nỗ lực không ngừng trong công việc bởi họ nhìn thấy doanh nghiệp cũng đang ngày một nỗ lực và cải thiện không ngừng để đưa ra các chiến lược các mục tiêu có lợi hơn đối với nhu cầu cần được đáp ứng của nhân viên.
b) Phong cách lãnh đạo trong doanh nghiệp
Phong cách lãnh đạo độc đoán chuyên quyền, dân chủ hay tự do đều có ảnh hưởng rất lớn đến động lực của người lao động. Mỗi phong cách lãnh đạo có những tác động khác nhau cho nhiều trường hợp. Nếu quá độc đoán sẽ gây ra tâm lý căng thẳng, sợ sệt, mất đi tính tự chủ, sáng tạo của người lao động. Nếu quá dân chủ thì lại khó có thể ra được quyết định nhanh, kịp thời khi mà thời gian để ra quyết định là quá ngắn. Nếu lãnh đạo theo phong cách tự do nhà quản lý có thể tạo ra động lực rất lớn cho người lao động nhưng cũng có thể làm cho tổ chức trở nên đổ vỡ. Lựa chọn phong cách nào cho phù hợp với từng hoàn cảnh và trường hợp khác nhau sẽ có ý nghĩa rất lớn trong công tác tạo động lực. Để tạo được động lực cho người lao động, nhà quản lý phải tạo dựng được lòng tin, sự tôn trọng từ cấp dưới, phải thể hiện rõ thiện cảm hợp tác và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người lao động, đồng thời cũng phải biết đưa ra chính kiến của mình
c) Quan điểm của lãnh đạo về vấn đề tạo động lực cho người lao động Trong một doanh nghiệp, quan điểm cũng như quyết định của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến các chiến lược, chính sách của doang nghiệp trong đó có các chính sách để tạo động lực làm việc cho người lao động. Nếu lãnh đạo có những quan điểm chú trọng tới công tác tạo động lực cho nhân viên nhiều hơn các công tác khác thì công tác này sẽ gặp rất nhiều thuận lợi bởi mức đầu tư cho công tác này sẽ nhiều lên, các nội dung và các biện pháp đưa ra nhằm hoàn thiện công tác tạo động lực sẽ được quan tâm,
được đề cập nhiều hơn để làm sao ngày càng hoàn thiện và nâng cao bởi con người luôn là yếu tố trung tâm quyết định sự thành bại của mọi vấn đề.
d) Văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống những giá trị, những niềm tin, những quy phạm được chia sẻ bởi các thành viên trong doanh nghiệp và hướng dẫn hành vi của những người lao động trong doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp có phù hợp với người lao động hay một môi trường làm việc thân thiện sẽ là một trong những điều kiện thu hút người lao động mới vào làm việc và giữ được người lao động cũ ở lại doanh nghiệp làm việc. Việc này dẫn đến các nhà quản lý sẽ tạo động lực như thế nào để phù hợp văn hóa tổ chức của doanh nghiệp mình.
e) Cơ cấu lao động của công ty
Cơ cấu lao động được thể hiện qua giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn… Như vậy, với cơ cấu lao động đa dạng và phong phú sẽ dẫn đến tâm lý và nhu cầu của các nhóm đối tượng này là khác nhau. Điều này làm cho nhà quản lý phải tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ lưỡng đối với từng nhóm lao động cụ thể để có thể hiểu hết được nhu cầu và mức độ mong muốn của họ để thoả mãn một cách tối đa nhất hay chỉ để xây dựng được các chính sách tạo động lực cần dựa vào cơ cấu lao động của tổ chức đó sao cho đáp ứng nhu cầu và mong muốn của đại đa số nhân viên trong doanh nghiệp.
1.1.6.2. Yếu tố thuộc về môi trường bên ngoài
a) Chính sách pháp luật của Nhà nước
Chính sách pháp luật của Nhà nước là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động và lợi ích của Nhà nước. Luật pháp đảm bảo cho sự bình đẳng của mọi cá nhân trên thị trường lao động, ngăn cấm sự phân biệt đối xử trong sử dụng lao động. Hệ thống luật pháp càng tốt thể hiện sự vững mạnh của nền hành chính quốc gia, sự ổn định về chính trị. Cùng với xu hướng phát triển thì hệ thống luật pháp ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, góp phần làm cho môi trường làm việc trở lên hấp
dẫn hơn, tạo thêm cơ hội làm việc cho người lao động, kèm theo đó là các quyền lợi của người lao động cũng càng ngày được đảm bảo hơn.
b) Điều kiện kinh tế, chính trị của cả nước và địa phương
Các yếu tố kinh tế phải kể đến ở đây như: chu kỳ kinh tế, tốc độ phát triển, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng… hay các yếu tố về ổn định kinh tế - chính trị xã hội đều có ảnh hưởng tới công tác tạo động lực cho nhân viên. Chẳng hạn, khi có lạm phát xảy ra, nếu các tổ chức biết điều chỉnh tiền lương sao cho đảm bảo tiền lương thực tế của nhân viên với mức sống của họ thì đương nhiên nhân viên sẽ an tâm hơn với công việc bởi họ không phải quá bận tâm nhiều tới vấn đề lạm phát và leo thang của giá cả đang diễn ra, qua đó sẽ làm việc hiệu quả hơn điều sẽ gián tiếp thúc đẩy quá trình tạo động lực cho nhân viên của doanh nghiệp.
c) Đặc điểm cơ cấu của thị trường lao động
Đặc điểm cơ cấu thị trường lao động có ảnh hưởng gián tiếp đến việc tạo động lực lao động. Ví dụ, nếu thị trường lao động một loại ngành nghề nào đó đang dư thừa thì người lao động sẽ có tâm lý thiếu an toàn cho công việc mà mình đang làm bởi họ cảm nhận được nguy cơ mất việc làm là rất cao. Do đó, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh chính sách tạo động lực cho phù hợp để có thể thu hút cũng như giữ chân nhân viên ở lại gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
d) Vị thế của ngành
Những ngành nghề đang có vị thế cao thì động lực lao động của nhân viên làm việc trong ngành đó cũng cao bởi họ sẽ cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn với công việc mình đang làm mà không cần phải bận tâm lo lắng tới sự phát triển của ngành nghề mà họ đang làm để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà không lo tới việc phải cắt giảm lao động vì sự đi xuống của vị thế ngành, song không vì thế mà những doanh nghiệp đang có vị thế ngành lại có thể quên đi tầm quan trọng của việc tạo động lực cho nhân viên mà cần phải
lấy đó là tiền đề để ngày càng củng cố và xây dựng nên một chính sách tạo động lực hoàn thiện và có hiệu quả hơn
e) Chính sách nhân sự của các doanh nghiệp khác
Bao gồm các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Người lao động luôn có xu hướng đứng núi này trông núi kia. Việc trả lương, thưởng, môi trường làm việc hay những chính sách của doanh nghiệp áp dụng phải phù hợp với thị trường nếu không động lực làm việc họ sẽ thấy chán nản từ đó dẫn đến hiệu công việc không cao, có thể dẫn đến việc luân chuyển công việc từ nơi này đến nơi khác bởi họ nghĩ những gì mà mình bỏ ra không được bù đắp.