Giọng điệu chiêm nghiệm triết lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thế ly hương, hoài niệm trong thơ y phương và mai liễu (Trang 88 - 91)

- HOÀI NIỆM TRONG THƠ Y PHƯƠNG VÀ MAI LIỄU

3.3.3. Giọng điệu chiêm nghiệm triết lý

Có một âm sắc mới lạ và độc đáo trong thơ Y Phương, Mai Liễu, đó là giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý. Khi bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời, thơ Y Phương và Mai Liễu không còn đơn giản là những cung bậc cảm xúc nữa mà nó là

những suy nghĩ thấm thía về tình yêu. Và có lẽ, chính điều này đã làm nên chất trí tuệ và tạo nên tính hiện đại cho những vần thơ của hai ông. Nhà thơ Mai Liễu chiêm

nghiệm về những lời mẹ dặn: Quả ớt cay ăn được cả vỏ/ Quả chuối ngọt bóc vỏ bỏ đi

[12, tr.97].

Người mẹ vùng cao lặng lẽ như núi đá ấy cũng là người thầy dạy con những triết lý mộc mạc mà minh triết đúng phong cách giao tiếp và dấu ấn ngôn từ của đồng bào DTTS. Ta gặp một chân lý tuy đơn giản mà sâu sắc trong lời dạy của mẹ. Hình thức và nội dung không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau. Có sự ngọt ngào được dấu kín trong cái vỏ đắng chát khám phá. Có sự đắng cay phải nếm trải rồi mới nhận ra giá trị của nó. Có những người mẹ vùng cao như thế, đứa con của mẹ làm sao có thể nông cạn và vô tình? Để rồi những năm tháng trôi qua, những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương cùng tấm lòng thơm thảo của người mẹ vùng cao đã trở

thành “sợi dây” neo giữ tình yêu quê hương, yêu cái đẹp, cái thiện của nhà thơ.: Quá

nửa đời người/ Tôi đã lật qua nghìn trang sách/ Mà cái vợt vừa cũ vừa rách trên tay

mẹ ngày ấy/ Còn run run mãi trong tôi [12, tr.183].

Một trong những yếu tố góp phần làm nên sự sâu sắc, trí tuệ ấy cho thơ Y Phương chính là giọng điệu thơ suy tư, triết lí, chiêm nghiệm. Y Phương mang cả tính triết lí về sự tồn tại của con người vào vạn vật trong cuộc sống vào thơ. Khi nói

về vai trò của người phụ nữ, Y Phương dùng cách nói đậm chất chiêm nghiệm: Em là

mực trong ngòi/ là cơm trong nồi/ Là gà gáy nhưng cũng là quả ớt/ Những gì anh có

được/ Đều bắt đầu từ em…[22, tr.91]. Những hình ảnh so sánh ví von gần gũi mộc

mạc có phần hài hước nhưng lại khái quát lên được tính cách và tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội. Sự tiếc nuối tuổi trẻ của người phụ nữ thơm như cỏ này đã trở thành bà nội, còn với ông cũng đã trở thành một con bò già. Cách ví von, so sánh của Y Phương đã tạo cho hình ảnh thơ những sự liên tưởng độc đáo. Khi viết về người miền núi mạnh mẽ, dẻo dai, giàu ý chí nghị lực, Y Phương đã dùng không gian để đo tình cảm ý chí: Người đồng mình yêu lắm con ơi/ Cao đo nỗi buồn / Xa nuôi chí lớn [22, tr.105].

Trong số các nhà thơ DTTS, Y Phương là người đi tiên phong trong việc tìm tòi, đổi mới giọng điệu thơ. Ông đã gia tăng chất nghĩ cho thơ mình. Trước cuộc sống

đầy phức tạp, tác giả đã nhận thức được nhiều điều về cuộc sống. Khi đã trải qua mấy chục năm của cuộc đời, nhà thơ chiêm nghiệm về cuộc sống và nghiệm ra được

nguyên lý xã hội loài người: Ngót sáu mươi năm đi bộ/ Bây giờ anh mới gặp/ Một hồ

nước lân tinh/ Một vườn người tươi xanh/ Ngược đồi gió mang theo hơi ấm [1,

tr.370] Y Phương viết về mình trong nhân vật trữ tình, nhà thơ sử dụng nghệ thuật ẩn dụ tu từ ngữ nghĩa nhằm xây dựng hình tượng thẩm mỹ, ở đó là con người với sáu mươi năm đi bộ để đến giờ mới gặp được hồ nước lân tinh, vườn người tươi xanh, đồi gió mang hơi ấm. Những hình ảnh ấy luôn chứa đựng một trạng thái tâm lý, sự trải nghiệm của cuộc đời đã đưa đến những nhận thức về hiện thực cuộc sống.

Lấy cảm hứng từ lịch sử, Y Phương viết về thành cổ, đền vua Lê trong một

trạng thái cảm xúc và cách nhìn khá đặc biệt: Thành cổ đổ nát/ Những viên gạch vồ/

Những viên đá tảng/ Lăn lóc trong cỏ cây lúp xúp/ Bỗng con trăn mào đỏ / Ngóc đầu

dậy/ Thành cổ lung linh [1, tr.369] Bài thơ là nỗi niềm hoài vọng về quá khứ huy

hoàng. Một thành cổ - nơi vua chúa lập nghiệp nay chỉ còn lại là đống hoang tàn, đổ nát với những viên đá lăn lóc trong cỏ cây, chỉ còn lại chú trăn mào đỏ “ngóc đầu dậy” làm cho thành cổ một thời huy hoàng trở nên lung linh.

Trong các bài thơ triết lí về cuộc đời, Y Phương thường dùng nghệ thuật ẩn dụ

nhằm biểu đạt cho tính cách và trạng thái tình cảm của con người: Sông có người/ Họ

nói gì về thời nào/ Lúc tỏ/ Lúc mờ/ Con vạc đi ăn đêm/ Nó kêu trời rõ lắm [1, tr.370]

Hình ảnh con sông có người lúc mờ lúc tỏ, con vạc đi ăn đêm kêu trời, còn con người lặng lẽ như những bông hoa…Tất cả tạo nên một trường nghĩa trong sự liên tưởng giữa thực và ảo, giữa thiên nhiên và con người trong sự gắn kết, giao hòa với nhau.

Là một trí thức thời hiện đại, càng về sau, giọng điệu triết lý trong thơ tình yêu Y Phương càng được thể hiện sâu sắc và thấm thía. Đó là chất giọng góc cạnh, sắc sảo nhưng trầm lắng, da diết. Chính giọng thơ giàu chất trải nghiệm và suy tư về tình yêu đã đem đến thành công trong việc biểu đạt thế giới nội tâm phong phú, đa chiều của con người. Có thể thấy, trong thơ Y Phương khi viết về con người miền núi, giọng thơ chứa chan tính chiêm nghiệm, triết lý. Những con người miền núi hiện lên dũng cảm, tài hoa, dù đi đâu vẫn tự hào về họ. Tình yêu của con người miền núi với hai sắc thái đắm say cuồng nhiệt trong tuổi trẻ và ngậm ngùi khi tuổi già đến. Bên

cạnh đó, các tác giả còn chiêm nghiệm về những vấn đề thuộc lịch sử, đời sống xã hội và những triết lý nhân sinh trong con người….

Nhà thơ Y Phương và Mai Liễu sử dụng linh hoạt, đa dạng các giọng điệu nghệ thuật trong thơ của mình. Trong đó, giọng điệu ngợi ca là giọng điệu chủ đạo trong những sáng tác ở giai đoạn đầu, khi nhà thơ còn trẻ. Giọng điệu hoài niệm, khắc khoải, tiếc nuối và giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý xuất hiện nhiều trong các sáng tác khi nhà thơ bước sang tuổi xế chiều. Việc sử dụng nhiều giọng điệu khác nhau sẽ mang lại hiệu quả cao trong biểu đạt cảm xúc, đặc biệt là diễn tả tâm thế ly hương, hoài niệm trong thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thế ly hương, hoài niệm trong thơ y phương và mai liễu (Trang 88 - 91)